Đằng sau sự hào nhoáng của một quốc gia hàng đầu về công nghệ và văn hoá K-Pop, một góc khuất khác của Nam Hàn đó là chống chọi với nạn tự tử khi mà cứ mỗi 33 phút lại có một người tự kết liễu sinh mạng của mình. Những đám ma giả ở Nam Hàn là một cách để con người được ‘tái sinh’, được giải phóng khỏi áp lực và căng thẳng.
Một quốc gia đang phải chống chọi với tỷ lệ tự tử thuộc loại cao nhất thế giới
Xã hội Nam Hàn hiện đại đã tạo ra rất nhiều áp lực cho cuộc sống con người, áp lực từ học tập, thi cử cho đến việc làm, kết hôn; áp lực phải theo kịp người khác và thành công trong cuộc sống. Và ngày càng nhiều người cảm thấy rõ những áp lực này hiện hữu trong cuộc sống của họ.
Theo một chuyên gia về tâm thần học tại Đại học Seoul và cũng là thành viên trong Trung tâm ngăn chặn tự sát ở Nam Hàn, tự sát tập thể khá phổ biến ở nước này và có xu hướng tăng cao. Tỷ lệ này tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và tiếp tục tăng sau đó.
Được biết ở Nam Hàn, cứ mỗi 33 phút lại có một vụ tự tử. Rất nhiều vụ tự tử trong giới sinh viên, ca sĩ, người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng, trong đó có cả vụ tự sát của cựu tổng thống Roh Moo-hyun năm 2009.
Đây là một vấn nạn mà chính phủ nước này đang phải ra sức ngăn chặn.
Kết nối xã hội sẽ giúp giải quyết nạn tự tử
Hội nghị thượng đỉnh Quốc gia về vấn đề ngăn chặn nạn tự tử, một sự kiện do Lifeline Australia tổ chức, đã diễn ra ở Sydney, nhằm thảo luận về những cách thức mới giúp giải quyết vấn nạn tự tử và làm cách nào giúp con người vượt qua khủng hoảng.
Tại các ga tàu điện ngầm ở Seoul, người ta phải dựng hàng rào để ngăn người nhảy xuống lúc tàu đến. Nhạc sống được chơi trong tàu điện ngầm để giúp xua tan mệt mỏi cho nhân viên sau giờ làm. Tám cây cầu trong thành phố đều được lắp đặt hệ thống camera nhằm phát hiện người có ý tự sát, và tại các máy bán hàng tự động, chỉ cần bỏ vào 50 xu, người ta có thể nhận được một thông điệp hi vọng hoặc lời khuyên khi cần.
“Văn hoá tôn trọng cuộc sống của nhau đã khiến cho con người ta phải chịu đựng những tổn thương nặng nề,” Hong Jin Pyo từ Trung tâm ngăn chặn tự sát ở Nam Hàn nói.
“Trước đây mọi người có gia đình, họ hàng và bạn bè để lắng nghe và chia sẻ cảm xúc cũng như hỗ trợ nếu cần. Nhưng ngày nay văn hoá đó đã không còn, người ta ngày càng sống độc lập hơn.”
‘Tự chết’ để được ‘tái sinh’
Một chương trình của SBS Dateline đã tìm hiểu một trong những cách khá đặc biệt đối phó với nạn tự tử ở Nam Hàn đó là tổ chức đám ma giả cho chính mình, một buổi nghi thức kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ với bầu không khí tang tóc giống hệt một đám ma thật.
Chi phí cho dịch vụ này là $40/giờ, trong đó có khoảng nửa giờ nằm trong quan tài. Sau thời gian nằm trong cỗ quan tài đóng kín, người tham gia sẽ có cảm giác như được tái sinh, và hi vọng và một cuộc đời mới tươi đẹp hơn. Đồng thời đối diện với cái chết sẽ giúp người ta nhận ra rằng cuộc sống này đáng giá như thế nào.
“Người Nam Hàn đang sống trong một xã hội cạnh tranh hết sức khốc liệt. Mọi thứ đều quy đổi ra tiền, và chính điều đó đang vắt kiệt sức lực của chúng tôi,” một nhân viên bán bảo hiểm tên Beon Sung Hun nói.
Ông Beon Sung Hun đã tham gia dịch vụ này cùng với những người khác. Tất cả đều chưa đến 40 tuổi, và họ hi vọng sau khi ‘tái sinh’ họ được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
“Tôi đã khóc rất nhiều,” ông Beon nói sau đó.
Ông đã đổ lỗi cho cha mình, vì đã quá ham mê công việc và không gần gũi gia đình, nhưng rồi chính ông Beon lại cũng đi theo vết xe của cha và cuối cùng đã phải đi đến một giải pháp là đám ma giả cho chính ông hôm nay.
“Tôi nhận ra rằng… những gì cha tôi làm không phải cho ông ấy. Giờ tôi đã hiểu ông hi sinh vì chúng tôi như thế nào. Tôi đã biết thông cảm cho ông,” ông Beon nói.
Những người trẻ phải chịu áp lực do sức cạnh tranh trong công việc, những người khác cho rằng cuộc sống quá bận rộn khiến họ không còn đủ thời gian chăm sóc cha mẹ già.
Nhưng thực ra nhóm người có nguy cơ vướng vào chuyện tự tử cao nhất lại là nhóm người trên 65 tuổi, một nửa trong số đó phải sống trong cảnh nghèo khó.
Chết để tìm lại những ký ức hạnh phúc
Một sinh viên Hàn Quốc ở Sydney tên Christine Heiyeon Myung đã kể lại cho SBS Dateline trải nghiệm khi cô làm đám ma giả và những gì cô học được qua đó.
“Đầu tiên, đây không phải là thấy cuộc sống sau chết. Đối với tôi, làm đám ma giả là thử nghiệm một cái gì mới. Để thấy tôi có thể học được gì sau đó.
“ Trước khi chuyển đến Sydney để học tập, tôi đã lên một danh sách những thứ tôi luôn muốn làm. Tôi bắt đầu viết blog, cắt tóc hiến tặng cho những trẻ em bị ung thư, và thậm chí tự đi du lịch. Làm đám ma giả cũng là một trong những điều nằm trong danh sách này.”
Christine làm đám ma cho mình vào một ngày cuối tháng Một.
Tham gia cùng với cô ngày hôm đó có tổng cộng 7 người. Ngoài Christine còn có một sinh viên vừa đậu kỳ thi tuyển sinh vào đại học, một sinh viên vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, một bà mẹ đơn thân đang chịu nhiều buồn phiền áp lực, một người đàn ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và một cặp vợ chồng mới cưới.
Mỗi người đều có một câu chuyện mang đến chương trình. Một số câu chuyện thực sự rất buồn.
Trước khi buổi nghi thức bắt đầu, những người tham gia phải ký giấy cam kết, vì có những người bị vấn đề sức khoẻ, chẳng hạn chứng sợ bị giam giữ, khi đó có thể gây ra rắc rối nếu phải nằm trong quan tài.
Sức khỏe là vàng (51) Cái chết của Kyle Huỳnh và nạn tự tử trong thanh thiếu niên gốc Việt
Một số thanh thiếu niên gốc Việt chọn việc quyên sinh trong khi các em có cả một cuộc đời rộng mở phía trước, BS Phan Đình Hiệp ở Melbourne tin rằng cha mẹ và cộng đồng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề sức khỏe tâm thần và nạn tự tử trong thanh thiếu niên gốc Việt bởi điều “cha mẹ muốn chưa chắc là thứ mà con cái muốn”.
Christine kể:
“Trong suốt 50 phút đầu tiên, chúng tôi dành thời gian nhìn lại cuộc sống trước đây. Chúng tôi viết về những người chúng tôi quan tâm, và những sự kiện quan trọng trong cuộc đời.
“Sau đó người hướng dẫn cho chúng tôi 40 phút để viết di chúc hoặc viết những lá thư tuyệt mệnh cho những người chúng tôi yêu thương.”
Christine đã viết một lá thư ngắn cho gia đình và nói với cha mẹ rằng ước gì kể từ giờ họ được sống một cuộc đời đúng nghĩa cho họ, vì họ luôn phải làm ‘những bậc cha mẹ tốt’. Cô cũng đã nhờ chị gái chăm sóc cha mẹ.
“Chúng tôi được mặc áo liệm và bước ra ngoài đi vào một khu rừng. Khi tôi đi theo thiên sứ của thần chết, tôi cảm giác tôi đã thực sự chết rồi. Tôi nghĩ về cuộc đời mình một lần nữa và tưởng tượng cuộc sống sau khi chết sẽ như thế nào.
“Tôi đã nhận ra rằng thật dễ bỏ lại mọi thứ khi đối diện với cái chết.
“Chúng tôi bước vào một căn phòng tối, nơi các quan tài đã sẵn sàng. Bên cạnh ánh đèn cầy, từng người một đọc to lá thư tuyệt mệnh của họ. Ai cũng khóc khi đọc những lời lẽ do mình tự viết. Đó là phần cảm xúc nhất của buổi lễ.
“Tuy nhiên, điều thú vị là khi ngồi cạnh quan tài và sẵn sàng nằm vào đó, tất cả chúng tôi đều trở nên rất bình tĩnh.”
Khi đến thời điểm phải vào quan tài, người hướng dẫn và trợ lý cột tay chân và bịt mắt những người tham gia lại, và đóng nắp quan tài lại khi họ đã sẵn sàng.
“Nhưng thật ra, khi nằm trong đó, chỉ có những ký ức tươi vui với những người tôi yêu chạy qua trong tâm trí. Đó là khoảng khắc mà tôi chợt nhận ra cuộc sống tôi đầy tình yêu và hạnh phúc.
“Trong quan tài rất tối, lạnh lẽo và im lặng. Vài phút đầu, tôi hơi hoảng sợ vì không nhúc nhích được gì, nhưng khi thời gian trôi qua, tôi trở nên thoải mái hơn, và đã có thể tập trung vào bản thân.
“Trước khi tham gia chương trình này, tôi đã cho rằng khi nằm trong quan tài sẽ rất buồn, sẽ hối tiếc về cuộc sống đã qua và sẽ khóc rất nhiều khi nghĩ về cha mẹ và bạn bè.
“Nhưng thật ra, khi nằm trong đó, chỉ có những ký ức tươi vui với những người tôi yêu chạy qua trong tâm trí. Đó là khoảng khắc mà tôi chợt nhận ra cuộc sống tôi đầy tình yêu và hạnh phúc.
“Chương trình này đã giúp tôi tập trung vào điều quý giá nhất trong cuộc đời tôi: những người tôi yêu quý.
“Điều tôi học được từ trải nghiệm này là mỗi người đều có những vấn đề khó khăn hay rắc rối, nhưng đồng thời ai cũng có một ai đó để quan tâm và được quan tâm rất nhiều.
“Có thể đó là lý do mà mọi người đều viết về gia đình và những người họ yêu thương trong bức thư tuyệt mệnh, chứ không phải những thành công hay thất bại.
“Tôi sẽ không bao giờ biết được người khác nghĩ gì qua đám ma giả này, nhưng tôi thấy tất cả đều mỉm cười sau đó, có thể họ cũng giống như tôi, cũng đã nghĩ đến những người mà họ yêu thương trong cuộc đời.”
Hỗ trợ
Nếu bạn cảm thấy mình có dấu hiệu trầm cảm, hãy tìm đến các chuyên viên để nhận được sự hỗ trợ và lời khuyên đúng đắn, những số điện thoại sau hoạt động liên tục 24 tiếng mỗi ngày:
- Lifeline: 13 11 14
- Suicide Call Back Service: 1300 659 467
- BeyondBlue: 1300 22 4636
- MensLine Australia: 1300 78 99 78
- Kids Helpline: 1800 55 1800
Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/Vietnamese
Du học ở Úc (142) Trầm cảm, nên nói chuyện với ai?
Chia sẻ của một nữ du học sinh đã trải qua cơn trầm cảm kéo dài khi du học, đồng thời tìm hiểu những dịch vụ hỗ trợ nếu rơi vào tình trạng này khi ở Úc.
Các nhà nghiên cứu tìm kiếm nguyên nhân di truyền của bệnh trầm cảm
Các nhà nghiên cứu đã phát động điều mà họ hy vọng sẽ là một cuộc nghiên cứu lớn nhất trên thế giới thuộc loại nầy, để tìm hiểu về những lý do di truyền gây ra bệnh trầm cảm.
‘Tỉ lệ tự tử ở giới trẻ đòi hỏi cần có hành động khẩn cấp’
Tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong giới trẻ Úc nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, các chuyên gia cho biết.