Cô cho biết bài viết đó không phải là một bài thơ hay bài hát, mà là những ghi nhận ý của cô về tình thương yêu mọi người, lòng yêu nước thương dân, tinh thần đoàn kết, và hy sinh cho những cái tốt đẹp. Bài viết diễn tả ý tưởng đơn giản nhưng chứa chan tình người sâu đậm. Tôi mạo muội viết lại bài viết của cô Khoái Văn Nghệ thành một bài thơ với tựa đề “Thương Việt Nam.” Tôi cố giữ những nét chính trong ý cô, và dùng nguyên văn nhiều nhóm chữ trong bài viết của cô. Vì không biết liên lạc cô Khoái Văn Nghệ bằng cách nào, tôi xin đăng bài thơ này. Tôi mong cô Khoái Văn Nghệ chấp thuận.
Sau khi viết xong bài thơ, tôi phải đi xa một thời gian, và có dịp đi đến những vùng núi xa xôi, ngắm nhìn những thác nước hùng vĩ, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách của những con sông rạch nên thơ, và ngửi mùi thơm của đủ loài hoa lá cây cỏ. Cảnh tượng thiên nhiên thanh bình khiến tôi miên man nghĩ đến bài thơ và ý nghĩa của tình thương Việt Nam, nhất là ý nghĩa chữ “thương” trong ngôn ngữ Việt.
Tôi sẽ không đi sâu vào việc so sánh giữa những từ ngữ về tình cảm tốt đẹp dành cho người hoặc vật, như “thương,” “yêu,” “mê,” “mến,” và sẽ chỉ chú trọng vào ý nghĩa của “thương” trong nội dung bải viết của cô Khoái Văn Nghệ.
Trong ngôn ngữ Việt, “thương” có ý nghĩa đậm đà và sâu sắc. “Thương” có thể được dùng trong hầu hết mọi trường hợp về tình cảm tốt đẹp dành cho một đối tượng nào đó. Đối tượng của “thương” có thể là con cái, cha mẹ, người tình, họ hàng, bạn bè, tổ quốc, thiên nhiên, súc vật, kỷ niệm, ký ức, mơ ước, v.v. “Thương” bao hàm một tình cảm nồng nàn, nhẹ nhàng, và có chút gì cao thượng, không ích kỷ. Cường độ của “thương” trải từ êm ái, nhẹ nhàng, vừa phải, đến bao la, mạnh mẽ. Khi dùng với từ ngữ khác, “thương” có thể áp dụng cho nhiều tình cảm khác biệt. Thí dụ, “thương hại” là cảm giác buồn và xúc động về nỗi bất hạnh của người khác; “thương xót” là cảm giác xót xa về những nghịch cảnh hoặc tàn phá của người hoặc vật nào đó; “thương tiếc” hoặc “tiếc thương” là cảm giác ngậm ngùi, quyến luyến, nhớ nhung về người nào hoặc việc gì, thường là trong quá khứ, hoặc tiếc nuối về những gì cao quý đã từng hiện hữu nhưng đã suy đồi hoặc không còn nữa.
Với nhiều khía cạnh và mức độ tinh tế của tình cảm tốt đẹp này, chữ “thương” là chữ tuyệt diệu trong ngôn ngữ Việt. “Thương Việt Nam,” do đó là một nhóm chữ rất có ý nghĩa trong niề̉m thương yêu đất nước và người dân Việt Nam. Tôi nghĩ cô Khoái Văn Nghệ đã lựa chọn một đề tài có ý nghĩa sâu sắc.
Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng bài thơ “Thương Việt Nam” theo ý cô chưa được đầy đủ. Bài thơ đó diễn tả mối tình thương yêu nước Việt Nam và người dân, nhưng không diễn tả những khía cạnh liên hệ như lý do cho tình thương yêu đó. Quan trọng hơn, tình thương yêu đó dẫn đến một sức mạnh và ý chí mạnh mẽ khi dất nước và dân tộc Việt Nam đối diện hiểm họa diệt vong. Vì vậy, tôi nảy ra ý định viết thêm hai bài thơ, cùng với bài của cô Khoái Văn Nghệ, thành ba bài I, II, và III.
Bài thơ từ cô Khoái Văn Nghệ là bài “Thương Việt Nam II” (“Thương Việt Nam”).
Bài thơ “Thương Việt Nam I” (“Một Thời Liệt Oanh”) diễn tả những hình ảnh hoặc lý do cho tình thương Việt Nam. Bài thơ “Thương Việt Nam III” (“Lấy Lại Đất Mẹ Thiêng”) biểu lộ ý chí người dân bảo vệ non sông, tiêu diệt những kẻ hại nước hại dân.
Tôi không rõ ba bài thơ “Thương Việt Nam I, II, III” này có phản ảnh ý tưởng của cô Khoái Văn Nghệ hay không, nhưng tôi nghĩ cả ba bài phản ảnh ý tưởng của nhiều người có lòng nghĩ đến Việt Nam. Mong rằng tôi nghĩ không sai.
Thương Việt Nam I
(Một Thời Liệt Oanh)
Lê chân đường đất trải dài
Cụ bà gánh nặng hai vai lưng còng
Vỉa hè xe đẩy bán rong
Em rao chị hát tủi lòng trẻ thơ
Miền Trung cá chết tràn bờ
Biển đen chất độc thải dơ ngập đầy
Sách đèn đốt tuổi thơ ngây
Qua sông vượt sóng đu dây đến trường
Bát nhang tức tưởi nén hương
Vết khâu quanh cổ vấn vương oan hồn
Xác người bó chiếu đem chôn
Vắt ngang xe chở sống khôn chết nghèo
Lấy chồng xứ lạ liều theo
Đài loan Hàn quốc cánh bèo trôi sông
Gái trai xuất khẩu lao công
Tha hương cầu thực từng đồng chắt chiu
Dân oan phần số hẩm hiu
Tà quyền cướp bóc tiêu điều lất lây
Tượng đài dự án cất xây
Đàn sâu đục khoét một bầy béo no
Giam cầm dân chủ tự do
Luật rừng tòa án giở trò mị dân
Nhóm cầm quyền, lũ bất nhân
Gian tham lừa đảo ngu đần ngây ngô
Đánh dân quen thói côn đồ
Ươn hèn khúm núm tung hô giặc Tàu
Mặc cho mối nhục niềm đau
Chia phe đấu đá cắn nhau tranh giành
Than ôi vận nước mong manh
Đẩy đưa thời thế tan tành quốc gia
Con người thần phục quỷ ma
Làm sao dân Việt lại ra nỗi này?
Để cho lũ quỷ đọa đày
Để cho đất mẹ mỗi ngày tả tơi
Tiếc thương hùng sử xa vời
Tiếc thương dân tộc một thời liệt oanh.
Thương Việt Nam II
(Thương Việt Nam)
Này bạn hỡi chúng ta dân Việt
Hãy thương nhau xây đắp thắm tươi
Cả ba miền chan chứa tình người
Bắc Trung Nam ấm no sung sướng
Hãy cùng nhau đắp xây thịnh vượng
Phất cờ vàng ngạo nghễ khắp nơi
Những ngôi sao dân Việt sáng ngời
Đưa nước nhà hùng cường hạnh phúc
Thà chết vinh còn hơn sống nhục
Nước điêu tàn sao nỡ quay đi
Chạy đua theo ảo vọng làm gì?
Để ích kỷ háo danh hủy diệt
Hãy chọn làm anh thư tuấn kiệt
Sống oai hùng chiến sĩ hiên ngang
Sá gì đàn hung ác sài lang
Hãy đồng tâm bước đi hùng tráng
Đường chông gai nhưng lòng tươi sáng
Tổ quốc ơi, xin hiến xác thân
Mang trách nhiệm bổn phận công dân
Giữ danh dự cha ông linh hiển
Hãy tiến lên làm người lương thiện
Diệt kẻ gian nô lệ ngoại bang
Đem tự do dân chủ vẻ vang
Người Việt thương sống chân thiện mỹ.
Thương Việt Nam III
(Lấy Lại Đất Mẹ Thiêng)
Đoàn người đi, kiên trì rảo bước
Tà quyền sao cản được ý dân?
Trời trao kiếm lệnh xuất quân
Vùng lên diệt lũ bất nhân côn đồ
Năm mươi người con, đến từ đồng bằng trùng dương.
Bác ngư dân gác lưới chài,
nặng lòng quý mến biển cả môi trường.
Bà mẹ hiền rời bếp nhà,
trĩu nỗi lo âu con cháu trẻ thơ.
Năm mươi người con đi theo lời hiệu triệu văng vẳng từ thành Văn Lang.
Trống Mê Linh dồn dập, sóng Bạch Đằng kêu gào,
nước mênh mông, khắp biển sông, ngập ruộng đồng.
Mài gươm bén, đẽo búa rìu, trèo núi băng rừng, qua phố xuyên phường.
Ghé thành Hoa Lư, dừng điện Diên Hồng,
thắp nhang bàn thờ, lạy tổ tiên cha ông nguyện một lòng hy sinh cho đất mẹ.
Rẽ bến Chương Dương, vượt đèo Tam Điệp,
chỉ mặt đám nô tì giặc Tàu, tháo xiềng xích tù nhân, truy nã đàn quỷ ma.
Tiếng bom Sa Điện sấm sét nổ tung, gióng chuông Yên Bái kêu hồn tử sĩ.
Tiến lên, nét mặt rạng rỡ, nụ cười trên môi, ôi đàn con oai hùng!
Tình thương yêu chất ngất lên cao
Lòng hy sinh sôi sục dạt dào
Bừng lên ngọn lửa nung thanh kiếm
Chém lũ quỷ ma, chí khí hào
Năm mươi người con, rời bỏ phố phường rừng núi.
Chàng thư sinh xếp bút nghiên,
đậm tình thương yêu văn chương sách vở.
Cô công nhân vất đồng phục,
vững tin kính trọng tự do nhân quyền.
Năm mươi người con lắng nghe lời hịch từ chín tầng xuống đất Lam Sơn.
Khí Chi Lăng tỏa lạnh, voi Phú Xuân rống to,
rừng rú vang, rền thôn làng, khắp núi ngàn.
Vuốt tên nhọn, uốn cung cong, lội suối vượt đèo, rảo đường trải lộ.
Đến thành Thăng Long, qua bến Bình Than,
trích máu tuyên thệ, chiến đấu bên nhau đến hơi thở cuối cùng bảo vệ quê cha.
Vòng cửa Hàm Tử, công đồn Ngọc Hồi,
điểm tên lũ côn đồ hung ác, gỡ gông cùm nạn nhân, xua đuổi bầy đạo tặc.
Hùm thiêng Yên Thế tiếng gầm dội vang, đốt vàm Nhật Tảo lửa bốc ngút trời.
Dấn thân, bước chân hùng tráng, hàng hàng lớp lớp, hỡi đàn con can trường!
Sơn hà đang vướng nỗi ngả nghiêng
Ta hãy đứng lên tháo xích xiềng
Dâng cao kiếm lệnh trời trao lại
Nguyện thề phục quốc đất mẹ thiêng
Một trăm chiến sĩ lấy lại đất mẹ thiêng, dẹp tan lũ cướp quỷ ma.
Nắng Sài Gòn bừng sáng, mưa Hà Nội reo hò,
hết thương đau, nắm tay nhau, bước chân mau.
August 13, 2017
California, USA