Home Blog Page 1401

Buộc chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động, liệu có đúng luật?

Chủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu không muốn bị ngưng dịch vụ – Ảnh: HỮU THUẬN

Quy định mới về điều kiện đăng ký thông tin thuê bao di động theo nghị định 49/2017/NĐ-CP bắt buộc chủ thuê bao phải chụp ảnh khi giao dịch đã vấp phải sự phản ứng của các chủ thuê bao vì bị “làm khó” đồng thời cũng khiến các nhà mạng than trời vì phải đầu tư thêm vật tư, nhân lực.

Không chỉ tốn thời gian, việc chủ thuê bao phải cung cấp ảnh chân dung khi giao kết hợp đồng dịch vụ với nhà mạng liệu có đúng quy định của pháp luật?

Hai bên phải bình đẳng trong hợp đồng dịch vụ

Theo theo điểm đ, khoản 5, điều 1 nghị định 49/2017, thông tin thuê bao phải có: Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), có thể nói đây lại là một quy định mang tính hình thức và rất khó để tuân thủ trong thực tế.

Luật sư Truyền phân tích: Thứ nhất, việc xác định chủ sở hữu thuê bao di động hiện hành là dựa vào các thông tin trên chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu (đối với cá nhân) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập… (đối với tổ chức).

Chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu khi đăng ký thuê bao di động đã phải xuất trình bản chính chứng minh nhân dân, căn cước hay hộ chiếu và nộp bản sao để nhà mạng lưu trữ. Trên các giấy tờ này đều đã thể hiện hình ảnh của các cá nhân này rồi. Việc chụp ảnh trực tiếp liệu có thật cần thiết?

Thứ hai, việc tuân thủ quy định này sẽ gây ra sự phiền toái cũng như lãng phí rất lớn. Bản chất quan hệ pháp lý trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng giữa một bên là người dùng dụng dịch vụ và bên kia là người cung cấp dịch vụ. Mối quan hệ này là hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật.

Vì vậy, ngoài thông tin về nhân thân cần thiết của chủ thể khi giao kết hợp đồng trên thì việc có cần thêm những thông tin riêng tư khác (như hình ảnh cá nhân) hay không phải hoàn toàn dựa vào ý chí của các cá nhân đó, điều này được hiến pháp và pháp luật quy định.

Đồng tình với luật sư Truyền, giảng viên Nguyễn Việt Khoa – Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng việc buộc người giao kết hợp đồng thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh theo điểm đ, khoản 5, điều 1 nghị định 49/2017 là vi phạm điều 21 của Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân.

Hình ảnh là bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ và công dân chỉ có nghĩa vụ cung cấp trong một số trường hợp theo luật định.

Khó áp dụng!

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quy định của nghị định 49 nhằm đảm bảo việc đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao, giảm thiểu tình trạng tin nhắn, các cuộc gọi rác, lừa đảo, đảm bảo an ninh quốc gia…

Tuy nhiên, luật sư Nam cũng cho rằng quy định này gặp không ít khó khăn khi áp dụng bởi sẽ khiến các nhà mạng đau đầu với việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và thời gian thuyết phục khách hàng.

“Nếu trước đây với việc chỉ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân thì việc đăng ký thuê bao khách hàng chỉ cần 5-10 phút là xong. Nay nếu buộc khách hàng phải chụp ảnh mà họ không đồng ý thì giao dịch viên phải thời gian thuyết phục, giải thích mà chưa chắc khách hàng đồng ý”.

Đấy mới chỉ là quy định với thuê bao mới, còn với hàng chục triệu thuê bao cũ, việc liên lạc, yêu cầu họ gửi ảnh hoặc đến chụp ảnh trực tiếp cho khách là rất khó khăn” – luật sư Nam nói.

Ngoài ra, các địa điểm còn phải đầu tư máy móc chụp ảnh, bộ nhớ lưu ảnh, đường truyền, còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhập, lưu trữ ảnh hàng chục triệu khách hàng trên hệ thống. Việc này tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian.

Tuy nhiên, việc đau đầu nhất là đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu xem ảnh gửi về có khớp với ảnh trong chứng minh thư của thuê bao hay không là 1 vấn đề không đơn giản.

Cần bỏ quy định buộc người đăng ký thuê bao chụp ảnh

Việc buộc người đến ký hợp đồng thuê bao di động phải chụp ảnh cũng trái với Bộ luật Dân sự về chủ thể giao kết hợp đồng.

Trong nhiều trường hợp thì một số người không thể đến để đăng ký giao dịch, nếu họ nhờ người nhà hoặc người thân đến đăng ký thì buộc người đến đăng ký chụp ảnh là không khả thi trên thực tế, đối với đăng ký thuê bao điện thoại là tổ chức thì càng không thể thực hiện .

Cần xem lại những quy định của nghị định 49/2017 để sửa đổi hoặc hủy bỏ quy định buộc người đăng ký thuê bao di động phải chụp ảnh vì quy định này trái luật.

Nguyễn Việt Khoa – giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

HOÀNG ĐIỆP

“Báo chí Cách mạng”

Bạch Hoàn

“Báo chí Cách mạng”, hiểu đơn giản là một công cụ thông tin, tuyên truyền phục vụ cho cách mạng. Năm xưa là cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay là cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội vốn là ước mơ của loài người. 😉

Thế nên, báo chí cách mạng là để phục vụ cho những định hướng của đảng, chủ trương, chính sách của nhà nước. Dễ hiểu thôi, công cụ trong tay mình, chỉ có kẻ ngu mới không sử dụng triệt để cho lợi ích của mình.

Tác phẩm Từ facebook xuống đường. Điểm lại quá trình hình thành các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam!

Tuy nhiên, mạng xã hội đã giúp người dân có một công cụ mới để nói lên những tâm tư nguyện vọng, để đau niềm đau của đồng loại, để vui nỗi vui của con người. Cũng vì thế, thời kỳ đưa tin một chiều, áp đặt thông tin đã chấm dứt. Quyền lực của báo chí, giờ đây đang buộc phải chia sẻ cho mạng xã hội. Thậm chí, trong nhiều nhiều trường hợp, báo chí đã đánh mất quyền lực của mình.

Bồi bút

Nếu báo chí vẫn tiếp tục phải im lặng trong những vụ việc mà người dân cả nước quan tâm, như đấu tranh với những dự án có nguy cơ huỷ hoại môi trường, đấu tranh loại bỏ những quan chức như Võ Kim Cự ra khỏi hệ thống chính quyền, vạch trần những sai phạm của Formosa…

Nếu báo chí không được đưa tin trung thực, khách quan, trung lập về những đòi hỏi của người dân miền biển trong câu chuyện Formosa và các giải pháp của chính quyền…

Nếu báo chí vẫn tiếp tục thoải mái tung hô những nghệ sĩ rẻ tiền, sa đà vào lối sống xôi thịt, vật chất, huỷ hoại tâm hồn của thế hệ trẻ như những Ngọc Trinh, những Trấn Thành… thay vì phải đấu tranh để loại bỏ những cái tên ấy ra khỏi đời sống văn hoá…

Nếu báo chí chỉ đưa tin Lý Nhã Kỳ ăn bánh tránh trộn cắn lưỡi chảy máu khiến người hâm mộ lo lắng, thay vì được tạo điều kiện đi tìm câu trả lời tài sản của Lý Nhã Kỳ từ đâu ra…

Thì một ngày không xa, có muốn dùng báo chí cách mạng để tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước cũng không thể đạt được ý đồ. Khi ấy, đến tác dụng gói xôi của báo chí cách mạng cũng không còn nữa. Đơn giản là chì rất độc!

Muốn giữ được quyền lực, báo chí, phải được đối xử đơn giản chỉ là báo chí.

Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội ra tuyên bố về biển Đông

Sáng nay (19-6), tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Căn cước công dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã “xin lỗi Quốc hội được phát biểu về Biển Đông”.

Ông tha thiết đề nghị Quốc hội ra tuyên bố thể hiện rõ thái độ trước các hành vi xâm phạm của phía Trung Quốc.

Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội ra tuyên bố về biển Đông

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: Việt Dũng

“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri” – ông Nghĩa kiến nghị.

“Còn phía dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa” – ông Nghĩa nói thêm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tha thiết: “Tôi rất mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét, chấp thuận kiến nghị này. Nếu cần, xin lấy ý kiến của các đại biểu, nếu đa số ủng hộ thì ta làm. Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi”.

Ngay sau phát biểu, ông Nghĩa đã trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp, ông nói: “Trong chương trình nghị sự còn lại của kỳ họp này không có mục thảo luận về biển Đông. Cho đến nay chỉ có thảo luận tổ và thảo luận ở hội trường riêng, nhưng không hề có một dự định nào để ra một nghị quyết hoặc tuyên bố chính thức về biển Đông. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều cử tri, rất nhiều các tầng lớp đồng bào, từ những người dân bình thường cho đến cán bộ lão thành đều có ý kiến là Quốc hội không thể không có một động thái nào chính thức”.

* Theo ông, nội dung tuyên bố cần nói những gì?

– Như tôi đã phát biểu ở Quốc hội, Tuyên bố cần khẳng định rõ Quốc hội Việt Nam nói rõ chúng ta có lập trường chính nghĩa về chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì vừa rồi Trung Quốc tung ra ở thế giới, kể cả lên Liên hợp quốc, những luận điệu sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ của Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, chúng ta phải có sự đáp lại một cách chính thức. Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, cần thể hiện rõ điều này.

Nội dung thứ hai là phải lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, đó là hành vi chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan phi pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tức là Trung Quốc đã đi ngược lại tất cả những gì họ cam kết và thỏa thuận với Việt Nam cũng như với các nước ASEAN. Họ thể hiện rằng họ không từ bỏ âm mưu thực hiện đường lưỡi bò phi lý, âm mưu độc chiếm biển Đông.

Vấn đề không chỉ là một cái giàn khoan, không chỉ là dầu khí, mà Trung Quốc muốn âm mưu độc chiếm, kiểm soát biển Đông, cũng như là đòi kiểm soát tự do hàng hải của cả vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Việc kéo giàn khoan là bước đi có tính toán để thực hiện âm mưu đó.

Thứ ba, trong tuyên bố chúng ta khẳng định tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhưng đồng thời chỉ thị cho các cơ quan nhà nước của Việt Nam, trong đó có lực lượng vũ trang làm tất cả mọi điều để mà bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Và Quốc hội cũng phải khẳng định chỉ đạo các cơ quan nhà nước VN tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực, trái với luật pháp quốc tế.

Chúng ta làm những việc như vậy để cho Nhân dân ta và nhân dân thế giới không bị đánh lừa bởi Trung Quốc. Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo, vừa đấm vừa xoa. Họ kéo giàn khoan ra biển Đông hai tháng nay nhưng họ lại cử người sang Việt Nam nói rằng đảng và nhà nước Trung Quốc coi trọng giữ gìn đại cục… Tức là họ nói những điều mà trước khi kéo giàn khoan ra họ cũng đã nói. Sau khi có giàn khoan họ cũng nói như là không có giàn khoan đang nằm ở đó. Chúng ta không thể chấp nhận kiểu lập luận như vậy.

* Trung Quốc vừa tuyên bố kéo giàn khoan thứ hai ra biển Đông…

– Điều này càng chứng minh rằng Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, nói thì tốt nhưng làm thì xấu. Không chỉ là giàn khoan, mà họ liên tục thực hiện nhiều hành vi để độc chiếm biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

* Ông nói rằng Nhân dân sẽ thất vọng nếu Quốc hội không có tuyên bố chính thức, tương xứng với mức độ vấn đề?

– Đúng là như vậy, Nhân dân sẽ rất thất vọng nếu Quốc hội không có tuyên bố, còn hiện nay họ vẫn mong mỏi và chờ đợi.

* Đến nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về khởi kiện Trung Quốc, cá nhân ông nghĩ thế nào?

– Khởi kiện là một biện pháp đấu tranh pháp lý. Và trong bối cảnh phức tạp như thế, điều kiện phức tạp như thế, và ở trong tổ chức tài phán quốc tế thì không bao giờ dễ dàng, thậm chí là có những điều không thuận lợi. Chúng ta nhận thức được rằng có những thuận lợi và có những khó khăn, đặc biệt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì có điểm yếu và điểm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã nghiên cứu là chúng ta có những điểm mạnh và đạt được nhiều mục tiêu. Nói tóm lại, khởi kiện Trung Quốc thì có lợi hơn là bất lợi.

Nguồn: tuoitre.vn

Thấy gì từ việc nhà nước CSVN buộc các chủ thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh chân dung?

Hương Khê (Danlambao) – Thời gian gần đây, sau khi nhà nước CSVN chủ trương buộc các chủ thê bao điện thoại di động phải chụp hình chân dung cung cấp cho các nhà mạng.
Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, với thuê bao di động thì một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất của Nghị định 49 là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới (1).

Hành động này đã gây lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận và báo chí, kể cả các Đại biểu Quốc hội.

Bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN xung quanh quy định được cho là làm khó người dân hiện nay.

Theo đó, đơn vị cung cấp, những nhà mạng phải dựa vào công nghệ thông tin để liên hệ với các chủ thuê bao để làm việc chứ không nên bắt mỗi người chụp thêm ảnh.

Ông Nhưỡng cho rằng, sẽ có cả nghìn tỷ lãng phí nếu triển khai làm việc này. “Tôi làm một phép tính như thế này, bây giờ mỗi một người đi chụp ảnh để làm sim điện thoại hết 20.000 đồng, với bao nhiêu thuê bao di động thì sẽ tốn bao nhiêu cho việc chụp ảnh này. Một sự lãng phí tiền của của xã hội, mà vấn đề đó để làm gì, giải quyết vấn đề gì và ai biết anh quản lý hình ảnh cá nhân đó ra sao?”, ông Nhưỡng làm một phép tính và đặt câu hỏi ngược lại.

“Tôi không biết ý định của Bộ Thông tin và Truyền thông ra sao nhưng mỗi chiếc SIM điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó Luật Viễn thông không quy định nhưng nghị định lại bắt người dân chụp ảnh, không thể có quy định trên luật được”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận (2).

Một số báo lề đảng không còn rón rén dè dặt khi đưa tin như vụ Formosa, vụ Đồng Tâm trước đây, mà họ đã mạnh mẽ lên tiếng về vấn đề này.

Tờ Pháp luật Thứ Tư, ngày 21/6/2017 viết: “Buộc chụp ảnh chủ thuê bao là vô lý! Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, cho rằng: Quy định tại Nghị định 49/2017 sẽ gây khó khăn và có thể đẩy doanh nghiệp viễn thông vào tình trạng vi phạm hợp đồng với khách hàng mà mình đã giao kết trước đó. “Mục đích của việc yêu cầu chụp ảnh so với quy định ban đầu chỉ cần CMND là để đảm bảo tính chính xác trong nhận diện người đăng ký, tránh tình trạng người này lấy hình ảnh của người khác mua SIM. Tuy nhiên, việc này là không phù hợp. Bởi lẽ yêu cầu này chỉ quản lý người dùng, hạn chế người dùng mua quá nhiều SIM chứ không quản lý được tình trạng nhà mạng dùng thông tin của người dùng để đăng ký SIM khác và bán ra thị trường (như SIM rác). Trong khi đó, nguyên nhân khiến SIM rác tràn lan là do từ nhà mạng quản lý chưa chặt chẽ chứ không phải do một người đăng ký quá nhiều SIM” – luật sư Chánh phân tích (3).

Tờ Tuổi trẻ ngày 20/6/2017 đặt câu hỏi: “Buộc chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động, liệu có đúng luật? Hình ảnh là thông tin mang tính riêng tư, bí mật cá nhân được hiến pháp và pháp luật bảo vệ trong khi việc đăng ký thuê bao chỉ là hợp đồng dịch vụ. Việc ký kết hợp đồng là tự nguyện, bình đẳng (4).

VOV.VN Thứ 2, 19/06/2017 giật tít: Chủ thuê bao di động phải chụp ảnh chân dung Vi hiến và lãng phí (5).

BBC (Luân Đôn) trích dẫn lời của luật gia Nguyễn Đình Hà và đặt câu hỏi: Đã có chứng minh thư lại còn cần ảnh chân dung?

“Về biện pháp “chụp ảnh chân dung” khi mua SIM điện thoại, luật gia Nguyễn Đình Hà nói với BBC từ Hà Nội: “Tôi thấy đây là một việc làm thừa thãi, không cần thiết, thể hiện tư duy không thực tế của cơ quan quản lý nhà nước. Vì khi người chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng thì họ đã phải cung cấp chứng minh nhân dân để xác định rồi, mà trong chứng minh nhân dân đã có ảnh, có vân tay, có đặc điểm nhận dạng của từng người. Thế thì cần ảnh chân dung làm gì cho thừa thãi”(6).

Câu hỏi đặt ra là, có phải các nhà mạng tự ý vẽ ra quy định này hay do kẻ giấu mặt nào đó chỉ đạo?

Xin thưa: Các nhà mạng chẳng dại gì tự chuốc lấy nỗi khổ ê chề này để nghe dân chửi. Mà tác giả của những ‘phát minh vĩ đại” này không ai khác là Bộ Thông tin & Truyền thông, mà thiên hạ hay gọi là Bộ 4T. Đứng đầu bộ này là ông Trương Minh Tuấn.

Phải nói rằng, từ ngày ông Trương Minh Tuấn làm bộ trưởng 4T đến nay, ông đã “đẻ” ra nhiều quái thai!

Nổi bật nhất trong những quái thai ấy, là việc ông Tuấn giải thích rằng chính Hồ Chí Minh là người phác họa cái gọi là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN.” Ông Tuấn đã có bài viết đăng trên báo Nhân Dân, một tờ báo có số in rất nhiều nhưng số người đọc rất ít (ý của nhà báo Ngô Nhân Dụng) với tựa đề: “Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo đó: “Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn”.

Có người đã gọi Trương Minh Tuấn là tên nịnh tặc, quả không sai khi đưa ra nhận định trên.

Trước làn sóng phản ứng dữ dội của báo chí và dư luận trong và ngoài nước như đã nói trên, như để tìm đồng minh cho quyết định ngu muội này, một số báo lề đảng ra sức tô son trát phấn cho cái nghị định phi pháp nói trên. Trong chương trình thời sự Đài truyền hình Việt nam (VTV1) lúc 6g sáng nay (21/6/2017), VTV1 đưa tin, không chỉ ở Việt Nam áp dụng biện pháp yêu cầu chủ thuê bao điện thoại di động phải cung cấp ảnh chân dung chính chủ, mà một số quốc gia khác cũng áp dụng biện pháp này. Và VTV1 dẫn chứng một số nước sau đây: Ethiopia (châu Phi); Burkina Faso (Tây Phi); Nigeria (Tây Phi) và Papua New Guinea (là một quốc gia ở Tây Nam Thái Bình dương) v.v…

Vậy là nhà nước CSVN đã có “bạn đồng hành” trong việc buộc chủ thuê bao điện thoại di động phải cung cấp hình chân dung.

Nhưng trời ạ. Nhìn tên các nước được Việt Nam vơ vào cho có bạn ấy, thì chỉ là những nước chậm phát triển ở châu Phi và Tây Thái Bình dương xa xôi, do chiến tranh sắc tộc và tôn giáo liên tục mấy chục năm nay, làm cho những nước này gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và xã hội. Vì chiến tranh triền miện, nên họ buộc phải áp dụng biện pháp này.

Tại sao nhà nước VN không học theo các nước dân chủ văn minh như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp v.v… Và kề cận nhất là Trung Quốc, ông anh “Bốn tốt” và hai “đàn em” là Lào và Campuchia trong việc này?

Tại sao một nhà nước tự cho mình là “ thiên đường XHCN”, là “thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc”, là “đỉnh cao trí tuệ”, mà lại áp dụng cái luật lệ mà những nước dân chủ văn minh không làm?

Để trả lời cho những cây hỏi trên, xin dẫn theo ý kiến của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Thông. Có lẽ vì không thể chịu đựng được những hành động “có một không hai” của các quan chức nhà nước Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thông đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình như sau:

“Nghị định khôn mà ngu”

Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Cái nghị định áp đặt bắt chụp ảnh mới được gọi điện thoại, càng bộc lộ rõ cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ai chưa hiểu nó thế nào thì chính nó đấy, bà con ạ.

Thôi thì chính phủ ngu ban hành nghị định ngu là chuyện của chính phủ, nhưng người tiêu dùng chúng ta phải khôn.

Bà cụ già cạnh nhà tôi đã 89 tuổi, hằng ngày con cháu đi làm, mua cho cụ cái điện thoại di động để cụ xài, tiện với tuổi già. Họ ra nghị định bắt chủ thuê bao phải trực tiếp đến chụp ảnh. Vậy họ quyết bắt bà cụ khuôn mặt nhăn nheo già nua kia trình diện thì mới chịu hay sao. Thậm vô lý. Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn sự vô lý.

Cần biết rằng, trong bất cứ sự kinh doanh nào, không có khách hàng là tự sát. Doanh nghiệp đã chán sống, đã muốn tự sát thì cứ để nó chết, chúng ta đừng kéo dài sự thoi thóp hấp hối của nó bằng việc chiều ý nó. Kiên quyết không chụp ảnh.

Bây giờ, thời đại thông tin, kỹ thuật số, thế giới phẳng, 4.0 hay 5.0 cái con mẹ gì đó, không có bọn di động ấy, chúng ta vẫn còn ối cách để liên lạc với nhau. Hãy tận dụng mọi phương tiện để trừng phạt lại chúng nó.

Ngày xưa, mỗi lần lợi dụng sức quần chúng để chống bọn thực dân Pháp hoặc chính quyền Sài Gòn, người CS đều kêu gọi bãi công, bãi thị, bãi khóa, bãi… bãi… Giờ thì chúng ta bắt chước chính họ, bãi mạng, để cách cái mạng nó đi.

Tôi báo trước cho bạn bè, tôi không thực hiện chụp ảnh. Nó có cắt của tôi ngay từ bây giờ tôi cũng chấp nhận. Sau này nếu ai đó gọi tôi mà không được, xin hiểu rằng số điện thoại của tôi đã hy sinh oanh liệt vì chủ nó. Và nói thêm, tôi càng đỡ mất tiền.

Đã đến lúc chúng ta phải dứt khoát bày tỏ thái độ phản đối với những sự áp đặt vô lý.

21.06.2017

____________________________________

Chú thích:

(6): https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40269867

(7): https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374

QUỐC GIA THẤT BẠI

Luân Lê

Anh Nguyễn Chí Tuyến bị nhiều tên an ninh vây đánh.

Một quốc gia chỉ chơi được với vài nước nghèo đói và xa xôi. Còn lại là bị thế giới khinh bỉ và cô lập mà không thấy tủi nhục hay sao?

Khi nào mới có thể vì quốc gia, dân tộc để đưa đất nước tiến lên văn minh? Khi nào có gì đó để lại cho đời sau? Khi nào thì biết rằng sự độc tài nào rồi cũng chỉ có giai đoạn, chế độ nào cũng chỉ là nhất thời, mà tổ quốc và nhân dân mới là vĩnh viễn?

Cướp đoạt được hôm nay nhưng có mãi chiếm giữ được điều đó không? Càng tạo ra bất công, càng nhiều tội ác phải trả giá sau này nếu một khi nhân dân không còn chịu đựng được thêm nữa.

Đừng chỉ tiêu diệt vài con sâu mọt trong tổ chức độc tài của bộ máy cai trị khổng lồ ấy để cho rằng ta lại vẫn trong sạch và luôn đầy lý tưởng để tiếp tục cho rằng xứng đáng để dẫn dắt đất nước một cách sáng suốt và tài tình.

Bị đa phần nhân dân các quốc gia phát triển khinh bỉ ra mặt, bị cô lập và đối xử trong sự ghẻ lạnh, soi xét mà không thấy nhục nhã để ngẩng đầu lên mà sống tốt và xây dựng giá trị gì đó cho đất nước và con người hay sao?

Một đất nước chỉ loanh quanh với vấn nạn tham nhũng, đói nghèo, tha hoá quyền lực và chống chọi với những tiếng nói phản đối của người dân thì tự đất nước đó đã suy yếu và không bao giờ đủ sức lực mà đứng trên đôi chân của mình chứ đừng mơ gì tới sự thịnh vượng. Hai chữ ổn định cũng không hề có mặt chứ đừng nghĩ tới sự phát triển.

Chơi với vài nước nghèo đói và mọi rợ, vô luật pháp, vô thần, vô tín ngưỡng, bao giờ mới tự cường và văn minh cho được?

Gần trăm triệu con người có thấy nhục nhã gì không? Khi hết cả thế kỷ con người ta chỉ tồn tại như những con vật và không có bất cứ giá trị gì để nói với nhau hay dành lại cho con cháu. Chỉ là những cuộc nhậu qua ngày và những cuốn sổ tiết kiệm được cất giữ trong nhà băng.

Nghèo đói cả về vật chất, đời sống tinh thần, trình độ tư duy và cả một nền văn hoá vô dạng.

Dân oan đòi đất.

Tạm giam quá thời hạn là trái luật

Sau buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND TP.HCM, bị can Đỗ Thị Luận đã được tại ngoại. Đây là một trong những vụ bị can bị tạm giam quá thời hạn được phát hiện, xử lý kịp thời…

Tạm giam quá thời hạn là trái luật

Bà Luận bị khởi tố, truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà bị tạm giam gần 6 năm với 4 lần mở phiên tòa, 8 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa thống nhất quan điểm bị can Luận có phạm tội lừa đảo hay không.

Đã có quy định, nhưng…

Câu hỏi đặt ra là tại sao bà Luận bị tạm giam đến 6 năm? Việc tạm giam như vậy có đúng quy định pháp luật không? Ai phải chịu trách nhiệm về việc tạm giam vượt quá quy định? Pháp luật có bất cập, cần bổ sung hoàn thiện hay không?

Điều đáng nói đến ở đây là mặc dù bà Luận bị tạm giam đến 72 tháng, quá thời hạn tạm giam, chưa có phán quyết cuối cùng nhưng cơ quan tố tụng vẫn không thay đổi biện pháp ngăn chặn, không cho tại ngoại. Nếu không có ý kiến của Ban pháp chế HĐND TP.HCM thì không biết bà Luận bị tạm giam đến bao giờ?

Theo luật gia Phạm Văn Chung, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (tại thời điểm bà Luận bị tạm giam) quy định thời hạn tạm giam bị can để điều tra, truy tố, xét xử đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự 1999 thì khung hình phạt cao nhất là chung thân (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Vì vậy, căn cứ quy định tại các điều 102, 121, 166, 176, 177, 227, 228, 243, 250 và 287 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn tạm giam đối với trường hợp này được tính theo 4 giai đoạn.

Cụ thể ở giai đoạn điều tra, thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội đặc biệt nghiêm trọng tối đa là 16 tháng, trường hợp tạm giam để phục hồi điều tra tối đa không quá 6 tháng, trường hợp trả lại hồ sơ điều tra bổ sung tối đa thì thời hạn tạm giam tổng cộng là 6 tháng.

Như vậy trong giai đoạn điều tra, thời hạn tạm giam tối đa tổng cộng khoảng 28 tháng, tùy trường hợp tòa án hay viện kiểm sát trả hồ sơ.

Giai đoạn truy tố, thời hạn tạm giam để truy tố đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày và gia hạn một lần không quá 30 ngày. Như vậy giai đoạn này thời hạn tạm giam tối đa không quá 2 tháng.

Giai đoạn xét xử sơ thẩm chia làm nhiều trường hợp tùy thuộc vào tình hình vụ án, nhưng thời hạn tạm giam tối đa không quá 3 tháng.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm cũng chia làm nhiều trường hợp, tuy nhiên việc tạm giam không quá 4 tháng 15 ngày.

Như vậy, tổng cộng các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tạm giam bị can tối đa khoảng 38 tháng (37 tháng 15 ngày) trong một vụ án, đó là kể cả trường hợp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tạm giam để chuẩn bị thi hành án phạt tù.

Tuy nhiên trong trường hợp này bà Luận đã bị tạm giam đến gần 72 tháng, tức gần gấp đôi thời hạn tạm giam bị can theo quy định pháp luật.

Phải quy định cụ thể thời gian tạm giam

Trong vụ án này, tòa án cho rằng “hợp đồng mua bán giữa Đỗ Thị Luận có dấu hiệu là hợp đồng giả cách, bị xem là vô hiệu và hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là vụ việc dân sự chứ không phải vụ án hình sự”.

Mặt khác, những người được xác định là “bị hại” lại không nhận mình là bị hại bởi việc mua nhà đất là có thật, hiện nay họ đang sinh sống ổn định trên những lô đất đã mua của bà Luận.

“Quan điểm của tòa án rất rõ ràng, cụ thể khi cho rằng nếu không đủ căn cứ thì tòa không thể buộc tội.

Trong trường hợp này, khi quá thời hạn tạm giam mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được vụ án thì phải thay đổi biện pháp ngăn chặn và phải cho bị can được tại ngoại, tuy nhiên các cơ quan tố tụng lại không làm. Bởi vì theo nguyên tắc suy đoán vô tội, trường hợp không chứng minh được tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do cho bị can, bị cáo” – luật gia Chung nêu quan điểm.

Cũng theo luật gia Chung, qua sự việc này cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án này.

Việc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vụ án này nhằm phòng ngừa, hạn chế các trường hợp tương tự về sau. Điều này không những bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.

Một kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng luật cần sửa đổi về quy định thời hạn tạm giam. Theo đó, phải quy định cụ thể thời hạn tạm giam bị can tối đa trong một vụ án.

Ví dụ: quy định một bị can chỉ có thể bị tạm giam trong thời hạn tối đa không quá 36 tháng trong cả quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

“Việc quy định sẽ hạn chế tình trạng tùy tiện tạm giam bị can “vô thời hạn”, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, giúp bị can có thể dễ dàng khiếu nại bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời xác định được trách nhiệm của các cơ quan liên quan về hành vi vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng” – vị kiểm sát viên này nói.

Theo cáo trạng, bà Đỗ Thị Luận làm nghề kinh doanh bất động sản. Do làm ăn thua lỗ, cần tiền trả nợ nên bà Luận đã phân lô nhà đất của người khác để bán lấy tiền, chiếm đoạt 19,4 tỉ đồng.

Ngày 24-10-2011, bà Luận bị bắt tạm giam và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 Bộ luật hình sự (mức án 12-20 năm hoặc tù chung thân).

Sau khi bà Luận bị khởi tố, cơ quan điều tra còn phát hiện bà Luận tự phân lô nhà, đất đã thế chấp rồi viết giấy tay bán cho người khác. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là những giao dịch dân sự nên không truy cứu đối với bà Luận.

Quốc Cường/Tuoitre

Không chụp ảnh chân dung, 119 triệu thuê bao di động sẽ bị cắt

Nếu không bổ sung ảnh chân dung thì thuê bao có thể bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một số nhà mạng cho biết họ đã bắt tay triển khai quy định của nghị định 49/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông.

Theo đó, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.

Quy định này đang khiến trên 119 triệu khách hàng thuê bao điện thoại di động “lên ruột”.

Cụ thể, theo nghị định 49/2017, sau 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (24-4-2017), doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin về thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình đúng với quy định trên.

Trong thời gian đó (từ 24-4-2017 đến 24-4-2018), các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước – đang sử dụng dịch vụ nhưng chưa tuân thủ theo đúng quy định – thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này.

Đối với các thuê bao di động đã có thông tin đăng ký chính xác (không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung), quy định cũng nêu rõ doanh nghiệp phải “bổ sung thêm ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định này”.

Đồng thời, doanh nghiệp phải “chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác của thông tin của các thuê bao đó”.

Đặc biệt, khi doanh nghiệp rà soát thông tin thuê bao đã đăng ký, nếu thấy thuê bao di động có thông tin không đúng quy định sẽ phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo).

Nhà mạng sẽ tiếp tục thông báo và thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện yêu cầu. 30 ngày sau nếu thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một số nhà mạng cho biết họ đã bắt tay triển khai quy định mới.

“Việc áp dụng chụp ảnh chân dung với các thuê bao mới hòa mạng khá dễ dàng, chúng tôi chỉ việc đặt thêm camera trước quầy giao dịch là được. Tuy nhiên với các thuê bao đã hòa mạng và sử dụng từ lâu, chúng tôi sẽ phải nhắn tin đề nghị họ lần lượt đến chụp ảnh chân dung để đảm bảo thực hiện đúng quy định của luật” – đại diện một nhà mạng cho biết.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin – truyền thông, tính đến tháng 3-2017, tổng số thuê bao di động phát sinh lưu lượng (cả trả trước lẫn trả sau) ở VN là 119,77 triệu thuê bao.

Điều này cũng đồng nghĩa 119,77 triệu thuê bao này phải đi bổ sung thêm ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện sở hữu SIM số và sử dụng dịch vụ di động theo quy định của pháp luật.

ĐỨC THIỆN/ Tuổi Trẻ

Nhóm thanh tra giao thông Cần Thơ khai lấy tiền bảo kê để chạy chức

0

Nguyên phó chánh thanh tra giao thông Cần Thơ Dương Minh Tâm khai chi 370 triệu đồng để chạy chức này. Đội trưởng thanh tra giao thông quận Ninh Kiều cũng khai chi 350 triệu đồng để được bổ nhiệm.

Bị cáo Dương Minh Tâm – nguyên phó chánh thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ – khai trước tòa đã chi 370 triệu đồng trong số tiền nhận hối lộ để chạy chức

Phiên tòa xét xử 7 thanh tra giao thông TP Cần Thơ nhận hối lộ của của TAND TP Cần Thơ sáng 22-6 đã nóng lên khi bị cáo Dương Minh Tâm (nguyên phó chánh thanh tra giao thông TP Cần Thơ) khai trong số tiền nhận hối lộ từ các tổ chức, cá nhân, Tâm có dùng 370 triệu đồng để “chi” cho việc mình được bổ nhiệm lên chức.

Lấy tiền bảo kê xe để chạy chức

Trước đó, thẩm phán Nguyễn Văn Trinh – chủ tọa phiên tòa cũng cho rằng so với các bị cáo khác tại phiên tòa thì Tâm là người trẻ nhất nhưng có bước thăng tiến nhanh hơn các bị cáo khác.

Chủ tọa cũng cho biết có nghe thông tin bên ngoài là trước đây Tâm tuyên bố mình sẽ là phó chánh thanh tra giao thông thì sau đó đúng là lên làm chức này.

“Các bị cáo đánh đổi bằng gì? Có một số bị cáo khai là để lo cho chức, quyền của mình, lo cho vị trí làm việc của mình. Còn gì nữa? Tất nhiên là có tiêu xài cá nhân. Trong tay các bị cáo có nhiều điện thoại đắt tiền, có người có biển số xe rất đẹp, số tứ quý.

Các bị cáo sử dụng số tiền này vào ăn nhậu, mua sắm, còn gì khác thì quá trình từ bây giờ tới vào lúc hội đồng xét xử vào nghị án, các bị cáo còn cơ hội khai trung thực”, chủ tọa nói với các bị cáo.

Chính vì vậy khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Dương Minh Tâm đã thừa nhận dùng 370 triệu để “chạy chức” như trên.

Khi được hỏi đã chi cho ai, Tâm nói đã chi cho ông T.V.P. – chánh thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ. Việc chi này là để giúp Tâm trong việc luân chuyển và lên chức.

Các bị cáo nguyên là cán bộ TTGT cúi mặt nghe chủ tọa phiên tòa phân tích về hành vi của mình – Ảnh: Chí Quốc

Tương tự, tại phiên tòa, Võ Hoàng Anh (nguyên đội trưởng Đội thanh tra giao thông quận Ninh Kiều) cũng cho biết bị cáo đã đưa 350 triệu đồng cho ông P. trong thời điểm ông P. còn giữ chức phó chánh thanh tra giao thông rồi chánh thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ.

Việc đưa tiền này, theo Hoàng Anh là không có chứng cứ. Hoàng Anh nói chỉ đến nhà ông P. đưa trực tiếp cho ông bằng tiền mặt và mục đích của việc này là vì “cấp trên có hứa nâng đỡ cho bị cáo có vị trí tốt hơn”.

Tòa cho rằng trong vụ án này còn phải làm rõ thêm nhiều vấn đề như việc đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn – Ảnh: Chí Quốc

Nhiều vụ việc chưa được làm rõ

Cũng tại phiên xét xử, chủ tọa  nói trong vụ án này còn chi tiết mà cơ quan điều tra chưa làm rõ là trường hợp ông Nguyễn Văn Hoàng – một doanh nghiệp có hàng chục xe tải, xe đầu kéo cho Đội thanh tra giao thông quận Ninh Kiều thuê nhưng không lấy tiền cho thuê.

Sau đó, các bị cáo đã lập hợp đồng thuê nhà khống rồi thanh toán lại với cơ quan.

Chủ tọa cho rằng trong phạm vi vụ án này, tòa chưa yêu cầu điều tra thêm vì hiện chỉ truy tố tội “nhận hối lộ”, chưa truy tối tội “đưa hối lộ” mà tội này không chỉ xuất phát từ phía người có phương tiện vận tải mà ở ngay cả ở chính các bị cáo tại tòa.

Ngay cả hành vi nhận hối lộ cũng chưa đầy đủ, cần phải làm rõ thêm như vấn đề căn nhà mà ông Nguyễn Văn Hoàng cho thuê bởi theo chủ tọa, việc này “không phải là cho không mà vì lợi ích, vì ông Hoàng có trong tay hàng chục xe tải” và bên cạnh đó còn chuyện đưa hối lộ cho người có quyền hạn, chức vụ.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.

Theo Tuổi Trẻ

Huế xác minh tin lăng vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đỗ xe

0
SOHA NEWS
Huế xác minh tin lăng vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đỗ xe

Hiện trường khu vực được cho là lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san để làm bãi đỗ xe

Mấy ngày qua, tại Thừa Thiên – Huế xuất hiện thông tin lăng mộ bà Mỹ Phi (vợ vua Tự Đức) bị đơn vị thi công san ủi để thực hiện dự án bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hóa.

Tại hiện trường, một phần quả đồi nằm ven con đường vào lăng Tự Đức (thuộc khu vực 3, phường Thủy Xuân, TP Huế) đang được một doanh nghiệp dùng máy xúc san phẳng.

Một người trong dòng tộc Nguyễn Phước cho biết, công trường đang bị san ủi vốn có 2 lăng mộ của bà Mỹ Phi và bà Học Phi (vợ vua Tự Đức). Nhưng hiện nay chỉ còn lại 1 lăng.

Những người dân sống gần hiện trường nói, mảnh đất trên vốn có 2 lăng mộ cổ có kiến trúc giống nhau.

Ngôi mộ phía dưới (mộ của bà Học Phi – PV) hiện vẫn còn nhưng ngôi mộ nằm phía trên (mộ của bà Mỹ Phi – PV) đã bị san phẳng gần như mất dấu tích.

Ông Trần Duy Quy (tổ 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân) cho biết, để thực hiện dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, chính quyền TP Huế thu hồi của gia đình ông khoảng 4.000m2 đất nằm ở đồi Vọng Cảnh.

Huế xác minh tin lăng vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đỗ xe - Ảnh 1.

Đại diện dòng tộc Nguyễn Phước tộc cho rằng, mộ bà Mỹ Phi đã bị đơn vị thi công san ủi để thực hiện dự án. Ảnh: Quang Thành

Theo ông Quy, trên diện tích đất này có nhiều lăng mộ, trong đó có lăng nghi của bà Mỹ Phi – một trong những bà vợ của vua Tự Đức.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan đã bồi thường để di dời các lăng mộ trên thửa đất, còn lăng nghi của bà Mỹ Phi vẫn để nguyên.

“Tuy nhiên, ngày 19/6, đơn vị san ủi mặt bằng đã dùng máy xúc san ủi lăng bà Mỹ Phi. Phát hiện sự việc, nhiều người dân ngăn cản nhưng lăng vẫn tiếp tục bị san ủi. Đến sáng 20/6, toàn bộ lăng mộ này đã bị san ủi hoàn toàn”, ông Quy cho biết.

Tạm dừng dự án để kiểm tra

Đơn vị thực hiện dự án là công ty TNHH Chuỗi Giá Trị. Theo lãnh đạo công ty, dự án có tổng diện tích 17.000m2.

Huế xác minh tin lăng vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đỗ xe - Ảnh 2.

Giám đốc TT Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng, lăng mộ vợ vua Tự Đức nằm bên cạnh dự án và “chưa bị ảnh hưởng nhiều”. Ảnh: Quang Thành

Trước đây, chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần Chuỗi giá trị. Từ năm 2016, công ty TNHH Chuỗi giá trị được công ty cổ phần Chuỗi giá trị nhượng lại dự án.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải, chiếu theo bản đồ quản lí các di tích, trong khuôn viên của dự án bãi đỗ xe không có lăng mộ của bà Mỹ Phi.

“Dự án nằm ngoài vùng bảo vệ di tích lăng vua Tự Đức.

Tuy nhiên, trước những dư luận trái chiều, Trung tâm Bảo tồn sẽ có văn bản kiến nghị với đơn vị thi công, tạm dừng dự án để kiểm tra, xác định rõ nguồn gốc của các khu lăng mộ bị ảnh hưởng”, ông Hải cho biết.

Điều 19.3 Bộ Luật Hình sự từ góc nhìn công dân.

Bạch Hoàn

 

Cuối cùng, điều 19.3 Bộ Luật Hình sự sửa đổi vẫn được thông qua. Ngày 20-6 hàng năm, từ giờ trở đi, sẽ là một ngày nhắc nhớ về sự thụt lùi của nền tư pháp VN.

Có tới 84,52% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua điều 19.3 Bộ Luật hình sự sửa đổi, quy định trách nhiệm luật sư phải tố giác thân chủ trong một số trường hợp. Nếu luật sư không tố giác sẽ bị xử lý hình sự.

Giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như sau: “Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”.

Tôi có thể hiểu, 415 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua điều luật này đang đứng ở vị trí của người quản lý nhà nước, thay vì người đại biểu nhân dân như chức trách của họ khi ngồi trong nghị trường. Ở góc độ của người quản trị xã hội, họ làm mọi cách để bảo vệ cho bộ máy của họ.

Tôi cũng có thể hiểu các luật sư phản đối điều luật 19.3 vì nó đặt luật sư vào một tình thế oái oăm, phải lựa chọn giữa đạo đức hành nghề với việc thực thi pháp luật theo quy định của chính quyền. Họ cho rằng, quy định mang tên 19.3 này sẽ hạn chế việc hành nghề của luật sư trong các vụ án hình sự. Vì đơn giản, chẳng ai dám nhận bào chữa trong những trường hợp mà 19.3 quy định.

Nhưng vấn đề chính lại nằm ở đó. Cái đáng sợ của điều luật 19.3 này là nó trực tiếp hạn chế quyền của giới luật sư, từ đó gián tiếp tước mất quyền được bào chữa của công dân. Hiến pháp quy định mọi công dân đều được sử dụng luật sư bào chữa. Nhưng nếu quy định luật sư phải tố giác thì còn ai dám bào chữa?

Tôi không chấp nhận tất cả mọi hành vi phạm pháp. Nhưng, khi toà chưa tuyên án thì mọi công dân đều phải được đối xử bình đẳng và được hưởng đầy đủ quyền công dân.

Tôi nghĩ rằng, hoạt động tư pháp văn minh thì mới có thể quản trị xã hội một cách văn minh. Công tố viên đưa ra các cáo buộc để buộc tội bị can nhằm đảm bảo lợi ích của bên công tố. Sự có mặt của luật sư, với vai trò bào chữa, không phải là để chạy tội, để kẻ phạm tội được trắng án, mà là để bị can được pháp luật đối xử một cách công bằng. Khi công tố viên và luật sư tranh tụng thì toà án mới được cung cấp đầy đủ dữ liệu hai chiều khách quan, từ đó đưa ra bản án đúng người, đúng tội.

Loại bỏ những điều này chỉ khiến cho pháp luật không những không văn minh mà còn lùi dần vào u tối.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội dẫn ra kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha… cho thấy: các nước đều quy định trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng, nhằm ngăn chặn hậu quả của tội phạm.

Theo thông tin trên, tôi thấy họ quy định luật sư có QUYỀN được tiết lộ thông tin trong một số trường hợp, chứ không phải quy định luật sư có NGHĨA VỤ phải tố giác thân chủ. Quyền và nghĩa vụ là hai khái niệm khác nhau. Được và Phải có nghĩa khác nhau. Tiết lộ và Tố giác là hai khái niệm rất khác nhau.

Mới năm ngoái, tôi còn tính nộp hồ sơ thi vào trường ĐH Luật vì muốn trở thành một luật sư, vì muốn được đứng trước toà tranh tụng… Lúc ấy có vài luật sư khuyên không nên. Nay thì thấy thật may vì tôi vẫn chưa đi học. Bởi nếu tôi là luật sư, hôm nay tôi sẽ xấu hổ vô cùng. Chính luật sư còn chẳng bảo vệ được quyền hành nghề của mình khi nó có nguy cơ bị xâm phạm, thì bảo vệ được cho ai bây giờ?