THÔNG TIN VỀ VỤ ÁN CÔ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG

0
48
Nhà báo Phạm Đoan Trang Ảnh : NS Tuấn Khanh

Luật sư Đặng Đình Mạnh

——-//——-

Sáng thứ hai, ngày 12/10/2020, luật sư Đặng Đình Mạnh đã lập thủ tục đăng ký bào chữa cho cô Phạm Thị Đoan Trang tại Cơ quan An ninh Điều tra TP.Hà Nội. Với sự ủy quyền của gia đình, trong thời gian sắp tới sẽ có thêm một số luật sư cùng đăng ký tham gia bảo vệ cho cô Đoan Trang.

Theo thông tin chính thức, thì cô bị Cơ quan ANĐT TP.Hà Nội khởi tố về tội danh thường được gọi tắt với tên gọi “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999 và điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Đây là tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia thường có sự chế tài rất nặng nề, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam kèm theo hình phạt bổ sung là chịu quản chế từ 1 – 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính. Cô bị bắt giữ vào khuya ngày 06/10/2020, tại một căn nhà tọa lạc tại quận 3, TP.HCM. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang

Cô Đoan Trang được biết là một nhà hoạt động công khai hàng đầu tại Việt Nam và là tác giả của khá nhiều đầu sách được công chúng biết đến như “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù” … và mới nhất là đồng tác giả với ông Will Nguyen về “Báo cáo Đồng Tâm” có nội dung phản ánh về vụ án Đồng Tâm theo nhãn quan chính trị của họ. Đồng thời, cô cũng là người đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế có liên quan đến các hoạt động báo chí, nhân quyền của cô. Điểm rất đáng lưu ý mang tính nguyên tắc trong các hoạt động tranh đấu của cô là ôn hòa, bất bạo động. Tuy vậy, với quan điểm hiện tại của chính quyền, thì việc viết và cho xuất bản những đầu sách kể trên của cô đã bị đánh giá là những hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước”, khiến cô bị khởi tố và bắt giữ.

Cùng với thủ tục đăng ký bào chữa, luật sư cũng đã gởi đơn kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hà Nội xem xét, cân nhắc lại về thẩm quyền điều tra khi giao cho Cơ quan ANĐT TP.Hà Nội thực hiện điều tra hình sự vụ án. Vì lẽ, cô Đoan Trang đã rời khỏi nơi thường trú tại TP.Hà Nội từ nhiều năm trước. Cô hiện sinh sống và hoạt động tại TP.HCM, đồng thời, nhiều hành vi của cô có thể đang bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự cũng được thực hiện tại TP.HCM. Do đó, căn cứ khoản 4 điều 163 Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì thẩm quyền điều tra vụ án phải thuộc về cơ quan điều tra tại TP.HCM, nơi địa bàn xảy ra hành vi.

Về việc đăng ký bào chữa của luật sư trong những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, kịch bản thông thường là cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chấp thuận để luật sư tham gia vụ án, tiếp xúc với thân chủ và tiếp cận hồ sơ khi đã kết thúc giai đoạn điều tra vụ án. 

Nhân đây, luật sư trả lời cho một số quý bạn thắc mắc về các hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội có nội dung cô Đoan Trang đang ký tên vào văn bản và cho rằng phải chăng cô ấy đã nhận tội?

Lúc này chưa thể biết nhiều về nội dung bức ảnh về cô Đoan Trang. Trong trường hợp cô ấy đã thừa nhận tội tại cơ quan điều tra, thì chúng ta tin rằng clip nhận tội sẽ sớm xuất hiện trên đài truyền hình chính thức của Nhà nước. Nhưng đến nay đã là một tuần lễ sau ngày bị bắt giữ, nhưng vẫn chưa xuất hiện thông tin “dạng” đó, thì có lẽ cô Đoan Trang đã không cho rằng mình có hành vi phạm pháp để nhận tội.

Căn cứ vào nội dung ảnh, gồm cả một thùng giấy để trên mặt bàn, cho thấy, đây có thể chỉ là ảnh cô Đoan Trang đang ký xác nhận biên bản niêm phong/hoặc mở niêm phong vật dụng bị thu giữ trong quá trình bắt giữ mà thôi. Công chúng không nên hiểu nhầm và suy đoán không có cơ sở.

Tham khảo thêm, trong một số vụ án liên quan đến các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc tuy là tội danh khác, nhưng vụ án có sự quan tâm rộng rãi của công chúng. Thì việc nhận tội của những người bị bắt giữ, nhất là ở giai đoạn của những ngày đầu bị bắt giữ là hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Vì lẽ, điều đó giúp cơ quan điều tra chứng minh việc bắt giữ và khởi tố vụ án là hoàn toàn đúng đắn. Thậm chí, chính bị can cũng đã phải tâm phục, khẩu phục qua việc thừa nhận tội.

Tuy vậy, cũng cần phân biệt việc thừa nhận tội và thừa nhận hành vi. Vì đây là hai nội dung rất khác biệt nhau, dễ bị nhầm lẫn. Nhất là đối với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Trước cáo buộc về tội danh này, nhiều người bị bắt giữ đã thẳng thắn thừa nhận các hành vi mà mình đã thực hiện, nhưng không thừa nhận tội, vì họ cho rằng mình đang thực hiện quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp quy định. 

Hà Nội, ngày 12/10/2020

Luật sư Đặng Đình Mạnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here