1. Những ngày qua, ngập tràn facebook là ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân về dự án luật Đặc khu.
Có người phản đối, có người ủng hộ. Nhưng, tỷ lệ số phản đối dự luật, mà nói đúng hơn là phản đối điều luật về thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm, xem ra nhiều hơn.
Người hiểu biết thì phân tích, chứng minh tính không hiệu quả của các đặc khu; an ninh quốc gia nhìn từ góc độ vị trí địa lí cũng như thời hạn thuê đất…
Người ít hiểu biết hơn thì lo ngại người Trung Quốc sẽ tràn vào, gây nhiều hệ luỵ. Những 99 năm, gần 4 đời người không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Họ dẫn chứng Boxit, Fosmosa… để lo ngại.
Thậm chí có những người nói trắng ra mối lo sợ Trung Quốc sử dụng các đặc khu để làm căn cứ, từng bước thôn tính nước ta.
Tôi thấy rất mừng vì theo từng cấp độ, theo sự hiểu biết khác nhau, nhân dân đã lên tiếng về dự luật này, điều xưa nay hiếm.
Và, mừng hơn là họ lo cho vận mệnh của dân tộc, lo cho sự an nguy của quốc gia. Họ lo lắng về tương lai, lo cho con cháu chúng ta.
Nhân dân lo lắng như vậy đó. Các vị đại biểu của dân thì sao?
2. Ở một dự luật khác, sự phản đối không gay gắt, rộng rãi như Đặc khu nhưng lại quy tụ rất nhiều trí thức cùng lên tiếng- Dự luật An ninh mạng.
Nếu như với Đặc khu, nhân dân lo lắng về sự an nguy của dân tộc, thì ở dự luật An ninh mạng người ta lo về sự tụt hậu của đất nước, về quyền tự do của con người.
Ai cũng có thể trở thành tội phạm, cá nhân nào cũng có thể bị khống chế bởi những bí mật đời tư rơi vào tay “người có trách nhiệm”; cơ quan nào cũng có nguy cơ bị hành; lực lượng bảo vệ an ninh mạng có thể là “hồng vệ binh” đời mới, nếu luật được giữ nguyên thông qua như đề xuất của ông Võ Trọng Việt.
Những GS Đặng Hữu, Chu Hảo… họ lên tiếng làm gì? Họ cũng đang, đang rất lo cho vận mệnh dân tộc, có tụt hậu quá xa với nhân loại không.
Họ lo cho cháu con nước nhà bị hạn chế tiếp nhận ánh sáng văn minh, bị áp vòng “kim cô” mang tên “tội phạm”, để rồi không dám mở miệng – điều mà Cụ Hồ giải thích rất giản dị về dân chủ.
Họ lo tương lai đất nước sẽ về đâu, khi nội dung các điều luật ít bảo vệ dân nhưng lại có nhiều điều doạ dân.
Tiếng dân đấy!
Nhưng tiếng dân có được lắng nghe không? Chắc là không ai nghe đâu, vì một số báo đăng những ý kiến tâm huyết này đã bị gỡ bài. Làm luật gì kỳ vậy. Lẽ ra phải kêu gọi người dân phản biện để luật tốt hơn, thiết thực hơn, thì người ta lại gỡ bài.
Tiếng dân đấy!
Liệu còn ai lắng nghe?