Hai mươi sáu tổ chức và cá nhân hoạt động vì quyền con người cùng ký thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện ngay lập tức cho tù nhân lương tâm – Mục sư Nguyễn Công Chính; tiến hành điều tra độc lập, thực chất những cáo giác về việc đối xử tàn tệ với bản thân ông này trong nhà tù và đối với cáo giác chính quyền phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tra tấn vợ của ông là bà Trần Thị Hồng.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International, trụ sở tại Anh Quốc công bố thư ngỏ kêu gọi vừa nêu vào ngày 1 tháng 6.
Theo bức thư được công khai thì những tổ chức và các nhân ký tên yêu cầu phải đưa mọi thủ phạm được xác định ra xét xử một cách phân minh. Ngoài ra phải bồi thường cho hai ông bà Nguyễn Công Chính theo đúng cam kết của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự- Chính trị, Công ước Chống Tra tấn và Đối xử phi nhân, tàn ác.
Bức thư ngỏ đề ngày 23 tháng 5 gửi đến chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân.
Nhóm gửi thư cho biết tiếp tục theo dõi sát sao tình hình của tù nhân lương tâm Nguyễn Công Chính và vợ ông là bà Trần Thị Hồng. Hoạt động này sẽ được thực thi cho đến khi mục sư Nguyễn Công Chính được trả tự do, những cáo buộc hình sự đối với ông được giải bỏ thông qua tiến trình pháp lý phù hợp.
Vào năm 2012, mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia’ theo điều 87 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Theo các tổ chức và cá nhân ký vào thư ngỏ thì mục sư Nguyễn Công Chính bị giam giữ một cách tùy tiện và bị tuyên án tủ chỉ vì thực thi quyền tín ngưỡng một cách ôn hòa cũng như các quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ…
Những hoạt động không hề bạo lực trong việc chỉ trích các chính sách của nhà cầm quyền không thể là nguyên nhân khiến bản thân Mục sư Nguyễn Công Chính phải chịu tù đày, đối xử tàn tệ và bị quản giáo tước mọi quyền con người của ông.
Trong tù Mục sư Nguyễn Công Chính còn bị những tù thường phạm khác xúc phạm thân thể cũng như tinh thần bằng lời lẽ xúc phạm mà cán bộ quản giáo không hề can thiệp. Ông cũng không được chăm sóc y tế để chữa bệnh, bị biệt giam trong thời gian dài, không được thực hành các nghi thức tôn giáo.
Trại giam cũng không cho ông này mua đồ ăn thêm ở căn tin.
Bên ngoài, bà vợ của ông thường xuyên bị sách nhiễu; thậm chí hành hung, tra tấn…
Từ tháng 12 năm ngoái, mục sư Nguyễn Công Chính bị chuyển từ một nhà tù ở Đồng Nai qua trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương.
Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần giải quyết.
Đó là thừa nhận được các vị đại biểu quốc hội nêu ra trong cuộc họp làm việc sáng ngày 2 tháng Sáu, thảo luận về Luật Chuyển Giao Công Nghệ khi nhập thiết bị máy móc bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Vấn đề đưa ra là trong quá trình chuyển gia công nghệ phải có sự thẩm định, kiểm soát nguồn máy móc thiết bị nhập vào trong nước, mục đích là ngăn chận và hạn chế những loại công nghệ được cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam nữa, có nghĩa không chỉcũ kỹ lạc hậu cả mấy đời mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phương hại đến môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước.
Một số đại biểu quốc hội đề nghị khái niệm và qui định về công nghệ lạc hậu cần được làm rõ để bổ sung vào dự án Luật Chuyển Giao Công Nghệ.
Một ý kiến khác được nêu ra là chính phủ phải có chính sách rõ ràng để khuyến khích và tạo điều kiện để việc chuyển giao và tiếp thu những công nghệ kỹ thuật cao, tân tiến, sạch, mới và hợp thời phải là tiêu chí của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài 3 ngày. Trong chuyến thăm này, ông đã gặp Tổng thống Donald Trump, các giới chức chính phủ Mỹ, và đại diện nhiều công ty Mỹ. Chuyến thăm cũng là dịp để các công ty Việt Nam ký các hợp đồng với các công ty Mỹ được nói là lên đến hàng tỷ đô la và được Tổng thống Donald Trump ca ngợi là giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ. Một chuyên gia về bang giao quốc tế tại Hoa Kỳ cho rằng mặc dù vậy, chuyến thăm chưa tạo ra một đột phá lớn.
Gia tăng các hợp tác trên nhiều mặt
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ kéo dài từ ngày 29 đến 31 tháng 5 với dày đặc lịch trình làm việc và được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận là đã đạt được thành công.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về bang giao quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa kỳ, cho rằng chuyến thăm của ông Phúc diễn ra giữa lúc có nhiều khó khăn và những thành công mà Thủ tướng Việt Nam đạt được không phải là đột phá:
Nhưng ngược lại dù điều kiện không thuận lợi nhưng những việc ông Phúc làm dù nhỏ và không có đột phá nhưng phải nói chuyến đi có kết quả.
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Trong khung cảnh của chuyến đi không thuận lợi vì ông Trump đã tuyên bố Mỹ rời bỏ khỏi TPP mà Việt Nam muốn và ông ấy chỉ trích Việt Nam là lấy mất công ăn việc làm của người Mỹ rồi phàn nàn là Mỹ nhập siêu của Việt Nam. Nhưng ngược lại dù điều kiện không thuận lợi nhưng những việc ông Phúc làm dù nhỏ và không có đột phá nhưng phải nói chuyến đi có kết quả.
Những kết quả của chuyến thăm được thể hiện qua bản tuyên bố chung của hai nước sau cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump. Thông cáo có đoạn viết ‘với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương có lợi ích và cam kết rộng khắp châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng’. Tuyên bố cũng cho biết hai nước sẽ gia tăng các hợp tác trên nhiều mặt như ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, môi trường và nhân đạo. Bên cạnh những hợp tác này, tuyên bố chung cũng đề cập đến những điểm mà Việt Nam quan tâm mà theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng là những thành công của chuyến đi
Trong thông cáo chung cũng nhắc đến những điều mà Việt Nam muốn từ trước là tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ ASEAN, ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017. … điều Việt Nam muốn khác nữa là hai bên đều đồng ý về việc bảo vệ an ninh hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp trên phương diện ngoại giao theo luật quốc tế. Điều đặc biệt chúng ta thấy là hiệp ước thương mại thì ông Trump đã bỏ TPP và không có dấu hiệu là hai bên đàm phán một hiệp ước song phương, nhưng hai bên cũng cam kết lập những cơ cấu để giải quyết những vấn đề này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam tại Nhà Trắng vào chiều ngày 31 tháng 5 năm 2017. AFP
Vào tháng 1 vừa qua, khi mới nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố nước Mỹ rút khỏi hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) mà Việt Nam cũng là một thành viên. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai kinh tế Việt Nam vì Mỹ là một thị trường quan trọng cho hàng hóa của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn mong muốn Hoa Kỳ sẽ quay lại TPP hoặc có thể cân nhắc ký kết một hiệp định song phương thay thế nào đó.
Ngoài ra vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa Việt Nam và một số nước khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc cũng là điều mà Hoa Kỳ quan tâm. Việt Nam từ trước đến nay vẫn khẳng định vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong việc gìn giữ an ninh và hòa bình trong khu vực.
Liên quan đến vấn đề kinh tế, những hợp đồng thương mại ký kết giữa các công ty Mỹ và Việt Nam nhân chuyến thăm lần này được tuyên bố đề cập là khoảng 10 tỷ đô la, thấp hơn con số 15 tỷ đô la mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong các bài phát biểu tại Mỹ. Con số này dù còn khiêm nhường nhưng cũng đủ để nhận lời khen từ Tổng thống Donald Trump sau cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hợp tác về an ninh quốc phòng
Trong tất cả những thành công đạt được từ chuyến thăm, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đáng chú ý hơn cả là hợp tác về an ninh quốc phòng thể hiện trong tuyên bố lần này:
Về phương diện quốc phòng thì để ý trong thông cáo chung đó họ nói đến khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước thì theo tôi đó cũng là điểm khá quan trọng.
Mặc dù đánh giá chuyến thăm không có đột phá, nhưng giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh châu Âu không được tốt đẹp như trước thì những cam kết mà Việt Nam có được với Mỹ trong chuyến thăm này là đáng chú ý:
Về phương diện quốc phòng thì để ý trong thông cáo chung đó họ nói đến khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước thì theo tôi đó cũng là điểm khá quan trọng.
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Có hai điểm. Thứ nhất là ông đi thăm trong hoàn cảnh tương đối không thuận lợi so với những ông trước. Điểm thứ hai là không có những đột phá nhưng những điều nhỏ nhỏ mà tôi đưa ra cho thấy là ông ấy sang đây muốn thăm dò Mỹ và muốn bang giao hai nước tang cường chứ không bớt đi. Những chuyện trong thông cáo chung đưa ra chứng tỏ cả hai điều đó, là tăng cường chứ không bớt đi. Trong bối cảnh ông Trump khó khan với các đồng minh ở Âu châu thì ở đây là tang cường chứ không bớt đi. Trong khung cảnh Việt Nam sợ ông Trump cấu kết làm gì đó với Trung Quốc có thể không có lợi cho Việt Nam thì một phần nào ông cũng được giải tỏa cái đó.
Nhận định về tương lai của quan hệ hai nước trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng điều này rất khó nói vì sự khó đoán trong các hành động của Tổng thống Mỹ:
Một câu nói mà ai cũng phải nói là đối với ông Trump thì không thể tiên đoán được, cái gì cũng có thể xảy ra được. Trong trường hợp bình thường thì ông Trump quan tâm đến vấn đề kinh tế mà quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam là rất nhỏ. Nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam chỉ bằng khoảng 9% so với nhập siêu của Mỹ so với Trung Quốc nên nó rất nhỏ. Trong khi đó ông dành quyền rất nhiều cho giới quân sự. Mà giới quân sự thì để ý đến vấn đề chiến lược. Trong tình trạng bình thường thì chúng ta thấy quan tâm giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục tăng nếu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục.
Hoa Kỳ từ thời của Tổng thống Obama đã thực hiện chiến dịch xoay trục về châu Á để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố không còn thực hiện chiến lược chuyển trục về châu Á nhưng chưa đưa ra được một chiến lược thay thế.
Trong bài phát biểu của mình trước Quỹ Di Sản của Mỹ ở Washington DC hôm 31 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam ủng hộ quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trên cơ sở minh bạch và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước khác. Ông cũng dùng câu nói quen thuộc của người Việt Nam là ‘trâu bò đánh nhau thì ruồi muỗi chết’.
Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ có hơn nửa số điện trong nước được sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng than, cùng lúc phải giảm 25% lượng khí thải mà những dự án này nhả ra môi trường.
Quyết định này gặp nhiều ý kiến phản hồi về mặt kỹ thuật lẫn môi sinh.
Hãng tin Reuters hôm 24 tháng 5 cho biết Việt Nam sắp cấp phép cho các công ty đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia để xây dựng 3 nhà máy điện than lớn tổng trị giá 7 tỷ 500 triệu đô la Mỹ. Dự kiến Việt Nam sẽ cấp phép cho các dự án này vào trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Nhật Bản vào đầu tháng 6 năm nay.
Vẫn theo Reuters, dù Việt Nam rất muốn tăng mức sản xuất năng lượng tái tạo trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên và áp lực bảo vệ môi sinh nhưng thực tế cho thấy để có thể đáp ứng 11% nhu cầu điện khi mức cầu tăng cao hàng năm thì mạng lưới điện hầu như vẫn phụ thuộc gần hết vào thủy điện và nhiệt điện. Đó là lý do Việt Nam đề kế hoạch đến 2030 thì hơn một nửa mạng lưới điện trong nước sẽ được sản xuất bởi khoảng 40 nhà máy điện than xây thêm trên toàn quốc.
Theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%.
– Ông Phạm Khánh Toàn
Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết giảm thiểu 25% lượng khí thải từ các dự án nhiệt điện than từ giờ đến 2030.
Nói về sự mâu thuẫn trong kế hoạch cắt giảm khí thải nhưng lại gia tăng xây dựng nhà máy nhiệt điện, ông Phạm Khánh Toàn, viện trưởng Viện Năng Lượng thuộc EVN Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam cho đài Á châu Tự do biết:
Theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%, trong lúc thủy điện và dầu khí đều giảm, còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% mà thôi vào năm 2030.
Bởi vì hết những nguồn khác như điện hạt nhân, Việt Nam chỉ phát triển làm từ 2 đến 4 tổ máy, thủy điện hết rồi, dầu khí thì không tìm ra mỏ mới để cấp cho nhà máy điện cho nên phải sử dụng than. Trước đây, tính toán cho thấy than rất cao; nhưng vừa rồi theo tính toán lại nhu cầu và phát triển các loại có thể khai thác được thì không cao như trước đây. Trước đây chúng tôi tính than phải dùng 300 triệu tấn than một năm, nhưng nay chừng 140 triệu tấn. Thế rồi công nghệ giúp bớt phát thải đi.
Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã cho xây thêm các nhà máy điện chạy bằng than, điển hình như nhà máy nhiệt điện An Khánh I tỉnh Thái Nguyên. Nhà máy điện than An Khánh II được khởi công tại Thái Nguyên với công suất 300MW và vốn đầu tư 10 ngàn tỷ Đồng.
Tháng Mười năm 2015, Tập Đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam TVK, tiến hành xây nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập ở Nghệ An, dự kiến vận hành thương mại năm 2020.
Ngoài ra, nhiều nhà máy nhiệt điện đầu tư theo kiểu BOT xây dựng-vận hành-chuyển giao cũng được Bộ Công Thương Việt Nam cho lệnh khởi công như nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cho đến nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ở Bình Thuận.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gần đây đã gặp phải sự phản đối của người dân địa phương do ô nhiễm.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải cho rằng việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện than tại Việt Nam rõ ràng đang gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Thí dụ nhà máy nhiệt điện Uông Bí thì chúng ta thấy bụi than như thế nào. Đầu tiên vận chuyển hàng đến là đường xá bẩn thỉu, mưa thì chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ một là bay tản ra vùng chung quanh, hai là tích tụ thành mây để mưa xuống. Quanh đi quẩn lại tất cả các chất độc sẽ làm hại đất, nhưng dễ nhất là nó làm người ta thở không được,làm viêm phổi,viêm hoặc ung thư vòm họng. Bụi than xỉ than làm người ta không thể mở cửa nhà, cửa sổ. Thậm chí bây giờ người ta cố gắng tuyên truyền là Việt Nam thiếu điện dùng, phải có nhiệt điện nếu không thì không biết lấy gì bù vào. Biết bao nhiêu giáo sư tiến sĩ thực thụ giỏi, biết bao nhiêu kỹ sư bao nhiêu cử nhân đã học về năng lượng tái tạo ở nước ngoài có được sử dụng đâu…
Ảnh hưởng lên sức khỏe con người
Khói thải ra từ ống khói nhà máy điện đốt than ở thành phố Ji’nan, Trung Quốc hôm 23/12/2016. AFP photo
Năm 2015, Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh Green ID thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội, đã tổ chức buổi hội thảo để nói về những tác hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe con người. Số liệu từ Green ID cho thấy hàng năm khoảng 4.300 người Việt Nam chết yểu vì những chứng bệnh liên quan đến nhiệt điện than. Green ID cảnh báo là con số 4.300 có thể tăng thành 25.000 khi mà tất cả các dự án nhiệt điện than theo qui hoạch đi vào hoạt động.
Vẫn theo Green ID, nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong không khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Nếu thường xuyên hít vào loại sương mù này con người dần dà có những triệu chứng tức ngực, ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời gian dài sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Thứ đến là xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa học, khi con người hít vào thì những hạt li ti đó có thể len tận mạch máu, gây rối loạn nhịp tim, đau tim, hư phổi…
Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên…
– Giáo sư Phạm Ngọc Đăng
Ngoài sức khỏe của con người, khói thải từ các nhà máy nhiệt điện than còn tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung quanh trong bán kính cả trăm kilomet.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh Tế Môi Trường, Đầu Tư Và Khu Công Nghiệp, Đại Học Xây Dựng, giải thích ảnh hưởng của việc đốt than và những qui định mà một nhà máy nhiệt điện phải tuân theo:
Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để làm vật liệu xây dựng hay đối với các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn nước và các mạch nước ngầm…
Dưới mắt giáo sư Phạm Ngọc Đăng, phát triển nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong kế hoạch phát triển nhiệt điện than, ông nói, các cơ quan chức năng đã đề ra những qui chuẩn về công nghệ, về vận hành cũng như xử lý chất thải từ nhà máy nhiệt điện:
Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thực tế một số nhà đầu tư kinh doanh muốn giảm chi phí giải quyết ô nhiễm thì người ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát. Có một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.
Theo tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui chuẩn môi trường thì ảnh hưởng có khả năng chấp nhận được. Cơ bản việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém, cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn trách nhiệm nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện. Nếu thực thi đúng những qui định về quản lý và kỷ thuật thì bảo vệ môi trường được thôi.
Hôm 26 tháng Năm vừa qua, trong một bài viết đăng trên trang mang Mongabay chuyên về môi trường và sinh thái, nhà báo David Brown có bài chi tiết về kế hoạch phát triển nhiệt điện than mà Việt Nam muốn đưa vào qui mô năm 2030, nói rằng trong lúc GDP Việt Nam tăng 315% thì lượng khí thải nhà kính Việt Nam cũng tăng vọt 937% từ 1991 đến 2012.
Trích dẫn lời chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim trước một cử tọa gồm viên chức chính phủ lẫn doanh gia các nước ASEAN năm 2016, ký giả David Brown nhắc lại lời ông Jim Yong Kim rằng nếu Việt Nam quyết đạt thêm 40 dự án điện than với công suất hàng ngàn MW, và nếu cả khu vực đều áp dụng sản xuất nhiệt điện than giống Việt Nam thì coi như con người và hành tinh này phải gánh chịu thảm họa môi trường không thể tránh trong tương lai.
Nên hay không nên cứu xét đơn tố cáo nặc danh là vấn đề được nêu ra tại quốc hội tháng trước trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo.
Cần tránh tình trạng vu khống?
Tại buổi họp, Tổng Thanh Tra Chính Phủ là ông Phan Văn Sáu cho rằng lâu nay có tới 59% đơn tố cáo không đúng nguyên tắc, trong đó rất nhiều trường hợp người tố cáo không muốn nêu danh tính.
Có hai ý kiến trong cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo, ông Phan Văn Sáu nói. Ý kiến thứ nhất là chỉ nên qui định hai hình thức tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp, như vậy mới có thể xác minh rõ ràng trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng vu khống, nói sai sự thật khiến ảnh hưởng đến uy tín và danh dự người bị tố cáo.
Ý kiến thứ hai là cần qui định bổ sung những hình thức tố cáo qua fax, email hay điện thoại, phần lớn và thông thường là nặc danh, để người tố cáo được thực hiện quyền của mình, còn cơ quan hữu trách thì kịp thời can thiệp cũng như xử lý những hành vi phạm pháp.
Luật là trên văn bản chứ không phải luật trên thực tế, mình đã khiếu nại đã trình bày có tên mà chưa được giải quyết thì nặc danh họ không quan tâm đâu.
-Bà Kim Hoa
Vẫn theo ông Phan Văn Sáu, chính phủ có vẻ nghiêng về ý kiến thứ nhất hơn, nghĩa là cần xác định danh tính cá nhân hay nhóm người đứng ra tố cáo. Lý do được ông giải thích là trong thời gian qua các cơ quan chính phủ chỉ giải quyết 87,4% tổng số đơn tố cáo có nêu danh, trong lúc lượng đơn thư tố cáo không đúng sự thật thì rất nhiều.
Bà Kim Hoa, một người bị vu cáo oan sai với cả chục năm mang đơn đi thưa nhưng không được giải quyết, nói rằng tình hình chung và vấn đề ở đây là đơn thư tố cáo có được cứu xét hay không chứ không phải chuyện nặc danh hay có tên:
Thường bên đây mà tố cáo nặc danh họ đâu có giải quyết, còn tố cáo mà đứng danh tánh thì có nhiều cái nguy hại lắm. Đúng ra về mặt pháp luật thì cơ quan nhà nước khi nhận được tố cáo một vấn đề thì phải có trách nhiệm điều tra xem người ta tố cáo mà có đúng hay không. Nhưng bên đây thực tế mà nói tố cáo nặc danh thường họ bỏ thùng rác, thậm chí những đơn tố cáo có đứng tên đàng hoàng họ vẫn dục vô thùng rác, rất vất vả chứ không phải dễ dàng một đơn tố cáo mà được xem xét. Nếu các ông nói đã giải quyết nhiều vấn đề thì điển hình như chuyện gia đình tôi, mình đi khiếu nại nay là đúng 10 năm mà chưa thấy gì hết. Luật là trên văn bản chứ không phải luật trên thực tế, mình đã khiếu nại đã trình bày có tên mà chưa được giải quyết thì nặc danh họ không quan tâm đâu. Cái đó là ông chỉ muốn nói trong thời gian qua đã giải quyết được nhiều vấn đề oan sai và đơn tố cáo nặc danh vẫn giải quyết, đại ý là như vậy nhưng thực tế là đi ngược lại.
Nhiều đại biểu khác cũng góp ý về nên hay không nên tiếp nhận đơn thư tố cáo qua email, tin nhắn, điện thoại, fax. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại trong quốc hội, nhiều người gởi đơn tố cáo đến ông nhưng không nêu rõ danh tính nên ông không tin đó là sự thật hay có ý vu khống, bôi nhọ cơ quan, tổ chức hay cá nhân.
Ông Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng Và An Ninh của quốc hội, cho rằng nếu không nhận và không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh, thường sử dụng phương tiện email, điện thoại hay tin nhắn, thì người dân sẽ không dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng khi phải giải quyết cả đơn thư nặc danh thì cũng khó xác thực tin tức, đặc biệt đối với những đơn thư không trung thực.
Một kỳ họp Quốc hội trước đây tại Hà Nội, ảnh minh họa. AFP
Tại sao có hiện tượng nặc danh và tại sao nên tiếp nhận tố cáo nặc danh là câu gỏi được nhà báo tự do Võ Văn Tạo giải thích:
Vì người tố cáo ở Việt Nam không được bảo vệ một cách đúng đắn. Thông thường sợ bị trù dập mà người ta dấu tên chứ không phải thích dấu tên đâu. Mặc dù luật pháp qui định bảo vệ người tố cáo nhưng mà thực tiẽn không phải như thế.
Thứ hai, có những đơn tố cáo nặc danh mà chính xác hoàn toàn thì mình nên cứu xét và giải quyết để khắc phục những chuyện tiêu cực chuyện xấu của xã hội, gây lại niềm tin cho nhân dân. Trường hợp tiếp nhân quá nhiều thì nó cũng quá tải cho cơ quan điều tra phải đi xác minh mà cuối cùng cũng chả có gì. Đấy là cái tôi cho rằng những ý kiến thiên về không là có lý một phần, nhưng nếu không cứu xét thì sẽ còn rất nhiều những bất công những xấu xa trong xã hội mà người ta tố cáo là không được xem xét tới. Tôi nghiêng về khả năng là nên chấp nhận đơn tố cáo nặc danh. Thà rằng cơ quan điều tra mất công hơn một tí nhưng nếu thực tâm muốn giải quyết vấn đề tiêu cực của xã hội thì đơn nào cũng nên tiếp nhận.
Tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập?
Thực tế cho thấy trong thời gian qua nhiều cuộc gọi tố cáo qua điện thoại đến cơ quan chức năng có nội dung và tình tiết khá chính xác, là phản ảnh của đại biểu Phạm Trí Thức. Cùng quan điểm với ông Phạm Trí Thức là ông Nguyễn Sỹ Cương phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của quốc hội, nói rằng trong số các đơn thư tố cáo nặc danh có cái không đúng nhưng có cái đưa ra chứng từ đầy đủ và rõ ràng. Ông Nguyễn Sỹ Cương còn nhìn nhận vấn đề của tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập, vì thế nếu không tiếp nhận đơn thư loại này thì chẳng khác nào né tránh vấn đề.
Đó là lý do nhà văn Đoàn Bảo Châu bày tỏ là ông bênh vực ý kiến nên tiếp nhận và cứu xét đơn thưa nặc danh:
Cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đấy mới là vấn đề cần xem xét trong sửa đổi Luật Tố Cáo hiện nay chứ không phải xem cái hình thức đơn như thế nào để mà giải quyết.
-LS Trần Đình Triển
Bởi vì không phải ai có thông tin mà cũng dám đứng ra nói lên sự thật, họ chịu áp lực và đôi khi khi nguy hiểm đến tính mạng của mình, di đó nhà nước và cơ quan nên tiếp nhận đơn thư nặc danh. Việc tiếp nhận đó phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ. Nhiệm vụ của những người quản lý xã gội là không phải dựa vào đơn thư đó để kết tội một ai đó, mà dựa vài đơn thư đó để có đầu mối điều tra và xác minh có thật hay không. Đơn thư nặc danh đó không đủ để kết tội ai nhưng nó chỉ cho cái đầu mối để tìm ra sự thật. Điều đó là quá cần thiết tại sao lại từ chối, họ ăn lương để họ làm điều đó mà.
Luật sư Trần Đình Triển có cách nhìn khác hơn về những điều quốc hội bàn thảo để dưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo:
Vấn đề bức xúc hiện nay trong việc xem xét đơn tố cáo là cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết và giải quyết dứt điểm theo đúng pháp luật, tránh trường hợp bóng chuyền từ cơ quan nọ sang cơ quan kia mà cuối cùng chẳng ai giải quyết cả. Đấy mới là vấn đề cần phải sửa đổi, không giải quyết thì xử lý nghiêm minh, buộc họ đã hưởng lương từ ngân sách từ tiền thuế của dân, từ doanh nghiệp đóng góp thì phải làm tới nơi tới chốn.
Vấn đề thứ hai nữa mà tuyệt đối cần phải quan tâm là cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đấy mới là vấn đề cần xem xét trong sửa đổi Luật Tố Cáo hiện nay chứ không phải xem cái hình thức đơn như thế nào để mà giải quyết.
Cuộc họp được chốt lại với ý kiến là Thanh Tra Chính Phủ cần nghiên cứu, bổ sung qui định liên quan việc gởi đơn thư tố cáo qua những phương tiện thông dụng hiện nay như điện thoại, fax, thư điện tử, ngay cả thông tin trên báo, coi đó như những thông tin ban đầu. Và nếu có cơ sở với chứng cứ rõ ràng thì cơ quan chức năng không được để lọt tội phạm.
Cây đèn Hoa Kỳ, vật phẩm được chuẩn bị để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ làm quà cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Toà Bạch Ốc ngày 31 tháng 5.
Các trang báo mạng lớn trong nước như vnexpress, newzing, dantri đều đồng loạt rút những bài viết liên quan đến cây đèn Hoa Kỳ, vật phẩm được chuẩn bị để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ làm quà cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Toà Bạch Ốc ngày 31 tháng 5.
Lý do tháo gỡ những bài báo
Cây đèn Hoa Kỳ, hay còn được gọi là đèn dầu là một vật thể rất quen thuộc với tất cả gia đình Việt Nam gần 100 năm qua. Cho đến những năm 80, một số bạn trẻ lớn lên ở các vùng ngoại ô, hoặc vùng quê Việt Nam cho biết họ vẫn học bài mỗi đêm dưới ngọn đèn dầu.
Món quà chiếc đèn Hoa Kỳ mà Thủ tướng Phúc mang sang Mỹ được làm bằng chất liệu gốm Bát Tràng phủ men thanh lưu ly với hình tượng đồng lúa (lúa non) được chọn làm họa tiết chân đèn mang ẩn ý về nền văn hóa lúa nước. Họa tiết hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt, tạo thành điểm nhấn từ cổ đèn kéo xuống đế. Trên bầu đèn là họa tiết cuốn thư và cờ Việt Nam – Mỹ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện.
Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai.
– Ông Huỳnh Ngọc Chênh
Tuy nhiên, tất cả những nội dung này đều bị lấy xuống trong thời gian rất nhanh và không rõ nguyên nhân vì sao.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người nổi tiếng với câu nói “Lịch sử là khoa học, không phải là công cụ giáo dục tư tưởng”, cho rằng theo ông, có lẽ đã thiếu một sự giải thích cho giá trị và ý nghĩa của cây đèn Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ là ở đây có lẽ có khiếm khuyết ở chỗ tuyên truyền giới thiệu ý nghĩa món quà đó. Tôi không nghĩ là nó lại trở thành câu chuyện như thế. Chứ như tôi biết, nó là biểu hiện của tình hữu nghị, tấm lòng cởi mở, thân thương của người Việt Nam trong đối ngoại.”
Một giả thuyết khác được nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ và ông cũng nói rằng giả thuyết này ông chưa có điều kiện kiểm chứng.
“Do một nhà buôn có tên là Hoa Kỳ hay Hoa Ký làm ra cái đèn đó để bán ra ở Hà Nội từ rất sớm. Từ đó có tên là đèn Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm, bên cạnh việc ông đồng ý rằng cái đèn Hoa Kỳ không có ý nghĩa trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam với Mỹ, còn có một lý do thứ hai rất tinh tế về mặt quan sát, ông nói.
“Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai. Lá cờ Mỹ có 7 vạch màu đỏ, trong đó 4 vạch đầu tiên là bằng với khung xanh của các ngôi sao, trong khi lá cờ Mỹ trên cái đèn chỉ thấy 3 vạch màu đỏ bằng với khung xanh.”
Tinh thần và giá trị của văn hoá
Bài viết trên báo Nông Nghiệp hôm 1/6/2017. Screenshot
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết ông rất bất ngờ khi lần đầu tiên nghe câu chuyện cây đèn Hoa Kỳ là món quà được chuẩn bị tặng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Bây giờ lần đầu tiên mới biết là có món quà như thế. Nhưng mà ngay lập tức có phản xạ tự nhiên là tôi nhớ đến 1 bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, ông ấy là đại biểu quốc hội 4 khoá liền. Trong chuyến đi này của ông Phúc tôi cũng thấy có mặt ông Dương Trung Quốc.
Thế thì cái liên hệ về ông Dương Trung Quốc và cái đèn thì tôi nhớ lại bài báo ấy, cũng 10 năm rồi, ông ấy nói về cây đèn Hoa Kỳ. Đấy là tên của cái đèn mà tôi ngờ rằng lần này ông Nguyễn Xuân PHúc mang đi để tặng cho ông Trump.”
Nhắc lại thêm về bài báo 10 năm trước của nhà sử học Dương Trung Quốc, ông nói rằng cây đèn Hoa Kỳ được diễn tả như một minh chứng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó hàm ý biết ơn ánh sáng mang đến giúp cho người Việt Nam.
“Cái bài viết ấy nó ở trong bối cảnh hình như ông Dương Trung Quốc khi ấy là hội viên hay Ban chấp hành của Hội Hữu nghị Việt Mỹ, một đoàn thể của nhân dân, muốn làm vai trò ‘ngoại giao nhân dân’, như thuật ngữ ở VIệt Nam đang nói, để liên kết, liên hệ, kết thân với Mỹ.
Bây giờ Việt Nam mang cái đèn ấy sang Mỹ để bày tỏ cái mối liên quan mật thiết giữa hai nước và cái giá trị của kỹ thuật văn minh văn hoá Mỹ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Tôi nghĩ đấy là ý nghĩa của quà tặng.”
Giáo sư Lê Văn Lan giải thích tường tận thêm về cây đèn Hoa Kỳ, bắt đầu với cái tên gọi mà theo ông, là có thật.
Đây là nịnh người Mỹ đấy, tỏ lòng biết ơn rằng cây đèn rất phổ biến ở Việt Nam là có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Đấy là ca ngợi người Mỹ.
– Giáo sư Lê Văn Lan
“Nó là 1 cái đèn dầu được sản xuất từ nước Mỹ vào thế kỉ 18 hay 19 gì đấy, và nó đại diện cho kỹ thuật, lối sống Mỹ có mặt ở Việt Nam cũng từ 100 trăm nay. Người Việt Nam gọi đó là đèn Hoa Kỳ.”
Từ đó, theo suy nghĩ của ông, món quà này không phải được mang đi với mục đích mang truyền thống Việt Nam đến với quốc gia nước bạn, mà là biểu thị cho tinh thần và giá trị của văn hoá, kỹ thuật Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
“Thế thì cái ý nghĩa mang cây đèn ấy, sau 1 thời gian dài lại được thực hiện trong chuyến đi của ông Phúc này theo tôi là bày tỏ thiện ý, tấm lòng biết ơn của người Việt Nam với nước Mỹ.
Đây là nịnh người Mỹ đấy, tỏ lòng biết ơn rằng cây đèn rất phổ biến ở Việt Nam là có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Đấy là ca ngợi người Mỹ.”
Thế nhưng, nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, từ Hà Nội đưa ra ý kiến khác về dựa theo một nguồn gốc của cây đèn Hoa Kỳ.
“Nói cái đèn đó là truyền thống của Việt Nam thì không phải là truyền thống, mà nó dính dáng gì tới Hoa Kỳ thì cũng dính dáng ít, bởi vì đó là cây đèn dầu được người Ba Lan phát minh ra và ở Châu Âu xài trong thời kỳ chưa có điện.”
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn cấp cao Việt Nam đã kết thúc. Có một chi tiết mà nhiều người quan sát đều đặt câu hỏi, đó là không thấy xuất hiện trên truyền thông hình ảnh trao món quà cây đèn Hoa Kỳ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump.
Trong nội dung bức Tâm thư do Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu tù nhân lương tâm, chia sẻ trên trang mạng xã hội ngày 1 tháng 6 cho biết, ông đã bị nhà nước Việt Nam ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam vào ngày 17 tháng 05, 2017. Điều này đồng nghĩa với việc từ người mang song tịch Việt Nam và Pháp, ông sẽ chỉ còn là công dân của nước Pháp.
Từng là du học sinh, sinh sống ở Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về nước dạy học tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn cho đến khi bị bắt vào tháng 8 năm 2010 với tội danh lật đổ chính quyền Việt Nam theo điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Sau khi mãn hạn 17 tháng tù giam, ông được trả tự do vào Tháng Giêng năm 2012 và chịu ba năm quản chế. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.
Đến ngày hôm nay, qua nhiều lần đòi hỏi phía Việt Nam cũng chưa cung cấp cho phía Pháp cũng như cho tôi cái văn bản chính thức có chữ ký của ông Trần Đại Quang về việc tước quốc tịch của tôi.
-GS Phạm Minh Hoàng
Trả lời Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 3 tháng 6, Giáo sư Phạm Minh Hoàng kể lại sự việc xảy ra cách đây 2 ngày:
“Ông Tổng lãnh sự Pháp có mời tôi lên để trao đổi một số chuyện, thì ông nói là có một tin rất xấu cho tôi, là nhà nước Việt Nam, qua trung gian là chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 17 tháng 5 đã ký một văn bản tước quốc tịch của tôi, và chuyện này chắc chắn sẽ dẫn đến việc trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam vì tôi có song tịch Pháp – Việt.”
Cũng theo lời giáo sư Hoàng, phía Đại sứ quán Pháp đã đặt vấn đề với Bộ Ngoại giao Việt Nam liệu có cách nào để hoãn, hoặc huỷ quyết định này không? Câu trả lời của Bộ Ngoại giao Việt Nam là một khi chủ tịch nước đã ký thì phải thi hành.
Tuy nhiên, cho đến khi diễn ra cuộc nói chuyện giữa ông Phạm Minh Hoàng và ông Tổng lãnh sự Pháp vào khoảng 8g30 tối ngày 3 tháng 6, thì cá nhân giáo sư Hoàng và Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội vẫn chưa nhận được văn bản chính thức có chữ ký của chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Theo lời nói của ông Tổng lãnh sự Pháp, Đại sứ Pháp tại Hà Nội chỉ nhận được một tờ giấy do đại diện của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội gửi đến thông báo rằng ngày 17 tháng 5, ông đã bị tước quốc tịch Việt Nam và chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký.
“Đến ngày hôm nay, qua nhiều lần đòi hỏi phía Việt Nam cũng chưa cung cấp cho phía Pháp cũng như cho tôi cái văn bản chính thức có chữ ký của ông Trần Đại Quang về việc tước quốc tịch của tôi.”
Từ bỏ quốc tịch Pháp!
Giáo sư Phạm Minh Hoàng chia sẻ rằng đến ngày hôm nay, ông và gia đình vẫn chưa biết sẽ phải như thế nào, vì những gì liên quan đến quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông chỉ được thông tin qua hai lần nói chuyện với ông Tổng lãnh sự Pháp.
Cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng. RFA PHOTO
Tuy nhiên, ông cho biết ông và gia đình đã gặp luật sư để nhờ sự can thiệp về khía cạnh pháp lý.
“Sau những giây phút bối rối thì tôi đã liên hệ với luật sư để họ trợ giúp pháp lý. Tôi đã đưa hết tất cả những giấy tờchứng minh tôi có quốc tịch Việt Nam như thếnào, vì cái đó cũng khá quan trọng. Họ trả lời cho tôi là việc của tôi cũng tương đối thuận lợi nhưng cái quan trọng là họ phải có văn bản của chủ tịch nước ký. Vì văn bản đó sẽ nói nhiều thứtrong đó lắm, và mình phải căn cứ vào những điều đó thì mới có những phản ứng nhất định.
Và ngay cả ông Tổng lãnh sự Pháp cũng nói với tôi là phía Pháp cũng yêu cầu Việt Nam cho họ xin cái văn bản đó để họcó những luật sư của họ, tiến hành những bước có thể làm được gì cho tôi.”
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho chúng tôi biết hai vị luật sư ông nhờ can thiệp về mặt pháp lý là luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội và luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn. Đặc biệt, cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định cũng đã liên lạc với giáo sư Hoàng và cho biết cá nhân ông sẽ theo đuổi vụ việc này.
Cả hai luật sư, Đặng Đình Mạnh và luật sư Lê Công Định đều cho rằng có một vấn đề pháp lý trong hồ sơ chứng minh quốc tịch Việt Nam của giáo sư Phạm Minh Hoàng. Riêng luật sư Hà Huy Sơn có đưa ra một cách giải quyết mà giáo sư Hoàng cho rằng khá độc đáo. Ông kể lại:
“Anh Hà Huy Sơn bảo rằng chúng ta có thể xin từ bỏ quốc tịch Pháp luôn, tôi chỉcòn một quốc tịch thôi. Khi đó chính phủ Việt Nam sẽ không làm gì được cả. Bây giờ họ có quyền bởi vì tôi có hai quốc tịch. Hiến pháp và luật pháp Việt Nam cũng như tuyên ngôn trong các bản quốc tế nhân quyền đều cho phép như thế. Nhưng khi tôi không còn quốc tịch nào ngoài quốc tịch Việt Nam thì nhà nước làm việc này sẽ vi phạm các điều cam kết.”
‘Mong được chết trên quê hương’
Tôi nghĩ là tôi không mất mát gì cả. Cái ước vọng được sống trên quê hương, sống gần gia đình nó quá lớn. Tôi không còn trẻ nữa, tôi cũng không ham muốn tiến thân gì nữa. Tôi chỉ mong được sống và phục vụ ở Việt Nam.
-GS Phạm Minh Hoàng
Ngay trong ngày 3 tháng 6, giáo sư Phạm Minh Hoàng đã viết trên trang cá nhân của ông rằng ông sẵn sàng từ bỏ quốc tịch Pháp. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói rằng ông ao ước được “thực hiện giấc mơ của một người Việt Nam bình thường đó là được sống và được chết trên quê hương của mình.”
Và ông biết ao ước này chỉ trở thành hiện thực khi không ai có thể dung biện pháp pháp lý nào để trục xuất ông.
“Tôi nghĩ là tôi không mất mát gì cả. Cái ước vọng được sống trên quê hương, sống gần gia đình nó quá lớn. Tôi không còn trẻ nữa, tôi cũng không ham muốn tiến thân gì nữa. Tôi chỉmong được sống và phục vụ ở Việt Nam. Tôi đã suy nghĩvà không có gì phải đắn đo.
Tuy nhiên cũng phải như mình nghĩ, có nhiều thế lực hợp tác với nhau để tống tôi ra ngoài. Tôi chỉ là 1 con người nhỏbé, không quyền hạn gì cả. Mình đứng về lẽ phải nhưng đôi khi phải chịu thua.”
Giáo sư Phạm Minh Hoàng có nhắc lại lời luật sư Lê Công Định khi nói về sự việc này, cho rằng trường hợp này sẽ gây rất nhiều chú ý cho giới luật sư cả nước.
Những luật sư đại diện pháp lý cho Giáo sư Phạm Minh Hoàng có ý kiến thế nào về trường hợp được cho là chưa từng xảy ra từ trước đến nay?
Vấn đề này sẽ được luật sư bên Đại sứ quán Pháp và luật sư Việt Nam can thiệp thế nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, người có song tịch Pháp – Việt và gửi đến quí vị những diễn tiến mới nhất.
Tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường đến tham dự cuộc tập trận với Nhật Bản, ngày 23/04/2017.U.S. Navy/Mass Communication Specialist 2nd Class Z.A. Landers/H
Hai hàng không mẫu hạm Mỹ cùng với hai tầu chiến Nhật ngày 01/06/2017 đã tiến hành một cuộc tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Cuộc phô diễn sức mạnh này xảy ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa cho tiến hành bắn thử tên lửa.
Thông tin này được thông báo trên Facebook của hạm đội 7 Hoa Kỳ: “Tập trận diễn ra với sự tham gia của hai tổ hợp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan kết hợp cùng với hai tầu khu trục Hyuga và Ashigara, thuộc lực lượng hải quân của phòng vệ Nhật Bản”.
Địa điểm thao dợt nằm ở vùng biển Nhật Bản, nơi hỏa tiễn Bắc Triều Tiên phóng thử rớt xuống hôm thứ Hai 29/05. Theo AFP, Washington và Tokyo tập trận nhằm mục đích cảnh cáo các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Tập trận Mỹ – Nhật diễn ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc cho thử nghiệm thành công một hệ thống bắn chặn hỏa tiễn liên lục địa.
Thae Young-ho, cựu nhân viên ngoại giao Bắc Triều TiênRFI/Frédéric Ojardias
Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế bất chấp những lời cảnh cáo mạnh mẽ của Donald Trump. Các cuộc bắn thử tên lửa nối tiếp nhau và mọi người đang chờ đợi một cuộc thử nghiệm nguyên tử mới, được thông báo là « cận kề ». Kim Jong Un không có vẻ gì muốn dừng lại.
Thae Young Ho, một cán bộ ngoại giao từng là nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, vào năm ngoái đã đào thoát sang Hàn Quốc, cảnh báo về thực tế tình hình. Ông Thae Young Ho là một trong những nhân vật cao cấp nhất Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, đã gặp được ông Thae Young Ho trong những điều kiện không khác gì một chuyện trinh thám gián điệp : hẹn được vào giờ phút chót, phỏng vấn trong một phòng khách sạn, với sự hiện diện của cận vệ và dưới sự bảo vệ nghiêm mật của mật vụ Hàn Quốc.
Thae Young Ho nói lên suy nghĩ của ông về viễn ảnh chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.
Thae Young Ho : Đối với Kim Jong Un, chương trình phát triển hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa là cách duy nhất đảm bảo sự tồn tại của chế độ và « triều đại » của ông ta, cho nên ông ta kiên quyết thực hiện chương trình này, cho đến khi nào triển khai được những đầu đạn hạt nhân và hỏa tiễn có thể sử dụng được trên chiến trường.
Bắc Triều Tiên sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp nào để phi hạt nhân hóa. Tất cả mọi thỏa thuận tạm thời, mọi thỏa hiệp, đối với Bắc Triều Tiên chỉ là một phương cách để được chấp nhận như một cường quốc hạt nhân.
Một số người nghĩ là Kim Jong Un là một kẻ điên rồ, nhưng điều đó không đúng, Kim Jong Un không hề điên !
Kinh nghiệm Đông Âu : Để dân lật đổ chế độ
RFI : Nếu Bắc Triều Tiên từ chối, không phi hạt nhân hóa và nếu đối thoại không hữu ích gì, thì khủng hoảng có thể giải quyết ra sao ?
Thae Young Ho : Vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết khi loại bỏ chế độ Kim Jong Un. Kim Jong Un sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Điều này rất rõ.
Giải pháp quân sự thì không thể vì quá mạo hiểm. Giải pháp hòa bình thì sẽ là giải pháp nào ? Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ việc các chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu.
Thời Xô Viết, người Đông Âu biết là ở phía Tây, người ta hưởng tự do, dân chủ, được một nhà nước chăm sóc, bảo bọc… Chúng ta phải cần gieo rắc loại thông tin như thế ở bên trong Bắc Triều Tiên, bằng cách này hay khác, bằng nhiều cách.
Bây giờ tại Bắc Triều Tiên, phim ảnh, phim truyện Hàn Quốc, nội dung văn hóa Hàn Quốc đang thâm nhập đời sống hàng ngày người Bắc Triều Tiên (nhờ chợ đen). Qua các phim ảnh này, người Bắc Triều Tiên biết được xã hội Hàn Quốc tự do và trù phú.
Khi người Bắc Triều Tiên được có đầy đủ thông tin và hiểu biết khá rõ ràng, họ có thể nổi dậy, lật đổ chế độ. Tôi rất tin tưởng vào khả năng này.
Dân Bắc Triều Tiên hiện đã có dấu hiệu phản kháng
RFI : Nhưng ở Đông Âu, ngay từ thời Cộng Sản, đã có những cơ cấu mà các hành động phản kháng có thể dựa vào, còn Bắc Triều Tiên thì hoàn toàn không có… ?
Thae Young Ho : Trong thời gian gần đây, nếu đi trên đường phố Bắc Triều Tiên, thì ta thấy có nhiều người bán hàng bày bán những thứ không được chính phủ cho phép. Họ không bỏ chạy khi cảnh sát đến, ngược lại họ còn gây sự với lực lượng an ninh.
Đó là những điều mà chỉ một vài năm trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi. Bây giờ ở miền Bắc, người ta bắt đầu kháng cự để có thể tồn tại.
Tầng lớp quyền chức sợ bị dân trả thù
RFI : Ông từng thuộc tầng lớp có chức có quyền ở Bình Nhưỡng. Theo ý ông, quan điểm của tầng lớp này đối với khả năng chế độ thay đổi là như thế nào ?
Thae Young Ho : Sau nhiều năm hành quyết các cán bộ cao cấp, tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa, các tầng lớp lãnh đạo tại Bình Nhưỡng hoàn toàn nhận thức được thực tế là Bắc Triều Tiên sẽ không trở thành thịnh vượng nếu cứ theo chế độ hiện hành.
Nhưng họ phải đối mặt với tình trạng khó xử. Bởi vì họ đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó Kim Jong Un bị loại bỏ, và chế độ bị thay đổi. Các tầng lớp này biết rất rõ rằng phần lớn dân chúng đã bị hiếp đáp và khai thác trong suốt 70 năm. Và họ sợ bị người dân trả thù.
Không một chế độ bạo tàn nào có thể sống mãi
RFI : Theo ông, chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay có thể đứng vững được trong bao lâu nữa ?
Thae Young Ho : Tôi không tin rằng tình hình chia cắt hiện thời của bán đảo Triều Tiên sẽ kéo dài được lâu. Người dân ở miền Bắc hiện nay rất ý thức về sự thịnh vượng ở miền Nam.
Ngay chính ông Kim Jong Un cũng tự biết rằng chế độ hiện tại đang trong cơn khủng hoảng. Chính vì lý do đó mà ông ta đã đi đến hành động giết cả người chú dượng và người anh cùng cha khác mẹ của mình ! Bởi vì Kim Jong Un nghĩ rằng chú của ông ta có thể là một mối đe dọa đối với chế độ của ông ta trong tương lai.
Tôi không tin là một chế độ hay một xã hội nào đó có thể tồn tại vô hạn định bằng cách gieo rắc kinh hoàng khủng bố.
(Bài phỏng vấn Thae Young Ho, cựu nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, Anh Quốc, do thông tín viên RFI Frédéric Ojardias thực hiện tại Seoul.)
RFI Đăng ngày 03-06-2017 Sửa đổi ngày 03-06-2017 12:10
Trong số hàng chục loài cá voi « khủng » còn sống hiện nay, người ta còn tìm thấy loài cá voi lưng gù (dài từ 13-14m, cân nặng trung bình 25 tấn), loài cá voi hàm sừng nói chung (dài từ 19-20m, trọng lượng trung bình từ 40-50 tấn), và đương nhiên có loài cá voi xanh (30m chiều dài cho 170 tấn) –loại cá voi to nhất còn tồn tại trên Trái Đất hiện nay.
140 mẫu hóa thạch của những loài cá voi này, bao gồm cả 63 loài đã tuyệt chủng và 13 loài còn sống đã được nghiên cứu để tìm hiểu mối liên hệ giữa kích cỡ hộp sọ và kích cỡ toàn thân của loài động vật này.
Ông Nicolas Pyenson, giáo sư về cổ sinh học và các cộng sự của ông thuộc Smithsonian’s National Museum of Natural History đã chỉ ra hai nguyên nhân giải thích vì sao cá voi có thân hình to lớn đến như vậy.
Thứ nhất, theo các nhà khoa học, đó là do những biến đổi về khí hậu, xảy ra vào lúc đầu của kỷ băng giá. Cách nay 4 triệu năm, tổ tiên của các loài cá voi hiện nay chỉ dài từ 5-9 mét. Bước ngoặt chuyển sang thân hình « khủng » như ngày nay đã xảy ra cùng lúc đối với nhiều loài cá voi khác nhau, trong khi mà những loài nhỏ đang biến mất dần.
Ông Nicolas Pyenson nhận định : « Chúng tôi nghĩ là việc có được kích thước to lớn hơn dường như mang lại một ưu thế trong suốt thời kỳ biến đổi khí hậu này ».
Chẳng hạn, khi eo biển Panama bị khép lại cách đây ba triệu năm đã làm thay đổi cơ chế các dòng chảy đại dương, dẫn đến những thay đổi nguồn cung cấp thực phẩm cho loài cá voi. Các loại động vật phù du và loài thân giáp nhỏ (tôm cua…) sinh sôi ở khắp các vùng nước lạnh và theo mùa, nhưng cá voi lại sinh sản trong những vùng nước ấm nhiệt đới. Chính việc phải di chuyển hàng ngàn cây số mà cá voi cần phải có một thân hình to lớn để tích trữ năng lượng nhiều hơn, có nhiều nguồn dự trữ hơn cho những hành trình di trú dài dằng dặc.
Nguyên nhân thứ hai : thân hình to lớn cho phép có một cái miệng to hơn, và như vậy có thể tự nuôi mình một cách nhanh nhất nhưng tiêu hao năng lượng ít nhất. Loài cá voi xanh thân dài và thon, « không răng » nhưng miệng có khoảng 300 tấm sừng (mỗi chiếc dài một mét) mọc ở hàm trên.
Cổ cá voi còn có từ 60-90 nếp gấp mở rộng cổ họng, tạo thuận lợi cho việc thải nước sau khi đã giữ lại thức ăn. Với chiều dài xương hàm có thể đạt đến 6m, cá voi có thể mở và khép miệng dưới nước trong vòng 10 giây.
Các nếp gấp cổ họng bật ra như một tấm dù, kết hợp với tốc độ bơi nhanh về phía trước, cá voi có thể hớp được một lượng thức ăn rất lớn. Tất cả các loài thân giáp, cá, mực, động vật phù du… đều bị những tấm sừng hàm lọc giữ lại trong túi chứa thức ăn được tạo ở hàm dưới, còn nước thì được thải nước ra. Một kiểu « vợt hút » thức ăn rất đặc trưng của loài cá voi lưng gù hàm sừng, theo kiểu « lao chộp mồi ».
Kết luận cuối cùng của nghiên cứu này là… các nhà khoa học vẫn chưa thể nào hiểu được đời sống của loài cá voi. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được cá voi phản ứng ra sao trước hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra và thay đổi có thể xẩy ra ở đại dương.