Một lần đến thăm nhà một người quen ở một xã giáp ranh với một thị trấn thuộc diện ” vùng sâu vùng xa ” miền Tây, mình được chủ nhân dẫn đi lanh quanh thăm quan ruộng đồng , sông nước . Anh có dẫn mình tới một nơi được mệnh danh là ” resort “của xứ nhà quê này. Đó là một khuôn viên rộng lớn được xây dựng rất quy củ và tinh tế với chiếc cầu bằng cây tràm dẫn ra tượng Phật cao ngất ngưỡng giữa một chiếc hồ xanh thẳm rộng mênh mông, những chiếc chòi xinh xắn được che phủ bằng dây leo và hoa dại, những con đường rải đá cuội trắng tinh … Phong cảnh thật thơ mộng hữu tình, đặc sệt chất sông nước miền Tây … Resort này là do một ” đại gia ” từ SG bỏ tiền ra xây dựng và thuê người bảo quản chăm sóc, thi thoảng chủ nhân mới về đây thư giản vào những dịp cuối tuần. Chủ nhân là người rất hào phóng, resort mở cửa miễn phí cho tất cả những ai muốn vào tham quan hoặc nghỉ ngơi, thư giãn …thậm chí còn có những bình rượu ngâm thuốc bắc và các loại động vật như rắn, dương vật dê … cho khách thưởng thức free nữa … Mình chỉ thắc mắc một điều là trong khung cảnh thơ mộng và hiện đại như vậy mà lại có hiện diện một chiếc …cầu tõm !!! Người bản xứ dẫn mình đi tham quan sau khi nghe mình thắc mắc liền trả lời : ” Đấy là chủ nhân cố tình làm như vậy để giữ lại nét cổ kính, hoang sơ của sông nước miền Tây chứ anh thấy trong ngôi nhà giữa hồ nơi để khách ngồi uống rượu đều có toilet rất sạch sẽ và hiện đại đó ! ” Rồi anh cười nói tiếp ” Miền Tây mà thiếu cầu tõm thì đâu còn miền Tây, người ta vô đây hay ra cầu ngồi không phải để giải quyết nhu cầu mà chỉ để hoài niệm về quá khứ mà thôi …”
Có thể một số bạn nhất là dân ngoài Bắc sẽ ngỡ ngàng hỏi ” Cầu tõm là gì ? ” Thưa đó là một thứ toilet lộ thiên được dựng lên bởi bốn chiếc cọc gỗ cắm trên mặt nước của ao hồ, sông rạch … miền Tây Nam bộ. Như đã nhắc ở trên , hình ảnh đồng bằng sông Cửu long được gắn liền với những ” con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi ..” ” cầu cây lắt lẻo gập ghềnh khó qua ” với những cô gái áo bà ba quấn khăn rằn cong mông chèo thuyền và …cầu tõm !!!
Hồi học trung học, trường mình cũng có cầu tõm . Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò ” nên cứ giờ ra chơi là mình lại rình chờ mấy thằng bạn ngồi vào cầu tõm là mình lượm đất liệng ào ào cho nước văng lên tung tóe ướt mông tụi nó. Một lần có thằng tên S ( tội nghiệp, nó đã chết trận bên Cambodge ) đi cầu tõm, mình ném đất hoài mà không thấy nó la oai oái và chửi thề như mọi khi. Ngạc nhiên quá, mình chạy lại gần coi có chuyện gì thì thấy nó mặt đỏ gay vì mắc cỡ , bởi bên cạnh nó chỉ cách bởi 1 tấm ni lông rách có một cô bé mặt cũng đỏ không kém , cả hai ngồi quay mặt nhìn thằng phá đám ( là mình ) trân trân . Mình cũng há hốc cả miệng ra rồi khi hiểu được sự việc liền quay đầu vừa chạy vừa bụm miệng cười rũ rượi … Sau đó thằng S. chạy vào lớp túm lấy cổ áo mình ” Đ.má, mày quăng làm ướt hết quần của tao và con nhỏ rồi, chơi gì mà kỳ thế cha nội ! ” Mà kỳ hơn nữa là sau vụ …ướt quần đó, thằng S và con nhỏ đó …yêu nhau!!!
Cái thị xã nơi nhà mình ở rất nhỏ, chắc một trong những thị xã nhỏ nhất vùng miền Tây . Bây giờ thị xã đã được nâng cấp gọi là Thành phố và bộ mặt đô thị đã được đổi thay rất nhiều so với hồi mình còn sống trước khi đi du học. Con đường chính của thị xã có tên là Đại lộ Hùng Vương rộng thênh thang với bao lane cho xe chạy và những trung tâm thương mại, ngân hàng … san sát , nơi mà một mét vuông đất giá đến 100 triệu VND không thua kém gì SG hay HN . Thế nhưng ít ai có thể hình dung được chỉ mới trong những năm 90 thôi nơi đây vẫn chỉ là con đường nhỏ đất đỏ, mỗi khi xe chạy qua là bụi bay mù mịt… Và ven theo con đường là những ao rau muống và chi chít …cầu tõm!!! Thiên hạ cứ vô tư tụt quần vào ngồi, mặt ngoảnh ra ngoài ngắm xe cộ qua lại không chút ngượng ngùng trong khi đàn cà tra nhảy lên lấp loáng đớp mồi ( tức là phân người rơi xuống ) quẫy nước sóng sánh, xao xác … Dân Nam bộ có câu ” Thứ nhất tắm sông,thứ nhì ỉa đồng ” cấm có sai bao giờ nhé ! Hãy thử tưởng tượng đi, ngồi giữa đất trời sông nước mênh mông, gió thổi lồng lộng , thư thái hít mùi hương đồng cỏ nội , chậm rãi …rặn và nghe tiếng cá quẫy tí tách, bọt nước bắn lên mát cả … mông !!!
Nhưng không phải lúc nào ” ỉa đồng ” cũng thơ mộng và khoan khoái như vậy đâu . Đôi khi ngồi bị cỏ đâm vào … chổ nhạy cảm, bất tiện cho xừ đi .
Hồi còn chiến tranh biên giới Tây Nam tụi mình được huấn luyện mỗi khi có nhu cầu, trước khi tụt quần ngồi xuống thì phải giơ tay thận trọng rà xung quanh xem có dây cài lựu đạn nào không vì đã ối người bất cẩn bị mất mạng hoặc thương vong khi …ỉa đồng rồi .
Mình còn được nghe một cô bé là giáo viên vùng Đồng Tháp Mười kể là cách đây chỉ 2-3 năm thôi khu tập thể giáo viên không có nhà vệ sinh mà phải dùng cầu tõm lộ thiên nằm trên con đường làng . Mỗi khi có nhu cầu, các cô giáo phải cúi gằm mặt xuống , lấy tờ báo lớn hay nón che mặt … Vậy mà thi thoảng học sinh đi qua vẫn phát hiện được, đứng lại vòng tay rất lễ phép ” Em chào cô ạ ! ” Cô nói những lúc đó xấu hổ đến mức chỉ muốn có lỗ nào để độn thổ xuống.
Ngoài ra, cầu tõm còn có một chức năng rất …quan trọng là … tuyên truyền chính trị !!! Các bạn sẽ ố ồ ô lên ngạc nhiên và chửi thằng cha này viết ba láp phải không ? Chả là một lần mình lâu rồi mình có nói với một anh nhà báo dạng ” cây đa, cây đề ” của một tờ báo tỉnh miền Tây : ” Báo Tỉnh mình khô khan thế ai mà đọc hả anh ? ” Ảnh cười ha hả : ” Đọc hết, đọc hết ! Cứ mỗi lần cầm báo đi cầu tõm, ngồi buồn tình sẽ lật tờ báo ra đọc , đọc từ dưới lên trên , từ số niên chiểu, nơi phát hành, ban biên tập rồi sẽ hết những tin chính trị, thời sự …” Thế đấy, hồi kham khổ báo chí ngoài chức năng tuyên truyền còn làm thêm nghề phụ là che mặt khi đi vệ sinh và … thay giấy toilet !!!
Bây giờ tất cả đã trở thành hoài niệm … Những toilet có bệ ngồi sáng loáng giá hàng trăm, hàng ngàn USD đã thay thế dần cho những cầu tõm ọp ẹp, rách nát , những con cá tra chuyên nhảy lên khỏi mặt nước tranh phân người đã được nuôi chuyên nghiệp và chế biến thành cá ba sa đông lạnh cho dân Âu Mỹ ăn …
Nhưng đôi khi ngồi trong những toilet sang trọng của những hotel đắt tiền hoặc những phi trường choáng ngợp Chicago, New York vẫn nhớ về sông nước miền Tây ấy … Và tiếng nước xả ồ ồ làm thoáng xao lòng ngỡ tiếng cá tra quẫy đớp mồi …trong những đêm trăng …