Home Blog Page 1392

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử – Kỳ 6: Hi sinh ngày 19-6

TTO – Chỉ cách lễ kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng VN hai ngày, Stéphan Villeneuve – 48 tuổi, người từng đưa tin nhiều cuộc chiến – đã tử nạn tại Mossoul. Anh đã hi sinh cho lý tưởng nghề nghiệp của mình.
Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hi sinh ngày 19-6
Nhà báo người Kurd Bakhtiyar Haddad giữa Mossoul đổ nát – Ảnh: Facebook cá nhân
“Stéphan là phóng viên giỏi vì anh yêu mến con người. Trong nghề này, để làm được các phóng sự hay, những chân dung đặc sắc, để mang lại sự thật cần đặt mình vào vị trí của người khác
Đạo diễn phim tài liệu Jean-Marie Barrière

Can đảm và đam mê

Thứ hai ngày 19-6-2017, Stéphan Villeneuve đi theo lực lượng đặc biệt của quân đội Iraq đến thành phố cổ Mossoul cùng với ba nhà báo.

Một quả mìn tự tạo đã nổ. Stéphan Villeneuve ra đi cùng đồng nghiệp người Kurd là Bakhtyar Haddad và cuộn phim phóng sự dang dở. Hai nhà báo Pháp còn lại, Véronique Robert và Samuel Foray, bị thương.

Quả mìn này là một trong muôn ngàn bẫy rập do IS cài lại trên các đường phố Mossoul. Mìn tự tạo cùng với xe gài chất nổ là những vũ khí đáng sợ của IS.

Stéphan Villeneuve là nhà báo Pháp thứ 17 tử thương trong lúc đang làm nhiệm vụ kể từ năm 1989 đến nay.

Những phóng sự của anh nóng hổi hơi thở cuộc sống. Anh ở bên các thường dân nhiều tuần lễ, trong một thành phố Aleppo bị tàn phá, có mặt tại Syria cả tháng trời làm điều tra về IS.

Stéphan có được những lời chứng quý báu tại những vùng đất mà đa số nhà báo không thâm nhập được.

Jérôme Fritel, bạn đồng nghiệp, kể lại: “Stéphan bắt đầu vào nghề ở Hãng tin Capa, vào thời kỳ chương trình “24 giờ” được nhiều người theo dõi”.

Fritel đã cùng với Villeneuve thực hiện phóng sự “IS, sự khai sinh một nhà nước khủng bố”, một trong những phim tài liệu đầu tiên về tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Anh cho biết: “Hồi đó chúng tôi nói với nhau sẽ cùng làm chung phóng sự về sự sụp đổ của Mossoul.

Nhưng Stéphan nhận được một cuộc gọi đề nghị đi Mossoul vào tuần trước để làm phóng sự cho chương trình “Đặc phái viên”.

Anh ấy đến nơi hôm chủ nhật 18-6 để cùng với Véronique Robert và Bakhtyar Haddad tháp tùng Binh đoàn Vàng, lực lượng chống khủng bố của Iraq”.

Cũng theo Fritel, Stéphan Villeneuve không phải là một người liều lĩnh, muốn ghi hình bằng mọi giá.

Anh biết nên dừng lại ở đâu, “tuy nhiên, anh không phải là nhà báo ngồi văn phòng. Đối với Stéphan, để hiểu được tình hình phải có mặt trên thực địa. Anh dễ gây cảm tình, rất dễ tiếp xúc, sự xông xáo giúp anh trở thành một nhà báo thượng thặng”.

Stéphan Villeneuve là con nhà nòi. Cha anh là Bernard Villeneuve, quản lý SPQN (Nghiệp đoàn các nhật báo quốc gia) và cựu chủ nhiệm tờ Matin de Paris, tờ La Tribune.

Khi vào Hãng tin Capa, anh chưa đầy 20 tuổi và tự leo dần lên những bậc thang nghề nghiệp, luôn chọn những nơi khó khăn nhất.

Đến khi hãng tin này mở rộng quy mô, anh lại thích làm việc riêng cùng một nhóm bạn với tư cách nhà báo độc lập.

Stéphan có cuộc sống gia đình đầm ấm, có hai con trai sinh đôi Luna – Corto với người vợ đầu và hai con gái Bianca – Anna với người vợ sau Sophie.

Anh yêu mến bạn bè, mê đọc sách báo. Anh ngấu nghiến tất cả những gì liên quan đến chủ đề sẽ xử lý và thích chạy môtô Harley Davidson.

Ở tuổi 48, khi nhiều phóng viên chiến trường đã “gác kiếm”, anh vẫn lặn lội khắp nơi với sự đam mê và lòng can đảm, cũng như sự bình tĩnh hiếm có.

Stéphan Villeneuve đã tác nghiệp tại hầu như mọi điểm nóng trên thế giới kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, từ Somalia, Sarajevo, Rwanda đến Congo, Haiti, Yemen, Tunisia… và bây giờ là trận chiến Mossoul, giai đoạn cuối cùng để tái chiếm thành phố từ tay IS.

Một người bạn cho biết trước khi đi, Stéphan nói rằng chuyến đi này là chuyến cuối, “nhưng bao giờ anh cũng nói thế trước khi đi làm phóng sự”.

Bộ trưởng văn hóa Françoise Nyssen tuyên bố: “Với sự ra đi của Stéphan Villeneuve, thêm một lần nữa nghề phóng viên chiến trường lại bị tấn công. Tôi xin vinh danh lòng can đảm trong việc đưa tin và tính chuyên nghiệp đã được tất cả những ai từng làm việc chung với ông công nhận”.

Điện Elysée hôm 20-6 truy tặng nhà báo Stéphan Villeneuve Bắc Đẩu bội tinh.

Nhà báo thách thức tử thần

Không thể không nhắc đến Bakhtiyar Haddad, 41 tuổi, nhà báo người Kurd đồng thời là hướng dẫn viên cho các phóng viên nước ngoài, vừa tử nạn chung ngày 19-6 với Stéphan Villeneuve.

Từ 14 năm qua, ông hỗ trợ các phóng viên chiến trường nước ngoài tại Iraq – một nghề ít được nhắc đến, trừ khi xảy ra một bi kịch. Không có ông, các tin tức trên báo chí Pháp về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa chắc có được bề sâu như lâu nay.

Vui tính và phóng khoáng, Haddad thường nói đùa với đủ mọi người, từ các dân quân canh gác tại vô số trạm trên đường tới Mossoul đến một sĩ quan cao cấp của Binh đoàn Vàng – đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Iraq.

Ông giúp chuẩn bị cho phóng sự nhờ vào cuốn sổ tay liên lạc đầy ắp của mình, tổ chức các cuộc hẹn, dịch sang tiếng Pháp những cuộc phỏng vấn bằng tiếng Kurd hoặc Ả Rập.

Haddad biết rõ những đường ngang lối tắt ở Mossoul như lòng bàn tay. Ông được gọi là “nhà báo thách thức tử thần”.

Không có ông, phóng viên coi như mất đi tai mắt và chiếc la bàn. Haddad thường hợp tác với các kênh truyền hình Pháp nhưng cũng hướng dẫn các thông tín viên, đặc phái viên báo viết hay đài phát thanh.

Ông hướng dẫn các đồng nghiệp thoải mái tại tiền phương cũng như trong tổ chức chính quyền. Cũng như nhiều người Kurd và Iraq khác, Bakhtiyar Haddad là sản phẩm của chiến tranh.

Ông sinh ra tại Erbil, thủ phủ khu tự trị Kurd tại Iraq, có cha là Abdullah Haddad, trưởng khoa tiếng Kurd Trường đại học Slahaddin. Chạy trốn chế độ Saddam Hussein, gia đình ông sinh sống ở Pháp bốn năm rồi mới quay về nước.

Khởi đầu sự nghiệp với Đài truyền hình France 2, sau khi chế độ độc tài Iraq sụp đổ, Bakhtiyar Haddad đến Falouja, thành trì của Al Qaeda năm 2004 cùng với một phóng viên ảnh trẻ tuổi người Pháp.

Ông bị người Mỹ bắt giữ, phải mặc bộ đồng phục tù nhân màu cam, nhưng sau đó thoát được nhờ tài ăn nói và sự khéo léo.

Bakhtiyar Haddad còn là tài xế. Năm 2008, tổng thống Pháp Niçolas Sarkozy mở ra Lãnh sự quán Pháp đầu tiên tại vùng Kurd thuộc Iraq, suốt bốn năm Haddad là lái xe, người phiên dịch, hướng dẫn viên cho tổng lãnh sự Frédéric Tissot.

Bakhtiyar Haddad bị tuyến đầu thu hút. Năm 2014, quân thánh chiến tràn vào miền bắc Iraq và tiến hành thanh lọc chủng tộc, tôn giáo. Haddad bị thương ở bàn tay tháng 6-2016 khi đưa tin trận tái chiếm Falouja. Ông không bao giờ mặc áo giáp chống đạn.

Trong trận phản công của người Kurd chống lại IS tại Bachiqa, một chiếc xe gài chất nổ của quân thánh chiến lao vào dân quân Kurd khiến nhiều người thương vong, nhà báo Haddad trở thành nhân viên cứu hộ xông xáo nhất.

Bakhtiyar Haddad luôn lừa được tử thần. Nhưng lần này thần chết đã tìm được ông vào buổi sáng định mệnh 19-6 ở Mossoul, khi lực lượng đặc biệt Iraq đang trong giai đoạn cuối cùng để giải phóng thủ phủ quân thánh chiến. Haddad không bao giờ còn thấy được ngày chiến thắng.

Kỳ cuối: Bằng chứng khí độc của các nhà báo

Nhiều phóng viên tử nạn tại Iraq

Nữ phóng viên Véronique Robert, cùng làm việc cho Công ty #5 bis Productions với Stéphan Villeneuve, bị thương nặng ở đầu và ngực, được phẫu thuật tại bệnh viện trong một căn cứ quân sự Mỹ. Còn Samuel Forey – phóng viên Pháp thứ ba đi cùng, làm việc cho nhiều cơ quan truyền thông, trong đó có tờ Le Figaro – bị thương nhẹ hơn, đã được đưa về Pháp.

Iraq là một trong những nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Kể từ năm 2014 đến nay, đã có 28 phóng viên tử nạn tại đây.

Riêng trong trận đánh Mossoul, đã có 3 nhà báo thiệt mạng ngay từ khi trận chiến này khởi đầu vào tháng 10-2016. Hơn nữa, quân thánh chiến IS vẫn đang giam giữ 10 phóng viên và thông tín viên các báo, đều là người Iraq, từ hai năm nay.

LY LA (Từ PARIS)/TUỔI TRẺ

Nhà báo giữa lằn sinh tử – Kỳ 5: Afghanistan – vùng đất nguy hiểm

TTO – Theo Ủy ban An toàn nhà báo Afghanistan, trong năm 2016 đã có 13 nhà báo thiệt mạng tại Afghanistan. Nguy hiểm ngày càng lớn khi IS “song kiếm hợp bích” với Taliban tại vùng đất này.
Nhà báo giữa lằn sinh tử - Kỳ 5: Afghanistan - vùng đất nguy hiểm
Phóng viên ảnh David Gilkey (ngồi sau) – Ảnh: NPR
David Gilkey đưa tin về chiến tranh và xung đột tại Iraq và Afghanistan từ sau vụ 11-9-2001. Anh ấy đã nỗ lực giúp công chúng nhận ra cuộc chiến và những người ở bên trong cuộc chiến ấy.
Michael Oreskes (đại diện cho Đài NPR)

Vinh danh David Gilkey

Ngày 17-5, năm phần tử IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) đã tấn công cơ quan thường trú Đài phát thanh – truyền hình quốc gia Afghanistan tại Jalalabad (tỉnh Nangarhar). Một tên kích nổ bom tại cổng vào. Bọn còn lại xông vào bên trong.

Giao tranh kéo dài hơn bốn tiếng. Toán IS bị tiêu diệt. Sáu người thiệt mạng gồm bốn nhân viên và kỹ thuật viên nhà đài, hai cảnh sát cùng với 17 người bị thương.

Tỉnh Nangarhar giáp biên giới Pakistan được xem là địa bàn đặc biệt nguy hiểm đối với giới truyền thông. Đây vốn là lãnh địa của Taliban. IS đã mở mặt trận mới tại Afghanistan từ đầu năm 2015 và lấy tỉnh Nangarhar làm địa bàn trú đóng.

Trước đây các phóng viên chiến trường chỉ lo đối phó với Taliban thì nay lại có thêm mối nguy hiểm từ IS.

Nhà báo giữa lằn sinh tử - Kỳ 5: Afghanistan - vùng đất nguy hiểm
David Gilkey (giữa) tác nghiệp tại Afghanistan – Ảnh: CNN

Trong nhiều năm qua, các nhà báo tại Afghanistan đã trả giá rất đắt. Tiêu biểu như phóng viên ảnh người Mỹ David Gilkey, 50 tuổi, làm cho Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR).

Ngày 5-6-2016, David Gilkey cùng người phiên dịch Zabihullah Tamanna (người Afghanistan) 38 tuổi đi chung xe của một đơn vị quân đội Afghanistan hành quân tại tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan.

Đoàn xe bị Taliban phục kích. Xe chở hai người trúng pháo của địch. David Gilkey và đồng nghiệp thiệt mạng. Hai phóng viên Tom Bowman và Monika Evstatieva của NPR đi trên chiếc xe khác may mắn thoát chết.

David Gilkey đã nhận được nhiều giải thưởng cho các tác phẩm nhiếp ảnh và video. Năm 2007, anh được trao giải Emmy cho loạt video về cuộc sống tại Iraq của lính thủy đánh bộ Mỹ. Ảnh của anh cũng đã góp phần giúp NPR được trao giải Peabody với phóng sự về dịch Ebola ở châu Phi.

Một năm sau ngày mất của David Gilkey, ngày 5-6 mới đây Bảo tàng Newseum ở Washington đã tổ chức lễ vinh danh 14 nhà báo thuộc nhiều quốc tịch thiệt mạng năm 2016, trong đó có David Gilkey và Zabihullah Tamanna.

Ông Gene Policinski, giám đốc bảo tàng, cảm xúc: “Các nhà báo được vinh danh tại đài tưởng niệm này đã hi sinh cuộc sống với nỗ lực phục vụ công chúng. Nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục làm việc sau khi bị tấn công hay bị đe dọa đến tính mạng”.

Nguy cơ giữa thành thị

Sau 16 năm chiến tranh với yểm trợ quân sự của NATO và qua ba đời tổng thống, Chính phủ Afghanistan chỉ kiểm soát được 57% lãnh thổ và 62% dân số. Phần còn lại rơi vào tay Taliban và IS. Sau khi NATO rút quân vào cuối năm 2014, đến nay vẫn còn 14.000 binh sĩ NATO đồn trú tại Afghanistan, trong đó có 8.400 lính Mỹ.

Thế nhưng tình hình ngày càng xấu đi. Vụ đánh bom tự sát ở Kabul hôm 31-5 là bằng chứng cho thấy chiến dịch bình định ở Afghanistan đã thất bại.

8h30 sáng 31-5, tên đánh bom liều chết lái xe bồn đã kích nổ hơn 1,5 tấn chất nổ gần khu vực ngoại giao vốn được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thủ đô Kabul. Đây là vụ tấn công kinh hoàng nhất ở Afghanistan từ khi Taliban rút chạy năm 2001. Hơn 150 người chết và hơn 300 người bị thương.

Trong số người chết có Aziz Novin, cộng tác viên của Đài truyền hình Tolo News (Afghanistan) và Mohammad Nazir, người lái xe cho Hãng tin BBC.

Hàng chục nhà báo bị thương, trong đó có bốn người của hãng tin BBC, ba người của Đài truyền hình TV1 (Afghanistan). Trụ sở TV1 và Tập đoàn truyền thông Killid cùng với Đài truyền hình tư nhân Shemshad bị thiệt hại vật chất nặng nề.

Ngày 2-6, người dân Kabul bức xúc trước tình hình an ninh tệ hại đã xuống đường tuần hành về dinh tổng thống. Cảnh sát bắn thẳng làm năm người chết. Hai nhà báo của đài phát thanh – truyền hình quốc gia và kênh truyền hình tư nhân Aryana nằm trong số những người bị thương.

Điều đáng lo ngại đối với các nhà báo tác nghiệp ở Afghanistan là nguy hiểm không chỉ xuất phát từ vùng xung đột. Do tình hình mất an ninh, căng thẳng giữa giới truyền thông và chính quyền địa phương ngày càng gia tăng.

Hôm 22-5 vừa qua, cảnh sát ở Jalalabad đã sử dụng vũ lực đối với hai phóng viên Parviz Romel và Nurolah Shirzad của các hãng tin Reuters và AFP. Tỉnh trưởng đã hứa sẽ điều tra.

Ba ngày sau, ông Abdolhai Nemati (tỉnh trưởng tỉnh Baghlan) đã nhốt một phóng viên và hai cộng tác viên của kênh truyền hình tư nhân Arezo trong văn phòng ông suốt hai tiếng để yêu cầu họ xóa băng ghi hình lúc ông trình bày về tình hình an ninh trong tỉnh.

Giây cuối cùng trước khi chết

Có những cái chết trong lúc tác nghiệp rất bi thương như trường hợp của hạ sĩ Hilda Clayton, nhà báo ảnh quân đội Mỹ mới 22 tuổi làm việc cho tạp chí Military Review. Cô là phóng viên ảnh nữ đầu tiên của quân đội Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan.

Hilda Clayton có nhiệm vụ bám theo các binh sĩ trong mọi hoạt động triển khai ở Afghanistan để ghi nhận thông tin.

Ngày 2-7-2013, các binh sĩ Afghanistan tổ chức một buổi bắn đạn thật trong sa mạc tỉnh Laghman để chứng tỏ họ đã nắm vững kỹ thuật do quân đội Mỹ hướng dẫn. Cô cùng tham dự với dự tính sẽ chỉ dẫn cho một nhà báo quân đội Afghanistan về chụp ảnh chiến tranh.

Một quả đạn cối đột ngột phát nổ tại chỗ trong buổi bắn đạn thật. Đúng lúc đó Hilda Clayton bấm máy. Cô cùng trợ lý người Afghanistan và ba binh sĩ thiệt mạng. Hình ảnh vụ nổ chỉ mới được công bố trên tạp chí Military Review số tháng 3 và 4-2017.

Military Review giải thích các phóng viên ảnh quân đội đã được huấn luyện phải chụp ảnh, quay phim trong mọi tình huống và tạp chí muốn công bố ảnh để vinh danh Hilda Clayton, đồng thời nhắc nhớ rằng phóng viên nữ cũng đương đầu với nhiều tình huống nguy hiểm như đồng nghiệp nam giới.

Nhà báo giữa lằn sinh tử - Kỳ 5: Afghanistan - vùng đất nguy hiểm
Phóng viên ảnh quân đội Hilda Clayton và bức ảnh cuối cùng của cô – Ảnh: Military Review

Danh tính của nữ phóng viên ảnh Hilda Clayton đã được ghi trên bức tường các anh hùng tại Trường Thông tin quốc phòng (Bộ Quốc phòng) ở bang Maryland, nơi cô tốt nghiệp năm 2012. Trường Thông tin quốc phòng đã đổi tên giải thưởng ảnh chiến đấu hằng năm Combat Camera thành giải thưởng Hilda I. Clayton Best Combat Camera.

>> Kỳ tới: Hi sinh ngày 19-6

TRẦN NGỌC LONG/TUỔI TRẺ

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử – Kỳ 4: Người bị săn lùng

TTO – Đưa tin vạch trần tội ác của Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria cũng nghiệt ngã không kém ở Iraq. Ahmed Abdul Qadir đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn bị sát thủ IS truy sát đến chấn thương nặng.
Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 4: Người bị săn lùng
Ahmed Abdul Qadir nằm viện sau khi bị bắn tại Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Middle East Eye
Chừng nào IS còn ở đó, tôi sẽ không thể về nước. Nếu chúng bắt được tôi, kết quả sẽ như nhau thôi, đó là tra tấn đến chết
Ahmed Abdul Qadir

Tố cáo tội ác IS

Ahmed Abdul Qadir, 36 tuổi, lớn lên tại thành phố Raqqa ở miền bắc Syria. Cha anh làm nghề phân phối gas nuôi gia đình tám miệng ăn. Học xong trung học, anh làm việc cho cơ quan hành chính địa phương. Nội chiến Syria bùng nổ. Các đơn vị phe đối lập được thành lập tại Raqqa. Quân đội chính phủ rút lui.

Một ngày tháng 6-2013, loa phóng thanh thông báo: “Từ nay về sau, các bạn đã sống trong Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và phương Đông”. Người dân tổ chức biểu tình. Khoảng một chục người bị bắn chết. Lực lượng của phe đối lập bỏ chạy. Các phần tử IS tiếm quyền.

Ahmed Abdul Qadir tìm nơi ẩn náu. Năm tháng sau, được bạn bè bắn tin IS đã phát hiện chỗ trốn của anh, Ahmed chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Một thời gian sau, anh đưa vợ con và gia đình sang cư trú tại Sanliurfa, cách biên giới Syria 50km.

Tại đây, anh cùng một số bạn đồng chí hướng lập trang tin tố cáo tội ác của IS ở Raqqa. Kế đến, anh lập thêm trang web kiêm đài phát thanh và tạp chí mang tên “Eye on the Homeland” để phát các bản tin tố cáo cách thức IS gây tội ác ở Syria.

Lực lượng cộng tác viên cho nhà báo tự do Ahmed Abdul Qadir là những người bạn cũ còn ở lại Raqqa. Trang web của anh từng tiết lộ danh tính bọn chỉ huy IS, bộ máy tổ chức của chúng, danh tính các nạn nhân bị sát hại, chuyện bọn IS đào ngũ và các vụ đấu đá trong nội bộ IS.

Bọn IS không hề muốn bị nói xấu. Ahmed bị đe dọa ngày càng thường xuyên hơn. Hàng trăm tin nhắn hăm dọa gửi cho anh qua Internet hay cài trước cửa nhà anh. Tháng 10-2015, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ báo tin cho anh rằng họ đánh giá những lời đe dọa ấy là nghiêm túc.

Sát thủ truy lùng

Cùng thời gian đó, một người anh em bà con của Ahmed giới thiệu một thanh niên viện cớ trốn tránh IS ở Raqqa muốn gặp mặt anh. Hai anh em Ahmed và Ibrahim, 21 tuổi, đã tiếp đãi khách nồng hậu.

Vài ngày sau, người khách nọ mời em trai Ibrahim cùng bạn học đi ăn tối. Cả hai đã bị đâm, riêng Ibrahim bị cắt cổ. Sát thủ IS ra tay xong đã quay về Syria. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Hay biết hung tin, Ahmed liền dọn sang nhà khác ở Sanliurfa.

Một đêm tháng 3-2016, anh bị hai kẻ lạ mặt tấn công và nổ súng trên đường phố nhưng anh thoát thân. Ba tháng sau, anh vừa lên ôtô của một người bạn thì bị bắn qua cửa sổ ba phát đạn. Một viên bắn vỡ hàm anh.

Trước tình thế căng thẳng, Ahmed đã đưa vợ và hai con sang Pháp tị nạn. Bọn IS không buông tha. Chúng bắn tin biết anh đang ở Pháp và cái chết của anh đã được lập trình. Một tin nhắn trên mạng hăm dọa: “Mày đừng tưởng an toàn ở Paris. Chắc chắn bọn tao sẽ bắt được mày tại Pháp”.

Đồng cảnh ngộ với Ahmed Abdul Qadir còn có đặc phái viên Alaaeddin Sallal. Anh cùng cha mẹ và bảy anh em sống tại Hama (Syria). Sau khi học chính trị học tại thủ đô Damascus, anh mở cửa hàng tin học và quán cà phê Internet để mưu sinh.

Nội chiến bùng nổ ở Syria năm 2011. Anh về quê nội ở Idlib. Tại đây, anh đã giúp nhiều phóng viên nước ngoài tác nghiệp, sau đó được kênh truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) chú ý tuyển dụng rồi đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn.

Anh đã bị IS và nhóm khủng bố Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria, tên mới là Jabhat Fatah al-Sham) săn lùng vì quay phim cảnh chúng hành quyết người vô tội.

Tháng 7-2014, anh bị các tay súng Mặt trận Al Nusra bắt cóc và tra tấn. Ba ngày sau, nhờ một giáo sĩ Hồi giáo vận động nên anh được thả tự do. Dù vậy, bản án tử hình lúc nào cũng treo lơ lửng.

IS thông báo truy lùng “kẻ phản bội Alaaeddin Sallal” đã làm việc cho đài truyền hình nước ngoài và sẽ thưởng xứng đáng cho người nào bắt giữ anh.

Tình hình ngày càng bất an, tháng 8-2015 anh sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn, sau đó tiếp tục sang Pháp xin tị nạn vào tháng 4-2016. Trả lời báo Le Télégramme hồi tháng trước, chàng thanh niên 29 tuổi này cho biết mình luôn mơ ước ngày quê hương thanh bình sẽ trở về Syria tiếp tục làm báo.

Trả thù và bịt miệng

Nhà báo Mohammed al-Abdullah – người Syria, đang lánh nạn tại Cairo (Ai Cập) – giải thích chiến sự tại Syria quá khốc liệt, nên thực sự rất ít nhà báo nước ngoài đến hiện trường viết bài.

Do đó, thông tin từ những người hoạt động truyền thông và nhà báo – công dân ở Syria có giá trị tác động trực tiếp. Họ còn có khả năng khai thác tối đa mạng xã hội để truyền đi tin tức từ bên trong Syria.

Trang web Diyaruna (Bộ chỉ huy khu vực miền trung của Mỹ tài trợ) khẳng định IS truy lùng các nhà báo ở Syria và nước ngoài vạch trần sự thật về chúng, bởi chúng không muốn để thông tin trong vùng IS kiểm soát lọt ra ngoài. Chúng sợ người dân biết thông tin sẽ bất lợi cho chúng, nhất là tin tức chúng rút chạy.

Ngày 26-6-2016, IS phát băng video với tựa đề “Cảm hứng từ quỷ Satan”. Trong băng, IS đã hành quyết năm nhà hoạt động truyền thông người Syria với lý do “theo tà giáo”, phát “thông tin ngụy tạo” về IS.

Giáo sư Fares Hamadi ở Đại học Cairo giải thích IS truy lùng các nhà báo và giới truyền thông vì hai lý do. Một là để trả thù và hai là bịt miệng. Chúng muốn trả thù vì các nhà báo đã lật tẩy chúng, khiến công việc tuyển quân của chúng bị ảnh hưởng vì các thanh niên sẽ nhìn thấy hình ảnh khác với những gì bộ máy tuyên truyền của IS chiêu dụ trên mạng.

Tin tức IS bại trận cũng có thể vực dậy tinh thần người dân Syria và thúc đẩy các tay súng IS đào ngũ hàng loạt.

Do bị đe dọa, giết chóc và săn lùng nên nhiều nhà báo và giới truyền thông phải bỏ nghề nếu muốn toàn mạng. Họ không còn chọn lựa nào khác ngoài chạy trốn khỏi Syria hay không viết nữa.

Hiện giờ, di chứng vết thương vẫn còn để lại trên gương mặt Ahmed Abdul Qadir. Do chấn thương hàm hành hạ, đêm anh không ngủ được, ngày ăn uống cũng khó khăn. Anh mắc tật máy cơ, mắt lộn tròng và tay giật bất chợt trong lúc nói chuyện.

Anh bộc bạch: “Tôi không ăn trước mặt các con tôi. Chúng sẽ khóc vì nhận thấy tôi đang đau vì hàm bị vỡ”.

Mới đây, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh – truyền hình RTL ở Paris, anh vẫn mong muốn tiếp tục tố cáo tội ác của IS. Anh hi vọng sẽ trở về Syria, dù phải chờ đợi vài tháng hay vài năm nữa.

____________________________________

Kỳ tới: Afghanistan – vùng đất nguy hiểm

TRẦN NGỌC LONG/TUỔI TRẺ

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử – Kỳ 3: Tên gián điệp

TTO – Omar al-Jubory muốn cho thế giới biết thành phố Mosul (Iraq) sống như thế nào dưới gông cùm IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Vì thế anh bị xem là tên gián điệp và suýt phải trả giá bằng sinh mạng của mình.
Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
Biểu tình đòi trả tự do cho nhà báo nữ Afrah Shawqi ngày 30-12-2016 tại Baghdad – Ảnh: AFP

Bị bắt

Mùa hè năm 2014, chàng thanh niên Omar al-Jubory, 27 tuổi, đang làm nhân viên xã hội tại thành phố Mosul, quê hương của anh ở miền bắc Iraq.

Anh đã chứng kiến Mosul rơi vào tay IS vào tháng 6-2014. Từ đó anh đã lập mạng lưới ngầm để cung cấp thông tin.

Các nhà báo địa phương như Jubory là nguồn cung cấp thông tin duy nhất về thành phố Mosul đang nằm dưới bàn tay sắt IS.

“Cũng vì công việc làm báo mà sinh mạng của tôi gặp nguy hiểm. Cho dù đó là niềm say mê của tôi nhưng tôi không thể tiếp tục được nữa
Omar al-Jubory

Trả lời tạp chí Slate qua điện thoại, Jubory cho biết ban đầu anh viết bài tường thuật tội ác hằng ngày của IS và gửi cho báo Al-Quds Al-Arabi (báo bằng tiếng Ả Rập xuất bản tại London).

Sau đó, anh gửi bài cho BBC News. BBC đã từng phỏng vấn anh về chủ đề IS sử dụng tra tấn và cách thức IS sửa chương trình sách giáo khoa để kích động sử dụng bạo lực.

Với mỗi bài viết về Mosul, Jubory nhận được nhuận bút 50 USD, một cảnh quay video tại Mosul được trả từ 200-500 USD.

Anh bộc bạch với tạp chí Foreign Policy: “Tôi không làm vì tiền. Tôi đủ tiền nuôi thân rồi”. Điều anh cần là khắc họa bối cảnh cuộc sống người dân Mosul trong vòng kiểm soát vũ lực của IS.

Anh nói: “Cho dù có hình thức chống đối gì đó thì cũng rất yếu ớt… Chúng giết trẻ em, phụ nữ, người già… Ai nói tiêu cực về chúng đều bị giết sạch cả gia đình. Không ai dám nói đến chúng”.

Năm 2015, IS mở chiến dịch bắt bớ các nhà báo tại Mosul. Jubory bị truy nã. Chúng dò tìm các nguồn cung cấp thông tin với ý đồ phăng lần đến Jubory. Anh phải trốn từ khu này sang khu khác để tránh bị bắt.

Ngày 19-10-2016 ở phía nam Mosul, Jubory bị chặn lại trên phố. Một người dân ủng hộ IS đã tố cáo anh.

Jubory bị bắt vì “làm việc cho các kênh truyền hình phản bội nước ngoài” và bị giải đến giam giữ tại Hamam al-Alil.

Trò tra tấn bắt đầu. Bọn cai ngục chích điện, cột một chân treo lơ lửng và lấy roi quất anh không thương tiếc để buộc anh phải nhận mình làm gián điệp.

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
Người dân chạy khỏi vùng chiến sự ở Mosul ngày 1-6-2017 – Ảnh: AFP

Trốn chạy

Omar al-Jubory bị giam chung với một người bị IS kết tội liên lạc với quân đội Mỹ và Iraq. Sau 10 ngày giam giữ, anh được giải đến trước thẩm phán của IS.

Tên này không cần xét xử đã tuyên án tử hình. Lệnh hành quyết đã được ký, bọn cai ngục tiếp tục giam giữ và tra tấn Jubory.

Một ngày nọ, chúng mặc bộ quần áo phạm nhân cho anh và chuẩn bị giống như quay phim cảnh xử tử. Kế đó chúng thay đổi thái độ, kề dao vào cổ anh rồi nói: “Thôi ngày mai chúng ta sẽ giết nó”. Một lần khác, chúng lấy súng ngắn bắn sát rạt đầu anh.

Trong bối cảnh bị quân đội Iraq tấn công dồn dập và phải thối lui tại Mosul, IS giải tán các nhà tù bằng cách đem phạm nhân đi hành quyết.

Lúc bấy giờ Jubory nghĩ đến chuyện vượt ngục. Anh biết số ca trực bảo vệ nhà tù giảm chỉ còn ba, bốn tên vì chúng sợ bị không kích. Anh nhớ nhà vệ sinh ở tầng trệt có cửa thông gió có thể dùng làm nơi thoát thân.

Sau khi một số phạm nhân bị xử tử, Jubory được đưa xuống tầng trệt. Anh kể lại: “Tôi cảm thấy đã đến giờ hành động. Tôi phải thoát thân. Nếu còn ở lại chắc chắn tôi sẽ chết”.

Jubory xin tên gác cửa đi vệ sinh và thoát ra ngoài qua cửa thông gió. Khổ nạn của anh vẫn chưa hết.

Chiến sự diễn ra ác liệt ở phía nam Mosul, do đó anh phải vượt sông Tigris quay lại Mosul tá túc ba tuần trong nhà bạn bè. Một ngày nọ, anh mặc trang phục theo kiểu quy định của IS vượt phòng tuyến mặt trận đông nam Mosul sang khu vực do quân đội Iraq kiểm soát.

Cho dù may mắn sống sót, Jubory quyết định bỏ nghề và không nghĩ đến chuyện trở lại Mosul. Anh chỉ mong rời khỏi Iraq nhưng mọi giải pháp ra đi đều 
không thể.

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
Nhà báo nữ Shifa Gardi thiệt mạng trong khi tác nghiệp tại Mosul ngày 26-2-2017 – Ảnh: Rudaw

Dân quân lộng hành 

Sau khi IS chiếm Mosul, thành phố đã trở thành cái bẫy của giới truyền thông. Từ giữa năm 2014 đến nay đã có 48 nhà báo bị IS bắt cóc ở Mosul. 13 người bị hành quyết, 25 người được thả tự do sau khi bị tra tấn và cam kết bỏ nghề, 10 người không rõ số phận.

Đáng sợ nhất là bọn IS bắn tỉa. Ngày 22-10-2016, một tay súng IS bắn tỉa đã bắn trúng ngực phóng viên quay phim Ali Risan của Đài truyền hình Al-Sumaria. Nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Tổ chức phi chính phủ Global Voices (Mỹ) ghi nhận ngoài đương đầu với IS, các nhà báo Iraq còn phải đối phó với các lực lượng dân quân.

Nhà nghiên cứu Renad Mansour ở Trung tâm Carnegie về Trung Đông tại Beirut (Liban) ước tính tại Iraq có từ 60-70 nhóm dân quân vũ trang với quân số 90.000-100.000 người. Còn theo số liệu của Chính phủ Iraq, quân số dân quân khoảng 140.000 người.

Dân quân là một bộ phận vũ trang tham gia chống IS nhưng lại bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác. Họ sẵn sàng dùng vũ lực đối với những nhà báo muốn vạch trần chân tướng của họ.

Nhà báo nữ Afrah Shawqi là một ví dụ. Ngày 26-12-2016, tám người cầm súng mặc thường phục tự xưng là người của cơ quan an ninh đã bắt giữ cô tại nhà riêng ở Baghdad. Chín ngày sau họ mới trả tự do cho cô.

Trong thời gian bắt giữ, họ tra vấn cô về công việc làm báo và các bài viết đã đăng. Một ngày trước khi bị bắt, cô đã đăng bài viết cáo buộc các nhóm dân quân thực hiện hành vi trái pháp luật mà không hề bị trừng phạt.

Afrah Shawqi không biết những kẻ bắt cóc là ai nhưng cô cho rằng chúng giống như người của một nhóm vũ trang vô tổ chức. Chính phủ Iraq đã hứa sẽ truy tìm và xét xử bọn này nhưng cô không hề tin tưởng điều đó vì ngày 2-1-2017, cảnh sát đã từng bắn đạn thật để giải tán các nhà báo biểu tình đòi trả tự do cho cô.

Theo ghi nhận của Tổ chức phi chính phủ Global Voices (Mỹ) ngày 26-2-2017, nhà báo nữ người Kurd ở Iraq, Shifa Gardi, người giới thiệu chương trình cho kênh truyền hình Rudaw của người Kurd, đang tác nghiệp gần hố chôn người tập thể của IS thì một quả bom của IS phát nổ, Shifa Gardi và bốn người khác thiệt mạng. Phóng viên quay phim Younis Mustafa của kênh truyền hình Rudaw bị thương.

>> Kỳ tới: Người bị săn lùng

Các kỳ đã đăng:

>> Kỳ 1: Chết giữa ban ngày>> Kỳ 2: Đào thoát khỏi quê nhà

TRẦN NGỌC LONG/TUỔI TRẺ

NHÀ BÁO GIỮA LẰN RANH SINH TỬ – KỲ 2: Đào thoát khỏi quê nhà

19/06/2017 16:05 GMT+

TTO – Phóng viên ảnh Ali Arkady cùng gia đình đang ẩn náu tại một nơi bí mật. Anh buộc phải rời quê hương Iraq để bảo đảm an toàn cho… tính mạng của mình.

Ngày 4-1-2017, tại sân bay Doha (Qatar), Ali Arkady ngồi đó hít thật sâu, mắt nhắm nghiền. Anh nghĩ: “Mình vẫn còn sống. Mình đã có ảnh. Bây giờ mới là lúc căng nhất đây”.

“Tôi mong muốn ngày nào đó gặp lại những người tôi đã tát để xin lỗi họ nếu họ còn sống… Hình ảnh được công bố, tôi không mong giàu có, nổi tiếng. Đó là thông tin và có thể là công lý
Ali Arkady

Bí mật trốn chạy

Phóng viên ảnh Ali Arkady (bút danh), 34 tuổi, làm việc cho Hãng ảnh quốc tế VII (Mỹ). Chuyến đi này do hãng ảnh bố trí để đưa anh đào thoát khỏi Iraq.

Trong hành trang của anh có ảnh chụp và băng video chứng minh các binh sĩ Iraq ở Mosul đã vi phạm Công ước Genève về bảo vệ thường dân trong thời chiến.

Máy bay hạ cánh xuống một địa điểm bí mật. Hãng ảnh VII phân công người đón Ali Arkady đi ngay. Anh hủy sim điện thoại, lập địa chỉ email mới, đổi mật khẩu.

Trên mạng xã hội, các binh sĩ Iraq hỏi han. Ali viện cớ mất điện thoại và con gái bị bệnh để kéo dài thời gian. Anh phải giữ bí mật chuyến đào thoát đến lúc vợ anh Marwa (26 tuổi) và con gái Dima (4 tuổi) gặp lại anh.

Suốt ba tuần trong tháng 1-2017 tại quốc gia Ali đến, anh phải thuyết phục các nhân viên chính phủ cấp visa cho vợ con anh. Bằng chứng là hình ảnh anh mang theo khẳng định gia đình anh đang gặp nguy hiểm.

Ngày 13-1, theo hướng dẫn của Ali, vợ con anh rời Khanaqin đi Erbil (khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq), nơi binh lính Iraq rất khó vào.

Đến cuối tháng 1, anh thở phào nhẹ nhõm. Vợ con anh đã được cấp visa. Họ rời Iraq, bỏ lại sau lưng bạn bè, gia quyến và công việc.

36 tiếng sau, Ali xúc động ôm chầm lấy vợ con tại phòng chờ sân bay, thế nhưng anh biết cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc. Cuộc sống gia đình anh bây giờ chỉ gói gọn trong ba vali và ít tiền tiết kiệm.

Đầu tháng 2, tài khoản Instagram của Ali bị tin tặc xâm nhập. Tất cả ảnh đều bị xóa. Facebook thông báo có người nhiều lần định xâm nhập tài khoản. Ali biết thủ phạm là ai. Đã đến lúc phải công bố sự thật cho thế giới biết.

Quê hương Khanaqin của Ali, với đa số dân người Kurd, cách biên giới Iran 7km. Lớn lên, anh trở thành nghệ sĩ vẽ tranh, mê chụp ảnh, kết hôn với Marwa – cô giáo dạy ở Trường Mỹ thuật Khanaqin.

Năm 2011, anh gặp được người của Hãng ảnh Metrography (Iraq). Cơ duyên ấy đã đưa anh đến với ảnh báo chí. Anh tác nghiệp trên khắp Iraq. Ảnh đã được đăng trên nhiều báo như Der Spiegel, The Global Post, The Guardian, The Independent. Tháng 6-2014, Ali tham gia chương trình bảo trợ của Hãng ảnh VII.

Đến giữa tháng 10-2016, tuần báo Der Spiegel của Đức đề nghị Ali làm phóng sự về chiến dịch tái chiếm Mosul (do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát từ tháng 6-2014).

Từ đó với máy ghi hình trong tay, anh theo chân các binh sĩ sư đoàn phản ứng nhanh thuộc Bộ Nội vụ Iraq truy bắt và thẩm vấn các nghi can IS.

Tội ác ghê tởm

Ban đầu, Ali Arkady cứ tưởng các binh sĩ Iraq là những người hùng. Trên thực tế anh đã chứng kiến một sự thật khác hẳn. Họ không ngần ngại sử dụng bạo lực từ dọa nạt, hỏi cung ban đêm đến tra tấn, hiếp dâm, xử bắn không cần xét xử.

Suốt hai tháng, anh cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với họ. Vì sao họ đồng ý cho anh tự do quay phim, chụp ảnh?

Trao đổi với báo Télérama (Pháp) tại một địa điểm bí mật, Ali giải thích: “Họ biết tôi từ hồi ở Fallujah nên họ tin tôi”. Thật ra đó không phải là lý do duy nhất.

Đêm 21-11-2016, bốn binh sĩ đưa anh đến nơi hỏi cung. Nghi can bị bịt mắt ngồi trên ghế. Các binh sĩ lần lượt đánh ông ấy, sau đó một người nói: “Ali, anh là người duy nhất không đánh nó”. Ali trả lời anh là nhà báo nên không đánh người. Họ quắc mắt nhìn anh. Anh chợt nghĩ bây giờ là ban đêm, anh lại có một mình và là người Hồi giáo dòng Sunni.

30 giây thinh lặng. Ali quyết định bước tới tát một cái. Anh hiểu họ muốn thử thách anh. Anh biện bạch: “Nếu tôi từ chối, một ngày nào đó họ sẽ bắn vào đầu tôi và vờ như tôi là nạn nhân IS”. Lần khác, Ali còn bị ép đánh vào cổ nghi can Mahdi Mammoud trước ánh mắt nhìn chằm chằm của viên đại úy.

Từ dạo ấy, Ali không ngủ được. Anh định dừng lại, nhưng rồi tiếp tục vì muốn có đầy đủ chứng cứ. Tháng 12-2016, anh đã chứng kiến họ tra tấn hai anh em làm nghề bán chả chiên và chủ tiệm sửa xe không có liên hệ nào với IS. Anh cũng nhìn thấy họ ở trong buồng rất lâu với vợ nạn nhân.

Ali quyết định giữ khoảng cách. Các binh sĩ tỏ thái độ dọa dẫm. Họ gửi qua điện thoại hình ảnh hai anh em bị giết và một nghi can bị bắn. Ali ngẫm nghĩ: “Lời cảnh báo rất rõ. Họ muốn nói: mày hãy nhìn xem bọn tao có thể làm gì”.

Kế hoạch đào thoát manh nha. Ngày 21-12-2016, Ali trình bày với các binh sĩ con gái bị bệnh nên anh phải về quê. Tại Khanaqin, anh bàn tính với vợ kế hoạch chạy trốn. Do đó Ali mới có mặt trên chuyến bay tại Doha hôm 4-1-2017.

Công bố sự thật

Gần năm tháng sau ngày Ali Arkady rời Iraq, lần lượt những hình ảnh chấn động của anh được công bố trên Der Spiegel, Télérama, kênh truyền hình ABC News (Mỹ), báo Toronto Star (Canada).

Thế giới nhìn thấy hình ảnh các nghi can bị bịt miệng, bịt mắt, bị trói tay và bị treo lủng lẳng. Một số nghi can bị hỏi cung với dao kề sát gáy. Một thanh niên bị bắn chết như thỏ.

Công luận hết sức phẫn nộ. Ngày 25-5, Bộ Nội vụ Iraq thông báo mở cuộc điều tra và cam kết sẽ trừng phạt những kẻ phạm tội. Sư đoàn phản ứng nhanh Iraq phản bác, cho đó là hình ảnh “ngụy tạo”.

Tuy nhiên trả lời ABC News, đại úy Omar Nazar thú nhận phải sử dụng “kỹ thuật mạnh tay” vì các nghi can có liên hệ với IS.

Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq và Syria xác nhận sư đoàn phản ứng nhanh Iraq đã bị ghi vào danh sách đen từ năm 2015 và Luật Leahy của Mỹ cấm cung cấp vũ khí cho các nhóm vi phạm nhân quyền như sư đoàn này.

Về phần Ali Arkady, anh liên tục bị các binh sĩ Iraq hăm dọa. Họ đang truy tìm anh. Cha mẹ anh còn ở Iraq cũng không yên. Anh đã xin tị nạn chính trị tại một quốc gia châu Âu. Gia đình anh hầu như tuần nào cũng phải đổi chỗ ở.

Ngày cũng như đêm, lúc nào Ali Arkady cũng bị hình ảnh tra tấn ấy ám ảnh. Anh phải nhờ một tổ chức nhà báo hỗ trợ tâm lý.

Anh ngậm ngùi kể: “Nếu biết trước, tôi đã không đến đó. Tôi thường mơ đừng bao giờ làm thiên phóng sự này. Nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác. Đó là làm nhân chứng”.

Ali vẫn hi vọng sẽ trở lại nghề báo dù tương lai vô định: “Tôi không biết chúng tôi sẽ sống nơi nào, phải học nói thứ tiếng gì, con gái tôi học trường ở đâu… Nhưng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ trở về nhà nếu thánh Allah muốn thế. Chỉ có điều chắc lúc đó tôi đã già rồi”.

______________

Kỳ tới: “ Kẻ phản bội”

TRẦN NGỌC LONG/TUỔI TRẺ

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử: Chết giữa ban ngày

TTO – Theo Ủy ban Bảo vệ nhà báo (Mỹ), năm 2016 có 48 nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp và từ đầu năm 2017 đến nay có thêm 15 nhà báo. 

Đó là những người chấp nhận đương đầu với cái chết để đưa tin về ma túy và tham nhũng ở Mexico hay tác nghiệp trong các khu vực nguy hiểm ở Iraq, Syria, Afghanistan…

Từ đầu năm đến nay đã có sáu nhà báo bị các băng nhóm ma túy ở Mexico sát hại. Trường hợp tiêu biểu gần đây là nhà báo nổi tiếng Javier Valdez Cárdenas, 50 tuổi.

“Làm nhà báo ở Mexico gần giống như có tên trong danh sách đen. Chúng sẽ quyết định ngày chúng giết bạn dù bạn có mặc áo giáp hay có vệ sĩ
Javier Valdez viết trong cuốn sách cuối cùng có tựa đề Phóng viên viết ma túy, báo chí giữa tội ác và tố cáo

Sống với linh cảm

Ngày 15-5, nhà báo – nhà văn Javier Valdez vừa rời tòa soạn tuần báo Ríodoce ở Culiacán (thủ phủ bang Sinaloa ở miền bắc Mexico) được vài mét, một số kẻ trùm mặt xuất hiện đột ngột. Chúng ra lệnh cho ông xuống xe rồi lạnh lùng nã hàng chục phát đạn.

Javier Valdez là đặc phái viên của nhật báo La Jornada và cộng tác viên cho Hãng tin AFP từ hơn 10 năm nay tại bang Sinaloa, địa bàn cát cứ của trùm ma túy Joaquín “El Chapo” Guzman (đang ngồi tù ở Mỹ). Ông nổi tiếng với các bài báo và sách viết về buôn lậu ma túy cùng với nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền.

Cách đây 14 năm, ông cùng hai đồng nghiệp thành lập tuần báo Ríodoce chuyên đăng bài điều tra về các băng nhóm ma túy. T

rong lễ nhận giải thưởng quốc tế về tự do báo chí do Ủy ban Bảo vệ nhà báo (Mỹ) trao tặng hồi tháng 10-2011, ông phát biểu: “Ở Culiacán, sống sót và làm báo là điều nguy hiểm. Đó là đi trên sợi dây vô hình do bọn xấu vạch ra. Chúng nằm trong đường dây buôn ma túy và trong chính quyền”.

Javier Valdez đã xác định nhà báo là nghề cực kỳ nguy hiểm trong cuộc chiến tiêu diệt các băng đảng ma túy. Nhà báo bị tấn công là chủ đề chủ đạo trong các bài viết của ông.

Trong bài viết ngày 27-3 với tựa đề “Chúng sắp giết bạn”, ông đã kể lại câu chuyện một nhà báo bị đe dọa lấy mạng vì đã tố cáo cảnh sát làm việc cho mafia.

Ba tháng trước ngày bị sát hại, ông đã nhận được nhiều tin đe dọa.

Một ngày nọ, phiên bản báo El País ở Mexico muốn gặp ông để đề nghị ông phân tích băng Sinaloa tổ chức lại thế nào sau khi trùm Dámaso López bị bắt vào đầu tháng 5-2017, ông viết thư hồi đáp: “Vì lý do an toàn, tôi không thể trả lời, tình hình đang trở nên khủng khiếp”.

Nửa tháng sau ông bị bắn chết giữa đường.

Sau khi Javier Valdez bị sát hại, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trên cả nước để yêu cầu chính quyền trừng trị bọn buôn ma túy.

Ngày 21-5, lần đầu tiên ở Mexico, 186 nhà báo nước ngoài làm việc tại Mexico đại diện cho 69 cơ quan truyền thông quốc tế cùng công bố thư ngỏ lên án vụ sát hại Javier Valdez.

Thư ngỏ nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả pháp luật là vấn đề cốt lõi để ngăn chặn các vụ tấn công và bảo đảm cho các nhà báo hành nghề an toàn và tự do.

Mục tiêu ám sát

Không lâu trước ngày Javier Valdez bị sát hại, hôm 23-3, nhà báo nữ Miroslava Breach, 54 tuổi, phóng viên báo La Jornada và báo Norte de Juarez, đã bị bắn chết thảm thương tại Chihuahua.

7 giờ sáng hôm đó, bà lên ôtô để đưa cậu con trai 14 tuổi đi học. Bà đang cằn nhằn vì con trai còn lề mề ở trong nhà thì một gã đàn ông mặc áo trùm đầu xuất hiện bắn ba phát đạn vào đầu bà.

Hung thủ táo tợn ghi lại dòng chữ “Tại lưỡi mày dài quá” và ký tên “EI 80”. Đây là biệt danh của Arturo Quintana, trùm băng La Linea là chân rết của băng ma túy Juarez, một trong những băng đảng mạnh ở Mexico. Dấu hiệu này cho thấy rõ ràng bà là mục tiêu ám sát.

Thống đốc bang Chihuahua khẳng định tội ác đã được lên kế hoạch sẵn.

Bà Miroslava Breach chuyên viết bài điều tra về buôn lậu ma túy. Trong một năm trước đó, bà đã viết nhiều bài cảnh báo bọn tội phạm có tổ chức xâm nhập vào bộ máy chính quyền địa phương. Bà tiết lộ tên các đại biểu dân cử và các ứng cử viên hội đồng thị chính thân cận với bọn buôn ma túy.

Trong một bài viết trước khi bị bắn, bà mô tả cảnh “huynh đệ tương tàn” bắn giết lẫn nhau giữa hai đại ca băng Juarez.

Trong tháng 3 cũng từng xảy ra hai vụ sát hại nhà báo. Hồi đầu tháng 3, ông Cecilio Pineda Brito (phụ trách báo La Voz de la Tierra Caliente) đã bị bắn chết tại trạm rửa xe ở Altamirano (bang Guerrero).

Hai tuần sau đó tại Xalapa (bang Veracruz), đến lượt ông Ricardo Monlui Cabrera (giám đốc nhật báo El Político) ngã gục dưới họng súng khi vừa rời nhà hàng cùng gia đình. Hai tờ báo này đang điều tra về các băng nhóm ma túy và nạn tham nhũng chính trị.

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử: Chết giữa ban ngày
Các nhà báo biểu tình ngày 16-5 đề nghị bắt giữ thủ phạm sát hại Javier Valdez – Ảnh: AFP

Hậu chấn thương tâm lý

Hai ngày trước khi nhà báo Javiez Valdez bị bắn chết, ngày 13-5 hàng trăm tên trang bị súng ống thuộc băng ma túy La Familia ở bang Guerrero đã bắt cóc sáu nhà báo và hăm dọa sẽ thiêu sống.

Sau khi được trả tự do, ông Sergio Ocampo, 60 tuổi, bị liệt nửa mặt bên phải. Bác sĩ chẩn đoán ông bị hội chứng hậu chấn thương tâm lý. Jorge Martinez, 44 tuổi, được tự do song đã thất kinh hồn vía đến mức không dám ra ngoài suốt nửa tháng vì cứ nghĩ ai đó luôn theo dõi ông.

Tại Mexico, nhiều nhà báo đã mắc hội chứng hậu chấn thương tâm lý như hai nhà báo nêu trên. Hội chứng này như vết sẹo vô hình ám ảnh họ suốt đời.

Một công trình nghiên cứu đối với 246 nhà báo làm việc tại Mexico được thực hiện hồi năm ngoái cho thấy 41% đã bộc lộ các triệu chứng hậu chấn thương tâm lý, 77% luôn có cảm giác lo lắng và 42% bị suy nhược tinh thần.

Ezequiel Flores, 40 tuổi, đặc phái viên của tuần báo Proceso tại vùng Iguala, không dám đi tác nghiệp nữa sau khi bị bọn buôn ma túy hăm dọa lấy mạng.

Ông giải thích: “Hằng ngày bạn phản ảnh từ bi kịch này đến bi kịch khác và rồi bạn không biết cách nào để thoát khỏi những chuyện như thế”.

Con số kinh khủng

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Articulo 19, từ năm 2000 đến nay đã có 105 nhà báo bị giết và 23 nhà báo mất tích ở Mexico.

Theo điều tra của Đại học Iberoamericana (Mexico), năm 2016 là năm có số nhà báo bị sát hại nhiều nhất ở Mexico trong 17 năm qua với 11 nhà báo bị giết và 426 nhà báo bị tấn công. 40% nhà báo chuyên nghiệp là nạn nhân bị hăm dọa.

_____________

Kỳ tới: Đào thoát khỏi quê nhà

TRẦN NGỌC LONG/ TUỔI TRẺ

Từ Formosa, nhìn lại Vedan

VOA

Tiết Trực (từ Việt Nam)

Tại sao các tổ chức xã hội dân sự/tôn giáo phải vào cuộc trong vụ ngư dân Nghệ An kiện Formosa?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhắc lại những diễn tiến trong vụ kiện Vedan để đòi bồi thường thiệt hại cho nông dân bị ảnh hưởng vì chất thải của Vedan. Phần thông tin về Vedan trong bài viết này được lấy chủ yếu trong tài liệu Tình huống Vedan (Nghĩa, 2011).

Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đặt tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trên diện tích 120 ha theo Giấy phép đầu tư số 171/GP do Uỷ Ban nhà nước và hợp tác đầu tư cấp ngày 08/03/1991. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với tổng vốn dự án là 432.419.416 USD, số lao động dự kiến 1.800-2.600 người. Công ty Vedan bắt đầu hoạt động từ năm 1993, sản xuất bột ngọt, lysine, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), axit (HCL), thức ăn chăn nuôi, phân bón và một số sản phẩm khác. Công ty Vedan sử dụng nước cấp trung bình 20.000-25.000 m3/ngày và nước làm mát lấy từ sông Thị Vải khoảng 40.000 m3/ngày.

Trước năm 1993, khoảng 40% số hộ dân của các xã ven sông huyện Long Thành, Đồng Nai, sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Sau khi Vedan hoạt động vào năm 1993 cho tới giữa năm 1994 nhiều xã của huyện Long Thành đã bắt đầu nhận thấy sông Thị Vải bị ô nhiễm, cá chết ngày càng nhiều. Họ đã làm đơn khiếu nại nhiều nơi song yêu cầu của họ không được giải quyết. Do sản lượng thủy sản giảm nhanh, bắt đầu từ tháng 10/1994, nhiều người kinh doanh nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải thông báo với Chi Cục Thuế huyện Long Thành tạm ngưng kinh doanh, không nộp thuế.

Năm 1995, Vedan đã lâp Báo cáo đánh giá tác động môi trường, được Bộ Khoa học công nghệ và môi trường thẩm định ngày 04/05/1995. Cùng năm này, dưới danh nghĩa hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, Vedan đã trả cho các hộ dân khoảng 15 tỉ đồng thông qua chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Việc gây ô nhiễm sông Thị Vải tiếp tục kéo dài cho đến ngày 08/09/2008, sau ba tháng sử dụng trinh sát cải trang mật phục, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang Vedan xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải qua những đường ống ngầm. Ngày 13/09/2008 đoàn kiểm tra đã lập biên bản hành vi xả nước thải chưa qua xử lý thông qua những đường ống ngầm ra sông Thị Vải. Ước tính Vedan xả 3.500-4.500 m3 chất thải/ngày ra sông Thị Vải qua hệ thống những đường hầm bí mật và tinh vi.

Hành vi xả thải không qua xử lý của Vedan làm thiệt hại đến nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn nông dân và ngư dân của ba địa phương sống hai bên bờ sông Thị Vải, cụ thể như sau: Đồng Nai, số hộ bị thiệt hại khoảng 5.600 hộ, tập trung ở hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch; Bà Rịa-Vũng Tàu, khoảng 1.255 hộ; Huyện Cần Giờ, TPHCM, khoảng 839 hộ.

Sau khi vi phạm của Vedan bị phát hiện, từ tháng 11/2008- cuối tháng 12/2009, nông dân các địa phương trên đã làm đơn yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại.

Phản ứng của chính quyền ở ba địa phương liên quan có khác nhau. Tại TPHCM, sau khi xin ý kiến của Thành ủy và UBNDTP để Hội nông dân TP hướng dẫn bà con huyện Cần Giờ đấu tranh với Công ty Vedan, Hội nông dân TPHCM chỉ đạo Hội nông dân Cần Giờ đứng ra làm đầu mối tiếp nhận đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của 1.824 hộ dân.

Tại BR-VT, một Ban điều tra xác định thiệt hại về tài nguyên môi trường với sự tham gia của nhiều ban ngành do Phó GĐ Sở NN&PTNT chỉ đạo được thành lập để tiếp nhận các đơn khiếu nại của các nông hộ.

Tại Đồng Nai, việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của các hộ dân được giao cho một Ban chỉ đạo do đại diện Sở TNMT chịu trách nhiệm thường trực. Trong việc này, UBND Đồng Nai tỏ ra khá lúng túng vì số lượng các hộ dân bị hại lớn, khoảng 5.600 hộ dân, nếu khởi kiện từng hộ phải có chữ ký của chồng và vợ, lúng túng vì chưa chắc chắn về chứng cớ, vùng thiệt hại, vì nông dân nuôi tôm không có hóa đơn, không rõ mật độ, trữ lượng cá trên sông được chứng minh như thế nào. Ngoài ra còn khó khăn vì phải tạm ứng án phí khởi kiện. Nếu tạm tính 2,5% giá trị vụ tranh chấp của riêng nông dân Đồng Nai là 119 tỉ đồng thì nông dân nếu muốn khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí là 2.975.000.000 đồng.

Để xác định thiệt hại làm căn cứ đòi bồi thường, dưới sự chỉ đạo thống kê thiệt hại của Bộ TN&MT, ngày 29/01/2010 Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TPHCM) công bố kết quả thẩm tra xác minh thiệt hại của nông dân, theo đó 2.686 ha nuôi trồng thủy sản trên lưu vực sông Thị Vải đã bị ô nhiễm, 90% tác nhân là do Vedan.

Trước tình huống nông dân muốn kiện Vedan mà không biết thực hiện như thế nào, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai đã nhập cuộc. Theo ông Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai, cuối tháng 7/2010, Hội Luật gia nhận được sự đồng ý bằng văn bản của UBND Đồng Nai, theo đó bà con nông dân có thể chọn thỏa thuận với Vedan hoặc kiện ra tòa án, nếu kiện ra tòa án thì Hội Luật gia tỉnh Đồng nai có trách nhiệm trợ giúp. Ngày 27/07/2010 Ban Thường vụ Tỉnh hội Luật gia Đồng Nai họp mở rộng, mời tất cả các đảng viên tham dự, kêu gọi trợ giúp miễn phí cho nông dân hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Hưởng ứng lời kêu gọi, 40 Văn phòng với hàng trăm luật sư đã tình nguyện tham gia hỗ trợ miễn phí cho nông dân Đồng Nai, giúp họ thảo đơn kiện và chuẩn bị hồ sơ vụ kiện, làm đơn giảm án phí, hoàn tất các thủ tục ủy quyền cho luật sư, giúp đỡ vẽ sơ đồ vùng thiệt hại, tìm kiếm chứng cớ giúp nông dân. Cho đến ngày 12/09/2010, gần 5.000 đơn khởi kiện của nông dân Đồng Nai đã được nộp cho tòa án với sự tự nguyện tham gia trợ giúp miễn phí của hàng trăm luật sư và luật gia.

Do nông dân muốn khởi kiện phải tạm ứng án phí cho tòa án nhưng họ lại rất nghèo không có tiền làm việc đó nên Bộ TNMT đã ứng trước 2,6 tỉ đồng từ Quỹ bảo vệ môi trường nộp tạm ứng án phí cho nông dân. Gia đình khó khăn, gia đình chính sách được miễn hoặc giảm án phí. Các tờ báo lớn ở Việt Nam tổ chức hội thảo, kêu gọi hỗ trợ nông dân. Các đoàn đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của chính quyền địa phương và lãnh đạo Bộ TNMT.

Đứng trước phản ứng của dư luận cả nước, Vedan phải xem xét lại đối sách của mình. Trong các năm 2008-2009, Vedan không chấp nhận bồi thường, chỉ ưu tiên đàm phán với chính quyền, chỉ đưa ra cam kết hỗ trợ nông dân. Từ khi Viện Tài nguyên và Môi trường tính ra con số thiệt hại cụ thể, Vedan mới chấp nhận đàm phán về bồi thường thiệt hại với mức độ chấp nhận mức bồi thường nhích dần lên từ từ theo thời gian.

Cuối cùng, trong tháng 8 và 9/2010, Vedan đã phải ký cam kết bồi thường thiệt hại cho nông dân với tổng số tiền là 218,867 tỉ đồng. trong đó 839 hộ nông dân Cần Giờ được bồi thường 45,748 tỉ đồng, 1.255 hộ nông dân BR-VT được bồi thường 53,619 tỉ đồng, và gần 5.000 hộ nông dân Đồng Nai với số tiền 119,5 tỉ đồng [1].

Tóm lại, từ những thông tin về vụ kiện Vedan như trên ta thấy:

  • Để đòi được tiền bồi thường, bên thưa kiện phải đưa ra được các chứng cớ về thiệt hại và tính toán được diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại một cách thuyết phục. Trong trường hợp này vai trò của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TPHCM) là quan trọng cho vụ kiện.
  • Bản thân nông dân không thể lập được hồ sơ kiện mà phải có sự trợ giúp của nhiều hội đoàn tham gia như Hội nông dân, Hội Luật gia. Các hội này đều do chính quyền thành lập.
  • Chính quyền ủng hộ hoàn toàn cho vụ kiện của nông dân bằng cách chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan tham gia trợ giúp từ cấp trung ương đến địa phương, kể cả việc tạm ứng án phí cho nông dân.
  • Luật về trách nhiệm pháp lý (Luật Bảo vệ Môi trường) là cơ sở để đòi bồi thường vì nếu không có luật này thì không khi nào bên bị kiện chấp nhận bồi thường. Thường thì bên bị kiện rất ngại vụ việc dẫn đến tòa án vì nhiều lý do nên họ có thể chấp nhận thương lượng để bồi thường thay vì đưa nhau ra tòa để chấp nhận phán quyết của tòa án.
  • Dù vụ việc được giải quyết thông qua thương lượng nhưng bên đi kiện cũng mất rất nhiều thời giờ, công sức và tiền bạc để chuẩn bị cho vụ kiện. Thời gian từ khi bắt quả tang đến cam kết bồi thường mất hai năm (từ tháng 9/2008-tháng 9/2010).

Từ vụ kiện Vedan, nhìn lại vụ kiện Formosa của ngư dân tỉnh Nghệ An, chúng ta thấy có sự khác biệt gì? Vì sao ngư dân Nghệ An khởi kiện?

Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa được cho là đã gây ra thảm họa môi trường biển cho 4 tỉnh Miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế do xả thải qua đường ống ngầm đi ra biển. Hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 06/04/2016 và kéo dài cho tới nhiều ngày sau gây sự phẫn nộ của cả nước. Để trấn an dư luận, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ,…điều tra và sau đó công bố nguyên nhân cá chết là do nguồn thải ở khu vực Vũng Áng – Hà Tĩnh chứa keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các chất như Phenol, Xyanua… di chuyển theo dòng hải lưu.

Ngày 30/06/2016 là ngày họp báo của chính phủ công bố nguyên nhân cá chết và thỏa thuận bồi thường 500 triệu USD của Formosa cho các thiệt hại kinh tế và môi trường cho các vùng bị ảnh hưởng ở Miền Trung, sau quá trình chính phủ đàm phán với Formosa với tinh thần “phải đảm bảo quyền lợi của hàng triệu người dân miền Trung nhưng cũng đảm bảo lợi ích các bên, đảm bảo Thỏa thuận về xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa VN và Đài Loan”[2]. Trong buổi họp báo này, để trả lời phóng viên hãng Nikkei: “Số tiền 500 triệu USD là cao, cao nhất trong lịch sử bồi thường ở VN, đã được tính toán như thế nào? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Mục đích của chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ. Đây mới là tính sơ bộ thiệt hại người dân, thiệt hại sơ bộ về biển còn những thiệt hại rất nhiều như tổn thương tâm lý, hệ lụy sau này nhưng chúng tôi không cần thiết bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ và thực hiện nghiêm việc xử lý ô nhiễm môi trường”[3].

Do thông báo của chính phủ chỉ bồi thường cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng ảnh hưởng của chất thải Formosa không chỉ giới hạn trong phạm vi 4 tỉnh mà còn lan sang tỉnh giáp ranh Hà Tĩnh là Nghệ An. Một số vùng ở Nghệ An cũng bị thiệt hại do biển không còn cá để đánh bắt nên tàu nằm bờ không ra khơi đánh bắt được làm thiệt hại sinh kế của người dân rất nhiều mà đây lại là sinh kế duy nhất của họ (ví dụ như Giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An). Những ngư dân bị thiệt hại ở Nghệ An đã không được chính phủ kể vào danh sách được bồi thường trong số tiền 500 triệu USD. Chính vì vậy mà họ muốn khởi kiện để thủ phạm Formosa phải bồi thường cho họ. Và những người giúp họ làm đơn kiện là những người tình nguyện hoặc các vị chức sắc tôn giáo đã thể hiện lương tri con người trước nỗi đau của đồng loại, không tỏ ra vô cảm trước bất công xã hội. Nhưng việc kiện của ngư dân Nghệ An bị nhà cầm quyền địa phương cản trở quyết liệt, kể cả sử dụng bạo lực ngăn không cho họ có cơ hội tới tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn [4].

Tới đây, so sánh vụ kiện của ngư dân Nghệ An với vụ kiện Vedan, ta thấy có những điểm khác biệt. Đó là:

  • Vụ kiện Formosa không được chính quyền ủng hộ vì chính quyền trung ương đã ký thỏa thuận với Formosa miễn tất cả những trách nhiệm pháp lý của Formosa về bồi thường thiệt hại môi trường sau khi Formosa nhận tội và cam kết trả 500 triệu USD cho chính phủ.
  • Do muốn Formosa nhận trách nhiệm nhanh chóng khi vụ cá chết hàng loạt xảy ra và để giảm nhiệt cơn phẫn nộ của nhân dân sau tuyên bố của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại của công ty Formosa về việc dân Việt Nam phải lựa chọn một trong hai sản phẩm cá hoặc thép nếu không có được cả hai, Chính phủ, vì không muốn mất nhiều thì giờ để điều tra thiệt hại thực tế như trong vụ Vedan, đã sớm thỏa thuận cả gói với Formosa số tiền 500 triệu USD. Số tiền này được nhiều chuyên gia đánh giá là không thấm vào đâu nếu tính đúng tính đủ mức thiệt hại thực sự. Thực ra số tiền 500 triệu USD là quá ít vì chỉ với 4 tỉnh trong danh sách mà theo thông báo của chính phủ mỗi hộ được bồi thường thiệt hại sinh kế chỉ trong thời gian 6 tháng thì thời gian còn lại không có cá biển để đánh bắt thì họ sống bằng gì. Như vậy ta hiểu tại sao chính phủ không muốn đưa thêm Nghệ An vào danh sách được bồi thường.
  • Vì vụ kiện Formosa không được chính phủ ủng hộ như vụ kiện Vedan nên không có cơ quan ban ngành, đoàn thể nào của chính quyền dám tham gia giúp ngư dân Nghệ An chuẩn bị hồ sơ kiện như đã giúp nông dân trong vụ Vedan.
  • Chính vì lẽ đó, những người yêu chuộng công lý, công bằng xã hội bên ngoài bộ máy chính quyên như các tổ chức xã hội dân sự và các chức sắc tôn giáo đã tự nguyện đứng ra giúp đỡ ngư dân Nghệ An làm đơn khởi kiện vì cũng giống như nông dân ven sống Thị Vải, ngư dân là những người chỉ biết lao động kiếm sống chứ không thể biết những thủ tục cần thiết cho một vụ kiện. Để chuẩn bị cho vụ kiện cần phải tốn nhiều nguồn lực cho hồ sơ kiện và tạm ứng án phí nên nếu chỉ bản thân ngư dân thì không có tiền vì đã bị thảm họa môi trường triệt tiêu sinh kế. Vì lẽ đó có những người có lòng từ tâm trong và ngoài nước đã cùng nhau quyên góp tiền để giúp trang trải cho chi phí vụ kiện được dự kiến là rất lớn.
  • Trong vụ kiện Formosa ở Nghệ An, các vị chức sắc tôn giáo đã phải tham gia giúp ngư dân làm hồ sơ khởi kiện vì trong đó có những vùng bị thiệt hại mà ngư dân có đạo chiếm tỉ lệ lớn trong dân số. Các ngư dân này không được cơ quan đoàn thể nào của chính quyền giúp đỡ như vụ Vedan mặc dù thiệt hại có cơ sở chứng minh. Thế thì ngư dân phải trông dựa vào ai để bảo vệ quyền lợi của mình nếu không phải là dựa vào các chức sắc tôn giáo? Trong trường hợp này, các chức sắc tôn giáo ở Giáo phận Vinh đã làm đúng vai trò “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” vì ngư dân Nghệ An cũng là một thành phần của dân tộc.

Tóm lại, trong vụ kiện Vedan của nông dân Cần Giờ, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai, chính quyền trung ương đứng về phía bị hại nên nông dân được sự trợ giúp rất nhiều từ các cơ quan ban ngành đoàn thể của chính quyền và đạt được kết quả tương đối tốt. Trong khi đó, trong vụ kiện Formosa của ngư dân Nghệ An, do mối quan hệ “đặc biệt” của chính quyền trung ương và địa phương với Formosa, được thể hiện qua những ưu đãi chưa từng có mà các doanh nghiệp khác không được hưởng và thời gian hoạt động của Formosa được nâng lên 70 năm thay vì bình thường chỉ có 50 năm, và tiền bồi thường cho tất cả mọi thiệt hại và mọi đối tượng đều gói gọn trong số tiền 500 triệu USD, nên khi phát sinh vụ ngư dân Nghệ An kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại thì chính quyền tìm cách dập tắt quyền được kiện chính đáng của người dân theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Và vì chính quyền không bật đèn xanh cho vụ kiện nên không có cơ quan ban ngành đoàn thể nào dám lên tiếng nói ủng hộ ngư dân. Đứng trước viễn cảnh nhiều hộ gia đình ngư dân bị triệt tiêu sinh kế vì Formosa trong khi công ty này lại được chính quyền cam kết bảo vệ công việc làm ăn để bảo vệ lợi nhuận của họ, các tổ chức xã hội dân sự và các chức sắc tôn giáo địa phương đã can đảm lên tiếng trước thảm họa môi trường do Formosa gây ra và đòi hỏi phải có sự công bằng trong xã hội nên đã đứng ra giúp đỡ người dân trong vụ kiện.

Chúng ta biết Việt Nam là nước nghèo nên rất khao khát nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng mục đích cuối cùng của nhà đầu tư là lợi nhuận. Mà muốn có lợi nhuận thì phải tiết kiệm chi phí. Cho nên tiết kiệm/tránh né chi phí xử lý chất thải cũng là một phương cách giúp nhà đầu tư tăng thêm lợi nhuận. Vì lẽ đó các nước nghèo thường là nơi để các nhà đầu tư nước ngoài xem là địa điểm lý tưởng để kiếm lợi nhuận và đổ chất thải của thế giới.

Nhưng chúng ta cũng lại biết rằng một nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải đứng vững trên cả ba chân: kinh tế, xã hội, và môi trường. Vậy thì sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự cũng như của các tổ chức tôn giáo nói chung vào mục tiêu hướng tới công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là rất cần thiết để giúp Việt Nam phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.

Tài liệu tham khảo

[1] Tình huống Vedan. Phạm Duy Nghĩa, 2011. Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.https://www.fetp.edu.vn/cache/MPP04-541-C04V-2012-02-08-17595994.pdf

[2]https://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160728/chinh-phu-cong-bo-chi-tiet-thiet-hai-do-formosa-gay-ra/1145284.html

[3]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-313134.html

[4] https://www.viendongdaily.com/giao-dan-song-ngoc-khoi-kien-formosa-bi-cong-an-ngan-chan-QAX7jEEH.html

ĐIỂM TIN VÀ BÌNH LOẠN (Ngày 23/6/2017)

101
Thuan Van Bui

 

1. Tin về Formosa và thảm họa:

– Nhiều báo có bài: “Cách chức một cục trưởng sau sự cố Formosa”. (Ông Lương Duy Hanh, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ TN-MT bị mất chức sau thảm họa Formosa. Đây chỉ là hành động mang tính thí tốt, yên dân là chủ yếu). https://goo.gl/FNrpN9

– VTV: “Hà Tĩnh: Đẩy nhanh bồi thường sự cố môi trường biển”. https://goo.gl/UjC6W1

– Phapluatpus.vn: “Chi trả hơn 79 tỷ đồng tiền đền bù sự cố môi trường biển tại huyện Phong Điền”. https://goo.gl/RRuvZi

– Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ,Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối”. (Dân nhìn, nghe, thấy từ xưa đến nay thì giữa lời nói các quan chức và thực tế diễn ra là hai thái cực ngược chiều: Các quan chức nói vì dân thì đó là vì thân; quan chức hô hào chống tham nhũng thì tham nhũng càng khủng khiếp; quan chức hô hào đóng cửa rừng thì rừng càng bị phá; quan chức nói đảng được nhân dân tin yêu thì đó là khi dân và đảng là hai thái cực, là khi dân căm ghét, chán nản chế độ đến cùng cực, là khi cán bộ đòi lắp máy kiểm tra an ninh, đòi có cận vệ, vệ sĩ…Bây giờ các ông nói biển sạch an toàn thì dân sẽ nghĩ đến những lần khẳng định biển sạch an toàn mà các ông đã nói láo từ năm ngoái đến nay. Trẻ con nó còn không tin lời các ông nữa là người trưởng thành bình thường). https://goo.gl/3pZibk

2. Chuyện sân golf Tân Sơn Nhất:

– VTV: “Bộ Quốc phòng đã ngưng hoạt động xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất”. https://goo.gl/9eit6x

– Thanh Niên: “Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm: Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”. (Không biết do học tập mô hình anh Tàu Cộng hay có gì tác động mà quân đội lại định bỏ những mối làm ăn cực kỳ béo bở và màu mỡ nhỉ?). https://goo.gl/yDgHW1

– Tuổi Trẻ: ” Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn, mà vẫn có sân golf!”. (Đây là ý kiến “cử tri” trong cuộc tiêp xúc của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. Các cử tri mà ông Trọng tiếp xúc thường được “định hướng” cách nêu bóng, và chuyền đẹp cho ông Trọng ghi bàn vào lưới trống hoác. Nếu “cử tri” đã nói với ông Trọng như vậy là số phận tập đoàn cứ điểm sân golf TSN đã được quyết định, vì ông Trọng là Bí thư quân ủy Trung ương). https://goo.gl/XpYJ3P

3. Chuyện quân đội làm ăn lại lòi ra chuyện điểm nóng Đồng Tâm và sự “lật kèo” của ông Chung và chính quyền Tp Hà Nội. Liên quan chủ đề này,Vietnamnet có bài: “Kết thúc việc thanh tra đất tại Đồng Tâm”. (Chưa có kết luận vụ thanh tra này. Trong bối cảnh quân đội đang giảm cường độ “làm ăn”, xung đột lợi ích giữa các phe phái và người dân nên rất khó đoán định được kết quả vụ thanh tra này. Trong một diễn biến khác, các trang mạng của DLV vẫn liên tục đưa các bài viết vu khống cụ Lê Đình Kình với những lời lẽ không thể hạ đẳng hơn). https://goo.gl/iCCbji

4. Vấn đề phá nát Sơn Trà báo chí đã tạm thời lắng xuống.

5. Vụ tàu vỏ thép đểu của doanh nghiệp thuộc Bộ công an đóng cho ngư dân:

– Dân Việt có bài: “Tàu 67 rỉ sét, lời trí trá và niềm tin bị phản bội”. https://goo.gl/rzYpTv

– Zing: “Thảm cảnh của 2 ông chủ tiên phong đóng tàu vỏ thép tiền tỷ”. https://goo.gl/6sBC3N

6. Thanh Niên có bài viết: “Cứu 12 thuyền viên bị tàu nước ngoài đâm chìm”. (“Tàu nước ngoài”, danh từ vu vơ và thể hiện sự ươn hèn cố hữu của những kẻ cầm quyền khi tên của kẻ thù còn không dám nêu đích danh). https://goo.gl/EXGSHz

7. Theo Luật Khoa: “LHQ phê phán Điều 88, kết luận blogger Mẹ Nấm bị bắt giữ trái luật nhân quyền quốc tế”. (Chắc LHQ không biết, Việt Nam chuyên dùng luật rừng với người bất đồng chính kiến). https://goo.gl/Fv4R3C

8. Ông Phạm Minh Hoàng vừa bị rất nhiều công an, cùng các ban ngành vào tận nhà bắt đi. Có tin, ngày mai ông sẽ bị trục xuất về Pháp. (Ông Phạm Minh Hoàng là cựu tù nhân lương tâm, ông bị nhà cầm quyền Việt Nam tước quốc tịch một cách vô lý và vô nhân đạo, ông Hoàng đã từ bỏ quốc tịch Pháp).

9. Human Rights Watch (Tổ chức theo dõi nhân quyền Quốc tế): “Việt Nam: Điều luật mới đe dọa quyền được bào chữa”. (HRW đang nói đến chuyện Việt Nam vừa thông qua điều luật quy định: Luật sư phải tố giác thân chủ. Chuyện Quốc hội với phần đa đảng viên đã thông qua luật bắt buộc giới luật sư phải tố cáo thân chủ trong một số vụ án “xâm phạm an ninh quốc gia”, chủ yếu là nhắm đến giới bất đồng chính kiến hay những người đấu tranh ôn hòa đã dấy lên làn sóng chỉ trích cả trong nước và quốc tế. Điều luật này đã kéo lùi nền tư pháp của Việt Nam về thời kỳ đồ đá). https://goo.gl/csbsYY

10. Các tin liên quan đến việc Trung Cộng kéo giàn khoan HD-981 xuống biển Đông cũng không thấy xuất hiện trên báo chí nhà nước. Chuyện hủy giao lưu quân sự, hủy tiệc, chuyện tên tướng Phạm Trường Long tức giận đùng đùng bỏ về nước và phát biểu lung tung trên báo chí nhà nước của Trung Quốc… không hề xuất hiện trên tờ báo nào của Việt Nam do đảng quản lý.

11. Trên BBC có bài: “Báo Trung Quốc nhắc Việt Nam chọn bạn mà chơi”. (Cảm giác hơi nhục vì điều này, Trung Cộng nó coi Việt Nam không có tí cân lạng nào. Âu cũng là hậu quả của chính sách ngoại giao với Tàu bằng đầu gối mà bấy lâu nay đảng và nhà nước theo đuổi). https://goo.gl/8pD9gK

12. Các tin đồn:

– Trung Cộng sẽ kéo HD981 xuống vùng mỏ Cá Voi Xanh mà Việt Nam vừa ký hợp đồng khai thác với Exxon Mobil của Mỹ trị giá 10 tỷ đô.

– Trung Cộng nã đạn vào nhà giàn DK1 của Việt Nam tại Trường Sa làm chết 1 sỹ quan và bị thương 7 người cũng chưa thấy có thông tin xác minh. tin này cần theo dõi thêm.

13. Tuổi Trẻ: “Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo”. (Đây chính là cơ hội để “từ chối khéo” các dự án nhiệt điện ô nhiễm, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc đang nhăm nhe đổ dồn vào Việt Nam. Việc có lựa chọn công nghệ sạch, công nghệ tái tạo hay bám vào công nghệ Tàu để thành bãi rác của họ đang nằm trong tay đảng, nhà nước. Chờ xem). https://goo.gl/RLPBZJ

14. Vụ 8 người chết khi chạy thận: Bắt giam 3 đối tượng. (Không có tên ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện trong danh sách bị bắt). https://goo.gl/SgCfhB

15. Tuyến cáp quang biển APG bị sự cố, Internet Việt Nam lại bị ảnh hưởng. (Cứ có vấn đề nóng là cá mập giống Sản lại cắn cáp. Chuyện này đã xảy ra nhiều lần và đã thành thông lệ). https://goo.gl/RLuue6

16. Cá, vịt chết hàng loạt ở khe Dốc Đỏ, Quảng Nam. (Lại đợi ban tuyên giáo công bố xem là do loài tảo nào gây ra thôi). https://goo.gl/Y1mhGH

17. Vietnamnet: “Trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. :v . https://goo.gl/8S4NWu

18. Giám đốc, phó giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị đánh nhau. (Rất có thể hai tay này bị ngáo Mác Lê do sử dụng liên tục, lâu dài loại thuốc độc này. Được biết, hai tay ngáo nặng này đã bị tạm đình chỉ công tác. Việc lạm dụng quá mức loại thuốc độc, chuyên dùng để tẩy não đã gây ra nhiều hậu quả rất thảm khốc cho cá nhân nói riêng và cả đất nước nói chung. Điều đáng sợ và đáng lo ngại chính là kẻ càng ngáo nặng loại thuốc độc này lại càng leo cao để lãnh đạo đất nước. Việc này trước sau gì cũng đưa đất nước đi vào thảm họa). https://goo.gl/RCCkiu

19.Lao Động có bài: “Tổng thư ký QH nói vụ Luật Cảnh vệ đính chính trước khi thông qua”. (Với trình độ và cơ chế như hiện nay, đội ngũ lập pháp, làm luật ở Việt Nam có lẽ sẽ còn tạo ra nhiều điều luật quái thai hơn nữa sau các điều 79, 88, 258 hay mới đây là chuyện luật sư tố cáo thân chủ. Cơ quan lập pháp mà thấm đẫm Mác Lê, đượm mùi đảng thì làm sao không tạo ra toàn luật rừng?). https://goo.gl/FgtGQD

20. Vietnamnet: “Thủ tướng: Đưa TP.HCM thành thành phố toàn cầu, thông minh”. :v . (Nghe nói thành phố bụi bặm, ngập lụt, ô nhiễm, trộm cướp, băng nhóm giang hồ lộng hành, công an bảo kê côn đồ… sẽ thành Singapore, thành Silicon thành thủ phủ lương thực, nay lại muốn là thành phố toàn cầu và thông minh. Vẫn rất thắc mắc vì muốn thành nhiều thứ như vậy đối với một thành phố thì e rằng chỉ có là Tôn Ngộ Không (khỉ) mới làm được và biến hóa theo ý muốn. Vậy hãy đổi tên TP Hồ Chí Minh thành Hoa Quả Sơn City và đưa khỉ chúa về đó lãnh đạo để dùng phép biến thành những thứ cao siêu như Sing, Silicon hay thủ phủ này nọ). https://goo.gl/DA7dod

21. Rừng Tây Nguyên tan tành: Kiểm lâm, công an cũng phá bạo. (Như đã bình loạn rất nhiều lần trước đây: Nếu không có kiểm lâm, công an và các cơ quan ban ngành đứng sau chống lưng, ăn chia, bảo kê thì không lâm tặc nào có thể phá được rừng). https://goo.gl/BqX7ks

22. Hà Nội cũng đang học TP Hồ Chí Minh trong việc thu thuế bán hàng trên facebook:

– VTC: “Hà Nội sắp thu thuế bán hàng qua Facebook”. https://goo.gl/MW62sH

– Zing: “Hà Nội yêu cầu 13.422 người kinh doanh trên Facebook kê khai thuế”. https://goo.gl/YbGixc

23. Chuyện khởi tố các quan chức cò con trong vụ PVtex:

– Tuổi Trẻ: “Mặc PVtex lỗ ngàn tỉ, Vũ Đình Duy liên tục thăng chức”. (Đúng quy trình mà: Phá càng mạnh thì lên chức càng nhanh). https://goo.gl/kpqWXw

– VTC: “Khởi tố nguyên tổng giám đốc PVTEX Vũ Đình Duy: Bỏ tù thôi thì chưa đủ, phải truy thu được tài sản”. https://goo.gl/6ePYCV

– Giáo Dục Việt Nam: “Vũ Đình Duy có trốn được cả đời không?”. (Không trốn cả đời được nhưng hắn có thể sống 10 đời ở bên giãy chết một cách an nhàn). https://goo.gl/Q9wGAU

(Nhiều đồn đoán cho rằng, các cán bộ thuộc PVC đã “phạm tội” với Tàu và những kẻ tay sai Tàu do PVC chính là tập đoàn đàm phán, thúc đẩy Exxon thăm dò, khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh. Đây chỉ là tin đồn và không thể tìm ra dẫn chứng, căn cứ thuyết phục nhưng cũng rất đáng suy nghĩ).

24. Vấn đề xử mấy tay thanh tra giao thông đã lộ ra nhiều bí mật nhà nước:

– Thanh Niên: “Xét xử vụ thanh tra giao thông Cần Thơ nhận mãi lộ tiền tỉ”. https://goo.gl/FbWPsV

– Tuổi Trẻ:​”Nhóm thanh tra giao thông bất ngờ khai lấy tiền bảo kê chạy chức”. https://goo.gl/E5iSHt

– Tiếp tục là Tuổi Trẻ với bài: “Lấy tiền bảo kê chạy chức: Nguyên chánh thanh tra nói ‘tôi không biết”. https://goo.gl/yWkHZr

– Dân Việt: “Phải truy tới cùng người nhận tiền bảo kê chạy chức của thanh tra giao thông”. https://goo.gl/Cjn9Km

(Chuyện chạy chức là rất bình thường ở chế độ Việt Nam hiện nay. Chạy, mua chức xong thì phải tìm cách bòn rút để thu hồi vốn và có lãi. Đó là một guồng quay bất tận từ thấp lên cao. Vấn đề đặt ra đó là: Với thể chế độc đảng, độc diễn và độc tài mọi mặt sẽ không bao giờ loại bỏ được chuyện này mà nó sẽ ngày càng “lớn mạnh”. Nó sẽ tha hóa con người, bòn rút dân, bòn rút tài nguyên, bòn rút mọi nguồn lực và động lực để phát triển. Nguy hiểm nhất là nó bòn rút niềm tin, bòn rút sự lương thiện, tử tế của người dân).

25. Nguyên cán bộ công an tỉnh đánh bạc, làm giả hồ sơ, lừa chạy việc lĩnh án tù. (Nhân nhắc đến công an: Hàng loạt vụ người dân chết, thương tật trầm trọng trong đồn công an khắp cả nước đã chìm xuồng). https://goo.gl/hMuhrg

26. Nghệ An: Phó chủ tịch HĐND thị trấn Quỳ Hợp bị tố đánh chị dâu gãy 5 chiếc răng. https://goo.gl/yqCBKt

27. Đang có nhiều hình ảnh trên mạng xã hội về chuyện các đảo thuộc Vịnh Hạ Long bị đào bới, tàn phá.

28. Dân Trí: “Chỉ khi người bị oan sai chết, thân nhân mới được bồi thường”. https://goo.gl/k7jUBx

29. Bắc Giang:Cây lúa biến dạng cạnh khu công nghiệp: Cần một câu trả lời minh bạch! (Đợi xem có phải do ô nhiễm hay ban tuyên giáo và báo chí sẽ tìm ra loài tảo nào đó trong không khí để đổ lỗi cũng nên). https://goo.gl/Ku3rcS

30. Phú Yên sau hàng loạt vụ lùm xùm gần đây như: Phá rừng phục vụ làm sân golf thi hoa hậu, phá rừng để nuôi bò hay phá rừng làm công nghiệp,,, Nay tỉnh này lại nổi lên tay bí thư tỉnh thuộc diện “điển hình làm kinh tế” với biệt thự nguy nga tráng lệ, gia đình, người thân thâu tóm các lĩnh vực béo bở ở Phú Yên. https://goo.gl/WTkvnA

31. Tuổi Trẻ: “Kiên Lương đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp”. (Kiên Lương, Kiên Giang là nơi rất ô nhiễm với hàng loạt nhà máy xi măng đang ngày đêm tàn phá vùng này). https://goo.gl/8TGSHB

32. VTC: “Có hay không việc lăng mộ vợ vua Tự Đức bị xới tung làm bãi đậu xe?”. https://goo.gl/CVsjST

33. Báo Đầu Tư: “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chí phải viết những điều mắt thấy tai nghe”. (Vậy là tay CB viết hàng loạt bài vu khống bà Cát Hanh Long nó có nhìn thấy, tai có nghe không? Cũng tay CB này đã viết hàng loạt bài bịa đặt về bữa tiệc của tổng thống Mỹ bị mất dao nĩa, hay nhiều bài viết cực kỳ khốn nạn khác mà hắn không nhìn thấy, không xác minh được nhưng hắn vẫn cắm đầu viết để dối dân, mị dân. Và hậu quả từ những bài viết của tay CB khốn nạn nào đó thì thảm khốc kinh hoàng.Tởm lợm). https://goo.gl/WSxR8j

34. Các chuyện liên quan đến EVN:

– Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: “Giá điện đang thấp hơn khu vực và các nước G7”. (Nhưng thu nhập của Việt Nam lại thua xa khu vực và không thể so với G7 mấy ông lãnh đạo ạ. Thế nên khi lấy mốc so sánh các ông nên dùng đầu một chút, nhớ lấy quốc gia thu nhập tương đương Việt Nam nhé). https://goo.gl/Y8LVLF

– Tuổi Trẻ: “Vay đến 9,7 tỉ USD, EVN trở thành quán quân nợ “. (Khoản này sẽ rất nhẹ nhàng chia đều cho người dân và doanh nghiệp trả nợ thay. Độc quyền nó hay ở điểm này). https://goo.gl/DdGmEL

35. Hai ngày nay, câu nói của ông Vũ Đình Ánh tiến sĩ kinh tế với nội dung: “Người ta nói “Thu thuế cũng như “vặt lông vịt”, đừng để kêu toáng lên” đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. (Chuyện này cá nhân người bình loạn lại thấy rất hay vì ông Ánh đã nói đúng về bản chất của nhà nước hiện nay đó là: vặt trụi lông của bầy vịt, tức là người dân. Vấn đề là con nào kêu la do bị vặt lông, phản đối vặt trụi lông thì sẽ có công an, nhà tù, tòa án với những điều luật chuyên bịt miệng như 79,88,258… giải quyết. Vặt lông tuy đã đáng sợ nhưng chưa đáng sợ bằng bị cắt tiết, hàng trăm người chết trong đồn công an mỗi năm và đang “tăng trưởng bền vững” báo hiệu chuyện cắt tiết những con vịt kêu to). https://goo.gl/hVKFjA

36. Các tin bài về biệt thự, biệt phủ, dinh thự hoành tráng của quan chức Yên Bái đã mất tích trên báo chí. Nhưng hôm nay có tin còn giật mình hơn: “Một nhà báo bị bắt khi nhận tiền của doanh nghiệp”. (Được biết Lê Duy Phong là Trưởng Ban Bạn đọc của Báo Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) và là người viết loạt bài về các dinh thự khủng của chị em Quý- Trà trùm Yên Bái. Đòn này của chị em bà Trà rất cao tay và độc. Cũng giống như vụ con cựu lãnh đạo Đà Nẵng bị bắt vì chơi ma túy đá do ông này đứng ra tố cáo đích danh Huỳnh Đức Thơ). https://goo.gl/hje2f1

KÍNH MỜI BỔ SUNG, SỬA CHỮA!

Cựu Thủ lãnh Khmer Đỏ đổ lỗi cho Việt Nam về vụ diệt chủng Campuchia

0
VOA

Một trong hai cựu thủ lãnh hãy còn sống của chế độ Khmer Đỏ khét tiếng nói ông ta không có dính dáng gì tới các hành vi tàn bạo của Khmer Đỏ.

Cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan, năm nay 85 tuổi, đọc bản tuyên bố cuối cùng của ông hôm thứ Sáu 23/6 trước tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.

Ông Khieu Samphan bị cáo buộc đã phạm các tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng.

Ông nói: “Tôi triệt để bác bỏ từ ngữ “sát nhân”. Ông nói “cái ý tưởng về cuộc diệt chủng ở Campuchia” đã được Việt Nam bịa đặt ra để biện minh cho cuộc xâm lăng Campuchia.”

Ông Nuon Chea, 90 tuổi, cánh tay phải của Pol Pot, cũng dối mặt với cùng cáo trạng. Ông không có mặt tại tòa hôm thứ Sáu vì lý do sức khỏe. Thay vào đó, ông theo dõi diễn tiến phiên tòa từ một xà lim.

Hai nhân vật này là những quan chức cao cấp nhất của chế độ Khmer Đỏ hãy còn sống .

Cả hai đều giữ lập trường cho rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc giết hại gần 2 triệu người Campuchia bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả bỏ đói, tra tấn, lao động tới chết trong các trại lao động cải tạo. Nhiều người khác bị đánh đập tới chết trong những vụ hành quyết tập thể được biết đến sau này dưới tên gọi “những cánh đồng chết.”

Hiện chưa rõ bao giờ thì tòa án đặc biệt mới ra phán quyết trong vụ án này.

0

VOA

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình trực diện đầu tiên trong 6 tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói “thật đáng nghi ngại” khi người phụ trách điều tra những liên hệ có thể có giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga lại là bạn của cựu Giám Đốc FBI James Comey.

Phát biểu trong chương trình “Fox & Friends” của kênh truyền hình Fox, ông Trump nói việc biện lý đặc biệt Robert Mueller là “bạn, bạn rất tốt của ông Comey, là điều rất đáng nghi ngại.”

Cuộc phỏng vấn thực hiện hôm 22/6 tại Toà Bạch Ốc, được phát hình vào sáng thứ Sáu 23/6 giữa lúc ông Trump đang cứu xét việc giảm bớt độ thường xuyên của các cuộc họp báo với giới truyền thông, xuống chỉ còn 1 cuộc họp báo mỗi tuần, đồng thời đòi phóng viên phải nộp trước bảng câu hỏi.

Ông Mueller được bổ nhiệm làm biện lý đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để lãnh đạo cuộc điều tra sau khi Tổng thống Trump sa thải ông James Comey, lúc đó là người dẫn đầu cuộc điều tra.

Ông Mueller và nhiều ủy ban quốc hội Mỹ đang điều tra vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái với mục đích giúp ông Trump thắng cử. Ông Mueller còn điều tra xem liệu ông Trump có cản trở công lý hay không.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã bác bỏ những cuộc điều tra vào việc Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ, ông gọi các cuộc điều tra đó là cuộc “săn lùng phù thủy”, và cho rằng đây chỉ là một cái cớ của các thành viên Đảng Dân chủ nhằm lý giải sự thất bại của bà Clinton trong cuộc bầu cử.

Một ngày sau khi tuyên bố ông không có những băng ghi âm các cuộc đối thoại riêng với ông Comey, Tổng thống Trump nói với đài Fox rằng bao giờ ông cũng “nói thẳng khi trình bày câu chuyện”.

Ông Trump cũng phản bác lời khai của ông Comey rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông, lúc đó là Giám Đốc FBI, thề trung thành trong một cuộc gặp gỡ riêng.

Khi lời khai của ông Comey được công bố, ông Trump viết trên trang Twitter của ông rằng ông Comey “tốt hơn nên hy vọng là không có đoạn băng nào ghi âm lại các cuộc đối thoại giữa hai ông trước khi tiết lộ thông tin cho truyền thông.”

Ông Trump cũng bày tỏ hy vọng rằng thủ lãnh Đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, duy trì chức vụ này bởi vì như vậy có lợi cho Đảng Cộng hoà.

Ông Trump nói:

“Tôi hy vọng bà Pelosi sẽ không từ bỏ chức vụ. Sẽ là một ngày rất buồn cho Đảng Cộng hoà, nếu bà từ nhiệm.”

Ông Trump đơn cử thắng lợi của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử bất thường ở bang Georgia mới đây. Các chương trình quảng cáo do Đảng Cộng hoà tài trợ trong thời gian vận động tranh cử, liên kết ứng cử viên Đảng Dân chủ Jon Ossoff với bà Pelosi, người thường bị Đảng Cộng hoà chỉ trích vì ‘đại diện cho những quan điểm cấp tiến cực đoan’.

Bà Pelosi đã bị chất vấn về khả năng lãnh đạo của bà từ sau thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử mà cả hai bên đã dồn hết sức để chiếm phần thắng.