Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng: Diễn biến phức tạp

0
48
Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại của VNCB 9.000 tỉ đồng ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
07:00 AM – 26/07/2017 Thanh Niên

Ngày 25.7, Viện KSND TP.HCM tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng (NH) tại TP.HCM”.

Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan, Phó trưởng phòng 3 (Phòng thực hành công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế – chức vụ – tham nhũng thuộc Viện KSND TP), cho biết từ năm 2014 – 2016, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và quận, huyện đã thụ lý 207 vụ với 256 bị can và đã giải quyết 147 vụ với 194 bị can.

Công tác quản lý chưa chặt chẽ

Theo thống kê của Viện KSND TP, hiện TP có khoảng 2.000 đơn vị thuộc hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng. Hệ thống ATM khoảng 3.880 máy, khoảng 11 triệu thẻ đang hoạt động. “Tuy nhiên, công tác quản lý tại NH chưa chặt chẽ kèm yếu tố vụ lợi là điều kiện thuận lợi để tội phạm trong lĩnh vực NH phát triển”, bà Lan nói và cho rằng nổi lên thực tế lãnh đạo, cán bộ, công chức NH lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái gây thiệt hại cho NH.

“Điển hình là vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho NH TMCP Xây dựng VN (VNCB) 9.000 tỉ đồng; vụ nguyên Giám đốc NH NN-PTNT VN – Agribank chi nhánh 7 do Phạm Văn Cử và đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại cho NH hơn 600 tỉ đồng; vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm thực hiện gây thiệt hại 966 tỉ đồng cho Agribank chi nhánh 6…”, bà Lan dẫn chứng.

Theo bà Lan, hành vi lãnh đạo NH quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém, cấu kết với đối tượng ngoài ngành cũng là nguyên nhân xảy ra tội phạm. Ngoài ra, còn có một số hành vi phạm tội khác không liên quan đến cán bộ NH là các tội phạm làm giả giấy tờ, sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Không minh bạch trong tổ chức

Theo Trưởng phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.HCM) Vũ Như Hà, thủ đoạn phổ biến của đối tượng phạm tội là làm giả giấy tờ, sau đó có “quan hệ” với những cán bộ NH thoái hóa, biến chất, cấu kết từ trên xuống dưới nhằm chiếm đoạt tiền NH. “Quy định quản lý tài chính của NH còn chồng chéo, bất cập; sự minh bạch trong tổ chức NH, đặc biệt là NH thương mại không có – là nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính, NH luôn gây hậu quả nghiêm trọng. Có những vụ cán bộ NH còn chỉ dẫn khách hàng cách làm hồ sơ để rút được nhiều tiền của NH hơn và khi khách hàng phát sinh nợ xấu thì cán bộ NH hướng dẫn đảo nợ cho khách hàng bằng các phương án ảo, tài sản ảo để che nợ xấu”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho rằng: “Muốn đấu tranh tội phạm này thì NH Nhà nước phải có quy định nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo cổ phần để thao túng, lũng đoạn hoạt động NH; tránh dùng tiền NH này mua cổ phần NH khác; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của NH mà doanh nghiệp, tập đoàn có sở hữu cổ phần để tránh tình trạng rút ruột, cho vay sai”.

Phó giám đốc NH Nhà nước VN chi nhánh TP.HCM Trần Đình Cường cho hay hoạt động tín dụng NH mang lại thu nhập chính cho tổ chức tín dụng và đây cũng là quan hệ phát sinh tội phạm nhiều nhất. “Phía NH sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng, hệ thống NH nhằm lành mạnh hóa hoạt động NH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; tăng cường biện pháp giáo dục, bố trí nhân sự ở vị trí trọng yếu tại các NH để hạn chế hành vi vi phạm và tội phạm; rà soát các quy định còn lỏng lẻo để có kiến nghị thay đổi phù hợp”, ông Cường nói.

Phan Thương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here