Home Blog Page 1469

‘Nhà nước pháp quyền’ hay ‘Nhà nước pháp trị’?

BBCVietnamese.com
Lê Công Định
Luật sư, TP. HCM

“Nhà nước pháp quyền” là một khái niệm được đề cập đến nhiều từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986.

Về mặt ngữ nghĩa, hai chữ “pháp quyền” không gợi lên một cách chính xác ý nghĩa của cụm từ Nhà nước pháp quyền, mà chúng ta thường hiểu là một thể chế nhà nước được điều hành và cai trị bằng luật pháp.

Đây là khái niệm được du nhập từ nền văn minh pháp lý phương Tây. Truyền thống pháp lý Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng không có khái niệm này (dù rằng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Hoa đã xuất hiện trường phái chủ trương áp dụng hình luật nghiêm khắc để trị dân – Pháp trị chủ nghĩa – với nhà tư tưởng tiêu biểu Hàn Phi Tử).

Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc từ khái niệm “État de droit” (tạm dịch là “Nhà nước [cai trị bằng] luật pháp”) trong Pháp ngữ, và “Rule of law” (tạm dịch là “sự cai trị bằng luật pháp” hoặc “sự thống trị của luật pháp”) trong Anh ngữ.

Thật ra, chữ thích hợp để dịch hai thuật ngữ tương đồng này ở Âu-Mỹ đáng lẽ phải là Nhà nước pháp trị thay vì Nhà nước pháp quyền (cũng xin lưu ý rằng chữ “quyền” trong Hán ngữ mang nghĩa “nắm tay, nắm đấm” hoặc “quyền lợi” hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa của hai thuật ngữ “État de droit” và “Rule of law”). Do vậy, thiết tưởng nên sử dụng từ Nhà nước pháp trị, vừa chính xác vừa dễ hiểu, lại tránh tình trạng diễn giảng sai lệch ý nghĩa.

Quan niệm về Nhà nước pháp trị cùng với ý định soạn thảo một bản hiến pháp cho Việt Nam đã manh nha vào những năm 1920 và 1930 từ cuộc vận động thành lập thể chế quân chủ lập hiến do các nhà ái quốc đương thời khởi xướng nhằm tranh đấu từng bước chống lại ách cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên cuộc vận động này sau đó đã thất bại và phải chờ đến năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên mới được ban hành. Bản Hiến pháp của nước Việt Nam mới này đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên tòa lâu đài Nhà nước pháp trị trên thực tế.

Tuy mang nhiều nội dung và sắc thái đa dạng khác nhau, song để có thể xác định sự hiện hữu của một nhà nước pháp trị cần phải hội đủ tối thiểu những đặc điểm cơ bản sau đây:

1. Tam quyền phân lập

Đối với một nhà nước pháp trị, toàn bộ hệ thống chính trị và quản lý nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Quyền lực nhà nước, bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, phải được phân chia thành ba bộ phận độc lập, riêng biệt và kiểm soát lẫn nhau. Sự phân quyền minh bạch như vậy sẽ giúp tránh tình trạng lạm quyền và dân chủ hình thức.

Một thể chế vận hành trên nền tảng tam quyền phân lập một cách thực chất đòi hỏi những người hoạt động trong các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hoàn toàn độc lập, chuyên nghiệp và hành xử công việc không kiêm nhiệm. Không thể có tình trạng một công chức thuộc bộ máy chính phủ hoặc thẩm phán thuộc ngạch tòa án lại kiêm nhiệm đại biểu quốc hội.

Ngoài quyền ban hành luật áp dụng cho toàn thể xã hội, quốc hội cũng thủ giữ vai trò “khắc chế” xu hướng lạm quyền của những quan chức nhiều quyền hành thuộc ngành hành pháp. Phàm là con người thì ai cũng có khuynh hướng tư lợi và lạm quyền một khi được trao quyền hành trong tay. Nếu chỉ “xử lý nội bộ” hoặc “phê và tự phê” thì không bao giờ diệt trừ tận gốc và ngăn ngừa sự tái diễn của thói quan liêu, tham nhũng, cùng những thói hư tật xấu khác của các quan chức hủ hóa.

Tuy nhiên, nếu sự tồn tại của một chính phủ tùy thuộc vào sự tin tưởng trao phó quyền hạn từ dân chúng, và mọi động thái hành xử quyền hành đều đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ phía đại biểu của dân trong quốc hội hay nghị viện, thì tự khắc một chính phủ đương quyền sẽ có nhu cầu tự thân và ý chí đủ mạnh để thiết lập nên một hệ thống đề kháng nội tại nhằm tận diệt mọi mầm mống phát sinh những tệ đoan và thanh lọc nhanh chóng hàng ngũ quan chức của mình.

Nếu sự phân quyền không minh bạch, mà chỉ đơn thuần là phân công, phân nhiệm trong khi mọi quyền hành thực sự lại tập trung vào một định chế duy nhất, thì đấy chỉ là sự phân quyền nửa vời mà thôi; và điều này tất nhiên không thể được định danh là nhà nước pháp trị.

Triết gia Montesquieu, cha đẻ của thuyết tam quyền phân lập, và những nhà tư tưởng hậu duệ của ông ngày xưa chắc không thể nào ngờ rằng sẽ có ngày học thuyết của mình lại được điều chỉnh thành “tam quyền phân nhiệm” như vậy!

2. Thượng tôn luật pháp

Trong một nhà nước pháp trị, nơi mà nhà cầm quyền cai trị xã hội bằng luật pháp, tinh thần thượng tôn luật pháp là lẽ đương nhiên. Thượng tôn luật pháp được thể hiện ở chỗ cả bộ máy công quyền lẫn công dân cùng “quy ước” với nhau chỉ tuân thủ và áp dụng các đạo luật và văn kiện lập pháp tương đương khác do quốc hội hay nghị viện ban hành một cách minh bạch.

Tất nhiên, khi hành xử quyền hành pháp, chính phủ và các cơ quan trực thuộc có thể soạn thảo những văn kiện lập quy để những viên chức trong bộ máy công quyền dễ dàng thực hiện công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Người dân lẽ ra không cần biết đến những văn kiện lập quy này, đặc biệt những loại có đóng dấu “mật”, vì họ chỉ phải tuân thủ những gì do chính cơ quan mà họ trực tiếp bầu nên soạn thảo và ban hành.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, như Bộ Luật dân sự hay Luật đất đai chẳng hạn, tuy đã được ngành lập pháp ban hành nhưng còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của những văn kiện lập quy như nghị định và thông tư của ngành hành pháp. Đó là chưa kể đến một thực tế vẫn diễn ra thường xuyên là các cơ quan công quyền, đặc biệt Chính phủ và các Bộ, khi ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành một đạo luật đã tự ý áp đặt cách giải thích luật của mình hoặc đặt ra các thủ tục mà luật không minh định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền lợi của người dân vốn đã được đạo luật ấy công nhận.

Trong một nhà nước pháp trị, cơ quan lập pháp và các thành viên của nó phải chủ động soạn thảo dự án luật, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ các Bộ trình sẵn để tranh luận và biểu quyết. Chính những đại biểu dân cử sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực đối tượng của đạo luật. Thực thi quyền soạn thảo luật như vậy cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “nghị gật” trên diễn đàn quốc hội.

Thượng tôn luật pháp còn đòi hỏi mọi văn kiện lập pháp và lập quy đều phải tuân thủ hiến pháp. Công dân được quyền thách thức tính hợp hiến của luật và các văn bản dưới luật bằng việc khởi kiện trước tòa bảo hiến. Tòa bảo hiến – dù được tổ chức như một định chế riêng biệt hay là một bộ phận của tòa án tối cao – sẽ đảm đương công việc bảo vệ hiến pháp và có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ các đạo luật, nghị định, thông tư hoặc quyết định vi hiến.

Tình trạng thông tư và nghị định của ngành hành pháp mâu thuẫn với các đạo luật của cơ quan lập pháp như hiện nay chắc chắc cũng không thể tồn tại nếu có tòa bảo hiến. Quốc hội khi đó sẽ nghiêm túc hơn khi soạn thảo luật, cơ quan công quyền sẽ cẩn thận hơn khi điều hành quốc gia. Không ai có thể tiếp tục tại vị để đùa với dân khi mà hôm nay ban hành quyết định này, ngày mai lại sửa đổi, thậm chí hủy bỏ chính quyết định đó!

Toàn văn bài viết đã đăng trên báo Pháp Luật TP. HCM Chủ Nhật, 12-3-2006.

……………………………………………………..

Quang Duy, Canberra
Tòa bảo hiến thì phải có thực quyền. Hiến pháp 1992 thì chỉ là hình thức đầy rẫy các khuyết điểm. Thí dụ, chiếu theo điều 4 “mọi tổ chức của đảng họat động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp” và điều 57 “công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của luật pháp”. Trong khi đó đại hội X đang bận rộn với câu hỏi “có nên cho đảng viên quyền tự do kinh doanh hay không?” và nếu có thì phải sửa lại cương lĩnh của đảng. Chỉ riêng điều này cương lĩnh của đảng lâu nay vi hiến.

Cần biết các hiến pháp sau hiến pháp 1946 đều do các nghị quyết của đảng tạo ra. Nếu đại hội X không cho phép, biết đâu các đảng viên đang là doanh nhân sẽ đưa đảng ra tòa bảo hiến. Biết đâu người dân cũng lại đưa đảng ra tòa đòi lại hiến pháp 1946 mà đảng đã cất đi không hỏi ý kiến của dân. Rồi giới truyền thông sẽ đưa đảng ra tòa đòi quyền tự do báo chí. Dân sẽ đưa đảng ra tòa vì tiếm đọat mọi quyền tự do.

Tôi tin rằng đảng đã có cách để lách và Tòa bảo hiến chỉ lập ra cho có hình thức như các tổ chức khác. Như luật trưng cầu dân ý vừa được hòan thiện sẽ mang ra Quốc Hội bàn vào cuối năm nay. Quốc hội được quyền hỏi ý dân nhưng cấm không được hỏi về hệ thống chính trị và thể chế chính trị hay vai trò của đảng. Thế thì cần gì phải hỏi ý dân nữa.

Minh Nam, Hà Nội
Thưa bạn Dân Việt: Luật sư Định không bàn cụ thể về luật Đất đai mà bàn vấn đề lớn hơn nhiều: xây dựng nhà nước pháp quyền (pháp trị).

Lẽ ra, luật Đất đai do quốc hội ban hành phải cụ thể đến mức chính phủ và dân cứ thế thi hành mà không bên nào có thể hiểu sai, hiểu theo ý mình. Đằng này, chính phủ tự giành lấy quyền giải thích luật theo ý mình (nghị định, thông tư) rồi khi tình hình rối bét thì lại “sửa” mà không chịu trách nhiệm gì ráo về hậu quả tai hại đã gây ra.

Chưa nói oan sai, uất ức, đau khổ, khiếu kiện đông người và dai dẳng do cái luật này gây ra… mà chỉ riêng số thời gian mà người dân tốn phí cho các giấy tờ để có quyền hợp pháp về đất đai (quyền sử dụng) nếu cộng lại đã dài tương đương hàng ngàn (hay chục ngàn) kiếp người rồi.

Nếu bàn về nguyên nhân gây đau khổ do luật đất đai thì đó là vì các vị lãnh đạo đảng ta chỉ sợ mất dần CNXH (hợp tác xã đã giải thể rồi nhé, giai cấp địa chủ và tư sản vừa tiêu diệt nay lại “ngóc đầu dậy” (doanh nhân, chủ trang trại); quốc doanh thì đang cổ phần hoá, uy tín đảng thì xuống dốc, các đoàn thể của đảng thì rệu rã (chỉ còn ở cấp trung ương)… thanh niên thì chán “kế tục” con đường XHCN của cha anh, công nhân thì đình công.

Do vậy, cái còn lại cuối cùng của CNXH là “đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân”. Mất nốt cái này thì “đặc trưng XHCN ở VN” chỉ còn một điều duy nhất: hễ còn đảng lãnh đạo thì còn XHCN, thế thôi.

VN hầu như nước cực hiếm có quy định đất đai thuộc sở hửu toàn dân mà đại diện là nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng ta. Trong khi các nước khác vẫn công nhận quyền tư hữu đất đai, vậy mà công điền công thổ của họ vẫn bất khả xâm phạm. Khi cần lấy đất của dân để làm công trình công cộng dân vẫn tự nguyện (đền bù vượt giá thị trường, đồng thời tôn vinh người dân mất đất).

Quy định của VN làm cho nhiều công chức (đảng viên) giàu lên bất thường do tham ô quỹ đất (đây là lĩnh vực có tham nhũng hàng đầu, số 1, theo tổng kết của ban Nội Chính đảng ta). Nhưng thôi, không phải chỗ bàn dài dòng về cái luật Đất đai này vì chắc chắn nó còn phải vá víu tiếp, chớ chưa yên đâu. Vấn đề ở đây là lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách ra, đảng phải có ranh giới rõ rệt với nhà nước.

Nếu không, sẽ còn nhiều luật khác gây rắc rối và đau khổ cho dân (như luật Đất đai mà bạn Dân Việt đề cập), còn nhiều quyền tự do ghi trong hiến pháp mà không bao giờ được thi hành đầy đủ. Các ông Mai Ái Trực, Đặng Hùng Võ là những người tốt hoạt động trong một cơ chế xấu (3 quyền không phân lập), thế thôi. Dẫu sao, hai ông này lãnh đạo bộ Tài nguyên – Môi trường cũng còn hơn để ông Bùi Tiến Dũng làm việc đó. Ở đâu cũng còn rất nhiều người tốt, nhưng họ chỉ phát huy cái tốt cá nhân trong cái khuôn mà họ bị nhốt vào.

Dân Việt
Nếu thực sự muốn cải cách hành chính thì một trong những lĩnh vực cần quan tâm cải cách hành chính mà ngưòi dân đã bức xúc từ lâu là “quản lý nhà đất và xây dưng”. Đây cũng là lĩnh vực nhà nước ban hành nhiều văn bản nhất, thay đổi nhiều nhất qua nhiều thời kỳ khác nhau khiến các cơ quan xử lý phải chia tách đối tượng xử lý thành nhiều giai đoạn theo hiệu lực pháp luật của các văn bản pháp luật đưọc ban hạnh.

Gần đây,chính phủ đã có những động thái quyết liệt về cải cách. Ngay sau khi Luật xây dựng năm 2003 (áp dụng từ 01-07-2004), chính phủ đã ban hành nghi định 16/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật xây dưng. Các điều khoản trong luật và nghị định rất chi tiết. Người dân có thể căn cứ vào những điều khoản luật ban hành để chuẩn bị những giấy tờ liên quan đến việc xây dựng công trình của mình.

Tuy nhiên,ở dưới địa phương thì lại khác. TP HCM ban hành quyết định 04/2006/QĐ-UBND ngày 07/01/2006 lại có thêm những cái đuôi mới và tới quận huyện thì khác hẳn.

Tôi đơn cử một ví dụ điển hình về thực chất và những hô hào cải cách hành chính như sau: Khoản 1 điều 62 Luật xây dựng quy định : Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì không phải xin giấy phép.

Nhưng trong quyết định 04/2006/QĐ-UBND ngày 07/01/2006 lại có thêm những cái đuôi mới : đó là nhà dạng này phải đến UBND Phưòng để được hướng dẫn. Vậy đến cấp phường thì sao? Ở phưòng nào thì tôi chưa rõ nhưng ở phường Bến Thành thì cán bộ UBND phưòng hướng dẫn người dân như sau : 1/ Điền vào một mẫu đăng ký sửa chữa nhà nguyên trạng. 2/ Nộp hai đơn xin sửa chữa nhà nguyên trạng. 3/ Bản photo các giấy tờ liên quan nhà đất. 4/ 02 bản vẽ hiện trạng nhà (do Phòng QLĐT lập). 5/ 02 ảnh chụp 9cm x 12 cm toàn cảnh căn nhà. Sau khi nhận đủ giấy tờ , nhân viên QLĐT phường xuống khảo sát hiện trạng nhà và sẽ trả lời chấp thuận cho Ông (Bà) sau một tuần.

Biến từ không thành có. Đặt thêm hẳn một quy trình cấp phép khép kín với đủ loại giấy tờ và thời gian cấp phép nhưng lại giải thích rằng đó không phải giấy “cấp phép xây dựng” và thực tế ở dịa phương này đã có gia đình phải xin giấy phép loại này chỉ vì thay một bộ cửa ra và .

Chính phủ vừa qua yêu cầu các địa phương bãi bỏ các văn bản trái luật cho thấy việc cần thiết lập lại trật tự trong việc ban hành các văn bản pháp luât. Ai là người ban hành và ai là người thi hành. Không thể nhập nhằng giữa Lập pháp và Hành pháp đươc.

Minh Nam, Hà Nội
Luật sư Lê Công Định là người bảo vệ tốt nhất vị trí lãnh đạo của ĐCSVN, vì xưa nay đảng ta đứng trên toà án, trên quốc hội, trên chính phủ và bất chấp pháp luật… mà không ai nói cho đảng biết. Thế là nguy hiểm lắm.

Phải xem gương đảng CS Liên Xô. Đảng này có công an và quân đội hùng mạnh, có mấy chục triệu đảng viên mà khi đổ sụp (vì vi hiến, dân chủ giả hiệu) thì lực lượng này không cứu nổi. Và cuối cùng cũng chẳng ai thương.

Đảng ta cũng vi hiến rất nặng nề, ví dụ hiến pháp nói rõ công dân đủ 21 tuổi có quyền ứng cử, công dân có quyền tự do ngôn luận và đủ thứ quyền khác. Từ ngày tôi sinh ra đến nay tôi không thấy ai được tự do ứng cử mà phải qua mặt trận tổ quốc (bọn nhóc chúng tôi đã bảo nhau rồi: từ nay, chỉ bầu cho người ứng cử tự do, nếu không sẽ gạch tuốt).

Nếu tôi không sinh hoạt trong bất cứ đoàn thể nào (đó là quyền của tôi) tôi không được mặt trận giới thiệu thì chớ, chả lẽ tự ứng cử cũng cấm nốt sao?

Đảng cho tự do bầu cử gì mà danh sách ứng cử rặt những đảng viên, do vậy quốc hội cũng “quái” ở chỗ 90% đảng viên. Thử hỏi, 80 triệu dân có 10% đại biểu, còn 3 triệu đảng viên (tức 3,6% dân số) chiếm 90% đại biểu trong quốc hội, thì một em học sinh cấp 2 cũng tính “mật độ” đảng viên đậm đặc đến mức nào?

Cơ quan hành pháp lẽ ra chỉ có việc răm rắp thi hành luật lại ngang nhiên ra thông tư và nghị định “giải thích luật” cho dân (đầy tớ giải thích cho ông chủ “ông được tôi cho phép đến mức này thôi nhé”). Quốc hội gì mà không nói đầy đủ nội dung các quyền dân: tự do ngôn luận là dân được quyền làm những việc sau: 1, 2, 3, 4…; tự do cư trú là thế nào, tự do xuất ngoại là thế nào… Nói thật nhé, bọn tôi vào internet là biết tất, chúng tôi còn căn vặn thầy dạy chính trị đến cứng họng kia. Nhưng chúng tôi muốn quốc hội nói rõ cho dân biết để cơ quan công quyền không thể bịp dân (chủ ngu mới để đầy tớ bịp).

Điều này không phải dân VN ngu đến nỗi không biết đâu; ai tưởng rằng “dân ngu” mới là người ngu, hoặc người có tâm địa rất xấu (vì cấm dân nói ra điều ngang ngược trên). Cứ bảo chính sách hộ khẩu là do bộ công an (!). Người ngu nhất nước cũng biết là do đảng.

Cố nhiên, những điều anh Định viết thì nhiều người đã biết, nhưng không dám nói. Ngày 03-2-2006 đảng ta mới chấp nhận các ý kiến khác biệt, tức là suốt 60 năm nay, từ khi nắm quyền cai trị đảng ta không chấp nhận ý kiến khác biệt nào hết. Sự thú nhận này rất có ý nghĩa, nói lên nhiều điều lắm nhưng đây không phải chỗ bình luận.

Nếu anh Định ra ứng cử chánh toà bảo vệ hiến pháp thì bọn tôi bầu ngay. Nhưng đảng ta có dám dùng anh hay không thì còn tuỳ theo cái tâm của đảng có đủ sáng, bản lĩnh đảng ta có đủ vững, lòng tin dân (nhất là tin thế hệ trẻ) có đủ cao.

Pháp Trị Là Gì?

Bo LI (Lý Ba)

“Chúng ta được tự do vì chúng ta sống với dân luật”

–Charles de Secondat Montesquieu–

“Pháp trị” là một trong những khái niệm luôn được nói tới nhưng hiểu biết rất ít trong truyền thông đại chúng và đối thoại hàng ngày ở Trung Quốc hiện nay. Vậy pháp trị là gì? Tầm mức quan trọng của nó ra sao? Phải chăng có pháp trị là không có “nhân trị”? Pháp trị có những điều kiện thể chế và hàm lượng văn hóa gì? Làm sao để chúng ta đạt được nền pháp trị? Tôi dự định giải đáp những thắc mắc vừa nêu với một loạt bài tiểu luận. Trong bài này, tôi sẽ chú trọng đến ý nghĩa và giá trị của pháp trị. Trong tiểu luận kế (phát hành số tháng 6 của Perspectives), tôi sẽ bàn tới vấn đề thực thi pháp trị.

Khởi đầu, tôi muốn lưu ý rằng ngày nay khi nói đến “pháp trị”, chúng ta nói đến một vấn đề hoàn toàn khác hẳn với quan niệm “pháp trị” như một phương tiện của các pháp gia thời thượng cổ trong lịch sử Trung Hoa. Ngày nay khi nói tới “pháp trị”, chúng ta muốn mô tả bộ phận chủ yếu của nền trật tự xã hội và chính trị tìm thấy tại Hoa Kỳ và các nước tự do dân chủ thời đại hiện tại. Nói cách khác, bàn tới “pháp trị”, chúng ta muốn nói tới một truyền thống Tây phương phát xuất từ cộng hòa La Mã và đã được phát triển toàn vẹn bởi thuyết hiến pháp trị tự do, mà đặc điểm của nó, qua lời của Max Weber, là “ưu thế của luật pháp”.

Khác biệt giữa “dụng pháp trị” [*] và “pháp trị” thật quan trọng. Sống dưới “dụng pháp trị,” luật pháp là một công cụ của chính quyền, và nhà cầm quyền ở trên pháp luật. Trái hẳn lại, sống dưới “pháp trị,” không một ai vượt qua luật pháp, kể cả chính quyền. Cốt lõi của “pháp trị” là một cơ chế luật pháp độc lập. Theo pháp trị, quyền hạn của luật pháp không lệ thuộc quá nhiều vào tính chất phương tiện của luật, mà vào mức độ độc lập của luật, tức là tùy vào mức độ khác biệt và biệt lập giữa pháp luật với những cơ cấu tiêu chuẩn khác như chính trị và tôn giáo. Là một trật tự luật pháp độc lập, pháp trị có ít nhất ba ý nghĩa. Thứ nhất, pháp trị là công cụ điều chỉnh quyền lực của chính phủ. Thứ hai, pháp trị là sự bình đẳng trước pháp luật. Thứ ba, pháp trị là thẩm quyền tài phán phải tuân theo thủ tục tố tụng đã được ấn định trước. Chúng ta sẽ bàn về từng ý nghĩa này của pháp trị.

Thứ nhất, là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai nhiệm vụ: giới hạn sự chuyên quyền và lạm quyền của chính phủ, đồng thời khiến cho chính phủ trở nên sáng suốt và chính sách của nhà nước khôn ngoan hơn.

Đối lập của pháp trị là nhân trị. Có hai loại nhân trị. Loại thứ nhất là “thiểu số trị”, chẳng hạn như độc tài chuyên chế và tập đoàn chuyên chế. Loại thứ hai là “đa số trị”, thí dụ tiêu biểu là nền dân chủ Hy Lạp thượng cổ. Yếu tố chung của nhân trị là đặc trưng cho rằng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”. Thế nên, dưới nhân trị, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách nhà lãnh đạo (chính quyền) có thể làm.

Page 2 of 7

Trái lại, khía cạnh chính yếu của pháp trị là “giới hạn”, nghĩa là pháp trị hạn chế quyền tùy nghi của chính phủ, kể cả quyền thay đổi luật lệ. Đây là lý do mà truyền thống pháp lý của Tây phương theo La Mã, chứ không theo Hy Lạp. Một trong những khó khăn lớn của nền dân chủ Hy Lạp thượng cổ là quan niệm về luật pháp của họ không bao gồm khái niệm giới hạn. Từ “eleutharia” trong tiếng Hy Lạp, thường được dịch là “tự do”, bao hàm sự tự do gồm cả nguyên tắc ý dân là luật. Nói cách khác, trong thời thượng cổ Hy Lạp, chính quyền (dân chủ) hoàn toàn không có một giới hạn nào, và dân ý thường trở thành luật nếu quần chúng muốn thế, cho dù đó là cảm xúc nhất thời hay lý tính lâu dài. “Một khi luật pháp mất đi tính chất thiêng liêng của nó, thì chính việc đặt dân ý lên trên luật pháp, khiến cho cai trị bằng luật pháp một lần nữa lại bị kết hợp và lẫn lộn với cai trị bằng con người” (Sartori, 1987, trang 307).

Khác với hệ thống Hy Lạp, hệ thống luật pháp La Mã giới hạn khả năng thay đổi luật lệ của người cầm quyền, và điểm này ảnh hưởng lớn lao đến nền pháp trị của người Anglo-Saxon. Cốt lõi của quan niệm pháp trị của người Anglo-Saxon là khái niệm quyền tùy nghi của chính phủ phải được giới hạn. “Hễ có tùy nghi là có chuyên quyền, và … trong một nền cộng hòa cũng vậy, chứ đừng nói đến quân chủ, quyền hạn tùy nghi của phía chính phủ có nghĩa là tình trạng bấp bênh về tự do pháp lý của phía nhân dân” (Dicey, 1982, trang 110). Theo các chính khách dân chủ tự do, giải pháp cho vấn đề này chính là pháp trị.

Ở Trung Quốc có hai quan niệm sai lầm thông thường. Thứ nhất, khi một số tác giả mô tả “nhân trị”, họ chỉ muốn nói tới “thiểu số trị”. Những tác giả này cho rằng một khi có dân chủ (“đa số trị”) là chúng ta có công lý và pháp trị. Họ quên rằng dân ý vẫn có thể cai trị cho dù có hay không có giới hạn hợp hiến hoặc hợp pháp. Không có giới hạn hợp hiến và hợp pháp, dân ý có thể hủy hoại y hệt, hoặc còn hơn sự tùy nghi hành động của “thiểu số”. Thí dụ tiêu biểu có thể liệt kê như những bất công trong thời dân chủ Hy Lạp cổ đại, hoặc sự khủng bố của cuộc Cách Mạng Pháp và những tội ác đối với nhân loại thực thi trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc. Thứ hai, một số tác giả tại Trung Quốc cho rằng miễn là luật lệ trải qua các thủ tục dân chủ thì nó đại diện cho dân ý (general will) (nói theo kiểu Rousseau) và thế là có luật pháp công bằng. Các tác giả này quên rằng “ý kiến phổ thông” không hoàn toàn có nghĩa là “dân ý” (như Rousseau đã từng cảnh báo với chúng ta hơn hai trăm năm trước). Ý kiến phổ thông không những sai lạc với quan niệm dân ý của Rousseau mà còn chống đối và hủy hoại dân ý nữa.

Nói cho rõ hơn, làm sao có thể chế ngự sự chuyên quyền của chính phủ? Câu trả lời nằm trong những nguyên lý hệ trọng của pháp trị. Thứ nhất, nếu chúng ta muốn giới hạn tính bất nhất của nhà cầm quyền, thì pháp trị đòi hỏi phải thượng tôn luật pháp thay vì thượng tôn chính phủ hay bất kỳ đảng phái nào. Theo luật gia danh tiếng người Anh, A. V. Dicey, “Pháp trị, trước hết, có nghĩa là sự tuyệt đối thượng tôn luật pháp chứ không phải là ảnh hưởng của quyền lực chuyên chế, và loại bỏ hẳn tính độc đoán, các đặc quyền, và sự tùy tiện của nhà cầm quyền.”(Dicey, 1982, trang 120).

Page 3 of 7

Thứ hai, nếu chính phủ bị hạn chế về sử dụng quyền tùy nghi, họ phải đi theo những thủ tục luật pháp đã định và đã thông báo. Theo như F. A. Hayek nói, pháp trị “nghĩa là chính quyền với tất cả việc làm của họ phải nằm trong phạm vi của luật lệ đã định và thông báo trước – luật lệ khiến cho chúng ta có thể tiên đoán khá chắc chắn phương pháp nhà cầm quyền sử dụng quyền bắt buộc của họ trong bất cứ tình huống nào, và dựa vào đó mà chúng ta hoạch định những công việc cá nhân” (Hayek, 1994, trang 80). Thí dụ, trong hiến pháp và hình luật, có điều khoản ngăn cấm luật “hồi tố”, nghĩa là không ai phải thụ hình cho một tội danh không được định nghĩa từ trước trong luật pháp. Nói cách khác, chính phủ không thể tự nhiên định ra một tội danh nào đó và áp dụng hiệu lực của nó để xử lý những vi phạm trước đó. Lý do căn bản của nguyên tắc này là, thứ nhất, chính phủ không được phép lạm quyền bằng cách trị tội người dân vì chính trị hoặc những lý do mà nhà nước thấy tiện lợi cho mình; thứ hai, thật vô cùng bất công và áp chế khi chính phủ truy tố người dân mà hành vi đó đã không bị xem là trái luật trong thời điểm thực hiện; thứ ba, nếu cứ truy tố dân chúng theo cách đó thì sẽ có quá nhiều biến đổi và làm cho luật pháp bị mất hiệu năng.

Việc pháp trị được xem là phương cách câu thúc quyền lực của chính phủ luôn được thừa nhận, nhưng giá trị nhận thức của nó trong việc nâng cao tính hợp lý của chính quyền thường ít được thông hiểu. Pháp trị không những hạn chế sự chuyên quyền của chính phủ, mà còn khiến cho chính phủ sáng suốt và rõ ràng hơn trong lúc quyết nghị. Thí dụ như Giáo sư Stephen Holmes viết, “chỉ có hiến pháp nào mà hạn chế được khả năng bịt miệng đối lập của chính quyền thì … mới có thể gia tăng mức độ khôn ngoan và hợp pháp của những chính sách đã được quyết định” (Holmes, 1995, trang 8). Một thí dụ khác, lý do chính mà các chính khách dân chủ tự do không tin tưởng vào thuyết dân ý của pháp luật, khi không có pháp trị làm giới hạn, là ý kiến quần chúng dễ dàng bị sai lạc bởi sự si mê, cảm xúc và phi lý nhất thời. Do đó, các chính khách dân chủ tự do đòi hỏi phải có pháp trị chính vì nó giúp chúng ta xử sự theo lương tri và quyền lợi lâu dài.

Cần có một chú thích về liên hệ giữa pháp trị và thuyết tự do [hiến định] ở đây. Thuyết tự do đòi hỏi phải có một chính quyền có giới hạn , và tự nó nhận thức được rằng pháp trị (hiểu như công cụ điều chỉnh quyền lực của chính phủ) là một định chế cần thiết. Chúng ta có thể nói thuyết tự do đòi hỏi phải có pháp trị, và pháp trị chính là sự thể hiện thành định chế các tư tưởng tự do. Về phương diện lịch sử, pháp trị đã có trước thuyết tự do. Theo Dicey, pháp trị hay thượng tôn luật pháp đã được thiết lập vững chắc ở Anh Quốc từ trước cuối thế kỷ 16, khi thuyết tự do như một triết lý chính trị và xã hội còn chưa hoàn toàn được hình thành – John Locke (đại biểu của tư tưởng này) sinh năm 1632 và Đệ Nhị Luận Thuyết về Chính Quyền của ông được phát hành lần đầu vào năm 1690. Tuy nhiên, pháp trị, hiểu như một khí cụ hạn chế sự chuyên quyền của chính phủ có lẽ đã tạo nên một nền móng vững chắc về văn hóa và định chế cho sự ra đời của thuyết tự do ở Anh Quốc, mà điều giảng nòng cốt của thuyết này là chính quyền giới hạn và quyền làm cách mạng của người dân.

Page 4 of 7

Ý nghĩa thứ hai của pháp trị, theo Dicey, là sự bình đẳng trước pháp luật. “Không những là … không một ai vượt trên được luật pháp, mà (đây là điểm khác biệt) … mỗi một người, ở bất cứ cấp bậc hay địa vị nào, đều phải tuân theo luật pháp thông thường của quốc gia và phải phục tùng quyền tài phán của các tòa án thông thường … Cho dù một quân nhân hay giáo sĩ, từ địa vị của mình, nhận lãnh những nghĩa vụ pháp lý mà người khác được miễn, (nói chung) họ vẫn không thể trốn tránh những nghĩa vụ của một công dân bình thường” (Dicey, 1982, trang 114-115). Theo Dicey, ngay cả vào năm 1915, nguyên tắc pháp trị này cũng không hoàn toàn đúng tại các nước tự do dân chủ ở Âu Châu. Tại Anh Quốc, đến năm 1915, lý thuyết bình đẳng pháp luật đã được “đẩy đến giới hạn tột bực”, nhưng ở Pháp, viên chức chính quyền vẫn được “tới một mức nào đó, miễn theo luật pháp thông thường của tổ quốc, được bảo vệ ngoài phạm vi quyền hạn của tòa án thông thường, và trên vài lãnh vực chỉ phải phục tùng luật lệ chính thức được quản lý bởi cơ quan chính phủ” (Dicey, 1982, trang 115). Tuy nhiên, đến nay, bình đẳng trước pháp luật đã là lý thuyết được công nhận rộng rãi tại tất cả các nước tự do dân chủ, mặc dù, ở phạm vi bên lề, mỗi quốc gia khác nhau có thể có giải thích khác nhau về di sản của sự bình đẳng đó.

Ý nghĩa thứ ba của pháp trị là luật pháp theo một hình thức hoặc thủ tục đã được ấn định trước. Luật pháp có hình thức hoặc thủ tục là gì? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải trả lời một câu hỏi sơ khởi trước đã: hình thức chủ nghĩa là gì? Max Weber phân loại các hệ thống pháp lý thành bốn thứ: có hình thức không hợp lý, có bản thể không hợp lý, có hình thức có hợp lý, và có bản thể có hợp lý. Lý nói về tính đại cương và phổ biến của luật pháp. Hình thức nói về đặc tính mà tiêu chuẩn tạo luật và tìm luật tự nó là nội hàm của hệ thống pháp lý; nghĩa là, toàn bộ luật lệ, trình tự, và quyết định đều có thể được suy diễn từ chính hệ thống pháp lý. Ngược hẳn lại, một hệ thống pháp lý nhấn mạnh vào phẩm chất bản thể của việc tạo luật và tìm luật chỉ sử dụng các yếu tố bên ngoài luật pháp, như đạo đức, cảm xúc, tôn giáo hoặc chính trị, để thẩm định các trường hợp. Theo Weber, chỉ có hệ thống pháp lý có hình thức và hợp lý mới có thể đạt được “ưu thế luật pháp” (pháp trị) qua việc áp dụng một cách nhất quán luật lệ phổ thông, bởi vì chỉ có hệ thống pháp lý có hình thức và hợp lý mới có thể giữ vững một “hệ thống luật lệ trừu tượng bất biến” cần thiết cho pháp trị.

Page 5 of 7

Một hệ thống pháp lý có hình thức và hợp lý, theo truyền thống luật pháp Tây phương, cũng mang lại công lý mà chúng ta ao ước. Loại công lý này được gọi là tư pháp theo thủ tục, “có nghĩa là, để đạt tới công lý, phải áp dụng một cách nhất quán các luật lệ và thủ tục đã tạo nên hệ thống tư pháp theo định chế (Shen, 2000, trang 31). Đặc biệt hơn, công lý theo thủ tục bao gồm nhiều nguyên tắc. Thứ nhất, hệ thống pháp lý bắt buộc phải có một bộ luật toàn vẹn và công bằng về thể thức quyết nghị và thủ tục. Thứ nhì, những luật lệ công bằng về quyết nghị và thủ tục phải được định trước và thông báo trước. Thứ ba, những luật lệ công bằng về quyết nghị và thủ tục này phải được áp dụng một cách trong sáng. Thứ tư, những luật lệ về quyết nghị và thủ tục này phải được áp dụng một cách nhất quán. Khi cả bốn điều kiện này đều thỏa đáng, các thẩm phán và luật sư Tây phương nói họ đã đạt được công lý, gọi là công lý theo thủ tục. Xin lưu ý là ý niệm về công lý này liên quan tới quá trình và thủ tục nhiều hơn là kết quả. Theo như Selznick, “Sự hợp pháp của các chính sách và luật lệ liên hệ nhiều tới cách thức các chính sách và luật lệ này được tạo ra và áp dụng hơn là nội dung của chúng” (Selznick, 1969, được trích dẫn trong Shen, 2000, trang 30). Nói cách khác, miễn là quá trình được công bằng, trong sáng và không thay đổi, thì công lý và sự hợp pháp được thực thi.

Một thí dụ có thể làm sáng tỏ điểm khác biệt giữa công lý theo thủ tục với công lý theo bản thể. Nếu thực sự có người đã giết hại một người khác, công lý theo bản thể đòi hỏi kẻ sát nhân bị trừng phạt theo đúng luật. Tuy nhiên, nếu kẻ sát nhân bị cảnh sát tra tấn bất hợp pháp đến độ thú tội, và nhờ vào bản thú tội này, cảnh sát tìm được chứng cớ thuyết phục (bằng cớ chứng minh tội trạng vượt ngoài nghi ngờ hợp lý), như vũ khí gây án, xác nạn nhân v.v… để tòa kết án kẻ sát nhân (dẫn đến kết quả là lập được công lý theo bản thể), nhưng lại không đạt được công lý có thủ tục, vì quá trình tìm ra tội đã vi phạm quyền căn bản của kẻ sát nhân, một công dân, trước khi bị kết án, vẫn được hưởng trọn vẹn sự bảo vệ của các đạo luật bảo vệ dân quyền..

Trong trường hợp này, dựa theo thủ tục của hình luật đã thiết lập, một chánh án Hoa Kỳ sẽ không cho phép bản thú tội (lấy được nhờ tra tấn) và bất cứ thứ gì tìm được trực tiếp từ bản thú tội (như vũ khí gây án hay xác chết) trở thành chứng cớ tại tòa. Do đó, bồi thẩm đoàn sẽ không dược coi những thứ này là chứng vật, và nếu công tố viên không có bằng chứng tốt nào khác, kẻ sát nhân rất có thể được trắng án, cho dù công lý có tính cách bản thể đòi hỏi kẻ sát nhân phải bị trừng phạt (chẳng hạn vũ khí gây án và xác chết đã có thể chứng thực tội trạng vượt hẳn sự nghi ngờ hợp lý vì kẻ sát nhân biết án khí và xác chết ở đâu, và án khí có mang dấu tay của kẻ sát nhân). Theo lối này và trong trường hợp này, ở Hoa Kỳ, công lý theo thủ tục thắng công lý theo bản thể. Cuối cùng, vị chánh án Hoa Kỳ sẽ tuyên bố đã đạt được công lý, đơn giản chỉ vì luật lệ về thủ tục đã định sẵn (thí dụ, chứng cớ thu thập bất hợp pháp không được tr̀inh tại tòa) được áp dụng một cách trong sáng và không thay đổi.

Page 6 of 7

Một nhà ngoại giao nổi tiếng người Trung Hoa tại Mỹ có lần than phiền với các người bạn Mỹ rằng Hoa Kỳ không nên trách cứ Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Chính nước Mỹ, nhà ngoại giao này nhận xét, không phải là xã hội công bằng. Ông ta dùng vụ án O.J. Simpson làm thí dụ cho sự thiếu sót công lý trong xã hội Mỹ. Với tất cả chứng cớ, nhà ngoại giao này nói, hiển nhiên là ông Simpson có tội, và đại đa số dân Mỹ cũng nghĩ rằng ông ta có tội, nhưng tòa án đã tha bổng ông ta trong phiên tòa đại hình. Nhà ngoại giao này đã rất kinh ngạc khi nêu lên câu hỏi: “Thế là công lý à?” Rõ ràng là ông ta không hiểu được khái niệm về công lý theo thủ thủ tục. Trong vụ O.J. Simpson, vị chánh án đã mạnh dạn kết luận rằng công lý đã được thực thi vì phiên tòa đã diễn ra theo đúng những thủ tục đã định và thông báo trước một cách ngay thẳng, trong sáng và không thay đổi. Nếu chính quyền không thể chứng minh tội của ông Simpson vượt ngoài sự nghi ngờ hợp lý, ông Simpson phải được tha bổng. Luật lệ thủ tục này (chứng minh có tội vượt ngoài sự nghi ngờ hợp lý trong một phiên tòa bình thường) đã là một luật lệ pháp lý thiết lập từ trước khi phiên tòa bắt đầu, và đã được áp dụng một cách ngay thẳng, trong sáng và không thay đổi trong phiên tòa của ông Simpson.

Có lẽ quý vị nêu câu hỏi: chú trọng vào công lý-theo-thủ tục có hợp lý hay không? Câu trả lời chung là có. Trong một hệ thống mà công lý theo thủ tục bị hy sinh cho công lý theo bản thể, thì sự nguy hiểm của việc chính phủ chuyên quyền và sự đe dọa đến tự do cá nhân sẽ quá lớn. Dần dần, hệ thống đó cũng sẽ dẫn tới bất công có tính cách bản thể. Trái lại, trong một hệ thống chú trọng vào công lý theo thủ tục, sự chuyên quyền của chính phủ sẽ được kiểm soát, tự do sẽ được bảo vệ, và công lý có tính cách bản thể sẽ được bảo tồn lâu dài (nếu chúng ta tin tưởng rằng sự thật tốt nhất là được thu thập qua tranh đấu và tranh luận giữa các phe bình đẳng).

Nói rõ hơn, công lý theo thủ tục có ít nhất ba giá trị. Thứ nhất, nếu không có thủ tục công bình và hợp pháp, không thể bảo đảm là kết quả sẽ hợp pháp (nghĩa là không thể bảo đảm được công lý theo bản thể). Như vậy, công lý có thủ tục được xem là điều kiện cần thiết cho công lý theo bản thể. Đây là lý do tại sao truyền thống luật pháp Tây phương coi trọng công lý có nghi thức hoặc thủ tục hơn là bên Đông Á, nơi chú trọng vào công lý có tính cách bản thể. Thật ra, một số luật gia Tây phương xem công lý có thủ tục là phương pháp hữu hiệu duy nhất để đạt được công lý có tính cách bản thể, và theo các vị này công lý theo thủ tục phải là mối quan tâm duy nhất cho các phe trong một hệ thống pháp lý có hình thức và hợp lý.

Thứ nhì, công lý theo thủ tục là một điều kiện dùng để hạn chế sự chuyên quyền của chính phủ và bảo vệ tự do cá nhân. Khi chính phủ bắt buộc phải tuân theo những thủ tục trong sáng, ngay thẳng và được quy định trước, trước khi họ có thể tước đoạt mạng sống, tự do hay tài sản của người nào, thì mức nguy hiểm của sự chuyên quyền sẽ được giảm thiểu và viễn cảnh các quyền cá nhân bị tước đoạt một cách sai lầm cũng sẽ được giảm bớt nhiều.

Thứ ba, như Max Weber đề ra, công lý theo thủ tục đem đến tính nhất quán, khả tri và khả tính là những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống kinh tế và xã hội. Giá trị thứ hai này của công lý theo thủ tục hoàn toàn độc lập với bất cứ giá trị nào của công lý theo bản thể, và củng cố lập luận tôn trọng công lý theo thủ tục của truyền thống Tây phương.

Page 7 of 7

Cần nêu lên một chú thích về hình thức chủ nghĩa ở đây. Các tác giả Marxist thường chỉ trích nền pháp trị tư bản là lừa bịp. Trong ngôn ngữ của các tác giả này, “hình thức” thường đồng nghĩa với “nông cạn” và “giả dối”, và sự khác biệt giữa công lý có hình thức và công lý có tính cách bản thể trở thành khác biệt giữa công lý bề ngoài và công lý có thật. Sự phân loại về pháp trị này là một kiểu phân loại cực kỳ sai lầm. Trong luật pháp Tây phương, có hình thức hoàn toàn chẳng dính líu gì đến nông cạn và giả dối. “Ở tâm điểm của từ ‘hình thức chủ nghĩa’ … tồn tại một khái niệm về thể thức quyết nghị theo luật lệ” (Schauer, 1988, trang 510). Hơn thế nữa, có hình thức có lẽ là cách duy nhất mà một hệ thống pháp lý có thể đạt được sự hợp lý nào đó. Giáo sư Giovanni Sartori đặt điểm này trong những từ mạnh hơn: “Khi nói đến ‘hình thức pháp lý’, chúng ta đơn cử một điều kiện tất yếu của hệ thống luật pháp. Hình thái của luật pháp và bản chất luật pháp-theo-thủ tục tạo thành … những đặc tính mà nhờ đó luật pháp là luật pháp … Hình thức là phương pháp, không phải kết quả”.

Chúng ta đã bàn đến ba ý nghĩa chính yếu của quan niệm Tây phương về pháp trị. Có nhiều điều cần lưu ý ở đây. Thứ nhất, tới nay chúng ta đã bỏ qua một câu hỏi cơ bản. Những điều luật hạn chế sự chuyên quyền của chính phủ và thiết lập công lý có hình thức không thể là bất cứ loại luật nào. Chúng còn phải “có tính cách dân sự” (nói theo kiểu Montesquieu) hoặc những luật lệ công bằng mang tính cách bản thể. Tới giờ chúng ta đã bỏ qua không trả lời câu hỏi, “luật nào là dân sự và công bằng?” Nói cách khác, chúng ta đã hoàn toàn chỉ chú trọng vào hình thức của luật pháp, không phải nội dung của luật pháp. Sự chú trọng này không phải là ngẫu nhiên, bởi vì nó đã là điểm trọng tâm của luật khoa Tây phương trong vòng cả trăm năm nay. Trong hệ thống tự do dân chủ Tây phương, công lý có tính cách bản thể (công bằng về nội dung), nói theo tiếng Latin là từ “iustum”, đã được bảo đảm bởi thể chế hợp hiến. “Một số lớn các công cụ hiến định được tạo ra để giúp cho trong tiến trình lập pháp ius (luật trong tiếng Latin) luôn gắn liền với iustum (công lý) hầu giúp cho luật pháp luôn luôn là những luật lệ đúng đắn.Vì lẽ này cơ quan lập pháp được giao cho các dân biểu và họ sẽ phải trả lời với cử tri theo định kỳ. Cũng vì lý do này mà chúng ta không khoán trắng cho những người được bầu lên, mà chúng ta xem họ là những người tạm cầm quyền bị kiềm chế và ràng buộc trong vai trò đại diện” (Sartori, 1987, trang 322-323). Chính nhờ vậy, luật khoa Tây phương mới có thể chú trọng hoàn toàn vào hình thức của luật pháp.

Tuy nhiên, chỉ chú trọng hoàn toàn vào hình thức của luật pháp cũng đáng lo lắm. Sở dĩ các nhà luật học tây phương có thể chuyên chú vào định nghĩa thuần túy có tính hình thức của luật pháp là nhờ họ có sẵn bảo đảm của hiến pháp về công lý-theo-bản chất. Nhưng như Sartori nói: “Rủi thay…trường phái luật học hình thức đã hoàn toàn bỏ sót…một thực tế là chính định nghĩa về luật học hình thức đã giả thiết sự hiện hữu của một nhà nước hợp hiến trước đó rồi. Cho nên, nếu không xây dựng một nhà nước hiến định trước, mà chỉ chú trọng vào việc trau chuốt tính hình thức của luật pháp, thì sẽ không cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của tòa nhà luật pháp” (Sartori, 1987, trang 323). Do đó, khi chúng ta nghiên cứu về quan niệm pháp trị của Tây phương, chúng ta không nên quên rằng các học giả luật khoa Tây phương đã sống trong quốc gia hợp hiến quá lâu, nên thường lãng quên tầm mức quan trọng của đặc tính tự do hiến định trong việc bảo đảm nội dung công bằng của luật pháp. Người Trung Quốc chúng ta không có được sự xa xỉ này – chúng ta chưa có một nhà nước hợp hiến. Khi nói về phạm vi luật pháp tại Trung Quốc, chúng ta không nên chỉ chú trọng vào hình thức của luật pháp, mà chúng ta cũng nên đặc biệt để ý đến nội dung của luật pháp. Thật ra, khi đọc những tiểu luận kế tiếp chúng ta sẽ thấy, khi không có một nhà nước hợp hiến, hầu như chúng ta không thể đảm bảo bất cứ chuyện gì: từ nội dung đến hình thức của luật pháp đều không thể bảo đảm là công bằng. Nói cách khác, không có một nhà nước hợp hiến, công lý theo bản thể hay công lý theo thủ tục, trong việc lập pháp lẫn hành pháp, đều không được bảo đảm. Vì thế trong bài luận kế, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ cho chủ nghĩa hợp hiến tự do.

Thứ nhì, đề cao pháp trị không có nghĩa là chúng ta nên, hoặc có thể, loại bỏ nhân trị. Nghĩa đen của pháp trị cũng có giá phải trả (chẳng hạn như sự cứng ngắc của nó) và trong vài trường hợp nó cũng mâu thuẫn với ý thức về công lý của chúng ta. Thêm vào đó, hoàn toàn loại bỏ nhân trị có lẽ là việc bất khả. Nói cho cùng, luật pháp không tự nhiên mà có; nó phải được một số người nào đó tạo ra. Việc hành pháp không phải tự động; nó phải được thi hành bởi một số người nào đó. Ngay cả trong các quốc gia dân chủ tự do tiến bộ nhất của thời đại chúng ta – những quốc gia được xem là có hệ thống pháp trị hoàn chỉnh nhất – yếu tố con người đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên truyền thống, phong tục, và văn hóa về tổ chức, những thành phần trọng yếu trong guồng máy dân chủ tự do. Câu hỏi thực sự không phải là chúng ta nên loại bỏ hay gìn giữ nhân trị. Câu hỏi thực sự là làm sao để quân bình giữa pháp trị và nhân trị khiến chúng ta đạt được tự do, bình đẳng và công lý. Về khía cạnh này, chỉ có chủ nghĩa hợp hiến tự do là hệ thống thành công. “Chủ nghĩa hợp hiến tự do chính là kỹ xảo để vừa duy trì những lợi điểm của [cả pháp trị lẫn nhân trị] vừa giảm thiểu những nhược điểm riêng của chúng” (Sartori, 1987, trang 308). Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này trong tiểu luận sau.

Trong bài này chúng ta đã bàn về ý nghĩa và những lý tưởng của pháp trị. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ quay sang việc thi hành pháp trị, đặc biệt là chủ nghĩa hợp hiến tự do.

© Học Viện Công Dân 2006

Tiểu luận “Pháp trị là gì?”, nguyên tác bằng Anh ngữ của Lý Ba, một luật sư Trung Hoa làm việc tại công ty Luật Davis Polk & Wardwell tại New York, viết cho Perspectives, tạp chí trực tuyến của tổ chức Overseas Young Chinese Forum (www.oycf.org). Ông cũng là đồng-chủ biên của tạp chí trực tuyến này . Tiểu luận này được đăng trên tạp chí Perspectives, bộ I, số 5, ngày 30/04/2000, tại
What Is Rule of Law?

Ghi Chú:

[*] Dụng pháp trị (Rule by law) tức dùng pháp luật để cai trị. Thuật ngữ này đã bị hiểu sai và dịch thành pháp quyền.

Chế độ pháp trị

TT – Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng của chế độ pháp trị. Vì vậy nếu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng đề ra nhiệm vụ “xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền”, thì cơ chế đó chính là chế độ pháp trị (the rule of law trong tiếng Anh).

Chế độ pháp trị gắn liền với nhà nước pháp quyền có khái niệm khác hẳn với chế độ pháp trị bắt nguồn từ tư tưởng của Hàn Phi Tử, một triết gia Trung Quốc cổ đại.

Khái niệm pháp trị trong cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại đối lập với khái niệm đức trị. Pháp trị là dùng pháp luật để cai trị, chứ không phải dùng đạo đức để cai trị. Trong trường hợp này, pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước, và nhà nước đứng trên pháp luật. Một nhà nước chuyên quyền sẽ ban hành mọi thứ luật mà nhà nước đó muốn và cần để cai trị.

Còn khái niệm pháp trị gắn liền với nhà nước pháp quyền thì đối lập với khái niệm nhân trị. Pháp trị là pháp luật cai trị chứ không phải con người cai trị. Trong trường hợp này không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Theo cách hiểu như trên, pháp trị là một trật tự pháp lý độc lập (với chính trị, tôn giáo…). Nó bao gồm ba ý nghĩa cơ bản sau đây: pháp trị là công cụ để điều chỉnh nhà nước (điều chỉnh quyền lực); pháp trị có nghĩa là tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật; pháp trị có nghĩa là bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức.

Với tư cách là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai chức năng: một là hạn chế sự độc đoán của nhà nước và hạn chế sự lạm quyền; hai là làm cho nhà nước hành xử hợp lý, làm cho chính sách của nhà nước được anh minh. Lạm quyền được hạn chế bằng những nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm tính tối thượng của pháp luật. Pháp luật phải được đặt trên nhà nước và đảng phái.

2. Nhà nước phải tuân thủ một hệ thống thủ tục được xác lập từ trước và được công bố công khai.

3. Bảo đảm nguyên tắc người dân được làm mọi điều pháp luật không cấm, nhưng nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép.

Mặc dù những nguyên tắc nói trên hạn chế khả năng hành xử tùy tiện của nhà nước, nhưng chúng lại làm cho việc hành xử của nhà nước được dẫn dắt nên thường hợp lý và anh minh.

Với tư cách là công cụ bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức, chế độ pháp trị đòi hỏi:

1. Hệ thống pháp luật phải có đầy đủ các qui định công bằng và minh bạch về thủ tục ban hành quyết định (không thể thích thế nào thì quyết thế ấy).

2. Các qui định về thủ tục ban hành quyết định phải được xác định từ trước và phải được công bố công khai từ trước (không thể sửa luật chơi trong lúc đang chơi).

3. Các qui định về thủ tục ban hành quyết định phải được áp dụng một cách công khai, minh bạch (không thể áp dụng các qui định mà không dẫn chiếu được, không lý giải được).

4. Các qui định về thủ tục ban hành quyết định phải được áp dụng một cách nhất quán (không thể nay áp dụng thế này, mai áp dụng thế khác).

Việc xây dựng chế độ pháp trị là rất cần thiết để vận hành nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tránh được sự nhầm lẫn về khái niệm giữa pháp trị theo cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại và pháp trị theo cách hiểu hiện đại. Vì rằng, nếu chúng ta nhầm lẫn thì việc xây dựng đất nước theo một mô hình “cổ kính” là điều rất dễ xảy ra.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Chỉ khi có một thể chế pháp trị!

Bổn Đình Nguyễn

 

Một nhà nước pháp trị, khi toàn bộ hệ thống chính trị và quản lý được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập thì không ai dùng chữ “luật sư đúng nghĩa” như kiểu VN. Từ lý luận đầy cảm tính này, bà gọi là đại biểu quốc hội còn đẩy xa thêm đến việc bắt luật sư phải tố giác thân chủ “nếu biết” thân chủ là tội phạm!

Luật sư là luật sư. Với nghề nghiệp của mình họ nhận bào chữa cho thân chủ để lấy thù lao, và nhiệm vụ của họ là chứng minh thân chủ mình vô tội (hoặc tội nhẹ hơn mức tòa án có thể tuyên).

Việc chứng minh có tội hay không thuộc về các cơ quan chức năng qua tranh luận minh bạch, sao bắt luật sư phải làm cái điều tréo ngoe là vừa nhận tiền vừa tố cáo thân chủ của mình?

Tôi nhớ trong bộ phim “Con bạch tuộc” lừng danh của Ý một thời, dù ra trước tòa là một trùm mafia nhưng do không thể chứng minh ông ta có tội, không tranh luận thắng luật sư, tòa phải tuyên trả tự do.

Không có bất kỳ ai lên án vị luật sư này bởi ông ta dựa vào nguyên tắc “suy đoán vô tội”. (Đây là nguyên tắc được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên hiệp quốc và VN cũng cam kết thực hiện từ năm 1982, dù chưa công nhận chính thức nhưng Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã mô tả gần như vậy- các bạn chưa rõ có thể tìm hiểu thêm qua google).

Vì vậy, một người gọi là đại biểu quốc hội mà nhân danh “an ninh quốc gia” để phát biểu những câu vi phạm quyền con người, quyền công dân thì thật lố bịch!

Không phải cần một “luật sư đúng nghĩa” mà chỉ khi có một thể chế pháp trị đúng nghĩa thì mấy kẻ dốt nát nhưng ưa hóng hớt này mới bị loại trừ!

Danh giá nghề nghiệp

 

Nếu nhà cầm quyền ở Hong Kong ban hành luật buộc luật sư tố giác thân chủ, chắc chắn các luật sư Hong Kong đã xuống đường tuần hành để bảo vệ danh giá nghề nghiệp của mình.

Còn ở Việt Nam, đa phần tiếng nói phản đối đến từ phía những người quan tâm bảo vệ nhân quyền, vì họ là các bị can và bị cáo dự bị trong tương lai cho tội “an ninh quốc gia”, đối tượng của sự tố giác.

Cũng có lời phản đối từ nhiều luật sư, nhưng chỉ lác đác và quá ít so với số lượng tại những buổi hội hè và yến tiệc mà giới luật sư thường tổ chức hoặc tham gia.

Điều này có thể hiểu được, bởi nếu hôm nay tham gia tuần hành, ngày mai họ sẽ bị tước giấy phép hành nghề trước áp lực của công an. Hy sinh vì nghề nghiệp chung, nhưng kinh tế cá nhân lại bị ảnh hưởng. Vì vậy, thà chịu nhục hơn chịu đói.

Liên đoàn luật sư VN và Đoàn luật sư các tỉnh thành cũng không phải là những tổ chức nghề nghiệp độc lập. Họ được thành lập để tô vẽ cho bức tranh trang trí “nhà nước pháp quyền” của chế độ. Họ sẵn sàng nhận lệnh của công an để từ bỏ danh giá nghề nghiệp mà lẽ ra họ phải bảo vệ.

Hong Kong tuy là lãnh thổ nhỏ, số lượng luật sư chắc không nhiều hơn ở Việt Nam ngày nay, nhưng danh giá là điều hệ trọng khi họ lựa chọn nghề nghiệp được xã hội kính trọng này.

Tuy nhiên, nếu không tự tôn trọng và bảo vệ danh giá nghề nghiệp của chính mình, thì còn trông đợi ai kính trọng mình như một LUẬT SƯ?

Sài Gòn ‘gánh’ rác lậu: Hé lộ đường dây bảo kê

Thế nhưng, rác tỉnh vẫn tuồn vào bởi sự “phù phép” của đầu nậu và cả những “lỗ thủng” từ lực lượng giám sát.

Trong bài trước, chúng tôi đề cập việc rất nhiều xe tải thu gom rác từ TT.Hậu Nghĩa, xã Đức Hòa Hạ… (H.Đức Hòa, Long An) rồi đem đổ qua các trạm trung chuyển rác (TTCR) tại Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM). Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, PV Thanh Niên nhận thấy địa điểm hằng ngày nhiều xe tải chở rác sau thu gom tập trung về đậu, chờ đến giờ thì xuất phát qua TTCR Hóc Môn đổ là trụ sở của Công ty TNHH TM DV Môi trường công nghiệp xanh (MTCNX) Long An (trụ sở ở đường Gò Hưu, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa), do ông N.H.Tr làm giám đốc.

Chiêu phù phép của đầu nậu

Chiều 8.5, ông Trương Minh Khánh, Chủ tịch UBND TT.Hậu Nghĩa, xác nhận: “Thị trấn có ký hợp đồng giao khoán cho Công ty MTCNX Long An thu gom rác trên địa bàn với giá 70 triệu đồng/tháng. Công ty này làm được lắm nên ký hợp đồng thu gom rác gần hết với các thị trấn, xã của H.Đức Hòa. Riêng TT.Hậu Nghĩa, công ty bố trí hai xe tải chở rác (gồm xe BS: 62C-085.14, 70C-015.76”. Tương tự, chiều 8.5, lãnh đạo xã Đức Hòa Hạ cũng cho biết: “Ngày 15.3.2017, xã ký hợp đồng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt với Công ty MTCNX Long An với giá 880.000 đồng/tấn. Riêng xã này thải ra 10 tấn rác sinh hoạt/ngày nên trả 264 triệu đồng/tháng. Hai xe tải thu gom rác của công ty trên địa bàn xã là xe BS: 51C-813.40 và 51C-135.02. Đó là chưa kể mấy xe nhỏ nữa”.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng TN-MT H.Đức Hòa (Long An): “Hiện Công ty CP đô thị Đức Hòa, các công ty tư nhân, hộ kinh doanh thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện đều phải đưa đến Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (H.Thạnh Hóa, Long An) xử lý. Nhà máy này thu phí xử lý rác từ 500.000 – 800.000 đồng/tấn (tùy theo loại rác). Khi các đơn vị, cá nhân này ký hợp đồng với thị trấn, xã thu gom rác thải sinh hoạt thì phải có trách nhiệm vận chuyển đưa đi xử lý rác”. Thế nhưng, đối chiếu các biển số xe tải của Công ty MTCNX Long An mà TT.Hậu Nghĩa, xã Đức Hòa Hạ cung cấp thì đều trùng khớp với số xe chở rác đổ chui lên TP.HCM mà PV Thanh Niên ghi nhận.

Vậy bằng cách nào rác Công ty MTCNX thu gom ở Long An lại có thể vào TP.HCM? PV Thanh Niên tìm hiểu và được biết, bên cạnh Công ty MTCNX Long An, ông N.H.Tr còn lập Công ty TNHH Thu gom rác thải công nghiệp xanh (TGRTCNX, trụ sở ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng do ông này làm giám đốc. Ngày 15.1.2016, Công ty TGRTCNX ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (viết tắt Công ty MTĐT) đổ rác sinh hoạt tại TTCR ở số 1 Tống Văn Trân, P.5, Q.11 từ ngày 15.1 – 31.12.2016, với giá xử lý 800.000 đồng/tấn, tiền đặt cọc 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tăng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty MTĐT, suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, Công ty TGRTCNX không hề đổ rác ở Tống Văn Trân. Đến 1.10.2016, UBND TT.Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa, Long An) ký hợp đồng giao khoán cho Công ty MTCNX Long An thu gom rác trên địa bàn thị trấn với giá 70 triệu đồng/tháng. Rất có thể, ông N.H.Tr đã sử dụng 2 hợp đồng này để tráo rác từ Long An qua TP.HCM.

Sài Gòn 'gánh' rác lậu: Hé lộ đường dây bảo kê - ảnh 1

Ông S. đang gọi điện thoại nhờ gửi xe rác cho ông H. tại trung tâm trung chuyển Q.12

“Sếp của em đã gửi rồi thì cứ thế xuống đổ thôi”

Tuy nhiên, dù có “bùa phép” thế nào, rác lậu từ ngoại tỉnh cũng khó có thể tuồn dễ dàng vào TP.HCM như những gì PV Thanh Niên ghi nhận được, nếu không có sự tiếp tay của lực lượng kiểm tra, giám sát.

Từ nguồn tin phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niên biết được ngày 4.5 một chủ doanh nghiệp chuyên thu gom rác ở tỉnh tên H. (xin được đổi tên) lên lịch hẹn gặp ông S. (tự xưng là nhân viên giám sát rác của Sở TN-MT TP.HCM) đặt vấn đề đưa rác ở tỉnh về TP.HCM đổ chui, nên tiếp cận ông H. để ghi nhận vụ việc. Qua tìm hiểu, ông S. là người từng “lo” cho ông H. đổ rác chui ở TTCR Hóc Môn nhưng chưa kịp đổ thì bị một đầu nậu thu gom rác ở Long An có quan hệ rộng đánh bật ra, không cho đổ. Sau đó, ông H. mua 5 logo của một hợp tác xã ở TP.HCM với giá 5 triệu đồng dán trên xe, chạy vào TTCR Hóc Môn đổ cũng bị phát hiện, đuổi ra.

Tại cuộc gặp, khi ông H. phàn nàn “mỗi ngày, hàng chục lượt xe thu gom rác ở Long An của công ty ông Tr. về đổ ào ào ở TTCR Tân Hóa (Q.11), TTCR Hóc Môn, TTCR Củ Chi thì được, còn anh có một xe vừa chạy vô chưa kịp đổ là bị phát hiện, đuổi ra ngay” nhắc đến việc xe của mình bị “đá”, thì S. giải thích: “Bây giờ em nói thật với anh luôn nhe. Bên Hóc Môn (tức TTCR Hóc Môn – PV) đổ rất ngon, đúng không? Sếp của em đã gửi rồi thì cứ thế xuống đổ thôi. Anh muốn cho ổng (một người quản lý TTCR Hóc Môn – PV) bao nhiêu thì cho. Ổng sẽ tự hiểu nhưng đừng nói thẳng là rác tỉnh về. Em đã dặn lính của anh (ông H. – PV) đừng nói thẳng nhưng lại nói thẳng là rác tỉnh nên mới bị đuổi không cho đổ”. Ngoài ra, S. giải thích thêm việc vì sao xe của ông Tr. dễ dàng đổ rác vào TP: “Thường nó lấy rác ở H.Hóc Môn nửa xe, sau đó qua Long An lấy nửa xe nên dễ ăn nói (!?)”.

Về “hợp đồng” làm ăn mới với ông H., ông S. tỏ ra khá nhiệt tình: “Trước mắt, em (ông S. – PV) liên lạc với đồng nghiệp, nhờ bô rác nào đó nhận trước 2 xe (khoảng 15 tấn) được không. Bên TTCR Củ Chi kẹt xe quá, không đến đổ trực tiếp được. Em có thể gọi cho Hải (tài xế xe ép rác chuyên dụng loại 10 tấn) tầm khoảng 1 – 2 giờ sáng, hẹn ở khu vực Củ Chi, cho xe tải chở rác của anh (ông H. – PV) đến sang rác qua xe ép thoải mái”. “Làm ăn kiểu vậy chụp giựt lắm, sao được. Ít bữa nữa anh còn lấy rác Tây Ninh xuống nữa thì sao giải quyết?”, ông H. lo lắng. “Ở Tây Ninh còn rác đâu mà lấy. Ông D. ở Tây Ninh, nói gửi em 1 xe rác mà cả tháng nay có thấy xuống đâu. Nghe đâu ông D. mua 1 ô lớn đổ rác trên đó rồi, 1 ô đó đổ khi nào cho hết. Em sẽ gửi bớt về bô rác tạm trên QL1A gần cầu vượt An Sương. Chỗ này mỗi ngày ép cũng được vài xe. Nghe nói có mấy xe lạ đến đổ. Giải quyết mấy xe đó đi thì anh đến đổ. Xe lạ đuổi đi mấy hồi”, ông S. nói xong rút điện thoại gọi cho một đồng nghiệp giám sát rác khu vực Q.12, gửi ông Đ. (tự xưng là người quản lý TTCR Q.12) cho ông H. đổ 2 xe nói trên và được ông Đ. đồng ý giải quyết.

Ngày 5.5, ông H. liên lạc với ông Đ. và được yêu cầu nhắn hai biển số xe đổ rác chui.

Đúng như thỏa thuận, sáng 6.5, 1 xe tải trọng tải 3,5 tấn (BS: 51C-65…), 1 xe tải trọng tải 1,6 tấn (BS: 51C-49…) của ông H. thu gom rác ở Long An; đến 12 giờ cùng ngày hai xe chạy thẳng đến TTCR Q.12 đổ rác mà không hề có sự phản ứng nào từ nhân viên của TTCR đang trực chốt tại đây… Đến cuối giờ chiều, ông H. gọi điện thoại hỏi ông Đ. Và hai bên thỏa thuận giá đổ rác ngoại tỉnh vào là 5 triệu đồng/tháng/xe lớn và 2 triệu đồng/tháng/xe nhỏ. Để phi vụ làm ăn suôn sẻ, ông Đ. còn nhiệt tình chỉ bảo: “Phải báo lấy rác ở H.Hóc Môn. Bây giờ có quen xã nào ở H.Hóc Môn không, để làm giấy xác nhận mình lấy rác ở khu vực đó là xong”.

Làm giả hợp đồng đổ rác vào TP.HCM

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 1.3.2017, UBND TT.Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa) tiếp tục ký hợp đồng giao khoán cho Công ty MTCNX Long An thu gom rác trên địa bàn thị trấn với giá giảm còn 60 triệu đồng/tháng. Ngày 15.3.2017, UBND xã Đức Hòa Hạ cũng ký hợp đồng thu gom rác với Công ty MTCNX Long An, với giá 264 triệu đồng/tháng. Để tiếp tục phù phép cho rác Long An qua TP.HCM, Công ty MTCNX Long An “bùa” một hợp đồng trực tiếp ký với Công ty MTĐT TP.HCM (ảnh) đổ rác tại trạm số 1 Tống Văn Trân, P.5, Q.11 và TTCR Hóc Môn từ ngày 2.1 – 31.12.2017 với tiền đặt cọc 50 triệu đồng, đổ 3 xe 30 khối/ngày… Thế nhưng, khi xem bản hợp đồng do PV Thanh Niên cung cấp, ông Tăng Thanh Hải khẳng định đây là hợp đồng giả.

Đàm Huy – Đức Tiến

Hàng nghìn người Nga đổ ra đường ở Moscow

0

VOA

28/05/2017

Một người chứng kiến cho hãng tin Reuters biết rằng khoảng 5 nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành mới nhất.

Một người chứng kiến cho hãng tin Reuters biết rằng khoảng 5 nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành mới nhất.

 nghìn người dân Moscow của Nga hôm 28/5 đã đổ về khu vực tây nam của thủ đô để phản đối việc tái định cư hàng triệu cư dân khỏi các khu chung cư từ thời Xô Viết.

Trong khi cảnh sát ước tính số người biểu tình là khoảng 8 nghìn người, một người chứng kiến cho hãng tin Reuters biết rằng khoảng 5 nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành mới nhất.

Số đó giảm nhiều so với con số 60 nghìn người mà ban tổ chức nói là tham dự một cuộc phản đối hôm 14/5.

An ninh được tăng cường để duy trì trật tự.

An ninh được tăng cường để duy trì trật tự.

​Theo kế hoạch, người dân sẽ được chuyển đến các căn hộ hiện đại, nhưng nó lại gây ra quan ngại về quyền sở hữu tài sản.

Nhiều cư dân Moscow cũng lo ngại về địa điểm tái định cư mới vì việc thiếu hụt các dịch vụ cũng như mối đe dọa của các dự án cơ sở hạ tầng mới đối với hình ảnh mang tính lịch sử của thủ đô Nga.

Các cuộc biểu tình bùng ra sau khi chính quyền thành phố khiến các doanh nghiệp nhỏ bức xúc khi phá bỏ các cửa hàng ven đường hồi năm ngoái.

Trở về Washington, tổng thống Trump lại đối mặt với các bê bối

RFI

media
Phiên điều trần trước Quốc Hội của cựu giám đốc FBI James Comey sắp tới có thể sẽ làm mọi chuyện nổ tung. Trong ảnh, tổng thống Mỹ Donald Trump (T) – cựu giám đốc FBI James Comey (P). Reuters

Trở về nước hôm qua, 27/05/2017, sau chuyến công du 9 ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt trở lại với những vụ tai tiếng, mà mức độ căng thẳng không hề giảm đi, như ông từng hy vọng trước khi lên đường công du. Gọng kềm đang siết chặt quanh Donald Trump.

 

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet giải thích :

« Vụ tai tiếng gần đây nhất trong hồ sơ quan hệ với Nga có liên quan tới Jared Kushner, con rể của tổng thống. Báo Washington Post tiết lộ là hồi tháng 12 năm ngoái, Jared Kushner, cùng đại sứ Nga tại Mỹ, đã tìm cách thiết lập một kênh liên lạc bí mật giữa Washington và Matxcơva. Đó là một ý tưởng bị cựu giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Micheal Hayden chế giễu, nhưng lại được tướng McMaster – giám đốc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ủng hộ.

Kushner cho biết sẵn sàng ra điều trần trước các ủy ban điều tra và khẳng định hiện không gặp rắc rối gì. Nhưng bốn nhân vật thân cận khác của Donald Trump đang bị thẩm phán đặc biệt Robert Mueller nhắm tới. Vì thế, theo New York Times, Nhà Trắng muốn thành lập một bộ phận truyền thông đặc biệt để tránh mọi rắc rối cho chính quyền Trump.

Nhưng bộ phận truyền thông đặc biệt có giúp tổng thống tránh được rắc rối không, khi chính ông Trump bị nghi ngờ đã tìm cách ngăn cản các cuộc điều tra ? Về điều này, phiên điều trần trước Quốc Hội của cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang James Comey, người đã bị cách chức vì không nghe lời, có thể sẽ làm mọi chuyện nổ tung. »

Hoa Kỳ : “Diều hâu” Brzezinski từ trần, thọ 89 tuổi

ông Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tại Washington. Nguồn: Getty Images.

RFI

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Zbigniew Brzezinski, được xem là « diều hâu » của tổng thống Dân Chủ Jimmmy Carter, qua đời hôm thứ Sáu 26/05/2017, ở Falls Church, bang Virginia,thọ 89 tuổi. Tuy không nổi danh như Henry Kissinger của đảng Cộng Hoà, tiếng nói của « người tị nạn » Ba Lan cũng có giá trị quyết định trong chính sách của Washington suốt nhiều thập niên từ Chiến tranh lạnh đến thời Barack Obama.

 

« Tối nay, cha tôi đã thanh thản ra đi ». Mika Brzezinski, con gái của người quá cố, phóng viên đài truyền hình NBC thông báo như trên, trên Instagram vào tối thứ Sáu, 26/05. Cựu tổng thống Jimmy Carter, trong lời vĩnh biệt, đã vinh danh người cố vấn cũ như là một « nhân vật hết lòng phụng sự đất nước » đã đóng « vai trò then chốt» trong mọi sự kiện cốt lõi của chính sách đối ngoại, kể cả việc bình thường hóa bang giao với Trung Quốc, ký với Nga hiệp định tài giảm binh bị SART -2, hiệp định trại David, về Trung Đông….

Sau Chiến tranh lạnh, Zbigniew Brzezinski thuyết phục được liên minh NATO nới rộng biên cương đến… Ba Lan.

Cho đến những tháng gần đây, qua các cuộc phỏng vấn, tham luận, tranh luận, quan điểm của Zbigniew Brzezinski tiếp tục có ảnh hưởng trên các hồ sơ nóng trên thế giới từ Ukraina, Afghanistan, Syria hay Vladimir Putin. Cho dù chỉ ở trung tâm quyền lực Nhà Trắng có bốn năm, với nhiệm kỳ Jimmy Carter (1977-1981), Zbigniew Brzezinski được mô tả là « người có thế lực ». Tổng thống Barack Obama, trong 8 năm cầm quyền, vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến của một người anh cả có nhiều kinh nghiệm, mỗi khi có vấn đề.

Lịch sử Ba Lan hướng dẫn tư duy

Sinh ngày 28/03/1928 tại Vacxava trong một gia đình quý tộc theo đạo Công Giáo, cha là nhà ngoại giao phục vụ tại Canada khi xảy ra Thế chiến thứ hai. Chàng thiếu niên Zbigniew Brzezinski từ chối trở về quê hương bị Đức Quốc Xã và Liên Xô xâu xé. Năm 1940, xảy ra vụ thảm sát Katyn. Hàng chục ngàn người Ba Lan thuộc tầng lớp tinh hoa : sĩ quan, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, văn nhân nghệ sĩ, doanh nghiệp bị mật vụ của Stalin hạ sát bằng một viên đạn bắn vào gáy, rồi quy tội cho phát xít Đức. Phải 50 năm sau, Liên Xô (thời Mikhail Gorbachev) mới nhìn nhận sự thật.

Có lẽ vì thế mà trong lòng Zbigniew Brzezinski đã ươm mầm  chống Cộng Sản triệt để, tinh thần này đã trở thành kim chỉ nam cho nhãn quan địa chính trị của cố vấn an ninh quốc gia.

Năm 1953, tại đại học Havard, cố vấn an ninh tương lai trình luận án tiến sĩ với đề tài : Chủ nghĩa độc tài Xô Viết và các cuộc thanh trừng.

Theo nhà nghiên cứu Pháp Julien Vaïsse, tác giả quyển tiểu sử « Zbigniew Brzezinski : Chiến lược gia của đế quốc » thì hoài bão của Zbigniew Brzezinski, ngay từ thời sinh viên, là làm sụp đổ đế quốc Liên Xô, giải phóng Đông Âu.

Ukraina : Macron tuyên bố đối thoại ”không khoan nhượng” với Putin

RFI

Nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron có cuộc đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles, ngày 29/05/2017. Ảnh : AFP

Ngày thứ hai 29/05/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được Pháp đón tiếp một cách trọng thể tại cung điện Versailles. Trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, tổng thống Emmanuelle Macron tuyên bố là sẽ có những « đòi hỏi khắt khe » với chủ nhân điện Kremlin về hồ sơ Ukraina, cũng như đã có những « trao đổi không khoan nhượng » với tổng thống Mỹ về khí hậu. Tân lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp, qua cuộc thử lửa ngoại giao đầu tiên, muốn chứng tỏ có khả năng đóng vai trò chủ động trên các hồ sơ quốc tế.

 

Từ Taormina, đặc phái viên Valérie Gas phân tích :

« Trong buổi họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, Emmanuel Macron đã ca ngợi khả năng biết lắng nghe và tinh thần thực tế của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguyên thủ Pháp còn nói rằng ông tin tưởng là Donald Trump sẽ khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng cũng cho biết ông không muốn bình luận về quyết định mà tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đưa ra trong những ngày tới.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến ý nghĩa tích cực của thượng đỉnh G7, bởi chỉ mới đây thôi Hoa Kỳ đã muốn rời bỏ Thỏa thuận về khí hậu.

Emmanuel Macron nhấn mạnh đến cơ chế của thượng đỉnh giữa bảy quốc gia phát triển là thuận lợi và hiệu quả, cho phép các nhà lãnh đạo thảo luận trực tiếp. Rõ ràng nguyên thủ Pháp muốn ưu tiên đối thoại và trao đổi hơn là đối đầu. Đây là phương pháp mà ông sẽ triển khai trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin vào ngày mai tại Paris.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết là ông sẽ có một cuộc ‘‘đối thoại khắt khe’’ với tổng thống Nga, bởi nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là hồ sơ Syria, sẽ không thể được giải quyết, nếu không có một cuộc trao đổi không khoan nhượng với Matxcơva ».

Trả lời phỏng vấn tuần báo chủ nhật Journal Du Dimanche, 28/05/2017, khi được hỏi về cú « bắt tay » như đọ sức với Donald Trump, mà báo chí Mỹ bình luận suốt hai ngày qua, tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông cố tình làm như thế. Đó là « thời điểm của sự thật », là « tín hiệu » để đối tác biết rằng mình dứt khoát không nhượng bộ cho dù chỉ là « một hình ảnh tượng trưng ».

Tổng thống Macron xác định nghệ thuật của ngoại giao là đối thoại chứ không phải là dùng lời lẽ thô lỗ để áp đảo. Những người như « Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hay tổng thống Nga Vladimir Putin suy nghĩ theo « logic » tương quan lực lượng », tuy nhiên, tôi không để cho họ lấn lướt và như thế họ phải tôn trọng mình, tổng thống Pháp kết luận.