Gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nói ông Thức bị cưỡng bức lao động, sau chuyến thăm ông tại Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An hôm 14/8.
Luật sư Lê Công Định, một cựu tù nhân chính trị, viết trên mạng xã hội: “Theo lời anh Thức kể lại, vào ngày 8/8/2016, quản giáo của trại giam ép buộc anh phải đi lao động, điều mà trước đây chưa từng xảy ra đối với anh. Công việc là xếp giấy vàng mã mỗi ngày 8 tiếng”
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, em trai ông Thức, ông Trần Huỳnh Duy Tân kể lại sự việc: “Anh [Thức] nói anh không đồng ý lao động ép buộc như vậy, do trại giam không có chịu ký hợp đồng lao động thì anh ấy không đi lao động.”
“Trong những ngày đó, tám tiếng đồng hồ như vậy trại giam họ cúp điện. Ở Nghệ An thời gian này rất nóng, nhiệt độ có khi lên đến 41 độ hoặc trên đó nữa, mà không có điện làm sao chịu nổi.”
“Gia đình mới gặp anh ấy có vẻ xanh xao, hốc hác, thâm quầng,” ông Tân mô tả lại người anh trai trong cuộc gặp hôm 14/8.
“Tới cuối buổi thì anh yêu cầu gia đình gửi cho anh văn bản liên quan tới luật lao động và các thông tư liên tục liên quan đến lao động trong tù, để anh xem xét về mặt pháp lý. Anh cũng yêu cầu gia đình nghiên cứu về mặt đó để có thể hỗ trợ cho anh ấy trong đấu tranh trước việc bắt buộc người trong tù phải lao động.”
“Đây là lần đầu tiên gia đình nghe anh nói về việc anh bị bắt buộc đi lao động.”
“Gia đình đang nghiên cứu về các luật cũng như các quy định liên quan tới lao động của anh Thức trong tù. Đặc biệt những quy định có liên quan đến thi hành án. Gia đình cũng nhờ một số luật sư quan tâm để xem xét mặt pháp lý của lao động trong tù như thế nào,” ông Tân cho biết phản ứng của gia đình.
Ông Duy Tân cũng nói gia đình sẽ “gửi qua đường bưu điện cho anh những văn bản” về luật lao động và lao động trong tù.
Trạm giam số 6
Đã từng ở cùng Trại giam số 6 Nghệ An, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày) mô tả với BBC: “Phòng giam ở đấy xây bằng đá, gạch, dày khoảng 30cm, nhưng lại xây theo lối bát úp, lẽ ra trên trần sẽ có những cái khe thông gió.”
“Nhưng những phòng giam này không xây những khe thông gió đó, cho nên khí nóng nó cứ quần trong đó. Đặc biệt những cái phòng giam này vào những ngày nắng nóng ở miền Tây Nghệ An kèm với gió Lào nữa thì có lúc chúng tôi phải hắt nước lên tường hoặc đổ nước lên sàn nằm của mình, để cho cái nóng dịu bớt đi.”
“Và phải đợi đến 11 – 12 giờ đêm khi cái nóng nguội bớt đi thì mới có thể ngủ được. Thế mà lại cắt điện ở trong buồng giam. Trong khi đó buồng giam chỉ có một cái quạt rất yếu.”
Trước khi đi Hoa Kỳ, ông Hải đã thi hành án tù 2,5 năm vì tội Trốn thuế và sau đó là 12 năm tội Tuyên truyền chống Nhà nước.
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải từng ở trại giam số 6 Nghệ An
“Đó là hành vi vô cùng đê tiện của trại giam số 6 Nghệ An đối với anh Trần Huỳnh Duy Thức,” ông Nguyễn Văn Hải bình luận về vụ việc.
“Việc cắt điện, nước vừa vi phạm pháp luật, vừa tước đoạt những tiêu chuẩn sống của người tù. Bởi vì chúng tôi có quyền.”
“Trong Luật thi hành án hình sự, các buồng giam được gắn quạt, được sử dụng TV. Cho nên việc cắt những tiêu chuẩn đó đi là cắt chính những tiêu chuẩn mà nhà nước cung cấp cho người tù. Không ai có quyền cắt tiêu chuẩn của họ cả.”
“Việc cắt tiêu chuẩn của họ đều là vi phạm pháp luật. Và cưỡng bức họ lao động cũng vi phạm pháp luật, theo điều 29 – 30 của Luật thi hành án hình sự,” Blogger với bút danh Điếu Cày cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hải cũng lý giải: “Trong luật thi hành án hình sự quy định là lao động học nghề chứ không phải lao động cưỡng bức. Tù nhân bị đưa ra định mức lao động trong những thời gian lao động chứ hoàn toàn không phải lao động học nghề.
“Lao động học nghề không đó định mức trong đó. Và vấn đề nữa là họ sử dụng lao động làm việc riêng cho mình, mà như vừa rồi chúng ta thấy ở trên báo có việc tù nhân ra xây nhà cho giám thị.”
“Trại giam số 6 Nghệ An họ nhận làm vàng mã và cho tù nhân nữ làm lông mi giả cho các cơ sở ngoài Hà Nội. Phần làm lông mi giả phụ nữ làm. Phần làm vàng mã đàn ông làm,” ông Hải miêu tả về thời gian ông ở trại giam này, nhưng ông cũng cho biết khi ở đây, ông “đã quá tuổi lao động” nên không bị yêu cầu phải lao động.
‘Vi phạm’
Luật sư Lê Công Định nói về khía cạnh pháp luật vụ việc này trong bài viết của ông trên mạng xã hội: “Hành động cưỡng bức lao động của trại giam số 6 tỉnh Nghệ An rõ ràng vi phạm Hiến pháp 2013. Khoản 3 Điều 35 của Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động”.
“Trong Chương 19 về lao động của Hiệp định TPP mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết, Điều 19.1 (phần định nghĩa các thuật ngữ) và Điều 19.3 (quy định về quyền lao động) đều buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ yêu cầu như sau: “chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc””, vị luật sư này trích dẫn.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 50 tuổi, bị đưa ra xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Ông nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi các bị cáo trong cùng vụ án với ông bị tuyên án từ năm đến bảy năm tù.
Image copyrightAFP
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong phiên tòa năm 2010