Home Blog Page 1394

THÁNH SOI FB ĐÂU…SOI GIÚP ĐI !

Tôi mới đọc được bài viết của bạn Dũng Đinh Mùi đưa ra những thắc mắc rất có lý về hình ảnh do côn an Vĩnh Long đưa ra công luận để bào chữa tội giết anh Nguyễn Hữu Tấn trong khi điều tra. Tôi có thêm mấy ý sau, mong các bạn đóng góp thêm và cùng các luật sư làm sáng tỏ vụ này cho cộng đồng quốc tế biết rõ sự tàn ác của côn an cộng sản.

Hoàng Việt/May 13, 2017

Hình cắt từ video do THVL phát. Bị can mặc đồ tù, hai cán bộ điều tra trong phòng hỏi cung, khung hình bị chắn hai bên và thiếu mặt bị can. Hình ảnh camera là fram ngang chứ không phải Fram dọc như chụp qua điện thoại này.
Chắc cũng cắt ghép, dàn dựng, chỉnh sửa nát nước luôn rồi mới đưa lên cộng đồng hay sao á…
Công an Vĩnh Long công bố camera trong phòng điều tra cho gia đình anh Tấn xem.
Tui có thắc mắc vầy:
Thứ 1: Camera không biết mang thương hiệu gì mà hình ảnh mờ ảo quá. Nếu giám sát hỏi cung, tại sao camera không lấy mặt của nghi phạm mà chỉ từ ngực xuống?
Thứ 2: Góc máy của ĐTH Vĩnh Long đưa tin và camera giám sát khác nhau rất nhiều. Khác về cách bài trí trên bàn của cán bộ và khoảng cách ngồi của anh Tấn.
Thứ 3: Được mời về hợp tác điều tra nên chưa phải là phạm nhân, tại sao lại mặc quần áo phạm nhân?
Thứ 4: Gia đình anh Tấn nói là 11h00 trưa có giấy mời lên nhận xác. Còn camera thì hiển thị anh Tấn còn sống lúc 11h kém 3 phút rưỡi. Nếu thật sự anh Tấn tự tử ngay lúc đó, thì trong 3 phút rưỡi còn lại, tờ giấy mời đi bằng cách nào từ trại giam tỉnh Vĩnh Long về đến huyện Bình Minh cách nhau 30 km?

Fb nguồn: Dũng Đinh Mùi.

——————-
Tôi mới đọc được bài viết trên của bạn Dũng Đinh Mùi đưa ra những thắc mắc rất có lý về hình ảnh do côn an Vĩnh Long đưa ra công luận để bào chữa tội giết anh Nguyễn Hữu Tấn trong khi điều tra. Tôi có thêm mấy ý sau, mong các bạn đóng góp thêm và cùng các luật sư làm sáng tỏ vụ này cho cộng đồng quốc tế biết rõ sự tàn ác của côn an cộng sản.

VỀ HÌNH ẢNH CẮT TỪ VIDEO
Tất cả các máy ảnh và máy quay phim đều có sẵn đồng hồ thời gian chạy tự động cập nhật dữ liệu thời gian vào ảnh và video. Khi bạn mở dipslay thì dữ liệu thời gian sẽ hiện lên trên tấm ảnh của bạn, khi bạn tắt dipslay thì dữ liệu thời gian không còn hiện lên trên tấm ảnh nữa. Nhưng trong tấm ảnh vẫn có dữ liệu thời gian chìm trong đó, khi bạn dùng software để kiểm tra thì vẫn biết tấm ảnh đó được chụp Ngày tháng năm giờ phút giây và cả model máy chụp, tốc độ, khẩu độ…

Video Camera cũng vậy. Thời xa xưa khi còn truyền hình analog phát bằng băng super VHS hoặc Betacam cũng đã có tín hiệu RC Time code được ghi lên băng từ, vì vậy mà các kỹ thuật viên dễ tìm một đoạn video cần thiết dựa vào bộ đếm trên máy. Sau đó chuyển sang truyền hình kỹ thuật số thì các dữ liệu này được ghi chính xác hơn ngay trên từng fram hình.

Để đưa ra kết luận giám định một đoạn video cần phải kiểm tra toàn bộ các frame hình trong đoạn video đó chứ không chỉ đưa ra một fram hình cắt từ đoạn video. Trong các đoạn video hoặc hình ảnh đều có chứa sẵn dữ liệu thời gian thực (real time). Với video thì tuỳ theo hệ Pal hoặc NTSC mỗi giây sẽ có 24 -30 fram hình. Khi đưa video này vào các software dựng phim sẽ thấy rõ và có thể cắt nối từng fram hình mà mắt thường không nhận ra.
Mỗi máy camera đều có sẵn đồng hồ thời gian và tự động cập nhật dữ liệu vào video. Vì vậy lấy video của ngày này đổi qua ngày khác không được. Việc cắt bỏ hoặc chèn thêm một fram hình vào một đoạn video đang đếm thời gian sẽ làm mất thứ tự của các fram hình và dữ liệu thời gian ghi trên đó.
Vì vậy trong vụ anh Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ tại phòng an ninh điều tra của côn an Vĩnh Long các luật sư nên yêu cầu được sao chép video đó để thực nghiệm giám định qua cộng đồng mạng trong và ngoài nước.

TẠI SAO LẠI CÓ DAO TRONG PHÒNG AN NINH ĐIỀU TRA ?
Tôi đã đi qua nhiều phòng điều tra khác nhau ở Trại tạm giam Quận 3, Trại tạm giam PA-24 sau đổi thành PA-92 tại số 4 Phan Đăng Lưu, Trại tạm giam B34 của Bộ Côn An.

Khi trích xuất bị can ra khỏi phòng giam để điều tra, cán bộ điều tra phải ký sổ của trại và sau buổi làm việc cũng phải bàn giao lại bị can cho quản giáo. Vì vậy cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm về tình trạng sức khoẻ, tính mạng của bị can. Kiểm tra sổ để biết ai đã đưa anh Nguyễn Hữu Tấn ra phòng điều tra.

Trong tất cả các phòng hỏi cung đều có loại ghế riêng cho bị can ngồi. Ở quận 3 là bục xi măng còn những nơi khác như B-34 là ghế gỗ có bắt vít xuống sàn nhà. Làm như vậy để bị can không thể vác ghế tấn công cán bộ điều tra được. Khoảng cách giữa cán bộ điều tra và bị can là an toàn. Trong phòng hỏi cung không có bất cứ đồ vật gì mà bị can có thể xử dụng để tấn công cán bộ điều tra được. Do quy định và sự đề phòng nghiêm ngặt là nhằm bảo đảm an toàn cho chính cán bộ điều tra nên không có cán bộ điều tra nào lại dại dột mang dao vào phòng điều tra để tự gây nguy hiểm cho mình. Trong vụ anh Nguyễn Hữu Tấn, giả sử anh Tấn khi phát hiện có dao và lấy được dao trong cặp của cán bộ điều tra nhưng không có ý định tự tử mà có ý định tấn công thì chuyện gì xảy ra ?

Anh Nguyễn Hữu Tấn bị bắt và điều tra vì nghi ngờ treo cờ vàng của VNCH, như vậy là thuộc Phòng An ninh Điều tra Côn an Vĩnh Long điều tra. Tất cả các phòng hỏi cung của an ninh đều có gắn camera và có ghi âm, có phòng còn được nối máy camera với phòng họp để lãnh đạo giám sát và chỉ đạo đặt câu hỏi bổ sung qua nhắn tin trên phone cho điều tra viên đang ngồi trong phòng hỏi cung cùng bị can. Cũng có khi cán bộ điều tra giả bộ lật hồ sơ rồi đi ra ngoài để những người khác giám sát thái độ của bị can khi thấy hồ sơ mở trên bàn. Trong một số trường hợp phòng hỏi cung còn gắn thêm những camera bí mật để thu hình bị can đọc biên bản nhằm đưa lên truyền thông bôi xấu bị can.

Lý do cuối cùng là những camera và máy ghi âm đó giám sát chính cán bộ điều tra. Chúng ta biết rằng cơ quan an ninh điều tra nhiều vụ án tham nhũng, lừa đảo với lượng tài sản lớn, một số đối tượng bị điều tra là giám đốc ngân hàng, người có chức quyền, quen biết rộng. Vì vậy chỉ vài câu nói có thể làm thay đổi kết quả điều tra. Với lại cộng sản cũng chẳng tin nhau bao giờ.

Mô tả kỹ như vậy để thấy rằng bất cứ hành động nào xảy ra trong phòng hỏi cung của an ninh đều bị giám sát nghiêm ngặt và hỗ trợ kịp thời nếu có nguy hiểm cho cán bộ điều tra.

Trong vụ này có tới 2 cán bộ điều tra trong phòng hỏi cung anh Tấn. Họ thừa sức khống chế một người hiền lành tay không mới bị bắt lần đầu.

Vậy thì hai cán bộ điều tra đi ra khỏi phòng bao lâu ? Anh Tấn lục cặp của cán bộ điều tra để tìm cái gì ? Tại sao anh Tấn lại biết trong cặp có dao? Cặp đó của cán bộ điều tra nào? Hành vi tự vẫn của anh Tấn xảy ra trong bao lâu ? (Kèm theo là video của buổi hỏi cung với thời gian thực) Nếu cả hai cán bộ điều tra không ra khỏi phòng hỏi cung thì họ đã làm gì để ngăn chặn anh Tấn lấy dao của họ và tự vẫn trước mặt họ ? Công bố loại máy camera công an Vĩnh Long xử dụng để so sánh dữ liệu.

Những câu hỏi này chưa có lời giải đáp cho gia đình anh Nguyễn Hữu Tấn.
Mong cộng đồng Facebook soi giúp và đóng góp thêm những hiểu biết mà các bạn có chuyên môn để công lý được thực thi, kẻ giết người phải đền tội trước nhân dân.

DC.

Phân cực chính trị trong giới truyền thông Hoa Kỳ

0
Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) – Tóm Lược: Có hai ý thức hệ chính trị quan trọng tại Hoa Kỳ: conservatism (bảo thủ) và liberalism. Đảng Cộng hòa theo đuổi conservatism trong khi Đảng Dân chủ hướng về liberalism. Ảnh hưởng chính trị của hai đảng này tạo nên tình trạng phân cực chính trị trong giới truyền thông ngày càng mạnh mẽ tại Hoa Kỳ. Sự phân cực chính trị này có thể gây khó khăn cho người dân trong việc thu thập tin tức về các biến cố, dữ kiện, và hoạt động chính trị. Người dân nên hiểu rõ tình trạng này và biết cơ sở truyền thông nào nghiêng về khuynh hướng chính trị nào để có thể tự tạo cho mình một kiến thức không bị chi phối bởi các cơ sở truyền thông. Tuy nhiên, tình trạng phân cực chính trị này không áp dụng cho các quốc gia theo chế độ độc tài như Việt Nam.

Vào ngày 16 tháng 1 năm 1787, Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp Thomas Jefferson (1743 – 1826), người được coi là tác giả bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và sau này là Tổng thống Hoa Kỳ thứ ba, viết trong lá thư gửi Edward Carrington, đại biểu Virginia, “[N]ếu để cho tôi quyết định chúng ta nên có chính quyền không báo chí, hoặc báo chí không chính quyền, tôi không ngần ngại chút nào chọn báo chí không chính quyền” (Xem, Founders).

Câu nói bất hủ của Jefferson, cách đây 230 năm, nhấn mạnh quyền lực thứ tư (the Fourth Estate, the Fourth Power), được coi là sức mạnh của báo chí, độc lập với ba ngành chính quyền (lập pháp, hành pháp, và tư pháp) (Wikipedia 2017b), và là căn bản của tự do ngôn luận, được tôn trọng qua Tu chính án thứ nhất trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Cho tới nay, qua hơn hai thế kỷ, báo chí tại Hoa Kỳ vẫn duy trì sức mạnh đó, nhưng có phần nào suy giảm. một phần vì tính chất của ngành “báo chí” đã thay đổi để trở thành ngành “truyền thông đại chúng” (mass media) và một phần vì tình trạng chính trị và xã hội có ảnh hưởng ngày càng lớn trên ngành này.

Sự kiện ngành báo chí truyền thông chịu ảnh hưởng chính trị đã có từ lâu, nhưng gần đây, với sự thịnh hành của Internet, phạm vi của những cơ sở truyền thông mở rộng, nhất là có những cơ sở truyền thông không chính thống như các trang mạng và bloggers. Ngoài ra, tại các nước tự do dân chủ, tự do ngôn luận càng làm tình trạng này thêm phần phức tạp. Tự do ngôn luận, nhất là tự do báo chí, là một điều kiện cần thiết cho một xã hội ổn định vì người dân có quyền phát biểu ý kiến mà không bị chính quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, trong một thể chế dân chủ đa đảng, tự do báo chí thường dẫn đến phân cực chính trị trong ngành truyền thông.

Phân cực chính trị nghĩa là gì?

Một cách tổng quát, phân cực chính trị là sự khác biệt, gây ra bởi một tiến trình tách rời, về ý kiến hoặc thái độ đối với một ý thức hệ hoặc chủ nghĩa nào đó, thường là đối nghịch nhau trong những thực thể có cùng vị trí hoặc nhiệm vụ (thí dụ, giới truyền thông, quốc hội) (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2017a). Phân cực chính trị có thể được định lượng qua những con số cụ thể tiêu biểu mức độ khuynh hướng chính trị.

Nhiệm vụ chính yếu của giới truyền thông là truyền bá tin tức, dữ kiện tới dân chúng và giúp mọi người hiểu biết những gì xảy ra ngoài xã hội, địa phương, toàn quốc, hay trên thế giới. Để cho tin tức có giá trị, việc đăng tải, báo cáo tin tức cần phản ảnh sự thật và tường trình mọi việc một cách chính xác và khách quan. “Ai cũng đồng ý nhà báo phải nói sự thật, nhưng người ta rối trí không hiểu ‘sự thật’ nghĩa là gì” (Kovac và Rosenstiel 2014, 49). Đó là vì ngoài việc loan tải tin tức, đa số các cơ sở truyền thông còn đăng tải, phát hình, phát thanh những bài diễn giải, phê bình, bình luận, trình bày ý kiến, hoặc lý luận về các sự kiện tin tức. Tin tức do đó nhiều khi được loan tải với mục tiêu phù hợp với khuynh hướng chính trị trong các bài bình luận này. Người dân, nếu không cẩn thận hiểu được những dụng ý hoặc mục tiêu ngầm của các bài bình luận này, sẽ có thể có cái nhìn thiếu chính xác vào vấn đề.

Tại Hoa Kỳ, mức độ phân cực trong ngành truyền thông trở nên ngày càng sâu đậm. Để hiểu rõ tình trạng phân cực này, chúng ta nên hiểu về các ý thức hệ chính trị, đảng phái chính trị, và ảnh hưởng chính trị trên các cơ quan tổ chức truyền thông đại chúng.

A. Các ý thức hệ và đảng phái chính trị quan trọng tại Hoa Kỳ:

Để có thể hiểu sự phân cực chính trị trong ngành truyền thông tại Hoa Kỳ, ta nên có kiến thức căn bản về các ý thức hệ và đảng phái chính yếu tại Hoa Kỳ, và mối liên hệ giữa các đảng phái và ý thức hệ.

1. Ý thức hệ:

Ý thức hệ nghĩa là gì? Đã có nhiều định nghĩa cho ý thức hệ nhưng không có một định nghĩa nào thỏa đáng hoàn toàn. Có nhiều ý nghĩa gán ghép với ý thức hệ như sau: một hệ thống niềm tin chính trị, một loạt những ý tưởng chính trị hướng động, ý tưởng của giới cai trị, v.v… (Heywood 2012, 5). Theo Heywood, mọi ý thức hệ có ba sắc thái sau: trình bày hiện trạng, thúc đẩy kiểu mẫu của một tương lai mong muốn cho một xã hội tốt đẹp, và giải thích cách nào mà việc thay đổi chính trị có thể đi từ hiện trạng tới tương lai mong muốn (tlđd., 11).

Có hàng chục ý thức hệ khác nhau, mỗi cái chú trọng một số khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Sau đây là một số ý thức hệ thường được nhắc đến: chủ nghĩa liberal (như sẽ được trình bày sau, tôi không dịch “liberal” sang tiếng Việt), chủ nghĩa bảo thủ (conservatism), chủ nghĩa xã hội (socialism), chủ nghĩa quốc gia (nationalism), chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism) (Xem, thí dụ như, Heywood 2012; Wikipedia 2017c, 2017e). Mỗ́i ý thức hệ còn có thể được chia ra nhiều ý thức hệ khác nhau.

Mỗi quốc gia thường đi theo một hay nhiều ý thức hệ. Tại các quốc gia dân chủ tự do, hệ thống đa đảng tạo ra môi trường thích hợp cho sự phát triển các ý thức hệ cho mỗi đảng, và người dân có quyền lựa chọn, qua thể thức bầu cử, ý thức hệ hoặc đảng nào để điều hành đất nước. Tại các quốc gia không có dân chủ tự do và chỉ có độc đảng, giới nắm quyền tự chọn ý thức hệ để theo đuổi.

Tuy nhiên, tại các quốc gia dưới chế độ độc tài, không phải giới nắm quyền nào cũng có khả năng hiểu biết hoặc thực tâm theo đuổi ý thức hệ mình lựa chọn. Có giới nắm quyền tự xưng theo đuổi một ý thức hệ nào đó, nhưng thực ra điều hành đất nước theo một đường hướng không phù hợp với các nguyên tắc căn bản của ý thức hệ mà họ lựa chọn, và chỉ theo đuổi mục tiêu đem lại lợi lộc cho giới nắm quyền. Tại các quốc gia này, giới nắm quyền dùng ý thức hệ để mị dân và để che đậy những thủ đoạn đàn áp, cướp bóc tài nguyên thiên nhiên và tài sản của cải của người dân. Điển hình là Việt Nam và nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) Việt Nam.

NCQCS Việt Nam thường tung ra những lời tuyên bố hoặc cho đăng tải những bài viết về các lý thuyết về xã hội chủ nghĩa, Marx-Lenin, và cái gọi là tư tưởng Hồ chí Minh, với mục đích ru ngủ hoặc lừa đảo người dân và che giấu những tội ác xâm lăng, giết người, khủng bố, và chiếm đoạt miền Nam Việt Nam dưới chiêu bài chống Mỹ cứu nước và thống nhất xứ sở. Thực tế cho thấy NCQCS không hiểu biết gì về các lý thuyết ý thức hệ và chỉ dùng những danh từ này để bào chữa cho những tội ác trong thời chiến và trong thời hòa bình, tham nhũng, cướp bóc, và đàn áp nhân quyền. Bài này chú trọng vào cuộc chiến ý thức hệ trong giới truyền thông tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến ý thức hệ này khác hẳn với cuộc chiến tại Việt Nam giữa người dân, trong nước và hải ngoại, và NCQCS.

Tại các quốc gia có tự do dân chủ thực sự, người dân có nhiều vấn đề theo nhiều phương diện. Do đó, việc phân loại họ vào các nhóm khác nhau rất khó. Có quá nhiều phương diện người dân chú trọng và mỗi phương diện thường có nhiều giải pháp khác nhau, khiến cho tổng số mọi vấn đề cho từng giải pháp sẽ rất lớn. Việc nghiên cứu tỉ mỉ các phương diện và các giải pháp để dẫn đến việc phân loại các ý thức hệ chính trị là một công trình nghiên cứu phức tạp. Đặt tên cho các khuynh hướng này lại càng khó khăn vì tính chất đa chiều của ý thức hệ chính trị. Khó có một danh xưng nào tiêu biểu cho một nhóm với cả chục phương diện. Trong bài này, tôi sẽ chỉ chú trọng vào các khuynh hướng chính yếu trong các ý thức hệ chính trị, và tôi dùng “ý thức hệ” và “chủ nghĩa” gần như đồng nghĩa.

Một cách đơn giản, ý thức hệ chính trị tại Hoa Kỳ có thể được chia ra thành hai khối chính yếu khác nhau: bảo thủ (conservatism) và liberalism. Ý nghĩa của hai từ ngữ conservative và liberal dẫn đến “lẫn lộn và mơ hồ” (Ellis và Stimson 2012, 2). Ngoài ra, hai ý thức hệ này còn được chia ra thành nhiều ý thức hệ khác nhau (thí dụ, liberalism cổ điển và tân thời). Một điểm quan trọng nữa là ý nghĩa của hai từ ngữ này tại các quốc gia Âu châu có thể khác với ý nghĩa tại Hoa Kỳ.

Conservatism có định nghĩa khá rõ rệt và có từ ngữ tương đương trong tiếng Việt. Conservative thường được định nghĩa là giữ những thái độ và giá trị truyền thống và cẩn thận trong việc, hoặc cưỡng lại, thay đổi hoặc đổi mới. Định nghĩa này phù hợp với từ ngữ “bảo thủ” trong tiếng Việt. Thực ra, như trình bày ở trên, “bảo thủ” không hoàn toàn mô tả chính xác và đầy đủ ý thức hệ này, nhưng ít nhất từ ngữ đó phản ảnh khá trung thực.

Liberalism dường như không có từ ngữ ngắn gọn tương đương trong tiếng Việt. Liberal thường được định nghĩa là đón nhận những quan điểm mới và sẵn sàng bỏ các giá trị truyền thống. Một số từ ngữ dịch cùa liberal là tự do, phóng khoáng, phóng túng, canh tân, cấp tiến, hoặc đổi mới. Các từ ngữ này, tuy phản ảnh một số khía cạnh của liberalism, có thể dễ gây hiểu lầm và lẫn lộn vì ý nghĩa của chúng có hàm ý khác trong tiếng Việt. Vì không có tiếng Việt ngắn gọn tương đương, tôi quyết định không dịch liberalism/liberal sang tiếng Việt mà dùng nguyên bản tiếng Anh.

Điểm quan trọng là hai khuynh hướng này không hiện hữu với ranh giới rõ rệt như đen và trắng. Đó là vì có những mức độ khác nhau trong mỗi khuynh hướng, thí dụ cực đoan, vừa phải, trung dung, v.v… Một người theo bảo thủ vừa phải có thể có nhiều quan điểm giống như quan điểm của một người theo liberal vừa phải. Ngoài ra, còn có một số người tự coi mình là bảo thủ nhưng lại có những quan điểm liberal. Những người này được gọi là “bảo thủ mâu thuẫn” (conflicted conservatives) (Ellis và Stimson 2012, 149).

Những vấn đề hai ý thức hệ liberal và bảo thủ khác nhau gồm có: kinh tế, giáo dục, năng lực, nhập cư, ngân phí quân sự, tôn giáo, hôn nhân cùng phái, an sinh xã hội, thuế má, gia tăng nhiệt độ toàn cầu, kiểm soát súng, y tế, an ninh nội địa, tài sản riêng tư, chiến tranh chống khủng bố, phá thai, hình phạt tử hình, trợ cấp xã hội, v.v. (Xem, thí dụ như, Student 2010).

Liberalism nhắm vào những thay đổi mới lạ. “Người Mỹ liberal coi họ là người tiếp nhận thay đổi và các ý tưởng mới lạ. Thí dụ, họ thường chấp nhận các ý tưởng khoa học mà một số người bảo thủ chống đối, như thuyết tiến hóa và nhiệt độ thay đổi toàn cầu (global warming)” (Wikipedia 2017d, 2017c). Ngoài ra, “[b]ình đẳng về cơ hội là thành phần cốt lõi của liberalism” (Ellis và Stimson 2012, 3). Một cách tổng quát, liberalism ủng hộ chính quyền điều hành kinh tế thị trường, môi trường kinh tế để tránh lạm dụng, thiết lập tiêu chuẩn; tăng thuế trên nhà giàu; tăng quyền lực hiệp hội; tăng lương tối thiểu. Về đối ngoại, liberalism cổ xúy tăng giới hạn ngoại thương, giảm chi tiêu quân sự. Về xã hội, liberalism ủng hộ thoát khỏi các xâm phạm cuộc sống riêng tư của dân; nới lỏng giới hạn di trú, nới lỏng các luật chống phá thai; bảo vệ quyền lợi nhóm dân thiểu số được coi là bị thiệt thòi như người Mỹ gốc Phi châu, đàn bà, và những người đồng tình luyến ái (Ellis và Stimson 2012, 4; Groseclose 2011, 39; Wikipedia 2017d).

Ngược lại, chủ nghĩa bảo thủ tin rằng “người dân, gia đình, và cộng đồng, không phải chính quyền liên bang, là những lực dẫn đến xã hội thành công, tiến bộ” (Ellis và Stimson 2012, 5). Chủ nghĩa bảo thủ cũng tin vào bình đẳng cơ hội, nhưng ủng hộ phương thức mở rộng tự do thị trường cho mỗi người lựa chọn con đường kinh tế của mình thay vì để chính phủ làm giảm thiểu khác biệt thu nhập. Chủ nghĩa bảo thủ muốn chính phủ khuyến khích, thay vì kiểm soát, tư nhân cung cấp lợi lộc xã hội; và các vấn đề của giới thiếu điều kiện nên được giải quyết hay nhất qua từ thiện hoặc trách nhiệm xã hội tư nhân (Ellis và Stimson 2012, 5; Wikipedia 2017c, 2017e).

Với các mục tiêu khác nhau với nhiều vấn đề ở trên, ta thấy các ý thức hệ chính trị thường phức tạp và có nhiều biến thể. Tuy nhiên, đôi khi ta cũng có thể có một cái nhìn đơn giản dựa vào nét đặc thù của các ý thức hệ này. Lấy thí dụ Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam, dưới sự chiếm đóng của phe nhóm cộng sản, theo chế độ cộng sản và NCQCS hô hào chủ nghĩa xã hội trong khi Hoa Kỳ được luân phiên điều hành bởi ý thức hệ liberal và bảo thủ. Bốn ý thức hệ này khác nhau thế nào? Có cách đơn giản nào tóm tắt đặc tính cốt lõi của bốn ý thức hệ này không?

Cách đây 88 năm, nữ văn hào người Anh Richmal Crompton nổi tiếng qua những truyện cho trẻ em, viết một câu nói bất hủ của một nhân vật trong truyện, gói ghém đặc tính cốt lõi của bốn ý thức hệ Bảo thủ, Liberal, Xã hội, và Cộng sản.trong tác phẩm “William, Prime Minsister” (William, Vị Thủ tướng) vào năm 1929. Câu này, tuy viết cho một truyện trẻ em giả tưởng, có giá trị sâu sắc và được nhiều nhà chính trị học tán thưởng (Xem, thí dụ như, Bogdanor 2013; Whyte 2011, 146). Câu đó như sau (Xem, Hình 1). (Tôi giữ y nguyên cách viết dùng điệp ngữ và chấm câu của tác giả Richmal Crompton.)

“Có bốn loại người muốn được là kẻ cai trị. Họ đều muốn làm mọi việc tốt hơn, nhưng họ muốn làm những việc đó tốt hơn theo các đường lối khác nhau. Có những người Bảo thủ và họ muốn làm mọi việc tốt hơn bằng cách duy trì những việc đó như hiện trạng. Có những người Liberal và họ muốn làm mọi việc tốt hơn bằng cách thay đổi những việc đó một chút, nhưng không để cho ai nhận ra cách họ làm, và có những người theo Xã hội chủ nghĩa, và họ muốn làm mọi việc tốt hơn bằng cách lấy hết tiền mọi người, và có những người Cộng sản và họ muốn làm mọi việc tốt hơn bằng cách giết hết mọi người trừ họ ra.” (Richmal Crompton, nữ văn hào người Anh, 1929).

Câu nói của Richmal Crompton về Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản vào năm 1929 quả thật chính xác một cách tiên tri về NCQCS tại Việt Nam trong thế kỷ thứ 21: cướp của giết người.

2. Đảng phái chính trị:

Đảng phái chính trị là một thực thể hiện hữu cụ thể có mục đích nắm giữ quyền hành trong việc điều hành guồng máy chính quyền của một quốc gia. Theo Antony Downs, một học giả Mỹ về kinh tế và khoa học chính trị, “[m]ột đảng chính trị là một nhóm người muốn kiểm soát khí cụ cai trị bằng cách nắm giữ chức vụ trong một cuộc bầu cử hợp hiến” (Hofmeister và Grabow 2011, 11). Một khái niệm liên hệ mật thiết với đảng phái chính trị là bầu cử. “Phương tiện bầu cử hàm ý rằng có sự cạnh tranh của ít nhất hai đảng” (tlđd., 12). “Một hệ thống ‘độc đảng’ là một hệ thống tự mâu thuẫn vì một ‘đảng’ chỉ nên là phần của một nhóm lớn hơn. Hệ thống độc đảng do đó được mô tả qua sự đàn áp cạnh tranh chính trị và tự do dân chủ” (tlđd., 18). Do đó, những quốc gia theo hệ thống độc đảng như Việt Nam là một hệ thống tự mâu thuẫn, và không thể nào có nền dân chủ.

Tại các quốc gia có tự do dân chủ thực thụ, hệ thống chính trị luôn luôn có đa đảng. Thông thường các đảng phái chính trị cạnh tranh nhau trong chính trường để giành quyền lực điều hành quốc gia. Tại Hoa Kỳ, có bốn đảng lớn và hơn 30 đảng nhỏ (Wikipedia 2017h). Trong bốn đảng lớn, chỉ có hai đảng thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành quốc gia. Đó là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Một cách tổng quát, Đảng Dân chủ hướng về liberal (hơn bảo thủ) và Đảng Cộng hòa hướng về bảo thủ (hơn liberal) (Grossmann và Hopkins 2016, 31). Các thành viên của hai đảng này, kể cả các lãnh tụ trong ba ngành tư pháp, lập pháp, và hành pháp tại tiểu bang và liên bang, thường theo đường hướng quy định trong hai ý thức hệ tương ứng, với nhiều mức độ khác nhau, như được trình bày ở trên.

Bảng 1 so sánh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa một cách tổng quát (Diffen; Student 2010). Vì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đi theo hai ý thức hệ liberal và bảo thủ, theo thứ tự, sự khác nhau giữa hai đảng tương tự như sự khác nhau giữa hai ý thức hệ liberal và bảo thủ tuy có vài ngoại lệ nhỏ nhặt. Nên ghi nhận rằng sự khác biệt của hai đảng theo các vấn đề trong Bảng 1 không nhất thiết tuyệt đối và có nhiều mức độ khác nhau. Thí dụ, đa số thành viên đảng Dân chủ hỗ trợ hôn nhân đồng tính nhưng cũng có một số người chống đối. Tương tự, đa số thành viên đảng Cộng hòa chống đối hôn nhân đồng tính nhưng cũng có một số người hỗ trợ.

Vì hai ý thức hệ bảo thủ và liberal có khá nhiều điểm khác nhau, và nhiều khi đối nghịch nhau, hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa thường đối chọi nhau kịch liệt trong những cuộc tranh cãi, dẫn đến tình trạng phân cực không thể tránh được. “Phân cực được định nghĩa là khoảng cách ý thức hệ trung bình giữa điểm cân bằng của đảng Cộng hòa và Dân chủ” (Shor 2014).

B. Liên hệ giữa truyền thông đại chúng và mức độ phân cực chính trị tại Hoa Kỳ:

Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền hình, truyền thanh, mở rộng phạm vi, nhất là với sự tiến bộ về viễn thông, điện toán và mạng. Danh từ truyền thông đại chúng (mass media) bây giờ áp dụng cho mọi phương tiện truyền bá thông tin tới người dân, gồm có các cơ quan truyền thông căn bản (báo chí, truyền hình, và truyền thanh) và các phương tiện truyền thông mới phát triển trong vòng mười năm qua như blogs, trang mạng, truyền thông xã hội (social media như Facebook, Twitter, Instagram), và phim ảnh (thí dụ, YouTube).

Ngành báo chí (journalism) bây giờ không còn hạn hẹp trong các tờ báo hoặc tạp chí in trên giấy hoặc qua làn sóng phát hình hay phát thanh, mà mở rộng tới mọi hình thức truyền bá trên mạng, kể cả hình ảnh và đoạn phim. Blogs và trang mạng đang có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên khán giả (Atkins 2016, 110). “Nhiều trang mạng đăng tin tức chính trị, như Salon, Slate, Daily Beast, Politico, và Huffington Post, đã nổi lên là những trang mạng tin tức nghiêm trọng và đáng nể” (tlđd.).

Ngoài số lượng và hình thức, hiện nay đa số các cơ sở truyền thông không những chỉ loan tải tin tức mà còn dùng những tin tức để cổ xúy một mục tiêu chính trị, xã hội, hay văn hóa nào đó. Truyền thông hay báo chí cổ xúy (advocacy journalism) là một hiện tượng đang thịnh hành tại Hoa Kỳ. “Ký giả hay phóng viên cổ xúy không chỉ thông báo; họ còn có ý định thúc đẩy một chiến dịch nào đó, bảo thủ hay liberal” (Atkins 2016, 14).

Cho dù dưới hình thức nào, truyền thông cổ xúy thường nhắm vào mục tiêu vạch ra bởi các ý thức hệ chính trị mà người thực hành truyền thông cổ xúy đang theo đuổi. Tuy nhiên, truyền thông cổ xúy không theo đuổi các ý thức hệ bằng nhau. Phần nhiều dân Mỹ tin rằng giới truyền thông thiên về liberal nhiều hơn là bảo thủ (Wikipedia 2017g). “Giới đại học và truyền thông tin tức, hai định chế xã hội thường có trách nhiệm tạo và truyền bá thông tin, đều có đầy rẫy nhóm liberal và người theo Đảng Dân chủ” (Grossmann và Hopkins 2016, 133). “Giới bảo thủ trội hơn nhiều giới liberal trong công chúng Mỹ, nhưng giới nhà báo liberal có nhiều hơn giới nhà báo bảo thủ ở cả mức độ toàn quốc và địa phương và khắp phương tiện truyền thông báo in giấy, truyền hình, truyền thanh, và trên mạng” (tlđd., 135).

Nhiều người tin rằng truyền thông cổ xúy đóng góp đáng kể vào khí hậu văn hoá và chính trị ̣đối nghịch (Atkins 2016, 201) và là yếu tố quan trọng trong tình trạng phân cực hiện nay tại Hoa Kỳ (Atkins 2016, 204). Tình trạng này dường như khó cải tiến được vì “giới truyền thông và giới cử tri chính trị hóa bị cùng mắc bẫy trong một chu kỳ ác hiểm: truyền thông đảng phái cung cấp phân cực vào dân đi bầu vả dân đi bầu muốn có thêm truyền thông đảng phái, và cứ thế” (Anderson, Downie, và Schudson 2016, 162). Tình trạng phân cực của giới truyền thông Hoa Kỳ phản ảnh cuộc chiến ý thức hệ trong một thể̀ chế tự do dân chủ. Cuộc chiến này, tuy rất khốc liệt trên phương diện tranh cãi và thảo luận, thường có những hậu quả tốt đẹp vì người dân có dịp tìm hiểu thêm về các lý thuyết và thực hành về cuộc sống con người trong xã hội.

Câu hỏi quan trọng là: “Có mối liên hệ nào giữa các khuynh hướng chính trị, đảng phái chính trị, và tổ chức truyền thông?” Có nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy quả thật có mối liên hệ giữa các cơ quan truyền thông và hai đảng (Wikipedia 2017f). Có nhiều nghiên cứu, tìm tòi, hoặc báo cáo về mối liên hệ này. Nhiều trang mạng đưa ra danh sách những cơ sở tổ chức truyền thông và khuynh hướng chính trị (Xem, thí dụ như, Brown 2016, Haskins 2017, Wikipedia 2017i).

Trong số các nghiên cứu và báo cáo về khuynh hướng chính trị của giới truyền thông, có hai nghiên cứu có giá trị: Nghiên cứu do trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center, Wikipedia 2017g) và nghiên cứu do giáo sư Tim Groseclose thực hiện.

1. Nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew:

Trung tâm nghiên cứu Pew tổ chức một cuộc thăm dò lớn trong năm 2014, thăm dò 10.000 người lớn về ý thức hệ chính trị. Kết quả cho thấy đảng Cộng hòa và Dân chủ hiện nay tách xa ra hơn hết thẩy trong lịch sử cận đại (Atkins 2016, 199). Việc này dẫn đến một Quốc hội rất phân cực, ảnh hưởng đến giới truyền thông.

Hình 2 cho thấy khuynh hướng chính trị của khán giả của các cơ quan truyền thông thịnh hành tại Hoa Kỳ do trung tâm nghiên cứu Pew trình bày (Pew 2014; Pew 2016). Pew vẽ vị trí các tổ chức truyền thông trên trục có trị số từ +10 (cực hữu) đến -10 (cực tả) với zero là trị số thăng bằng. Tôi sửa khoảng [+10, -10] thành [0, 100] để dễ so sánh với kết quả nghiên cứu của giáo sư Groseclose trong Hình 2 có trị số nằm trong khoảng [0, 100].

Điểm trung bình của tất cả khuynh hướng chính trị là khoảng -1 (55 trong khoảng [0, 100]). Điểm nằm bên trái của điểm trung bình này coi là thiên tả, và nằm bên phải coi là thiên hữu. Mức độ thiên tả hay thiên hữu tùy vào chỉ số. Thí dụ, New Yorker và Slate được coi như thiên tả khá mạnh. Ta có thể cho trị số khuynh hướng chính trị của các tổ chức truyền thông này như sau:

Thiên hữu (bảo thủ): Breitbart, Rush Limbaugh Show, The Blaze, Sean Hannity Show, Glenn Beck nằm khoảng vị trí từ +5.25 tới +6 (20 tới 23 trong khoảng [0, 100]); Drudge Report khoảng +4.7 (27); Fox News khoảng +2 (40).

Thiên tả (liberal): Yahoo News, Wall Street Journal khoảng -0.8 (53); CBS News, Google News, Bloomberg, ABC News, USA Today, NBC News khoảng từ -1.2 tới -2 (55 tới 58); CNN, MSNBC khoảng từ -2.0 tới -2.2 (60 tới 62); BuzzFeed, PBS, BBC, Huffington Post, Washington Post, The Economist, Politico khoảng từ -3 tới -3.9 (65 tới 69); Daily Show, The Guardian, NPR, Colbert Report, New York Times khoảng từ -4 tới -4.1 (71 tới 76); New Yorker, Slate khoảng từ -5 tới -5.8 (78 tới 80). Nên để ý Google News không phải là một cơ sở truyền thông chính thức mà chỉ là trang mạng thu thập tin tức bài vở từ các nguồn khác.

2. Nghiên cứu của Groseclose:

Groseclose và đồng nghiệp đặt ra thương số chính trị (political quotient, PQ) và từ đó chỉ số lệch (slant quotient, SQ). Trị số PQ trải từ khoảng 0 tới 100 và đo lường mức độ liberal của một người dựa vào tiêu chuẩn của nhóm Americans for Democratic Action (ADA) (Groseclose 2011, 38-40). PQ càng lớn mức độ liberal càng cao. Groseclose thiết lập một phương thức định lượng để đánh giá khuynh hướng hướng chính trị của các Thượng nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ và các tổ chức hoặc cơ sở truyền thông.

Thiên vị (bias) có nghĩa theo khuynh hướng nào đó dựa vào một định kiến có sẵn hoặc theo một mục tiêu được đặt ra trước đó. Groseclose, trong công trình nghiên cứu về thiên vị truyền thông, định nghĩa thiên vị truyền thông là “mức độ chiều hướng một cơ sở truyền thông khác với trung điểm của các quan điểm chính trị Mỹ” (Groseclose 2011, 48). Nhưng thế nào là “trung điểm “? Theo Groseclose, trung điểm là “thương số chính trị trung bình, cho một năm nào đó, của tất cả các nhà lập pháp phục vụ trong năm đó tại Quốc hội” (tlđd.).

Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về những phương thức Groseclose tính toán để có một định nghĩa và trị số hợp lý cho trung điểm. Nhưng những phương thức này có vẻ hợp lý trong việc đơn giản hóa vấn đề.

Hình 3 cho thấy khuynh hướng chính trị thể hiện qua thương số chính trị của các tổ chức cơ sở truyền thông dựa vào nội dung bài viết hoặc chương trình phát hình, theo Groseclose (Groseclose 2011, 17). Đặc biệt, Hình 3 cho biết khuynh hướng hướng chính trị của hai đảng chính trị và cử tri Hoa Kỳ. Đảng Cộng hòa có thương số trung bình khoảng 15 trong khi đảng Dân chủ có thương số trung bình khoảng 84. Cử tri Hoa Kỳ có thương số trung bình từ khoảng 54 (trong năm 75-94) cho tới khoảng 50 (trong năm 95-99). Ta có thể giả sử rằng các con số đó không thay đổi nhiều vào giai đoạn hiện nay. Ta nên nhớ khối ở giữa, gọi là trung dung hoặc ôn hòa (moderate), là trung bình của tất cả khuynh hướng chính trị. Vì là trung bình (average) thay vì điểm cân bằng (median), số thành phần nằm hai bên điểm trung bình không nhất thiết bằng nhau.

Hình 3 cho thấy hầu hết các cơ quan tổ chức truyền thông có khuynh hướng gần gũi với đảng Dân chủ nhiều hơn đảng Cộng hòa. Ngoài ra, tuy Fox News thường được coi là thiên hữu, mức độ thiên hữu này không nhiều lắm. Hình 3 cho thấy hầu hết các cơ quan tổ chức truyền thông, kể cả Fox News đều nằm phía bên trái của điểm trung bình của đảng Cộng hòa.

3. So sánh nghiên cứu của Pew Research Center và Groseclose:

Một cách đáng kể, hai cuộc nghiên cứu Pew (Hình 2) và Groseclose (Hình 3) được thực hiện độc lập, dùng các phương pháp khác nhau, và cách nhau gần mười năm, nhưng kết quả rất phù hợp.

Vài điểm cần chú ý khi so sánh Hình 2 và Hình 3.

Trước hết, Hình 2 và Hình 3 khác nhau về thời gian. Hình 2 phản ảnh thời gian vào khoảng năm 2014, gần với hiện tại khi bài này được viết (tháng 5 năm 2017). Hình 3 phản ảnh thời gian vào khoảng năm 2009 khi Groseclose và đồng nghiệp, Milyo, thực hiện cuộc nghiên cứu. Sự khác biệt 5 năm có thể có tác dụng quan trọng cho vài cơ sở truyền thông, và ngay cả người dân, vì tình trạng xã hội thay đổi và có nhiều tiến bộ về kỹ thuật và sự thịnh hành của Facebook, YouTube, Twitter, v.v. Tuy đa số duy trì khuynh hướng chính trị, có vài cơ sở truyền thông di chuyển khuynh hướng. Drudge Report di chuyển từ thiên tả trong Hình 3 sang thiên hữu trong Hình 2. Wall Street Journal có khuynh hướng chính trị khác nhau giữa hai hình, vì Wall Street Journal có hai phần: tin tức và xã luận và mỗi phần có thể có khuynh hướng chính trị khác nhau.

Thứ nhì, Hình 2 và Hình 3 khác nhau về đối tượng của khuynh hướng chính trị trên trục ngang. Hình 2 cho thấy khuynh hướng chính trị của khán giả xem hoặc đọc bài của các tổ chức và cơ sở truyền thông, trong khi Hình 3 cho thấy khuynh hướng chính trị của tổ chức hoặc cơ sở truyền thông dựa vào slant quotient (SQ) do Groseclose và Milyo đặt ra. Khuynh hướng chính trị của khán giả không nhất thiết giống như khuynh hướng chính trị của tổ chức hoặc cơ sở truyền thông, nhưng thông thường khán giả xem hoặc đọc những gì thích hợp với thị hiếu hoặc sở thích của mình. Do đó, hai khuynh hướng này thường có liên hệ mật thiết với nhau.

Thứ ba, Hình 3 không có thương số cho các cơ sở truyền thông như Huffington Post, Breitbart, The Blaze, Glenn Beck. Việc này dễ hiểu vì đa số cơ sở này chưa thành lập hoặc chưa tạo dựng ảnh hưởng sâu đậm vào thời gian Groseclose và Milyo thực hiện cuộc nghiên cứu của họ. Thực ra, cả hai Hình đều thiếu sót khá nhiều cơ sở truyền thông, nhất là các trang mạng chính trị. Sự thiếu sót này không nghiêm trọng lắm, vì cả hai nghiên cứu liệt kê các cơ sở truyền thông chính yếu, cả về truyền hình và báo chí. Độc giả có thể tham khảo thêm tài liệu về danh sách những trang mạng liberal hoặc bảo thủ (Xem, thí dụ như, Brown 2016, Haskins 2017).

Tuy có những điểm khác nhau, cả hai nghiên cứu đưa đến kết quả khá tương đồng. Trước hết, quả thực có phân cực chính trị trong giới truyền thông đại chúng. Mức độ phân cực này ngang ngửa với mức độ phân cực giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thứ nhì, phần lớn giới truyền thông hướng về liberal, và thân thiện với đảng Dân chủ. Hầu hết các cơ sở truyền hình (trừ Fox News) và báo chí chính yếu (thí dụ, The New York Times, Washington Post) đều thiên tả. Nhận xét này phù hợp với các báo cáo và thăm dò dân chúng (Xem, thí dụ như, Carney 2015; Matthews 2015; Mendes 2013; Wikipedia 2017f). Lý do cho khuynh hướng thiên tả trong giới truyền thông đại chúng khá phức tạp và đi ngoài phạm vi bài viết này.

C. Người dân nên làm gì?

Với tình trạng phân cực khá trầm trọng trong ngành truyền thông, chúng ta, người dân và người tiêu thụ bình thường, nên đối phó thế nào? Có hai thái cực: tiêu cực và tích cực.

Phản ứng tiêu cực nhất là không theo dõi tin tức nữa và gạt bỏ mọi tin tức ra khỏi hoạt động hàng ngày. Rolf Dobelli, tác giả một sách trong các sách bán chạy nhất về nghệ thuật suy nghĩ rõ rệt (2014), có nhiều nhận xét và lý luận lý thú. Dobelli (2010; 2013; 2014, 296-298) cho rằng tin tức không có lợi gì cho chúng ta vì tin tức có những tác dụng sau: đánh lạc hướng; không liên hệ đến cuộc sống và sự nghiệp chúng ta; không có khả năng giải thích; tạo độc tố trong cơ thể chúng ta; gia tăng sai lầm về nhận thức; ngăn cản suy nghĩ; có tác dụng như thuốc làm thay đổi cơ cấu trí não; làm mất thì giờ và do đó tốn kém; cắt đứt mối liên hệ giữa nổi tiếng và thành quả vì có những người nổi tiếng mà chẳng liên hệ gì đến cuộc sống chúng ta; thường được tạo ra bởi những nhà báo bất tài, không công bằng, hoặc không có khả năng viết bài vở có ý tưởng sâu sắc; những sự kiện được báo cáo thường sai lạc; có tác dụng khuấy động, thao tác; cho ta ảo tưởng móc nối với mọi người toàn cầu; khiến chúng ta trở nên thụ động; và tiêu diệt trí sáng tạo.

Dobelli thực ra không bác bỏ tin tức hoàn toàn. Ông tin rằng báo chí truyền thông điều tra (investigative journalism) có nhiều điểm hữu ích (Dobelli 2013). Tuy nhiên, Dobelli không cho biết làm cách nào chúng ta nhận ra sự phân cực của báo chí truyền thông điều tra.

Phản ứng tích cực nhất là chúng ta nên có trách nhiệm gần như là nhà báo, ký giả, phóng viên, hoặc người bình luận. Kovac và Rosenstiel (2011, 2014), hai nhà báo Hoa Kỳ chuyên nghiệp và có kinh nghiệm lâu năm, tin rằng người dân phải có trách nhiệm, nhất là khi họ là người truyền bá và/hoặc phê bình về các nguồn tin. Chúng ta không nên chỉ là khán giả hoặc độc gỉả thụ động đón nhận tin tức bài vở từ các cơ sở truyền thông, mà nên đóng vai trò chủ động trong việc truyền bá tin tức bài vở. Chúng ta cũng có trách nhiệm tham dự các diễn đàn công cộng, thí dụ như diễn đàn thảo luận trên mạng, các cuộc hội họp, câu lạc bộ dân sự, hoặc xuất hiện trên truyền hình hoặc truyền thanh (Kovac và Rosenstiel 2014, 296). Đó là trách nhiệm chung của mọi công dân.

Kovac và Rosenstiel trình bày những phương thức để đem ý nghĩa cho tin tức. Một cách tổng quát, chúng ta cần có thái độ nghi ngờ khi chúng ta đọc tin (Kovac và Rosenstiel 2011, 115). Chúng ta nên có thái độ “cho tôi thấy đi,” hoặc ” bạn hãy chứng minh việc đó,” hoặc “Tại sao tôi nên tin việc đó?” đối với chứng cớ (tlđd., 116). Khi đọc một bài diễn giải hoặc bình luận về một sự kiện, chúng ta nên hỏi, “Có cách hiểu hoặc giải thích nào khác không?” (tlđd., 117).

Trên lý thuyết, hai thái độ đó không đến nỗi khó lắm. Nhưng trên thực tế, người dân bình thường khó có thể theo đuổi một trong hai thái cực trên. Về việc không theo dõi tin tức, cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta không thể tránh được tiếp nhận tin tức, nhất là với thời đại Internet và các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook. Về việc đóng vai trò gần như nhà báo trong việc đọc tin, không phải ai cũng có thì giờ, phương tiện, hoặc/và khả năng làm được.

Tuy nhiên, chúng ta có thể có thái độ trung dung trong giữa hai thái cực trong việc tiếp cận tin tức bài vở. Một cách tổng quát, chúng ta nên ráng giữ thái độ khách quan trong việc tiếp nhận tin tức bài vở. Trước hết, chúng ta không nên theo dõi quá nhiều tin tức, và nên gạn lọc ra những đề tài phù hợp với ý thích của mình. Thứ nhì, với những đề tài thích hợp, chúng ta nên có thói quen thu nhận tin tức với tinh thần xét đoán, phân biệt sự kiện và ý kiến, kiểm chứng tài liệu, đối chiếu các nguồn tin khác nhau, và dùng lý luận để đưa đến kết luận thoả đáng. Khi đọc một bản tin hoặc một bài viết về một đề tài nào đó, ta nên tìm tòi các nguồn tin hoặc các bài viết cùng đề tài từ các cơ sở truyền thông có khuynh hướng chính trị khác nhau. Trang mạng AllSides trình bày tin tức qua các cơ sở truyền thông dưới cả ba khuynh hướng chính trị: thiên hữu, thiên tả, và trung dung (Xem AllSides). Thứ ba, chúng ta nên “cẩn thận về các tin đồn, dự đoán, và kết luận vội vàng” (Atkins 2016, 259). Đôi khi, có người bị dễ tin vào các tin bịa đặt hoặc giả mạo, hoặc các bài viết có tính cách khôi hài hoặc châm biếm (Xem, Kiely và Robertson, 2016).

Một điểm quan trọng cần được đề cập đến. Ý kiến của Dobelli, và Kovac và Rosenstiel, và thảo luận trên chỉ thích hợp cho quốc gia có tự do ngôn luận và giới truyền thông thuộc tư nhân và độc lập với chính quyền. Với các quốc gia dưới chế độ độc tài và không có tự do ngôn luận như Việt Nam, các ý kiến này có thể không thích hợp hoàn toàn và cần có thêm những cẩn thận trong việc thu thập tin tức, bài vở. Vì không có tự do ngôn luận và ngành báo chí truyền thông trong nước hoạt động dưới sự điều khiển của nhóm cầm quyền, người dân Việt Nam khao khát tin tức và thường thảo luận tranh cãi về các vấn đề xã hội, chính trị, và thời sự. Cuộc sống khó khăn và bận rộn nhiều khi càng làm tăng ý muốn theo dõi tin tức vì người dân mong mỏi có sự thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không có phương tiện hoặc khả năng thu thập tin tức hoặc các nguồn khác nhau để kiểm chứng hoặc đối chiếu, nhất là có những biện pháp của nhóm cầm quyền ngăn cản dân tiếp cận những nguồn tin khắp nơi. Đó là không kể cuộc sống xã hội khiến người dân, nhất là giới trẻ, thiếu những sinh hoạt lành mạnh, dùng thì giờ theo dõi những tin tức mà Dobelli coi là không hữu ích như chi tiết về ca sĩ, tài tử, giới giàu có, thời trang, v.v.

Ngoài ra, trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam, cuộc chiến giữa người dân và NCQCS khác với cuộc chiến ý thức hệ tại Hoa Kỳ, như được trình bày ở trên. Trên phương diện hình thức hoặc lý thuyết, các từ ngữ tự do dân chủ được đặt ra để phân biệt với cộng sản. Trên phương diện nội dung hoặc thực tế, cuộc chiến giữa người dân Việt Nam, trong nước và hải ngoại, với NCQCS và bè lũ không phải là cuộc chiến ý thức hệ, mà là cuộc chiến giữa người dân hiền lành và lũ cướp tàn ác, khủng bố, giết hại dân lành, phá hủy tài nguyên, băng hoại văn hóa, tham nhũng, quỳ lạy Tàu cộng. Cuộc chiến đó là cuộc chiến giữa thiện (người dân) và ác (NCQCS). Vì thiện và ác có mục tiêu hoàn toàn khác nhau, sẽ không có vấn đề phân cực chính trị, ngoài đời hay trong giới truyền thông. Do đó, ngoài việc đối phó giới truyền thông, trong nước và hải ngoại, với cùng sự xem xét cẩn thận ở trên, người dân Việt Nam cần phải duy trì trí óc sáng suốt để hiểu rõ những âm mưu thâm độc của NCQCS trong việc mị dân hoặc lừa đảo dân qua những tuyên truyền về những ý thức hệ, và nên nhận rõ bản chất của cuộc chiến. Đó là cuộc chiến giữa người dân lành và lũ cướp của giết người, theo đúng như lời của nữ văn hào Richmal Crompton vào năm 1929 trình bày ở trên.

D. Kết Luận:

Có nhiều ý thức hệ chính trị tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ có hai ý thức hệ chính yếu: liberal và bảo thủ. Trong chính trường Hoa Kỳ, đảng Dân chủ ủng hộ chủ nghĩa liberal trong khi đảng Cộng hòa theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ. Hai công trình nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew và của giáo sư Groseclose đưa ra những kết quả phù hợp: Giới truyền thông Hoa Kỳ có khuynh hướng thiên tả, nghiêng về đảng Dân chủ hơn là đảng Cộng hòa.

Đối diện với tình trạng phân cực của giới truyền thông, người dân cần phải cẩn thận trong việc tiếp nhận tin tức bài vở. Việc này đòi hỏi người dân tham gia tích cực trong việc truyền bá thông tin, kể cả kiểm chứng và xét đoán tin tức bài vở một cách khách quan. Đọc tin không còn là một hoạt động thụ động mà là một hoạt động chủ động, kèm theo tìm tòi và thảo luận về mọi tin tức. Đó là nghĩa vụ của mọi công dân.

Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam không phải là cuộc đấu tranh giữa các ý thức hệ đối nghịch như tại các quốc gia tự do dân chủ. Đó là cuộc chiến giữa thiện (người dân) và ác (NCQCS). Do đó, không có phân cực chính trị, ngoài đời hay trong giới truyền thông. Người dân Việt Nam nên đối phó với tuyên truyền cộng sản vớí nhận thức rõ rệt bản chất của cuộc chiến này.

Tài Liệu Tham Khảo:

tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho “sđd.” (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

AllSides. AllSides Featured Stories. https://www.allsides.com/story-list (truy cập 13-5-2107).

Anderson, C.W., Downie, Leonard, Jr.; và Schudson, Michael. 2016. The News Media. What everyone needs to know. Oxford University Press, New York, NY, U.S.A.

Atkins, Larry. 2016. Skewed. A critical thinker’s guide to media bias. Prometheus Boos. Amherst, New York, U.S.A.

Bogdanor, Vernon. 2013. Portrait of a Party by Stuart Ball: The devil’s in the detail. 27-6-2013. https://www.newstatesman.com/culture/2013/06/portrait-party-stuart-ball-devils-detail (truy cập 23-5-2017).

Brown, Hal. 2016. My guide to liberal websites. 8-6-2016.

Carney, Timothy P. 2015. Yes, liberal media bias is real, and here’s how it affected the CNBC debate. 30-10-2015. https://www.washingtonexaminer.com/yes-liberal-media-bias-is-real-and-heres-how-it-affected-the-cnbc-debate/article/2575340(truy cập 11-5-2017).
Diffen. Không rõ ngày. Democrat vs. Republican. Không rõ ngày. https://www.diffen.com/difference/Democrat_vs_Republican (truy cập 10-5-2017).

Dobelli, Rolf. 2014. The Art of Thinking Clearly. Translated by Nicky Griffin. Paperback edition. HarperCollins Publishers, New York, NY. U.S.A.

_________. 2013. News is bad for you – and giving up reading it will make you happier. 12-4-2013. https://www.theguardian.com/media/2013/apr/12/news-is-bad-rolf-dobelli (truy cập 16-5-2017).
_________. 2010. Avoid News. Toward a Healthy News Diet. https://www.dobelli.com/wp-content/uploads/2013/03/Avoid_News_Part1_TEXT.pdf (truy cập 16-5-2017).

Ellis, Christopher và Stimson, James A. 2012. Ideology in America. Cambridge University Press. New York, NY, U.S.A.

Founders Archives. Không rõ ngày. From Thomas Jefferson to Edward Carrington, 16 January 1787. Không rõ ngày. https://founders.archives.gov/documents/Jefferson/01-11-02-0047 (truy cập 18-5-2017).

Groseclose, Tim. 2011. Left Turn. How Liberal Media Bias Distorts the American Mind. St. Martin’s Griffin. New York, NY, U.S.A.

Grossmann, Matt và Hopkins, David A. 2016. Asymmetric Politics. Ideological Republicans and group interest Democrats. Oxford University Press. New York, N.Y., U.S.A.

Haskins, Justin. 2017. Top 100 Conservative Websites in March 2017. 1-3-2017. https://thenewrevere.com/2017/03/top-100-conservative-websites-in-march-2017/(truy cập 14-5-2017).

Heywood, Andrew. 2012. Political ideologies. An introduction. 5th edition. Palgrave Macmillan, New York, NY, U.S.A.

Hofmeister, Wilhelm và Grabow, Karsten. 2011. Political Parties – Functions and Organisation in Democratic Societies. Konrad Adenauer Stiftung. Also available at: https://www.kas.de/wf/doc/kas_7671-1442-2-30.pdf?120920114650 (truy cập 6-5-2017).
Kiely, Eugene và Robertson, Lori. 2016. How to Spot Fake News. 18-11-2016. https://www.factcheck.org/2016/11/how-to-spot-fake-news/ (truy cập 18-5-2017).

Kovac, Bill và Rosenstiel, Tom. 2014. The Elements of Journalism. What Newspeople Should Know and the Public Should Expect. 3rd Edition. Three River Press, New York, NY, U.S.A.

_________. 2010. Blur. How to know what’s true in the age of information overload. Bloomsbury, New York, NY, U.S.A.

Matthews, Chris. 2015. Conservatives Are Right: The Media Is Very Liberal. 2-11-2015. https://fortune.com/2015/11/02/liberal-media/ (truy cập 11-5-2017).
Mendes, Elizabeth. 2013. In U.S., Trust in Media Recovers Slightly From All-Time Low. 19-9-2013. https://www.gallup.com/poll/164459/trust-media-recovers-slightly-time-low.aspx?utm_source=alert&utm_medium=email&utm_campaign=syndication&utm_content=morelink&utm_term=Politics (truy cập 10-5-2017).
Pew Research Center (Mitchell, Amy; Gottfried, Jeffrey; Barthel, Michael; và Shearer, Elisa). 2016. The Modern News Consumer. https://assets.pewresearch.org/wp-content/uploads/sites/13/2016/07/08140120/PJ_2016.07.07_Modern-News-Consumer_FINAL.pdf (truy cập 11-5-2017).
Pew Research Center. 2014. Political Polarization & Media Habits. 21-10-2014. https://www.journalism.org/2014/10/21/political-polarization-media-habits/ (truy cập 10-5-2017).
Shor, Boris. 2014. How U.S. state legislatures are polarized and getting more polarized (in 2 graphs). 14-1-2014. https://www.washingtonpost.com/news/monkey-cage/wp/2014/01/14/how-u-s-state-legislatures-are-polarized-and-getting-more-polarized-in-2-graphs/?utm_term=.d374dd9a99e3 (truy cập 11-5-2017).
Student News Daily. 2010. Conservative vs. Liberal Beliefs. https://www.studentnewsdaily.com/conservative-vs-liberal-beliefs/ (truy cập 11-5-2017).
_________. Không rõ ngày. Media Bias. Không rõ ngày. https://www.studentnewsdaily.com/types-of-media-bias/ (truy cập 16-5-2017).
Whyte, William. 2011. Just William? Richmal Crompton and Conservative Fiction, 139-154, in “Classes, Cultures, and Politics: Essays on British History for Ross McKibbin,” edited by Clare V. J., James J. Nott, và William WhyteFirst Edition. Oxford University Press. New York, NY, U.S.A. Also, https://books.google.com/books?id=S9MUDAAAQBAJ&pg=PA146&lpg=PA146&dq=%22William,+Prime+Minister%22+Crompton&source=bl&ots=kiZHNievQ4&sig=RkBBOujgUmKa4W0XNypHG-6oHJM&hl=en&sa=X&ved=0ahUKEwj58Z2PzPLTAhXNdSYKHQczA7gQ6AEIIjAA#v=onepage&q=%22William%2C%20Prime%20Minister%22%20Crompton&f=false(truy cập 15-5-2017).
Wikipedia. 2017a. Polarization (politics). 27-4-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Polarization_(politics) (truy cập 25-5-2017).
_________. 2017b. Fourth Estate. 12-5-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Fourth_Estate (truy cập 13-5-2017).
_________. 2017c. Political ideologies in the United States. 17-5-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Political_ideologies_in_the_United_States (truy cập 18-5-2017).
_________. 2017d. Modern liberalism in the United States. 1-5-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Modern_liberalism_in_the_United_States (truy cập 11-5-2017).
_________. 2017e. Conservatism in the United States. 11-5-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Conservatism_in_the_United_States (truy cập 11-5-2017).
_________. 2017f. Media bias in the United States. 11-5-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Media_bias_in_the_United_States (truy cập 11-5-2017).
_________. 2017g. Pew Research Center. 11-3-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Pew_Research_Center (truy cập 10-5-2017).
_________. 2017h. List of political parties in the United States. 6-5-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_political_parties_in_the_United_States(truy cập 10-5-2017).
_________. 2017i. List of political magazines. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_political_magazines. 4-5-2017 (truy cập 10-5-2107).

25/5/2017

TQ nổi đóa vì phát biểu ‘vô trách nhiệm’ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông

0
 VOA

Trung Quốc tỏ rõ sự tức giận đối với những phát biểu mà nước này gọi là “vô trách nhiệm” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh vào cuối tuần qua.

Theo Reuters, ông Mattis đã cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore, ông Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đồn trú tại đó, đồng thời duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.

Các hoạt động có chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện không liên quan gì đến việc quân sự hóa, bà Hoa nói trong bài phát biểu đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày Chủ nhật.

Bà Hoa nói thêm rằng các nước quanh khu vực Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, nhưng những kẻ khác ở bên ngoài khu vực lại “tìm cách đi ngược lại xu hướng này, liên tục đưa ra những nhận xét sai trái, phớt lờ sự thật và cố tình gây nhầm lẫn với những động cơ mờ ám”.

Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi các bên liên quan ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuần trước, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trên một bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “bay, đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa”, ông Mattis khẳng định.

Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng phản đối các cuộc biểu dương lực lượng ở Biển Đông dưới hình thức các cuộc tập trận như là những đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Reuters dẫn nguồn báo China Daily hôm thứ Hai cáo buộc Hoa Kỳ là “đạo đức giả”.

Báo này nói “Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một ví dụ mới nhất về cách Hoa Kỳ bất chấp các thỏa thuận quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và ích kỷ của mình”.

“Thấu cảm” là gì? Đặng Hoàng Giang viết bậy!

0

Chu Mộng Long – Đạo đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn!

Đề thi Ngữ văn TNPT sáng nay lấy một bài viết của nhà tâm lí – đạo đức Đặng Hoàng Giang cho phần Đọc hiểu văn bản với đề tài gọi là “thấu cảm”:

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm.”

Thấu cảm là cách nói khác của trực giác, chỉ sự tương giao cảm xúc giữa ta và đối tượng (người hoặc thậm chí vạn vật). Trực giác gắn liền với một sự kiện, hoàn cảnh riêng lẻ, tức thời, không thuộc phạm trù “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” hay “hiểu được suy nghĩ” của người khác. “Hiểu biết thấu đáo” thì phải gọi là “thấu hiểu” chứ sao lại là “thấu cảm”. Có bị ngộ chữ, cuồng chữ không? So sánh “giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương” là định xếp “thấu cảm” vào loại bệnh “cảm lạnh” à? Cảm khác biệt với hiểu. Cảm diễn ra khoảnh khắc. Hiểu là cả một quá trình. Hiểu có thể lạnh lùng vô cảm. Làm gì có chuyện “khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”, vì trực giác thuộc bản năng vô tư, phi lí tính. Nói “đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác” là bốc phét, đồng bóng của mấy gã “ngoại cảm” chứ không phải trực giác dưới góc nhìn khoa học! Trẻ em, người nguyên sơ, người khuyết tật luôn có khả năng trực giác cao hơn người lớn và người hiểu biết lí tính chứ “khả năng phát triển” cái gì? Định giáo dục cho học sinh năng lực trực giác à?

Nghe nhà trực giác luận H. Bergson định nghĩa nè:

“Trực giác là bản năng vô tư, tinh thần tự nó có khả năng thâm nhập vào đối tượng của nó và mở ra vô tận”. “Giữa chúng ta và bản thân ý thức chúng ta có một bức màn xen vào, bức màn dày đặc đối với đại đa số con người, nhưng nó sẽ là bức màn mỏng, gần như trong suốt đối với nghệ sỹ”. (H.Bergson, Sức mạnh tinh thần, tr.192,193).

Theo Chu Quang Tiềm, Trực giác thuộc về Ngã, còn hình tướng thuộc về Vật. Khả năng trực giác đi đến “Vật Ngã đồng nhất” – Ta và Vật là một. (Chu Quang Tiềm, Tâm lý văn nghệ, tr.30)

Các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh họa không mang nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính.

Nó ngô nghê cũng giống như anh ta từng ngô nghê khi cùng với Tạ Bích Loan cho rằng không nên làm việc từ thiện cho người dân vùng cao, vì cái quần cái áo người Kinh đã đánh mất “bản sắc dân tộc” của họ. Anh ta không “thấu cảm” được cái rét buốt của những em bé nghèo khổ không quần không áo mà lại cao đàm khoát luận về “thấu cảm”. Đúng là thời đại kẻ đạo đức giả lên giọng dạy đạo đức!

Một văn bản thiểu hiểu biết thì bắt học sinh đọc hiểu kiểu gì? Nói tầm phào thì không sao, nhưng đưa vào đề thi phải chuẩn!

Thôi thì không trách Đặng Hoàng Giang dốt. Đứa ra đề thi cũng dốt. Trách cho một đứa dốt kéo theo dốt cả làng. Đạo đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn!

ĐỀ THI MÔN VĂN KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CẤP QUỐC GIA CÒN NHIỀU SAI SÓT.

0
Phát Lý

(PL: Hôm qua đọc cái đề thi môn Ngữ văn THPT, mình ngờ ngợ mà không dám hỏi vì sợ bị chê là dốt. Vắt nát óc suy nghĩ mà cũng không biết “thấu cảm” là gì? Nay có bài của bác Trần Mạnh Hảo nên rinh lên đây, để các thầy cô giáo dạy văn đọc và cho ý kiến😃.)

ĐỀ THI MÔN VĂN KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CẤP QUỐC GIA CÒN NHIỀU SAI SÓT.

Trần Mạnh Hảo

Mở đầu đề thi là một câu văn trong đoạn văn để học sinh bình đã viết sai tiếng Việt, một câu văn không có chủ từ : “ Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”. “Thấu cảm” là từ không có trong mọi cuốn từ điển tiếng Việt, càng không phải là từ Hán Việt. “Thấu cảm” là gì, tôi đố ông bộ trưởng bộ giáo dục chuyên nói ngọng và ngủ gật trong khi họp quốc hội giải được ?

“Thấu cảm” là gì ? Người viết bài này giải được chết liền !

Một “từ” không hề có trong từ điển tiếng Việt, sao lại bắt học sinh giải nghĩa ? Đây là sự dốt nát cẩu thả vô cùng của ông bà nào ra đề và của cả Bộ giáo dục. Riêng chuyện này không thôi, nếu chấm điểm, chúng tôi phải cho đề thi này một điểm.

Câu văn : “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm” là một câu văn thiếu chủ ngữ : “Lòng trắc ẩn” của ai ? Của con người hay của con bò ?

Cả đoạn văn dài loằng ngoằng dây cà ra dây muống của tác giả Đặng Hoàng Giang được đề thi của Bộ trích ra cho học trò bình luận là một đoạn văn hỏng về tu từ, hỏng vì câu què, câu cụt, hỏng vì định nghĩa lăng nhăng. Xin trích “câu văn” thứ hai :

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.” Đã nói từ “thấu cảm” là từ vô nghĩa, vì nó không hề có trong bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào. “Thấu cảm” có lẽ là tiếng “lóng” ( “nóng” nói theo kiểu ông Phùng Xuân Nhạ) của riêng Bộ giáo dục chăng ? Chính ông tác giả “mẫu mực” Đặng Hoàng Giang đã giải thích từ “thấu cảm” rất lăng nhăng ! Với học sinh trung học, trước khi dạy chúng cần phải nhìn thế giới bằng con mắt kẻ khác khi đặt mình vào cuộc đời tha nhân, thì quan trọng nhất là phải dạy chúng : trước hết và sau cùng các em phải nhìn thế giới bằng con mắt của chính mình đã, thưa các nhà phản giáo dục ( à quên, các nhà giáo dục) !

Chưa gì, các ông đã dạy học sinh hãy nhìn thế giới bằng con mắt người khác thì quả là tai hại. Chúng sẽ chỉ là những con vẹt, không dùng chính mắt mình để nhìn mà chỉ thích dùng mắt người khác để nhìn thế giới… Này các em, hãy dùng mắt Mác, Lê Nin để nhìn thế giới, dùng mắt bác bộ trưởng ngủ gật trong quốc hội để nhìn thế giới…Rồi chúng dần dà sẽ chỉ nói bằng giọng kẻ khác, đi bằng chân kẻ khác, nghĩ bằng đầu kẻ khác…

Than ôi, giáo dục kiểu con vẹt, kiểu con bò nhai như thế này để con cháu chúng ta sẽ thành vong thân, đánh mất bản thân mình trước khi đánh mất tiếng Việt, đánh mất nước Việt ư ?
Các câu văn sau câu thứ hai này tác giả Đặng Hoàng Giang đều viết rất lăng nhăng, sai tiếng Việt khi ông tiếp tục giải thích từ vô nghĩa “thấu cảm”. Ví dụ ở câu thứ tư, tác giả viết như sau : “ Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn người khác là một khả năng phát triển ở những con người mẫm cảm”. Ông ( bà ?) Đặng Hoàng Giang này quả thực chưa biết viết một câu văn ra hồn : “tâm trí và tâm hồn” khác nhau ư ? “tâm trí” là tâm hồn có lý trí, cần gì phải viết thừa một từ “tâm hồn” ở đây ? Không cần phải là người “mẫn cảm” mới cảm nhận được đồng loại. Ngay cả loài vật, thậm chí cây cỏ cũng có khả năng cảm nhận đồng loại ở một chừng mực nào đó !
“Khả năng phát triển” là khả năng gì thưa tác giả Đặng Hoàng Giang ?

Tranh luận với “đoạn văn mẫu mực” viết rất tầm phào, rất sai ngữ pháp, rất tào lao chi khươn của Bộ giáo dục ra cho học sinh bình luận trong đề văn thi tốt nghiệp trung học năm nay, thà tranh luận với đầu gối còn hơn !

Nói tóm lại, đoạn văn được trích ra cho học sinh làm bài thi môn văn trung học năm nay là đoạn văn rất tầm bậy và phản giáo dục.

Chỉ cần dùng trình độ giáo viên cấp một thôi, chúng tôi đã chiếu cố cho đề thi này điểm 1 .,.

Sài Gòn ngày 23-6-2017
T.M.H.

Bi hài kịch của VN về chủ quyền biển đảo.

Nhân Tuấn Trương
Nguyễn Phú Trọng tiếp Phạm Trường Long

Nhiều bạn bè facebook, mỗi lần nói về kiện tụng ở Hoàng Sa, Trường Sa, thường hay nêu yếu tố thời gian trong việc kiện tụng. Một số e ngại rằng, vấn đề Hoàng Sa, TQ đã chiếm của VN. Lần thứ nhứt, nhóm An Vĩnh, chiếm khi Chiến tranh Thế giới thứ II vừa tàn. Đến nay là đã hơn 70 năm. Lần thứ hai, tháng giêng năm 1974, TQ chiếm nhóm Nguyệt Thiềm (còn gọi là Trăng khuyết hay Lưỡi liềm). Đến nay đã 43 năm.

Điều lo ngại của bạn bè là có căn cứ.

Tập quán ở nhiều quốc gia cho thấy, thời gian là một yếu tố quan trọng để xác lập “quyền sở hữu” đất đai. Nếu một bên (tranh chấp) không biểu lộ thái độ phản đối trong một khoản thời gian xác định trước (thông thường là 30 năm hay 50 năm), việc tranh chấp xem như “tàn”.

Thí dụ: một nông dân khai thác một vùng đất “vô chủ”. Nếu trong vòng 50 năm (hay 30 năm) mà nhà nước, hay một ai đó, không ai lên tiếng phản đối. Người nông dân kia sẽ được quyền “thụ đắc”.

Thí dụ khác. Hai láng giềng cất nhà kế cận nhau. Bên A lấn sang bên B vài thước đất. Nếu bên B không kiện cáo trong vòng 30 năm (hay 50 năm), khoảnh đất mà anh A lấn sẽ thuộc vĩnh viễn về anh A.

Dầu vậy, trên bình diện “quốc gia” thì sự việc không hoàn toàn như vậy.

Khác nhau thứ nhứt là về “ý nghĩa ngôn từ”. Ở đây là ý nghĩa của “chủ quyền lãnh thổ” và “quyền sở hữu đất đai”.

Chủ quyền ở đây là “quyền lực tối thượng” trên vùng lãnh thổ đó (power, pouvoir). Còn “quyền sở hữu” chỉ là “quyền – right, droit”. “Quyền lực tối thượng” có “quyền – power” ban bố “quyền sở hữu”, cũng như “truất quyền sở hữu đất đai”.

Thứ hai, trên bình diện quốc gia, “chủ quyền” là “tối thượng”. Mọi quốc gia lớn nhỏ bất kỳ, đều “bình đẳng về chủ quyền”.

Tức là “chủ quyền” là thứ không thể truất phế bằng các biện pháp tương tự như “quyền sở hữu”.

Một quốc gia có thể bị “tước đoạt chủ quyền” trên một vùng lãnh thổ bởi một cường quốc khác, bằng phương tiện chiến tranh, hay bằng thủ tục chuyển nhượng.

Một vùng lãnh thổ cũng có thể bị “tách rời” khỏi quốc gia, nếu dân chúng trên vùng lãnh thổ này đồng ý “ly khai”.

Trường hợp HS (và vài bãi đá ở TS) TQ chiếm của VN bằng vũ lực (chiến tranh). Luật quốc tế hiện đại không nhìn nhận chủ quyền ở một vùng lãnh thổ xâm chiếm bằng vũ lực.

Tức là, theo LUẬT, chủ quyền của TQ ở HS (hay các bãi đá ở TS) không được quốc tế nhìn nhận.

Một số trường hợp tranh chấp lãnh thổ khá tương đồng với trường hợp VN (HS và TS).

Trường hợp tranh chấp giữa Argentina và Anh về quần đảo Falklands. Tranh chấp quần đảo Falklands xảy ra trước tranh chấp Hoàng Sa, đến nay vẫn “âm ỉ” chưa “tàn”.

Năm 1816, sau khi Argentina dành được độc lập, có tuyên bố kế thừa Tây Ban Nha về chủ quyền quần đảo Falklands. Đến năm 1832 nước này bắt đầu cho xây dựng một số cơ sở hành chánh trên đảo. Tuy nhiên, năm 1833 tàu chiến của Anh đuổi các di dân Argentina vừa định cư trên đảo và chiếm đóng đảo này. Tranh chấp kéo dài đến năm 1982 thì đưa đến xung đột vũ trang.

Argentina thua trận, nhưng vẫn không tuyên bố từ bỏ chủ quyền.
Cách đây khá lâu, bà tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, được sự ủng hộ của nhiều nước Nam Mỹ, dự định đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án quốc tế. Tháng tư năm 2015, chính phủ Kirchner kiện 5 công ty khai thác dầu của Anh. Chính phủ này tuyên bố sẽ đưa vấn đề ra “trước tòa quốc gia và quốc tế”.

Điều đáng chú ý, nhà nước Argentine, qua các chính phủ khác nhau, từ năm 1982 đến nay, là các chính phủ đối chọi nhau về thể chế (độc tài và dân chủ). Tuy vậy tính liên tục quốc gia không hề bị đặt lại.

Nếu so sánh với tranh chấp Hoàng Sa, ta thấy tranh chấp Việt-Trung xảy ra đã trên 100 năm, trong khi tranh chấp Anh-Argentina gần 190 năm. Cuộc chiến Falklands đến nay là 35 năm, cuộc chiến Hoàng Sa là 42 năm.

Yếu tố thời gian cho thấy không tổn hại đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ, với điều kiện là nhà nước (có trách nhiệm) phải thường xuyên “lên tiếng”, hay “có thái độ” đối với vùng lãnh thổ “tranh chấp”.

Niều thí dụ khác, như tranh chấp Nga-Nhật về quần đảo Kouriles từ năm 1945 hay tranh chấp Trung-Nhật về quần đảo Điếu Ngư từ năm 1945 … Nguyên nhân các tranh chấp lãnh thổ này bắt nguồn từ thế kỷ 17, 19…

Tranh chấp Phi-Mã Lai về lãnh thổ, kéo dài từ những năm hai nước vừa độc lập đến nay vẫn chưa giải quyết. (Do việc này mà Phi đã chống đối Đệ trình chung VN – Mã Lai vê Thềm lục địa mở rộng).

Còn nhiều tranh chấp khác trên thế giới về lãnh thổ cũng kéo dài hàng thế kỷ. Một số đã được đưa ra toàn án quốc tế để giải quyết.

Tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear là một tranh chấp kéo dài hơn ½ thế kỷ, với những xung đột vũ trang, phe này chiếm, phe kia chiếm lại nhiều lần v.v… Cuối cùng việc này được dàn xếp (hai lần) trước Tòa Công lý quốc tế.

Các nước Nhật-Nga, Nhật-Trung, Argentina-Anh, VN-TQ cũng như các nước khác… có thế đưa ra một trọng tài phân xử về chủ quyền ở các lãnh thổ tranh chấp bất kỳ lúc nào mà các nước này đồng thuận mong muốn.

Nhưng vấn đề tranh chấp giữa VN và TQ ẩn chứa nhiều “bi kịch”.

Nguyên nhân là đảng CSVN, phía “thắng trận” trong cuộc nội chiến 1954-1975, đã “phủi” sạch trơn, không kế thừa di sản của nhà nước VNCH. Hệ quả đưa lại nhà nước hiện tại không kế thừa chủ quyền của VN tại HS và TS. Mặt khác còn phải có nhiệm vụ thực thi những cam kết mà nhà nước tiền nhiệm VNDCCH đã thể hiện với TQ.

Việc “cay đắng” này đã được ông tướng Phạm Trường Long nhắc lại trước “tứ trụ” VN tuần rồi (18-19 tháng sáu). Đại khái “Nam hải chư đảo” thuộc về TQ. Điều này đã được thủ tướng PV Đồng ký kết nhìn nhận qua công hàm 1958.

“Bi kịch” càng đầy nước mắt (của nhân dân) khi TQ đòi thực hiện “lời hứa” của TBT Lê Khả Phiêu. Theo đó vùng biển TS là vùng biển “có tranh chấp” với TQ. Vụ lùm lùm hôm qua, tôi có viết qua một bàn ngắn, TQ đưa tàu bè vào bãi Tư Chính – Vũng Mây, lập lại vụ Crestone năm 1992.

“Bi kịch” còn ẩn chứa nhiều yếu tố chết người. Lãnh đạo CSVN đã vượt qua thẩm quyền, đạp lên đầu nhân dân VN để ký kết với TQ những “mật ước” mà chỉ có lãnh đạo đảng mới biết nội dung là gì.

Qua các Tuyên bố chung giữa các lãnh đạo đảng, ta mới biết rằng hai bên đã có “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”.

Trời mới biết các “nguyên tắc cơ bản” đó là gì ?

Nhưng ta có thể tiên đoán rằng, một trong những “nguyên tắc chỉ đạo” là VN cam kết không kiện TQ ra Tòa quốc tế.

Hiện nay có vô số có hội để VN “đơn phương” kiện TQ ra trước Tòa quốc tế, như Tòa án về Luật Biển 1982 – tương tự Phi đơn phương kiện TQ năm 2013 (trong vấn đề xâm lấn vùng EEZ của VN, tại vùng biển Phú Khánh hay tại các bãi Tư Chính – Vũng Mây).

Tứ trụ VN “thủ khẩu như bình” trước thái độ hống hánh của ông tướng Phạm Trường Long. Ông này ngoe nguẩy bỏ ra về, trong khi “học giả” VN nói là phía VN “mời” ông này về.

Đúng là nghe qua “té ghế”. TQ chỉ cần “làm mặt giận” với VN, kiểu không nhập cảng cái thứ gì của VN hết. Không cho du khách sang VN. Một tháng sau là bầu đoàn thê tử CSVN lục đục sang Bắc Kinh, quì lạy chai đầu gối sói trán năn nỉ thiên triều “bót giận”.

Với tư cách một “học giả phản động”, đảng CSVN cho rằng tôi “chống phá nhà nước”. Nhưng không ai đưa được bằng chứng cho thấy tôi “chống phá đất nước” ở chỗ nào.

Như hàng triệu triệu công dân VN khác, tôi “yêu nước” và “bảo vệ đất nước” theo “cách của tôi”.

Đó là tôi thường xuyên tố cáo lãnh đạo CSVN âm mưu bán nước đồng thời chỉ ra những phương cách để VN giành lại, nếu không phải chủ quyền lãnh thổ, thì cũng giữ không cho quyền lợi của VN bị thiệt hại trước các thế lực xâm lăng.

Bắc Triều Tiên thử động cơ tên lửa xuyên lục địa

0

Hôm thứ Năm (22/6), Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử động cơ tên lửa mà phía Hoa Kỳ cho rằng có thể là một phần của chương trình phát triển tên lửa xuyên lục địa (ICBM).

Reuters, dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ giấu tên, cho biết giới chức Mỹ đánh giá rằng vụ thử nghiệm mới nhất này nằm trong một loạt các cuộc thử động cơ và tên lửa trong năm nay của Bắc Hàn với tham vọng phát triển thành công tên lửa ICBM có thể vươn tới lục địa Châu Mỹ.

Một quan chức khác của Hoa Kỳ cũng xác nhận với Reuters về vụ thử nghiệm mới nhất của chế độ Bình Nhưỡng, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về loại bộ phận tên lửa đã được thử hoặc liệu nó có phù hợp với chương trình ICBM hay không.

Cũng theo lời quan chức Hoa Kỳ, vụ thử nghiệm của Bắc Hàn đã diễn ra trong vòng 24 giờ qua.

Vụ thử động cơ tên lửa này của chế độ nhà họ Kim xảy ra chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ ép Trung Quốc phải tăng cường áp lực kinh tế và ngoại giao lên Bắc Triều Tiên để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa trong một cuộc hội đàm cấp cao giữa đại diện hai nước tại Washington.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã từng cảnh báo rằng “một cuộc xung đột rất lớn” với Bắc Triều Tiên do các chương trình vũ khí của nước này là hoàn toàn có thể, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng họ vẫn ưu tiên áp đặt các lệnh trừng phạt hơn là sử dụng vũ lực.

Một tuyên bố phát đi từ Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, Nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, ông Dương Khiết Trì đã nói với ông Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng rằng Bắc Kinh sẵn lòng “duy trì thông tin và hợp tác” với Hoa Kỳ trong nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong phát biểu tại Quốc hội hồi tháng trước, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói rằng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, Bắc Triều Tiên “hoàn toàn có thể” phát triển được tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho hay Bình Nhưỡng có thể phải mất nhiều năm nữa mới có thể chế tạo thành công tên lửa ICBM.

Khoảng cách từ Bắc Triều Tiên tới lục địa Hoa Kỳ là 9.000km. Tên lửa ICBM có tầm bắn trung bình khoảng 5.500km, nhưng một số được thiết kế có thể đi xa tới 10.000km hoặc hơn thế nữa.

Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tháng trước cũng đã nói bất kỳ một giải pháp quân sự nào áp dụng cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ là “vô cùng bi thảm với quy mô không thể tin được”.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng đang tăng cường khả năng tự vệ chống lại mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Vào tháng Năm vừa qua, Quân đội nước này đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công việc đánh chặn tên lửa đạn đạo ICBM, qua mô phỏng mục tiêu di động.

Tuy nhiên, vào thứ Năm (22/6), Cơ quan Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm 21/6, Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm không thành công hệ thống phòng thủ mới được hai nước phát triển nhằm chống lại các tên lửa tầm ngắn.

Theo Reuters, vụ thử thất bại nêu trên là lần thứ hai hệ thống đánh chặn SM-3 Block IIA do quốc phòng Raytheon (Mỹ) phát triển được kiểm tra thực tế. Đợt thử nghiệm đánh chặn trước đó, tiến hành vào tháng Hai, đã thành công.

Xuân Thành

Xem thêm:

Hoa Kỳ hợp tác dầu khí với Việt Nam trong khu vực ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc vẽ

0
Tri thuc vn

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, nhưng không đề cập tới hợp tác về dầu khí. Thực tế là, Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil và PetroVietnam đã ký kết thỏa thuận liên doanh để phát triển dự án phát điện chạy bằng khí đốt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, trị giá tới 10 tỷ USD từ đầu tháng 1/2017, trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức tại Washington.

Dự án liên doanh nêu trên được biết đến với tên gọi “Blue Whale” (Cá Voi Xanh) được phía Exxon Mobil và PetroVietnam ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng John Kerry, nhưng công đầu trong việc xúc tiến dự án này thuộc về Ngoại trưởng  Hoa Kỳ đương nhiệm Rex Tillerson. Ông Tillerson là Giám đốc điều hành của Exxon Mobil trước khi được ông Trump bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Exxon Mobil đang hợp tác chặt chẽ với PetroVietnam để khai thác tài nguyên trên biển Đông

Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023 và được xây dựng trên mỏ khí tự nhiên mà Việt Nam gọi là Cá Voi Xanh nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông, cách trung tâm tỉnh Quảng Nam 88 km. Mỏ khí tự nhiên này ước tính có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, gấp ba lần so với dự án khí đốt lớn nhất hiện nay của Việt Nam, liên doanh với Gazprom của Nga ở mỏ Côn Sơn.

Exxon Mobil sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí dài 88 km từ mỏ Cá Voi Xanh vào đất liền, trong khi Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEC) Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy xử lý khí đốt và bốn nhà máy điện với tổng công suất là 3 gigawatts. Giai đoạn mở rộng theo kế hoạch sẽ tạo ra đủ khí cho 5.750 megawatts điện và sản xuất hóa dầu. PetroVietnam ước tính dự án sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước Việt Nam khoảng 20 tỷ USD trong thời gian chưa được xác định.

Dự án của ExxonMobil tại Việt Nam được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ông Rex Tillerson, khi đó vẫn đang là CEO của Tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Mỹ và đang chuẩn bị được Thượng viện Mỹ phê duyệt giữ chức Ngoại trưởng theo đề nghị của Tổng thống Trump. Hai ngày trước khi ông John Kerry gặp lãnh đạo Việt Nam, ông Tillerson đã phát biểu trong một cuộc điều trần tại Thượng viện rằng chính quyền Trump sẽ gửi tới Bắc Kinh một “tín hiệu rõ ràng” và “chặn” việc Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trong vùng biển tranh chấp.

Mặc dù  khu vực Exxon Mobil cùng PetroVietnam khai thác khí đốt nằm  trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), nhưng mỏ Cá Voi Xanh này cũng nằm trong khu vực mà phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên bản đồ 9 đoạn với việc kiểm soát tới 90% biển Đông. Trong năm 2011, Trung Quốc đã cảnh báo Exxon Mobil một cách gián tiếp ngay sau khi công ty này công bố thăm dò được một trữ lượng lớn khí đốt ở Lô 118, nằm trong khu dự án Cá Voi Xanh. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng các công ty nước ngoài không được thăm dò ở khu vực tranh chấp. Exxon Mobil vẫn kiên trì cùng đối tác Việt Nam bám trụ tại đây,  trong khi các công ty năng lượng đa quốc gia khác dường như bị áp lực của Trung Quốc nên phần nhiều đã từ bỏ hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí cùng Việt Nam trên biển Đông.

Trung Quốc cũng đã thăm dò trong cùng một khu vực như Việt Nam. Vào giữa năm 2014, Công ty dầu mỏ ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đặt giàn khoan thăm dò HD-981  ở khu vực tranh chấp, gây ra  các cuộc đụng độ trên biển và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam và nhiều sự vụ liên quan khác.

Theo Reuters, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin và CEO Exxon Mobil Rex Tillerson đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh vào 14/5/2014. Hai nhà điều hành thảo luận về “hợp tác hơn nữa” giữa hai công ty mà không đưa ra các chi tiết cụ thể.  Sau những cuộc đàm phán kín đó, cả hai bên đều tuyên bố không triển khai bất kỳ kế hoạch sản xuất nào trong khu vực cho đến khi thỏa thuận giữa Exxon Mobil-PetroVietnam được công bố vào tháng 1/2017 vừa qua. Theo thỏa thuận ký với PetroVietnam, Exxon Mobil cũng có quyền thăm dò đối với các Lô khác ở các khu vực lân cận, cũng đang bị tranh chấp.

Chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Carlyle Thayer hôm 16/1 đã cho rằng ông Tillerson “đã có kinh nghiệm đối phó với sự đe dọa của phía Trung Quốc đối với việc Exxon Mobil đầu tư vào Việt Nam từ hồi 2007-2008” và vị doanh nhân này “sẽ không chấp nhận sự phản đối của Trung Quốc về thương vụ giữa Exxon Mobil và PetroVietnam”.  Ông Thayer nói rằng giới chức Trung Quốc trước đây đã từng cảnh báo các công ty dầu mỏ phương Tây rằng lợi ích của họ tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu họ hỗ trợ tham vọng thăm dò dầu khí trên biển Đông của Việt Nam.

Reuters cho biết Trung Quốc đã không đưa ra bình luận cụ thể về thỏa thuận Cá Voi Xanh trị giá nhiều tỷ USD giữa Exxon Mobil và PetroVietnam. Tuy vậy, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đó cũng đã có phản hồi về tuyên bố của ông Tillerson về biển Đông. Tờ China Daily trong một bài báo hôm 13/1 nói rằng những lời nhận xét của ông Tillerson là “một sự hèn nhát, ngây ngô, thành kiến và ảo tưởng, không thực tế về chính trị”.  Tờ báo này cũng thêm rằng: “Nếu ông có hành động với họ [Trung Quốc] trong thế giới thực, điều đó sẽ là thảm khốc”.

Thời điểm Exxon Mobil-PetroVietnam công bố liên doanh hợp tác dự án Cá Voi Xanh cũng khá đặc biệt. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Hà Nội để phát đi thông tin về sự hợp tác Mỹ – Việt quan trọng này, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng lại đang ở Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nơi hai nhà lãnh đạo ký một thông cáo chung về hợp tác và hòa bình.

Theo đánh giá của Reuters, việc Trung Quốc đe dọa các hoạt động thăm dò, khai tác tài nguyên tại biển Đông ngoài mục tiêu địa chính trị, thì cũng do khu vực này có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên rất lớn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ước tính vào năm 2013 rằng biển Đông có 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, bao gồm cả trữ lượng đã được chứng minh và trữ lượng tiềm năng. Ước tính của Trung Quốc đối với vùng biển này còn cao hơn. CNOOC dự kiến tại biển Đông có 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ feet khối khí đốt.

Theo Giáo sư Thayer nhận định, giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng đang rất cần năng lượng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Hợp tác của Exxon Mobil được cho là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn của giới chức Việt Nam nhằm lồng ghép nền kinh tế ven biển với các nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế.

Tân Bình

Di chứng đau thương của vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 lên xã hội Trung Quốc

Tri thuc vn

Bán nguyệt san “Nhân quyền Trung Quốc” gần đây có đăng một bài viết của Vương Đức Bang, một trong những người lãnh đạo cuộc vận động dân chủ học sinh, sinh viên yêu nước năm 1989. Bài viết bàn về những hậu di chứng đau thương mà sự kiện Lục Tứ mang lại cho dân tộc Trung Hoa như: Giá trị bị suy đồi, công quyền bị xã hội “đen hóa”, xã hội trở nên máu lạnh, giáo dục phi nhân tính hóa.

Sự kiện Thảm sát Thiên An Môn 1989.
Sự kiện Thảm sát Thiên An Môn 1989.

Năm nay là kỷ niệm 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, còn gọi là sự kiện Lục Tứ. Phong trào vận động dân chủ yêu nước chống tham nhũng hủ bại năm 1989 này không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử thế giới mà còn mang đến cho dân tộc Trung Hoa những đau thương sâu sắc không thể chưa lành. Chính vì vậy mà dân tộc này không cách nào bước vào ngưỡng cửa văn minh hiện đại, không cách nào thoát khỏi tình cảnh khó khăn về các phương diện như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, hơn nữa sẽ còn gây liên lụy, làm đầu độc toàn bộ tiến trình văn minh nhân loại.

1. Giá trị bị suy đồi

Bài viết phân tích, trong cuộc vận động dân chủ năm 1989, những đòi hỏi về “chống hủ bại, đòi dân chủ, tranh đấu nhân quyền”, đã phản ánh sự mong mỏi và theo đuổi những giá trị văn minh phổ quát của toàn thế giới như công bằng, chính nghĩa, tự do, dân chủ, nhân quyền v.v.. Sự theo đuổi đó lại dẫn đến cuộc thảm sát tàn khốc, khiến những khái niệm về giá trị văn minh trở thành điều cấm kỵ ở Trung Quốc, hơn nữa còn trở thành mục tiêu phê phán của các loại văn kiện và truyền thông nhà nước.

Từ đó, hệ thống giá trị văn minh cố hữu của xã hội Trung Quốc, trải qua mưa máu gió tanh và sự hoạch định dẫn dụ cố ý của chính quyền cộng sản hòng che giấu tội ác, đã sụp đổ một cách hệ thống trên mọi mặt, dẫn đến thị phi, thiện ác, thật giả, xấu đẹp đều đảo lộn.

2. Công quyền bị xã hội “đen hóa”

Bài viết cho rằng, sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, quyền lực công ở Trung Quốc hoàn toàn đã gỡ xuống lớp mặt nạ “vì nhân dân phục vụ“, chỉ còn lại thống trị bạo lực khủng bố một cách trần trụi. Tập đoàn thống trị đã hình thành nên cơ chế lấy sự phân phối về quyền lực làm cát cứ phân chia lợi ích theo phạm vi thế lực, từ đó diễn hóa thành các phe phái và băng đảng khác nhau, và xuất hiện việc công quyền bị xã hội “đen hóa” tột độ.

Xã hội “đen hóa” công quyền tập trung biểu hiện ở một số phương diện như sau: về tôn chỉ quyền lực, hoàn toàn biến đổi thành việc kẻ sở hữu quyền lực nhằm mưu đồ lợi ích; về thủ đoạn mưu mô nắm quyền lực lợi ích, thì hoàn toàn vứt bỏ pháp chế và luân lý, là tiếp diễn việc cướp đoạt chính quyền mà không từ thủ đoạn khi xưa; về hậu quả của quyền lực, thì xuất hiện việc cướp bóc và vắt kiệt một cách điên cuồng với tầm nhìn ngắn hạn (như việc cưỡng chế trưng thu phá dỡ, khai phát có tính phá hoại và phá hoại có tính khai phát, duy trì ổn định bằng bạo lực, phong tỏa mạng Internet cấm tự do ngôn luận v.v..) hơn nữa còn nhanh nhanh chóng chóng chuyển tài sản cướp bóc được ra nước ngoài.

3. Xã hội trở nên máu lạnh

Bài viết chỉ ra, sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, chính quyền đã khủng bố chặt đứt bất kể mối liên hệ nào trong quần chúng, biến xã hội thành những hạt cát và mảnh vụn không mối liên hệ tương hỗ, hơn nữa trong các loại tuyên truyền và giáo dục đã làm mờ nhạt đi lòng yêu thương quan tâm của con người, kích động sự đấu tranh và thù hận giữa người với người, đánh tráo khái niệm, tô vẽ tình người thành mối quan hệ lợi hại thuần túy. Cứ như vậy về sau này, toàn bộ xã hội càng trở nên máu tanh, tàn bạo. Nhiệt huyết năm 1989 vì kêu gọi dân tộc mà không tiếc hy sinh, vì bị thảm sát mà trở nên hoàn toàn nguội lạnh.

4. Giáo dục phi nhân tính hóa

Bài viết còn nhìn nhận, sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổng kết kinh nghiệm, và coi việc giáo dục bồi dưỡng nhân cách độc lập và tự do tư tưởng là căn nguyên của động loạn, từ đó đã từ bỏ tôn chỉ giáo dục nhằm bồi dưỡng kiện toàn nhân cách, biến toàn bộ nền giáo dục chuyển sang hướng phi nhân tính hóa. Bài viết nhấn mạnh, giáo dục có quan hệ đến cái gốc hưng vong của một dân tộc, nền giáo dục phi nhân tính hóa sau cuộc thảm sát Thiên An Môn đã đẩy dân tộc này vào con đường hủy diệt, ắt phải lập tức dừng cương trước bờ vực, nếu không vạn kiếp cũng không quay lại được.

Vương Đức Bang cho rằng, cuộc thảm sát Thiên An Môn mang lại di họa cho dân tộc này quá nhiều, mà muốn chữa trị thì cực kỳ gian nan. Ông Chương Lập Phàm từng dự đoán rằng, phải trải qua 150 đến 200 năm vết thương do thảm sát Lục Tứ mới có thể chữa lành. Nhưng vấn đề là, mãi đến hôm nay, Trung Quốc vẫn chưa hề bắt đầu quá trình chữa trị này, mà vẫn cắm đầu chạy đến mất lý trí trên con đường tà ác, tiếp tục khắc sâu làm nặng thêm di chứng này, vậy thì cái ngày có thể chữa lành ấy còn quá xa xôi diệu vợi.

Hồng Ngọc

Xem thêm:

  • Thiên An Môn 1989: Người ném sơn lên ảnh chân dung Mao Trạch Đông qua đời ở Mỹ
  • CIA: Quân đoàn 27 chịu trách nhiệm chính trong thảm sát sinh viên tại Thiên An Môn 1989
  • Tóm tắt lịch sử giết người của đảng Cộng sản Trung Quốc

Ghi chép về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6: “Bao nhiêu người chết?” (Phần 5)

Tri thuc vn

Một vị bác sĩ trên 50 tuổi của Bệnh viện Đại học Bắc Kinh cho biết, sau khi binh lính nổ súng, những người bị thương trên quảng trường Thiên An Môn đều chủ yếu được đưa đến Bệnh viện Đại học Bắc Kinh và Bệnh viện Hiệp Hòa. Nhiều lúc, xe cứu thương chở lẫn cả người bị thương và người chết. Sau đó, khi số xác người gặp nạn ở Bệnh viện Hiệp Hòa “đến hơn một trăm” thì họ quyết định sẽ không chuyển thi thể những người đã chết lên xe nữa…

Xem thêm Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Hình ảnh chụp vào sáng sớm ngày 4/6 tại đường Trường An
Hình ảnh chụp vào sáng sớm ngày 4/6 tại đại lộ Trường An

Thảm án xe tăng nghiền nát người ở Lục Bộ Khẩu

Chung La Bạch tỉnh lại sau khi bị ngộ độc khí gas, mơ hồ nghe thấy tiếng khóc từ phía đối diện Lục Bộ Khẩu. Khi Chung La Bạch đi đến Lục Bộ Khẩu đã bị kinh sợ bởi thảm cảnh trước mặt: “Chỉ thấy bên trên đống xe đạp đổ nát có chu vi chừng 7m ở ngã ba đường là một mảng lớn lẫn lộn xác thịt và máu. Tất cả thi thể chồng lẫn lên nhau thành một mảng lớn hình tròn, ước chừng có khoảng hơn chục xác chết, bên trên còn có dấu vết của bánh xích xe tăng. Đầu của một thanh niên trẻ bị xe tăng chèn lên làm bắn ra một mảng óc trắng cách xa mấy mét. Một nam học sinh khác đeo kính, nằm ngửa mặt lên trời, ghi đông xe đạp đâm từ sau lưng xuyên thủng qua bụng anh ấy. Còn có một nữ học sinh bị xe chèn đến mức chỉ có thể lờ mờ nhận ra chiếc váy màu xanh… Ở bên cạnh các thi thể là những chiếc huy hiệu trường màu đỏ, phần lớn đều bị máu tươi nhuộm thành màu đỏ thẫm.” “Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào tàn ác như vậy (cho dù là ở trong phim ảnh).”

“Từ dưới chân của tôi, phát ra những tiếng rên rỉ! Có người còn sống sót, tôi vội vã đỡ lấy người đang rên rỉ ấy từ trong vũng máu, một nam học sinh ở bên cạnh chạy vội ra kéo chiếc xe ba gác lại. Khi tôi ôm anh ấy máu chảy đầm đìa cả người. Lúc tôi nhẹ nhàng kéo anh ấy ra, anh ấy nói một cách yếu ớt: ‘Bạn học…, chân của tôi…, chân của tôi.’ Tôi cẩn thận cúi xuống nhìn, nào còn chân nữa đâu, toàn bộ bắp chân đều bị nghiền đứt, máu đang phun xối xả. Khi tôi ôm anh ấy kéo lên xe ba gác thì Diệp Phó đến. Anh ấy dùng tất cả phần còn lại của cuộn phim, chụp lại cảnh tượng này ở các góc độ khác nhau.”

Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu
Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu

“Chúng tôi kéo xe ba gác chở người bạn học đang hấp hối về bệnh viện Phục Hưng, Quay đầu nhìn sang, một cảnh tượng mà tôi suốt đời không quên, trong túi của một người bạn học đã chết rơi ra một chiếc túi nhựa, bên trong còn sót lại một chút vụn bánh mỳ. Có lẽ, đó là bữa tối cuối cùng của sinh mệnh trẻ tuổi này.”

“Hai người phụ nữ lớn tuổi quỳ bên xác chết, hai tay vừa đập xuống đất vừa gào khóc: ‘Các học sinh của tôi đâu rồi!’ Đây là những tiếng khóc bi ai nhất mà tôi từng nghe thấy.” “Lúc này, chiếc loa công suất lớn ở bên đường phát thông báo của chính quyền ĐCSTQ: ‘Bắc Kinh xảy ra bạo loạn phản cách mạng…’ Nhóm người gây bạo loạn đã phá hủy lệnh giới nghiêm, giết hại chiến sĩ quân giải phóng…” “Trên con đường rộng lớn ấy, trong buổi sáng sớm ấy, tôi đang nâng người học sinh đã chết đó mà chảy không ra nước mắt.”

Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu
Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu

Vũ Nguyên cũng chứng kiến một cảnh tượng như vậy: “Còn có hai học sinh bị chèn ép cùng với xe đạp, chúng tôi phải mất nhiều sức lực mới có thể tách được thi thể của một người ra khỏi xe đạp. Người bị chèn còn lại bị bàn đạp xe đâm vào lồng ngực, chúng tôi không thể tách thi thể ra khỏi xe đạp được, đành phải khiêng cả thi thể lẫn xe đạp ra ngoài.”

“Tôi còn nhớ rõ lúc chúng tôi khiêng thi thể cuối cùng thì từ phía tây của Trường An một nhóm xe tăng lại đi tới. Lúc ấy, tôi đang cầm tấm ván gỗ ngồi hướng mặt về phía đông chuẩn bị khiêng thi thể, hoàn toàn không để ý những việc xảy ra ở đằng sau. Đột nhiên rất nhiều người dân và học sinh đều gào thét kêu tôi đứng dậy. Tôi nhìn lại, một chiếc xe tăng đã ở sát cạnh tôi, sắp chèn lên tôi rồi. Theo phản xạ có điều kiện, tôi quăng tấm ván gỗ rồi nhảy lên vỉa hè. Trong nháy mắt, chiếc xe tăng này đã chạy qua, dừng lại ở phía trước. Thoáng nhìn lại tấm gỗ ban nãy, một góc của tấm gỗ dày 10 cm đã bị nghiền nát giống như nha phiến. Tôi bị tình cảnh ấy làm cho sợ đến toàn thân lạnh toát mồ hôi.”

Lúc ấy, Ôn Tử Kiến, phóng viên của tờ “Nhân Dân Nhật báo” đi qua Lục Bộ Khẩu nhìn thấy khoảng 5-6 thi thể bị xe tăng nghiền chết xếp thành một hàng. Chiếc xe tăng đỗ ở bên cạnh, anh ấy vòng lên đến chỗ họng súng tối đen của xe tăng mà cảm thấy vài chục bước đường ấy giống như đi qua một thế kỷ. Anh ấy chụp được phiên hiệu của chiếc xe tăng này, những thi thể ấy cùng với chiếc xe tăng và họng súng tối om đó. Trong huyết án xe tăng nghiền chết người ở Lục Bộ Khẩu có 5 người chết, 7 người bị thương, đại đa số đều là những học sinh rút lui khỏi quảng trường Thiên An Môn vào rạng sáng ngày 4/6.

5 sinh viên bị tử nạn bao gồm:

  1. Lâm Nhân Phú, nam, 30 tuổi, tốt nghiệp khóa 89 nghiên cứu sinh tiến sĩ, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh.
  2. Điền Đạo Dân, nam, 22 tuổi, sinh viên khóa 85, Khoa Quản lý, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh.
  3. Đổng Hiểu Quân, nam, 19 tuổi, sinh viên khóa 88, Khoa Công tác Thanh niên, Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  4. Vương Bồi Văn, nam, 21 tuổi, sinh viên khóa 88, Khoa Công tác Thanh niên, Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  5. Cung Kỷ Phương, nữ, 19 tuổi, sinh viên khóa 88, Chuyên ngành Quản lý xí nghiệp, Học viện Thương mại Bắc Kinh.

7 người bị xe tăng chèn bị thương:

  1. Vương Khoan Bảo, 29 tuổi, nghiên cứu sinh thạc sĩ, Đại học Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh.
  2. Tô Văn Khôi, 22 tuổi, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  3. Triệu Quốc Khánh, hơn 20 tuổi, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  4. Tiễn Dịch Tân, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  5. Đan Liên Quân, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  6. Phương Chính, 23 tuổi, sinh viên khóa 85, khoa Lý luận, Học viện Thể thao Bắc Kinh.
  7. Lưu Hoa, 20 tuổi, là nhân viên của một công ty tư nhân ở Bắc Kinh.

Tằng Trứ Văn, môt sinh viên Học viện Chính trị Trung Quốc kể lại: “Khoảng 7 giờ sáng, sau khi nhóm chúng tôi di chuyển từ đường Tân Hoa Bắc sang phía tây đường Trường An, đột nhiên có một người hô lên: ‘Xe tăng đến kìa! Xe tăng đến kìa!’ Tôi quay đầu lại nhìn xem, thì thấy ba chiếc xe tăng hạng nặng đi cạnh nhau, từ phía sau nhóm sinh viên chạy thẳng nhanh về phía trước. Sau đó nghe thấy một loạt âm thanh ‘bang bang’ vang lên… mọi người đều cảm thấy khó thở, nguyên do là xe tăng đã bắn khí gas độc về phía học sinh sinh viên.” “Sinh viên đã nhanh chóng di chuyển sang hai bên đường, chuẩn bị nhường đường cho xe tăng đi qua. Nhưng làn đường xe đạp và vỉa hè bị ngăn cách bởi một hàng rào sắt cao chừng 1 mét, hàng rào này lại có phần đầu sắc nhọn, không làm cách nào vượt qua được. Do vậy nhóm sinh viên chỉ đứng gần hàng rào sắt, chứ không đi lên vỉa hè được. Thế nhưng đúng lúc mà nhóm sinh viên tập trung thành một đoàn người đứng ở bên cạnh hàng rào sắt, thì một chiếc xe tăng đã trực tiếp tiến đến phía hàng rào và đâm thẳng vào đám đông, và những âm thanh la hét hoảng sợ thất thanh vang lên…”

“Trong khoảnh khắc, tôi đã bị một lực vô cùng mạnh kéo đi, khi xe cán qua có cảm giác như có cái gì đó chạy qua đầu não, rồi sau đó ngất đi. Vạn phần tôi không thể nghĩ rằng, sau khi bị xe tăng cán qua, tỉnh lại phát hiện thấy bản thân mình vẫn còn sống. Tôi nhìn xung quanh, những người bị thương hoặc chết nằm la liệt một vùng, thảm cảnh đúng là khó mà chịu đựng nổi. Hàng rào sắt đã bị xe tăng húc đổ, do đó tôi cố gắng đi qua hàng rào đổ đó ra ngoài, sau cùng thì được người dân đưa đến Bệnh viện Tích Thủy Đàm cấp cứu…”

Đàn áp “Lục Tứ” rốt cuộc có bao nhiêu người tử vong?

Nhiều năm sau, số học sinh sinh viên và người dân chết trong cuộc trấn áp “Lục Tứ” vẫn bị che giấu, nên thực sự rất khó thống kê con số chính xác.

1. Sự dối trá và che đậy của ĐCSTQ

Sau sự kiện Lục Tứ, tháng 6/1989, Trương Công và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Viên Mộc đã đồng tổ chức một cuộc họp báo cho giới phóng viên. Tại đây, Viên Mộc đã dõng dạc yêu cầu cho những phóng viên tham gia “không được phép ghi âm, không được phép tự viết, mà phải sử dụng bài viết của Tân Hoa xã”.

Trương Công thay mặt cho phía binh lính giới nghiêm, cũng đại diện cho chính phủ Trung Quốc, cho biết: “Trước hết, tôi muốn nói rõ một vấn đề với các đồng chí phụ trách tin tức báo chí, cũng muốn thông qua mọi người đưa tin đến cho người dân thủ đô và người dân toàn quốc biết được rằng, từ 4:30 đến 5:30 sáng ngày 4/6, trong quá trình chấp hành nhiệm vụ thanh trừng, binh lính giới nghiêm tuyệt đối không giết chết một sinh viên hay người dân nào, cũng không gây thương tích cho bất kỳ ai…”

Hiển nhiên, những lời này hoàn toàn là dối trá, về cả thời gian và không gian: Trước tiên đưa quân đội vào triển khai quá trình trừ khử, đến 1:30 thì tiến vào quảng trường, gồm bao vây quảng trường, đàn áp, phản kích dữ dội (ước tính quá trình này kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ); tiến hành “thanh trừng” ở một số phạm vi nhất định như khu Bảo tàng Lịch sử phía tây, Đại lễ đường Nhân dân phía đông, đại lộ Trường An thẳng về Thiên An Môn phía nam, và khu vực bên trong Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông phía bắc. Sau đó, từ những khu vực hạn định này, trong một giờ đồng hồ (từ 4:30 đến 5:30 sáng) “tuyệt đối không làm tử thương bất cứ một người nào”.

Hơn nữa, phát ngôn viên của chính phủ hoàn toàn phủ nhận thảm kịch xe tăng cán người tại Lục Bộ Khẩu sáng ngày 4/6, thản nhiên hoa ngôn xảo ngữ, giơ tay lên trời phát thệ đảm bảo rằng “tuyệt đối không có chuyện xe tăng bọc thép cán người”.

2. Số lượng thống kê nạn nhân thương vong từ các bệnh viện

Theo thống kê từ một số bệnh viện, thì số lượng người bị thương vong đại thể như sau:

Tên bệnh viện Số người tử vong thuật lại Nguồn tin
Bệnh viện Phục Hưng 62~48 Vương Khánh Nguyên, Đỗ Đạo Chính, Tổ chức Ân xá Quốc tế
Bệnh viện Bưu Điện 30~20 Trần Nhất Tư
Bệnh viện Đường sắt 85 Tổ chức Ân xá Quốc tế
Bệnh viện 301 10 Đỗ Đạo Chính
Bệnh viện Hiệp Hòa 30 Trần Nhất Tư
Bệnh viện Đại học Bắc Kinh 30 Trần Nhất Tư
Bệnh viện Nhi 55 Tổ chức Ân xá Quốc tế

Văn Hối báo (Hồng Kông) từng đăng một thống kê của Hội chữ thập đỏ Quốc tế, vào lúc 2 giờ sáng ngày 4/6, phải có đến 2.000 sinh viên và người dân bị bắn đến chết, đồng thời, một sinh viên đại học khác cũng thu thập số liệu từ 6 bệnh viện lớn cho thấy, số người tử vong vượt quá con số 1.000.

Theo “Hồ sơ Lục Tứ”, ngày 4/6, Hội chữ thập đỏ Trung Quốc công bố số nạn nhân bị thương lên đến 30.000 người, và có khoảng 2.700 người tử vong. Còn người phát ngôn của Bệnh viện Bắc Kinh thì xác nhận có khoảng 2.600 người tử vong, trong đó khoảng 1.000 người là sinh viên đại học.

Cũng theo hồ sơ vụ việc này, ngày 7/6, Hội sinh viên Đại học Thanh Hoa công bố thông tin, có khoảng 4.000 người tử vong, còn số người bị thương lên đến 30.000 người.

Theo một nguồn tin tiết lộ từ “Liên Hợp báo” (Đài Loan), ngày 9/6, hãng tin AFP của Pháp cũng ước tính số người tử nạn lên đến khoảng 7.000 người.

“Hồ sơ Lục Tứ” còn viết, Tổng Thư ký của Tổng thống Mỹ ngày 9/6 công bố, có khoảng 4.000 người tử vong trong cuộc thảm sát này.

Tờ “Tranh Minh” (Hồng Kông) ra ngày 30/6 đưa tin, số lượng sinh viên và dân chúng tử vong là 11.440 người, số người bị thương là 28.790 người. Từ lúc 1 giờ đến 7 giờ sáng ngày 4/6, tại quảng trường Thiên An Môn, chỉ riêng phía cửa chính và phía đông-tây đại lộ Trường An, đã có tới 8.720 người chết. Về phía cảnh sát, có khoảng hơn 10 người chết và 6.000 người bị thương.

Những năm gần đây, có tư liệu tự xưng là “Chiến sự trong Nhà Trắng” cho biết: “Ngày 16/6/1989, Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông đã nhận được một tài liệu nội bộ của phía quan chức ĐCSTQ dẫn lời một binh lính giới nghiêm Trung Quốc, đề cập đến tình tiết sự kiện từ ngày 3-4/6, tại Thiên An Môn và đại lộ Trường An, có 8.726 người tử vong. Còn từ ngày 3-9/6, trong thành Bắc Kinh bên ngoài phạm vi Thiên An Môn, có khoảng 1.728 người thiệt mạng. Nói cách khác, tổng số nạn nhân tử vong là 10.454 người. Về số lượng người bị thương, con số lên đến 28.796 người.”

Còn có báo ở nước ngoài thống kê số người tử vong trong sự kiện Lục Tứ cao nhất lên đến 13.362 người.

Tác giả Trương Lương của “Sự thật về Lục Tứ tại Trung Quốc” viết: “Theo điều tra của Cục Công an thành phố Bắc Kinh, trong số những người tử vong có giáo sư đại học, các kỹ sư về khoa học kỹ thuật, cán bộ các ban ngành, công nhân, lao động tự do, còn có công chức nghỉ hưu, học sinh trung học, thậm chí là học sinh tiểu học, nạn nhân nhỏ nhất mới có 9 tuổi. Từ bối cảnh phân bố nghề nghiệp và tuổi tác cho thấy, tuyệt đại đa số họ đều là người vô tội.”

(Hết)

Hồng Ngọc

Xem thêm:

  • Ghi chép về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6: Giết người như bắn chim (Phần 4)
  • Tài liệu Mỹ: Ông Giang Trạch Dân liên quan đến thảm sát Thiên An Môn
  • Di chứng đau thương của vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 lên xã hội Trung Quốc