ĐỀ THI MÔN VĂN KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CẤP QUỐC GIA CÒN NHIỀU SAI SÓT.

    0
    91
    Phát Lý

    (PL: Hôm qua đọc cái đề thi môn Ngữ văn THPT, mình ngờ ngợ mà không dám hỏi vì sợ bị chê là dốt. Vắt nát óc suy nghĩ mà cũng không biết “thấu cảm” là gì? Nay có bài của bác Trần Mạnh Hảo nên rinh lên đây, để các thầy cô giáo dạy văn đọc và cho ý kiến😃.)

    ĐỀ THI MÔN VĂN KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CẤP QUỐC GIA CÒN NHIỀU SAI SÓT.

    Trần Mạnh Hảo

    Mở đầu đề thi là một câu văn trong đoạn văn để học sinh bình đã viết sai tiếng Việt, một câu văn không có chủ từ : “ Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”. “Thấu cảm” là từ không có trong mọi cuốn từ điển tiếng Việt, càng không phải là từ Hán Việt. “Thấu cảm” là gì, tôi đố ông bộ trưởng bộ giáo dục chuyên nói ngọng và ngủ gật trong khi họp quốc hội giải được ?

    “Thấu cảm” là gì ? Người viết bài này giải được chết liền !

    Một “từ” không hề có trong từ điển tiếng Việt, sao lại bắt học sinh giải nghĩa ? Đây là sự dốt nát cẩu thả vô cùng của ông bà nào ra đề và của cả Bộ giáo dục. Riêng chuyện này không thôi, nếu chấm điểm, chúng tôi phải cho đề thi này một điểm.

    Câu văn : “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm” là một câu văn thiếu chủ ngữ : “Lòng trắc ẩn” của ai ? Của con người hay của con bò ?

    Cả đoạn văn dài loằng ngoằng dây cà ra dây muống của tác giả Đặng Hoàng Giang được đề thi của Bộ trích ra cho học trò bình luận là một đoạn văn hỏng về tu từ, hỏng vì câu què, câu cụt, hỏng vì định nghĩa lăng nhăng. Xin trích “câu văn” thứ hai :

    “Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.” Đã nói từ “thấu cảm” là từ vô nghĩa, vì nó không hề có trong bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào. “Thấu cảm” có lẽ là tiếng “lóng” ( “nóng” nói theo kiểu ông Phùng Xuân Nhạ) của riêng Bộ giáo dục chăng ? Chính ông tác giả “mẫu mực” Đặng Hoàng Giang đã giải thích từ “thấu cảm” rất lăng nhăng ! Với học sinh trung học, trước khi dạy chúng cần phải nhìn thế giới bằng con mắt kẻ khác khi đặt mình vào cuộc đời tha nhân, thì quan trọng nhất là phải dạy chúng : trước hết và sau cùng các em phải nhìn thế giới bằng con mắt của chính mình đã, thưa các nhà phản giáo dục ( à quên, các nhà giáo dục) !

    Chưa gì, các ông đã dạy học sinh hãy nhìn thế giới bằng con mắt người khác thì quả là tai hại. Chúng sẽ chỉ là những con vẹt, không dùng chính mắt mình để nhìn mà chỉ thích dùng mắt người khác để nhìn thế giới… Này các em, hãy dùng mắt Mác, Lê Nin để nhìn thế giới, dùng mắt bác bộ trưởng ngủ gật trong quốc hội để nhìn thế giới…Rồi chúng dần dà sẽ chỉ nói bằng giọng kẻ khác, đi bằng chân kẻ khác, nghĩ bằng đầu kẻ khác…

    Than ôi, giáo dục kiểu con vẹt, kiểu con bò nhai như thế này để con cháu chúng ta sẽ thành vong thân, đánh mất bản thân mình trước khi đánh mất tiếng Việt, đánh mất nước Việt ư ?
    Các câu văn sau câu thứ hai này tác giả Đặng Hoàng Giang đều viết rất lăng nhăng, sai tiếng Việt khi ông tiếp tục giải thích từ vô nghĩa “thấu cảm”. Ví dụ ở câu thứ tư, tác giả viết như sau : “ Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn người khác là một khả năng phát triển ở những con người mẫm cảm”. Ông ( bà ?) Đặng Hoàng Giang này quả thực chưa biết viết một câu văn ra hồn : “tâm trí và tâm hồn” khác nhau ư ? “tâm trí” là tâm hồn có lý trí, cần gì phải viết thừa một từ “tâm hồn” ở đây ? Không cần phải là người “mẫn cảm” mới cảm nhận được đồng loại. Ngay cả loài vật, thậm chí cây cỏ cũng có khả năng cảm nhận đồng loại ở một chừng mực nào đó !
    “Khả năng phát triển” là khả năng gì thưa tác giả Đặng Hoàng Giang ?

    Tranh luận với “đoạn văn mẫu mực” viết rất tầm phào, rất sai ngữ pháp, rất tào lao chi khươn của Bộ giáo dục ra cho học sinh bình luận trong đề văn thi tốt nghiệp trung học năm nay, thà tranh luận với đầu gối còn hơn !

    Nói tóm lại, đoạn văn được trích ra cho học sinh làm bài thi môn văn trung học năm nay là đoạn văn rất tầm bậy và phản giáo dục.

    Chỉ cần dùng trình độ giáo viên cấp một thôi, chúng tôi đã chiếu cố cho đề thi này điểm 1 .,.

    Sài Gòn ngày 23-6-2017
    T.M.H.