Tháng 12/1979, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã có chuyến làm việc chính thức 10 ngày tại Việt Nam về vấn đề giam giữ các cựu quân nhân, nhân viên và quan chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sau ngày 30/4/1975.
Họ đã gặp gỡ và làm việc với chính phủ, cũng như được sắp xếp để thăm một số tù nhân tại các trại giam Chí Hòa (Sài Gòn), Xuyên Mộc (Đồng Nai), Hàm Tân (Thuận Hải), Hà Tây (Hà Sơn Bình), và Nam Hà (Hà Nam Ninh).
Tháng 3/1981, Ân xá Quốc tế đã công bố một bản báo cáo dài 26 trang về kết quả của chuyến đi đó, tóm lược tình hình của những tù nhân bị giam giữ tại các trại cải tạo (re-education camp) khắp cả nước. Báo cáo còn bao gồm thư phúc đáp, trả lời qua lại giữa tổ chức này và nhà nước Việt Nam trong năm 1980.
Báo cáo của Ân xá Quốc tế cho rằng, việc nhà nước Việt Nam tiến hành bắt bớ các cựu quân nhân, nhân viên và quan chức VNCH, cùng những người bất đồng chính kiến khác, cũng như giam giữ họ liên tục không thông qua xét xử từ 1975 đến 1979, là một sự vi phạm quyền con người nghiêm trọng dựa theo luật nhân quyền quốc tế.
Trước hết, Ân xá Quốc tế cho biết, họ luôn có mối quan ngại về tình hình của các cựu quân nhân, nhân viên và quan chức VNCH sau 30/4/1975.
Trong thực tế, các trại cải tạo được thiết lập không khác gì các trại giam thông thường. Thế nhưng, những người bị đưa vào đây vốn không hề bị cáo buộc bất kỳ một tội danh nào, cũng như không được đưa ra truy tố hay xét xử theo luật định.
Họ bị đưa đi học tập cải tạo chỉ vì họ đã tham gia vào quân đội hoặc chính quyền VNCH trước kia.
Lịch sử hình thành chế độ cải tạo dành cho cựu quân nhân, nhân viên và quan chức VNCH
Ngày 30/4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCM) lật đổ thành công chính quyền VNCH và lập ra Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CHMN).
Trong thời gian 15 tháng, CHMN đã là một quốc gia độc lập, quản lý toàn bộ miền Nam Việt Nam từ 30/4/1975 đến 2/7/1976.
Ngày 4/5/1975, tức chỉ 5 ngày sau khi chiếm được Sài Gòn, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định đã được CHMN thành lập để tiếp quản miền Nam Việt Nam.
Ủy ban Quân quản đã yêu cầu tất cả cựu quân nhân, nhân viên và quan chức chế độ cũ phải đăng ký trình diện tại địa phương. Đến ngày 31/5/1975, đã có 44.369 đối tượng đến đăng ký.
Ngày 11/6/1975, Ủy ban Quân quản ra quyết định mở các lớp học tập cải tạo chỉ dành cho các binh sỹ, nhân viên chính phủ, và cả các thành phần “cốt cán” của chế độ Sài Gòn cũ, nhằm giúp họ trở thành “những công dân mới.”
Đến đầu và giữa năm 1976, CHMN đã ban hành 2 sắc lệnh về những chính sách dành cho quân nhân, tướng lĩnh, nhân viên công chức và các quan chức của VNCH:
- Sắc lệnh 1-CS/76 ngày 28/1/1976 về “chính sách đối với những binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan, ngụy quân, nhân viên ngụy quyền và đảng viên các đảng phái phản động đã đăng ký trình diện và học tập cải tạo tốt.”
- Sắc lệnh 2-CS/76 ban hành ngày 25/5/1976 về “chính sách đối với tất cả những người làm việc trong quân đội, chính quyền và các tổ chức chính trị phản động của chế độ cũ.”
Theo Ân xá Quốc tế, Điều 9, 10, và 11 của Sắc lệnh 2-CS/76 nêu rõ, những người thuộc diện bị tập trung học tập cải tạo chỉ phải tham gia tối đa là ba năm, kể từ ngày bắt đầu cải tạo. Họ có thể được trả tự do sớm hơn, nhưng không ai bị giữ quá ba năm.
Những người có bằng chứng rõ ràng là họ đã gây ra những tội ác trong thời gian chế độ cũ nắm quyền và thuộc vào diện có “nợ máu với nhân dân” sẽ bị mang ra truy tố, xét xử theo luật định.
Báo cáo năm 1981 của Ân xá Quốc tế cho biết, chính phủ Việt Nam đã thừa nhận có hơn một triệu quân nhân, nhân viên và quan chức chính phủ VNCH đã ra trình diện và đăng ký học tập cải tạo.
Tuy nhiên, báo cáo còn cho biết thêm, có trên dưới 40.000 người trong số đó đã bị giam giữ liên tục từ năm 1975 đến năm 1979, tức là trong bốn năm trời mà không thông qua bất kỳ thủ tục truy tố và xét xử nào, cũng như không được thông báo là mình đã phạm tội gì.
Theo Ân xá Quốc tế, đây là hành vi vi phạm vào Điều 11 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, cũng như các Điều 5 và 9 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, là những điều luật quốc tế nghiêm cấm các hành vi bắt người tùy tiện và giam giữ không thông qua xét xử của nhà nước.
Đến tháng 12, 1979, chính phủ Việt Nam đã thông báo đến Ân xá Quốc tế rằng có khoảng 26.000 người vẫn còn bị giam giữ.
Ân xá Quốc tế cho rằng việc thừa nhận vẫn còn giam giữ những người thuộc quân đội và chế độ VNCH lâu hơn thời hạn ba năm (tính từ tháng 5/1975), còn cho thấy Việt Nam đã vi phạm Sắc lệnh 2-CS/76 do chính CHMN ban hành.
Từ 3 năm “học tập” đến giam giữ không xét xử vô thời hạn
Khi đến Việt Nam làm việc cùng chính phủ, Ân xá Quốc tế được giải thích rằng, việc một số cá nhân của chế độ cũ vẫn còn bị giam giữ mà không trải qua quy trình truy tố, xét xử là do đã có thay đổi trong việc áp dụng pháp luật tại đây.
Sắc lệnh 2-CS/76 đã không còn được áp dụng tại Việt Nam sau ngày 2/7/1976. Đó là ngày hai quốc gia, CHMN ở miền Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở miền Bắc, thống nhất và thành lập một quốc gia mới, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sắc lệnh 2-CS/76 đã được thay thế bằng Nghị quyết 49 NQ/TVQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội VNDCCH ban hành ngày 20/6/1961 tại miền Bắc Việt Nam, về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội. Từ ngày thống nhất, Nghị quyết 49 được áp dụng cho cả nước và vô hình trung, đã vô hiệu hóa Sắc lệnh 2-CS/76 của CHMN.
Theo Nghị quyết 49 NQ/TVQH, chính quyền có thể thực hiện việc bắt giam một người để giáo dục cải tạo mà không cần thông qua xét xử, nếu như người đó thuộc “phần tử phản cách mạng ngoan cố, có hành động phương hại đến an ninh chung” hoặc là “phần tử lưu manh chuyên nghiệp.”
Thời gian của việc cải tạo được ấn định là ba năm, và một người có thể được trả tự do sớm hơn thời hạn này nếu cải tạo tốt.
Tuy nhiên, nếu sau ba năm cải tạo mà vẫn bị xem là ngoan cố và không chịu cải tạo thì thời gian cải tạo có thể kéo dài hơn mà không có hạn định cho việc kết thúc.
Báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981 đã đánh giá Nghị quyết 49 là sự vi phạm nhân quyền trầm trọng và cần phải được xóa bỏ ngay lập tức, vì nó tước đi quyền được xét xử công bằng của một công dân.
Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, tháng 6/2017, Nghị quyết 49 vẫn có hiệu lực sử dụng. Về lý thuyết, nó vẫn có thể được áp dụng cho bất kỳ công dân Việt Nam nào, ngay tại lúc này.
Bắt giam và cải tạo cả những người không thuộc về quân đội hay chính quyền VNCH
Ân xá Quốc tế cũng nêu ra những hồ sơ bị bắt giam và đưa đi cải tạo của những người không nằm trong quân đội hay chính quyền Sài Gòn cũ.
Những trường hợp nổi bật và được nêu đích danh trong báo cáo gồm có cựu Khoa trưởng Đại học Luật khoa Sài Gòn (1973-1975) Vũ Quốc Thông, một chính trị gia đối lập tại miền Nam là Hồ Hữu Tường, và nhà văn Duyên Anh.
Những người này hoàn toàn không nằm trong diện bị bắt buộc trình diện học tập cải tạo theo yêu cầu của Ủy ban Quân quản. Họ là giáo sư, chính trị gia đối lập, nhà báo, và nhà văn, vốn là những trí thức tiêu biểu của miền Nam Việt Nam.
Ân xá Quốc tế cũng cho biết, họ không nhận được bất kỳ thông tin gì từ phía nhà nước Việt Nam để có thể kết luận những người này có liên hệ với chính quyền VNCH.
Ngược lại, cộng đồng quốc tế biết đến Khoa trưởng Vũ Quốc Thông là một luật gia và trí thức nổi tiếng tại miền Nam. Cũng như ông Hồ Hữu Tường, ông không những không tham gia vào chính quyền VNCH mà còn là một trong những tiếng nói đối lập và là nhà phê bình chính trị sắc sảo.
Nhà văn Duyên Anh là một cây bút có tên tuổi với các tác phẩm hiện thực, phê bình một cách sống động thực trạng xã hội miền Nam trước 1975.
Họ chính là những hồ sơ tù nhân lương tâm Việt Nam (Vietnamese prisoners of conscience) đầu tiên của Ân xá Quốc tế sau năm 1975.
Ngoài ra, báo cáo cũng nói đến vấn đề áp dụng bắt buộc học tập cải tạo đối với những người đã bị bắt khi tìm cách rời bỏ Việt Nam không chính thức. Tức là những người “vượt biên” bất thành tại Việt Nam sau 30/4/1975.
Bộ luật Hình sự 2015 vừa được thông qua tháng 6/2017 vẫn giữ Điều 347 về việc xử lý hình sự tội xuất nhập cảnh trái phép, và Điều 121 cho tội trốn đi nước ngoài để chống chính quyền nhân dân.
Trong khi đó, từ năm 1981, báo cáo của Ân xá Quốc tế đã cho rằng, nhà nước không thể xử lý hình sự những người muốn rời bỏ Việt Nam, cho dù họ ra đi dưới bất kỳ hình thức nào đi nữa.
Ân xá Quốc tế trích dẫn Điều 13 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Điều 12, phần 2 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Theo đó, một người luôn luôn có “quyền tự do rời bỏ bất kỳ quốc gia nào, kể cả quê hương của họ”.
Và vì vậy, Ân xá Quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại, cũng như yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc bắt giam và đưa đi cải tạo (cho dù là ngắn hạn) những người vượt biên không thành công. Vì đó cũng là một hành vi vi phạm quyền con người dựa theo luật Quốc tế.
Tình trạng giam giữ ở các trại cải tạo kém, có dấu hiệu tra tấn, nhục hình
Báo cáo của Ân xá Quốc tế cũng đưa ra những quan ngại về việc người bị giam tại các trại cải tạo bị tra tấn và nhục hình.
Trước hết, các trại cải tạo vốn không phải là những nhà tù thông thường. Không có bất kỳ quy định của pháp luật nào được áp dụng tại những nơi này. Không có quy định cụ thể và rõ ràng, thì nguy cơ lạm quyền, cũng như khả năng người quản lý trại giam sử dụng tư hình cũng cao hơn.
Ân xá Quốc tế còn cho rằng, ngay cả hành vi bắt và giam giữ những cựu quân nhân, nhân viên và quan chức VNCH mà không thông báo đến gia đình họ các thông tin về nơi giam giữ hay thời hạn giam giữ đã là một hình thức tra tấn đối với người bị giam và thân nhân.
Ngoài ra, tình hình thực phẩm khan hiếm, cũng như việc chăm sóc sức khỏe yếu kém tại những trại cải tạo càng khiến cho tình hình đáng quan ngại hơn.
Bản báo cáo năm 1981 đã đơn cử trường hợp của chính trị gia Hồ Hữu Tường. Vào thời điểm phái đoàn của Ân xá Quốc tế đến Việt Nam, ông Tường đã bị giam giữ không thông qua xét xử trên 2 năm .
Tháng 6, 1980, mặc dù đã biết ông mang bệnh hiểm nghèo và đã đi vào giai đoạn cuối nhưng chính quyền vẫn không đồng ý trả tự do để ông có thể đoàn tụ cùng gia đình ở Sài Gòn. Ngược lại, họ đã chuyển ông từ trại cải tạo ở Xuyên Mộc, Bà Rịa đến bệnh xá của trại giam Hàm Tân, Minh Hải. Ba tuần sau, ông qua đời ngay sau khi được trả về với gia đình.
Ân xá Quốc tế kết luận, chính phủ Việt Nam cần chấm dứt ngay lập tức việc giam giữ tùy tiện, kéo dài vô thời hạn đối với những cựu quân nhân và nhân viên, quan chức của chế độ VNCH.
Họ cũng yêu cầu xóa bỏ việc sử dụng Nghị quyết 49 về việc giam giữ để cải tạo mà không thông qua xét xử, cũng như yêu cầu nhà nước phải cải thiện tình trạng giam giữ tại các trại cải tạo này càng sớm càng tốt.
Tài liệu tham khảo: