Phạm Quang Dũng, dù ông được mệnh danh là trùm BOT giao thông, là chủ tịch HĐQT một công ty doanh thu ngàn tỉ đồng như Công ty cổ phần TASCO, dù ông lại là đại biểu Quốc hội, thì tôi cũng phải thẳng thắn mà nói với ông rằng, tôi rất khinh bỉ loại đại biểu Quốc hội như ông.
Tôi biết ông sẽ đọc bài viết này và đọc đến đây hẳn là ông sẽ hỏi: Vì sao cô dám khinh bỉ người quyền cao chức trọng, giàu có như tôi?
Ông nghe tôi nói đây. Tôi khinh bỉ loại như ông vì có vẻ như tiền làm mờ trí ông đến mức ông không còn biết đúng sai, không còn biết pháp luật là gì.
Ông, thân là đại biểu Quốc hội, là người đại diện cho nhân dân, người phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, mang những mong muốn, những khát khao cháy bỏng của dân vào nghị trường, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của nhân dân. Ấy thế mà, mở miệng ra là ông quay lưng với dân hòng bảo vệ cho lợi ích của mình.
Thu phí BOT đang có những bất hợp lý. Đương nhiên là vậy thì người dân mới bức xúc, thì dư luận mới bùng nổ, thì người tham gia giao thông mới tìm cách thể hiện thái độ của mình thông qua hành động trả phí bằng tiền lẻ.
Ông Dũng, hình như quên mất mình là đại biểu Quốc hội và chỉ nhớ mình là một “ông trùm” BOT, nên đã đề xuất hai phương án:
Một là, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải triển khai thực hiện hệ thống đóng phí tự động.
Hai là, chỉ nên sử dụng tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên để tránh tình trạng tài xế dùng cách đóng phí BOT bằng tiền lẻ.
Về đề nghị bắt buộc doanh nghiệp vận tải phải đóng phí tự động, ông Dũng vui lòng cho tôi hỏi, ông có tư cách gì mà đề nghị bắt buộc doanh nghiệp phải làm điều này điều khác? Khi ông đề xuất điều này, ông đã lòi đuôi lợi ích nhóm, mà rõ nhất là lợi ích cá nhân trắng trợn. Ông đòi bắt buộc phải dùng hệ thống đóng phí tự động, trong khi chính ông lại là chủ tịch HĐQT Công ty thu phí tự động VETC – doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thu phí tự động.
Tôi đang tự hỏi, điều gì sẽ diễn ra nếu ông với vai trò là đại biểu Quốc hội đưa ra đề xuất, trong khi chính ông là chủ doanh nghiệp được hưởng lợi từ đề xuất ấy? Thật loạn!
Về đề nghị chỉ dùng tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên khi thu phí xe qua trạm BOT, rõ ràng ông đang tự cho BOT một quyền đứng trên luật. Bởi, từ chối nhận tất cả các mệnh giá tiền còn đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành là vi phạm pháp luật.
Vì quyền lợi của BOT – mà công ty của ông đang tung hoành dọc ngang các cung đường, lẽ nào ông sẵn sàng ngồi xổm lên pháp luật? Còn nếu hiểu biết pháp luật của ông thực sự hạn hẹp đến mức vậy, thì tôi vô cùng lo lắng khi ông ngồi trong cơ quan làm luật, đó là Quốc hội. Giả thiết nào cũng thật thảm hại cho nhân dân.
Loại như Phạm Quang Dũng, theo tôi không xứng đáng là đại biểu Quốc hội. Ông ta nên bước chân ra khỏi nghị trường.