TÍNH TRAO QUYỀN, BÌNH ĐẲNG DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI BẢN ĐỊA CANADA 

0
86
Research Is Ceremony: Indigenous Research Methods

Linh Nguyen

Mình vừa đọc xong một quyển sách cho lớp nghiên cứu của mình và thấy hay quá, nên viết vài dòng chia sẻ với mọi người. 

Quyển sách tên là “Research is Ceremony” của một nhà nghiên cứu người bản địa ở Canada Shawn Wilson. Tự dưng đọc xong mà cảm thấy những gì mình cố gắng tìm kiếm bấy lâu nay có thể được diễn đạt rất trọn vẹn trong quyển sách này. 

Wilson đặt lại câu hỏi về toàn bộ tiến trình nghiên cứu, nhất là mảng khoa học xã hội, khi trước giờ hệ thống quy chuẩn nghiên cứu đều được phát triển bởi nhóm người da trắng. Liệu có nhất thiết phải theo quy chuẩn đó không? Liệu đó có phải là cách nghiên cứu nên được thực hiện hay không, khi nền tảng của hệ thống quy chuẩn đó, được thiết lập dần dần từ cái thời mà những định kiến giới và sắc tộc rất nặng nề. Nếu vậy thì nghiên cứu khoa học có đảm bảo tính bao trùm nhất hay chưa? Và chẳng lẽ, nghiên cứu khoa học phải theo cách người da trắng thì mới được cho là hay, mới được ghi nhận?

1. Kiến thức không thuộc về cá nhân ai, nó là tài sản chung của nhân loại.

Theo Wilson, dưới lăng kính của người bản địa, kiến thức không phải là thứ để sở hữu. Điều bạn “discover” ra có tính là thuộc về sở hữu của bạn không? Như oxy hay châu Mỹ thì vẫn luôn tồn tại dù con người có biết đến hay không. Chỉ vì bạn là người đầu tiên nhận ra sự tồn tại của nó thì cùng lắm bạn cũng chỉ là người đầu tiên ghi chép lại việc này, đặt cho nó 1 cái tên, chứ không có nghĩa bạn tạo ra nó. Người bản địa cho rằng tri thức được tạo nên bởi tập thể, chứ không thuộc sở hữu của cá nhân ai. Những kiến thức truyền đời lại cho con cháu cũng là những cuộc thí nghiệm thử sai của rất nhiều thế hệ đi trước mà ta thậm chí không thể gọi tên chính xác ai là người nghĩ ra chúng, nhưng có một thực tế là cứ qua mỗi thế hệ thì kiến thức này được phát triển, được trau chuốt thêm. 

Cá nhân mình thì nghĩ là nếu nó là thứ bạn tự “phát minh” ra thì nó vẫn là thuộc sở hữu của bạn, nhưng quả là khó để nói rằng bạn có quyền sở hữu nó hoàn toàn bởi vì bạn vẫn phải dựa trên những cái đã có trước đó. Cái bạn làm chỉ là mở rộng sự kết nối của tri thức mà thôi.

2. Các mối quan hệ chính là tri thức. 

Mọi thứ chỉ trở nên có ý nghĩa khi chúng ta có kết nối với nó. Chúng ta định nghĩa cái bàn như thế nào? Một mặt phẳng để chúng ta để đồ lên? Nó có nhất thiết phải có một chiều cao nhất định? Một cái bàn uống trà thì sẽ khác một cái bàn ăn, khác một cái bàn làm việc như thế nào? Cũng có những cái bàn kỳ quặc, nó thậm chí còn không đựng được món đồ gì, chỉ được làm ra bời vì nó là ý tưởng nghệ thuật của một nghệ sĩ nào đó. Vậy thì điều gì quyết định nó là một cái bàn? Với bạn nó là cái bàn, với con mèo nó chỉ là chỗ để nằm sưởi nắng. Cái bàn là nơi ba mẹ bạn cãi vã và chửi mắng nhau, hay là nơi vợ chồng bạn có những bữa cơm tối đơn giản, đạm bạc mà hạnh phúc? Mọi thứ đều trở nên có ý nghĩa khi ta kết nối với chúng, thiết lập một mối quan hệ với chúng.

Hình: Random daily reminder on bus 38

3. Trách nhiệm nuôi dưỡng quan hệ/ Trách nhiệm tương hỗ

Chính vì mối quan hệ là thứ hiện hữu ở tất cả mọi nơi, qua lăng kính của văn hoá người bản địa, thì trách nhiệm nuôi dưỡng các mối quan hệ này là điều quan trọng nhất. Wilson gọi nó là relational accountability, mình xin phép tạm dịch là trách nhiệm nuôi dưỡng quan hệ hoặc trách nhiệm tương hỗ.

Từ đó, trong văn hoá người bản địa ở Canada hay Úc, họ đặt sự tôn trọng lên trên hết trong mọi mối quan hệ. Việc sinh tồn làm sao để không tàn phá thiên nhiên là cách họ thể hiện sự tôn trọng mối quan hệ của họ với vạn vật. Tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ, tư duy của mỗi người đó là để nuôi dưỡng mối quan hệ hài hoà trong cộng đồng. 

Đột nhiên mình có một suy nghĩ bên lề là văn hoá của cộng đồng người bản địa là một sự giao thoa hài hoà giữa chủ nghĩa cá nhân (individualism) của phương Tây và chủ nghĩa tập thể (collectivism) của châu Á. Một cái chung được hình thành bởi vì cái riêng của mỗi cá thể. 

Cá nhân mình thấy chủ nghĩa cá nhân của phương Tây và chủ nghĩa tập thể phương Đông thậm chí còn có nhiều nét tương đồng hơn so với văn hoá người bản địa. Đặc biệt là về khía cạnh chế độ gia trưởng hiện hữu mạnh mẽ ở cả hai nền văn hoá này, dẫn đến tư duy đánh giá theo cấp bậc, nhị nguyên, mạnh hoặc yếu, thắng hoặc thua, hay âm hoặc dương. Cộng đồng người bản địa có lẽ vốn không bận tâm đến chuyện thắng thua, bản chất của họ là hiền hoà. Nên cái tư duy “thắng làm vua, thua làm giặc” không tồn tại trong suy nghĩ của họ. Sự đàn áp của nhóm người thực dân phương Tây không phải là nỗi xấu hổ, hay ô nhục gì mà ngược lại là sự ô nhục của chính những người da trắng này khi họ đem đến sự đau thương cho những tộc người bản địa lành tính, chan hoà, tin người. Tại sao nạn nhân phải cảm thấy xấu hổ, hay phải chấp nhận số phận, trong khi đáng lý ra kẻ làm tổn thương họ mới phải hổ thẹn vì hành vi của mình? Lịch sử không bao giờ bị chôn vùi hoàn toàn, hay bị thay thế bởi kẻ “chiến thắng”. Đến bây giờ Canada vẫn đang nỗ lực hoàn trả lại sự thật lịch sử này, cố gắng bù đắp lại những thương tổn mà thế hệ người khai phá phương Tây đầu tiên đã gây ra.

4. Tôn trọng sự khác biệt và tính trao quyền

Chính vì tôn trọng mỗi cá nhân, như một cá thể độc lập và không áp đặt suy nghĩ hay phát xét lên nhau, người bản địa rất tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Vì vậy mỗi khi những người trẻ tuổi tìm kiếm lời khuyên từ những bậc trưởng lão (the Elders), thì những bậc trưởng lão sẽ không đưa ra lời khuyên trực tiếp mà sẽ kể lại những câu chuyện, về ông bà, tổ tiên đã làm gì khi ở trong những hoàn cảnh tương tự. Người nghe có thể tự phân tích, cân nhắc sẽ làm theo hoặc không. Những câu chuyện không bắt buộc phải là những tấm gương “sáng” mà chỉ đơn thuần là câu hỏi đặt ra đã khiến những bậc trưởng lão này gợi nhớ đến câu chuyện gì, và hi vọng câu chuyện đó sẽ chạm đến người nghe giúp họ tự đưa ra quyết định tốt nhất.

Đọc đến này thì tự dưng nhớ đến bạn nhà của mình. Hắn là người luôn trao quyền cho khách hàng, cho người học mỗi khi có buổi tư vấn hay workshop. Hôm qua đọc xong, mình phải quay sang hỏi ngay luôn:

– Tại sao các buổi tư vấn và workshop của chồng lại có tính trao quyền như thế?

– À… tại vì ngày xưa chồng có dịp được học với những người họ tôn trọng sự độc lập, tính cá nhân của chồng. Bản thân chồng cũng không thích phải làm theo ý sai bảo của người khác.

– Nhưng mà vẫn có những người dù không thích nghe người khác sai bảo mình nhưng lại thích đi sai bảo người khác mà?

– Ừ, nhưng mà chồng chỉ nghĩ là mình không thích người ta sai bảo, ép buộc mình thì mình cũng không nên làm thế với người khác. 

Sau đó hắn cúp đuôi đi nấu ăn. Mình ngồi nghĩ một lúc thì thấy những thực hành của cộng đồng người bản địa kia nó không phải là thứ gì xa lạ, mà nó là những mong cầu thuần tuý, nhân bản nhất của con người. Chồng mình, dù ở một nơi xa cả trăm ngàn cây số, chưa từng tiếp xúc với bất kỳ người bản địa ở Canada hay Úc nào, mà cũng có thể tự hiểu được, sự tôn trọng, sự độc lập, phẩm giá của mỗi cá nhân quan trọng đến nhường nào. Nó là sự trong lành thuần khiết, bên trong mỗi con người. Khi bạn có được sự tốt đẹp, thánh thiện, yêu thương ở bên trong, bạn cũng sẽ mong cầu những điều đó cho những người xung quanh.

5. Dùng đối thoại để hoà giải và tạo sự kết nối. 

Quyển sách nói rất nhiều về việc sự dụng vòng tròn, cụ thể là Wilson dùng từ “talking circles” để tất cả các bên lắng nghe nhau và cả tập thể sẽ cùng hỗ trợ bù đắp cho bên bị thiệt hại và giúp bên gây hại không có thêm những hành vi gây tổn thương. Tách biệt hành vi và con người gây ra hành vi bảo vệ được sự tự trọng cho mỗi cá nhân và giúp họ thay đổi hành vi một cách hiệu quả hơn. 

Đọc đến đoạn này mình vui không thể tả. Vì vòng tròn là thứ mình quan tâm, nghiên cứu, thực hành gần 3 năm nay. Ở bên Canada này, mọi người không nói nhiều về vòng tròn nữa. Một phần là vì nó quá quen thuộc, và phần nhiều nó vẫn chỉ là cách gọi tên, mục đích thực sự, cái đích đến cuối cùng là một không gian an toàn, tôn trọng, mà ở đó mọi người được là chính mình, và được yêu thương vô điều kiện. Không nhất thiết phải ba người trở lên mới là một vòng tròn. Một sự kết nối trọn vẹn ấy cũng có thể diễn ra giữa hai người, như giữa hai vợ chồng, và cũng có thể diễn ra ở những cuộc tự vấn, những lần phản tư trong mỗi cá nhân. 

6. Kiến thức là để sẻ chia, chỉ có sẻ chia nó mới ngày càng được phát triển

Trước khi viết những dòng này, mình đã nghĩ đến chuyện vì sao mình lại hay chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình với mọi người. Không phải là vì muốn danh tiếng, hay tiền tài gì cho bản thân (Bài dài và nội dung lạ lẫm như này thì chắc không nhiều người đọc). Mình viết cũng không trau chuốt, mà chỉ viết những gì mình nghĩ. Thế là mình nhận ra, mình chỉ muốn tạo một sự kết nối (make a connection). Mỗi cái like hay mỗi comment của mọi người, không phải là sự xác tín về mức độ ảnh hưởng, mà là một sự kết nối đã được thiết lập. Hẳn bạn phải thích, phải hiểu, phải quan tâm ở một mức độ nhất định thì bạn mới tương tác với bài viết này mà đúng không? 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here