TÌNH GIÀ

0
84
Photo by Hoang Hai

Xuân Sơn Võ

Năm 1965, nhà tôi lên Phú Thọ. Ba tôi đã lên trước, mua một ngôi nhà ở phố Cao Du, ngay bên bờ sông Hồng, đối diện với nhà máy nước Phú Thọ. Cạnh nhà tôi là nhà của ông bà Phó, có một giàn trầu không lớn, xanh rì, che hết khoảng sân rộng, và một cây quất hồng bì sum suê.

Thực ra thì cả nhà chúng tôi chỉ ở trong căn nhà đó được có vài giờ. Ngay đêm đầu tiên khi chúng tôi vào ở căn nhà đó, Mỹ ném bom nhà máy nước. Chúng tôi bị bắt buộc phải đi sơ tán. Khi tôi trở về, căn nhà đó chỉ còn là một hố bom, với cái bể nước trước sân bị bể, còn sót lại mấy con cá vàng, hậu duệ của những con cá vàng mà ba tôi mang từ Hà Nội lên, mà chúng tôi đã kịp thả vào bể trước khi đi sơ tán.

Không biết ba mẹ tôi quen ông bà Phó từ khi nào, mà khoảng năm 1966, khi chiến tranh trở nên ác liệt hơn, gia đình tôi phải chia ra làm ba nhóm. Tôi theo ba về cơ quan của ba, khi ấy ở xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh. Em kế tôi theo mẹ ở nhờ nhà dân nơi cơ quan mẹ tôi đóng đô, ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao. Còn em út tôi lúc đó được gởi cho ông bà Phó chăm sóc ở nơi ông bà sơ tán thuộc xã Lập Thạch, cách ngôi nhà của ông bà vài cây số. Vì thế, ông bà đã trở thành người thân thiết của gia đình tôi. Tôi không biết tên thật của ông bà, hay tên con trưởng của ông bà là gì, chỉ biết gọi là ông bà Phó.

Sau khi chiến tranh đã chấm dứt trên miền Bắc, vì lí do đặc biệt mà gia đình tôi đã ở lại Phú Thọ mà không về Hà Nội. Trong khi đó, các con của ông bà Phó lại sống ở xa. Nên mối liên hệ giữa gia đình tôi và ông bà Phó khá mật thiết. Ông bà thường đến nhà tôi chơi, có khi ăn cơm và ngủ trưa lại.

 

Một hôm, tôi nghe lỏm được câu chuyện của ông Phó với ba tôi. Thực ra thì do ông bị điếc, nên dù tâm sự “kín đáo”, nhưng vẫn cứ phải nói thật to. Ông than phiền rằng gần đây bà rất khó chịu với ông, bà không cho ông “Liên Xô”, và thường né tránh và trốn khi ông muốn “Liên Xô”. Nhà ông bà ở ngay trong bãi chiếu phim Bến Đá, nên hay xem phim Liên Xô, là loại phim hay có cảnh trai gái yêu nhau, nên ông gọi chuyện đó là “Liên Xô”.

Chiếu phim thời bao cấp

Khi ấy, ba tôi mới khoảng dưới 50, còn ông bà Phó chắc cũng gần 70 tuồi. Tôi nghe ba tôi nói, rằng ba tôi cứ tưởng là đến tuổi của ông bà thì không còn cái vụ đó nữa. Ông Phó khẳng định rằng mặc dù ông đã già, nhưng cái đường huê nguyệt của ông không già.

Sau khi trở thành bác sĩ, cứ mỗi lần chạm đến đề tài tình dục ở người lớn tuổi, tôi lại nhớ đến cái câu “Tôi già nhưng cái đường huê nguyệt của tôi không già” của ông Phó. Hồi ấy, vấn đề chăm sóc sức khỏe không được chú trọng. Nhu cầu tình dục của người lớn tuổi là cái gì đó xấu xa. Người lớn tuổi mà còn ham muốn tình dục được cho là mất nết.

Cho đến tận khi vô Sài gòn, người làm y tế cao cấp nhất mà tôi biết là bác y tá tên Phong, mà ngôi nhà của bác tràn ngập các loại hoa thược dược với đủ màu sắc. Những rắc rối liên quan đến vấn đề tình dục ở người lớn tuổi một phần là do sự chăm sóc y tế chưa được chú trọng. Phần nữa là do tư tưởng Á Đông biến tướng. Lại thêm sự đóng góp của tư duy không coi trọng quyền con người.

Thực ra, quan niệm Á Đông, đặc biệt là Đông y, rất chú trọng đến khả năng hoạt động tình dục. Nhưng có lẽ do điều kiện xã hội thời phong kiến, chỉ một nhóm nhỏ giới “elite” là có khả năng tiếp cận với những chăm sóc y tế đó. Nên khi phong trào đả thực, bài phong trỗi dậy, người ta coi việc chú trọng đến nhu cầu tình dục là hủ bại, xấu xa.

Hiện nay, những loại gel bôi trơn, dùng để hỗ trợ hoạt động tình dục cho người lớn tuổi, khi niêm mạc khô, dễ bị đau rát khi quan hệ tình dục, được phổ biến, nên các cụ bà không còn phải trốn tránh các cụ ông nữa. Nên nếu có muốn “Liên Xô”, hay thay bằng thuật ngữ gì khác sau khi Liên Xô sụp đổ, thì dù có dữ dội hơn, mạnh bạo hơn gấp bội, vẫn không cần phải trốn nhau làm gì.

Ngày lễ Valentine, các bạn trẻ thì thích va-lung-tung. Còn tôi thì lại nói chuyện về tình già

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here