Thợ làm móng (nail) người Việt gặp nhiều khó khăn sau khi lệnh đóng cửa được dỡ bỏ

    0
    454
    Thợ làm móng người Việt tụ tập ở Westminster, Calif. để kêu gọi liên bang cho mở cửa tiệm làm móng vào ngày 8 tháng 6, 2020.

    Người Thông Dịch

    Translated from NBC News article Vietnamese nail salon workers, the backbone of the industry, face a triple COVID-19 toll after being left behind in reopening

    Một lực lượng lao động với gần 80% là người nhập cư, trong đó ba phần tư là người Việt, phải cầm cự với việc bị đóng cửa dài hạn, lương thấp và kỳ thị chủng tộc.

    Ann Babe, ngày 1 tháng 9, 2020

    Vừa đặt chân đến San Rafael, California năm 1989, cô Kathy Phạm đã bắt đầu đi tìm việc làm khi mới 18 tuổi.

    Như bao phụ nữ Việt Nam thế hệ thứ nhất và thứ hai, cô Phạm đã tìm đến ngành làm móng để kiếm sống. Cô đăng ký vào học trường thẩm mỹ và theo đuổi nghề làm móng từ đó.

    Nghề làm móng không đem lại khoản thu nhập cao, và công việc này có nhiều phiền toái như làm nhiều giờ, khách hàng thô lỗ và hóa chất độc hại. Thế nhưng cô Phạm vẫn thích công việc này. Phải nói là cô yêu nghề của mình. Cuối cùng, cô may mắn được làm cho một tiệm có các đồng nghiệp tốt bụng và “những người khách đối xử với chúng tôi như người nhà.” Cô Phạm từng làm việc 7 ngày một tuần để trang trải cuộc sống cho cô và 3 đứa con.

    Rồi đại dịch coronavirus ập đến khiến cô thất nghiệp.

    “Giờ tôi chẳng thể làm gì được,” cô bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn.

    Cô Phạm đã thất nghiệp hơn 5 tháng nay. Và từ lúc Đạo luật cứu trợ thảm họa dịch COVID-19 liên bang (federal CARES Act) hết hiệu lực từ ngày 25 tháng 7, tiền trợ cấp thất nghiệp của cô bị giảm xuống còn 100 đô la mỗi tuần, không đủ để trang trải qua ngày.

    Việc các tiệm nail bị buộc phải đóng cửa khiến cho thu nhập bị hao hụt, đã gây ảnh hưởng lớn lao đến những phụ nữ người Việt như cô Phạm, vì họ là chính là trụ cột của ngành này. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghề nghiệp UCLA (UCLA Labor Center) và Liên hiệp ngành móng lành mạnh California (California Healthy Nail Salon Collaborative), 81% thợ là phụ nữ, và 79% tổng thể nguồn nhân lực là người nhập cư. Ba phần tư thợ nhập cư đến từ Việt Nam. Nhiều người trong số đó đã đến Mỹ dưới diện tị nạn, tìm kiếm một công việc không đòi hỏi nhiều vốn tiếng Anh.

    Theo như Viện Chính sách Nhập cư (Migration Policy Institute), ngành làm móng có vai trò đặc biệt quan trọng với việc sinh nhai của cộng đồng người Việt tại California, nơi có 39% người Việt nhập cư đang sinh sống. Một phần sáu thợ làm móng ở Mỹ sống tại California.

    “Gánh nặng kinh tế từ lệnh đóng cửa đã gây thiệt hại nặng nề nhất đối với phụ nữ và người Da màu,” Ash Kalra, thành viên hội đồng tiểu bang đã viết trong bức thư gửi tới thống đốc Gavin Newsom vào ngày 28 tháng 8. “Kể từ khi lệnh đóng cửa được thực thi, ba phần tư nhân viên lo rằng họ sẽ không có đủ tiền để mua thức ăn hay các nhu yếu phẩm khác trong tháng tiếp theo.”

    Bị bỏ rơi khi mở cửa trở lại

    Trong lá thư, bà Kalra, người đại diện cho một quận ở miền đông San Jose, kêu gọi cho phép các tiệm làm móng mở cửa trở lại và tái xem xét các chỉ dẫn hiện tại về quy định rằng tiệm làm móng chỉ được phép vận hành trong nhà nếu nó thuộc những quận có mức độ lây nhiễm thấp, theo như hệ thống bốn tầng của tiểu bang (four-tier system). Nhưng nếu quận nào có mức độ lây nhiễm cao – được xác định bằng số ca mới trên mỗi 100,000 người dân và tỉ lệ ca mắc dương tính – tiệm sẽ phải hoạt động ngoài trời.

    Dù các dịch vụ này đã được phê duyệt kể từ tháng Bảy, chủ tiệm cùng các nhân viên cho biết rằng họ cần phải mua những thiết bị mà hầu hết các hộ kinh doanh không có sẵn để có thể làm việc ngoài trời. Họ không những phải đối đầu với các thử thách như kết nối máy ủ móng và mát xa chân đến nguồn điện, thợ làm móng còn có nguy cơ bị lây nhiễm bởi người qua đường không đeo khẩu trang, khó giữ vệ sinh cho chỗ làm vì ngoài trời vốn không được sạch sẽ, và phải lao động dưới cái nắng thiêu đốt, cộng thêm chất lượng không khí thấp vì cháy rừng.

    Quy tắc này cũng được áp dụng với các dịch vụ chăm sóc cá nhân khác, như tẩy lông toàn thân, trung tâm thể dục, nhà hàng và các nơi thờ phượng. Nhưng những ngành kinh doanh khác như khách sạn và sòng bạc lại được cho phép hoạt động trong nhà, bất chấp đây là những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao.

    Người ủng hộ ngành làm móng cho rằng điều đó không công bằng. Họ lưu ý rằng thợ làm móng là những người được đào tạo nghiêm ngặt nhất về vệ sinh trong ngành dịch vụ nói chung. Tâm Nguyễn, người đồng sáng lập của nhóm Nailing It for America, nơi tổ chức đợt biểu tình đợt tháng Sáu vừa qua đã bức xúc lên tiếng: “Chúng tôi yêu cầu được mở cửa phục vụ trong nhà trở lại một cách an toàn ngay tức khắc. Chúng tôi đã làm mọi thứ để xứng đáng với việc đó.”

    Thợ làm móng người Việt tập trung ở Westminster, California vào ngày 8 tháng 6, 2020 để yêu cầu tiểu bang cho phép mở cửa các cửa tiệm trở lại. Lynn Seeden

    Theo lời ông Nguyễn, đáng chú ý là những tiệm làm móng đã bị bỏ qua trong kế hoạch mở cửa trở lại của Thống đốc trong khi những tiệm làm tóc lại được phép mở lại. “Chúng tôi cảm thấy khó hiểu, và rất đau lòng,” nhất là khi chính cộng đồng này vào tháng Tư vừa qua đã quyên tặng hơn 1.2 triệu trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế.

    Cộng đồng thợ làm móng người Việt cũng cảm thấy bức xúc khi vị Thống đốc khẳng định một tin chưa được kiểm chứng là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở California bắt nguồn từ một tiệm làm móng. Điều này làm dấy lên những mối lo không chỉ về phân biệt chủng tộc – nhóm Stop AAPI Hate đã nhận được hơn 2,500 báo cáo về những vụ kỳ thị với người Á đông kể từ tháng Ba – mà nó còn gây ra những hệ lụy lâu dài cho cuộc sống của họ.

    Ông Nguyễn nói: “Phát biểu của ông ấy không có bằng chứng cụ thể và có thể gây ra tổn thất lớn cho ngành làm móng. Niềm tin của khách đang bị chao đảo dữ dội.” (Văn phòng Thống đốc không phản hồi lại ý kiến trên.)

    Phần lớn bang California vẫn nằm trong lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất, bao gồm hạt Orange, Santa Clara và Los Angeles, nơi có cộng đồng người Việt đông đúc nhất nước Mỹ – đồng nghĩa với các tiệm làm móng phải đóng cửa. Nơi cô Phạm ở, Hạt Marin, cũng bị ảnh hưởng và cô không biết bao giờ mình mới có thể đi làm trở lại.

    Cô cũng đã cố gắng tìm việc ở những tiệm khác, nhưng không khả thi. Và cô càng lo thêm khi thất nghiệp càng kéo dài mà tiền thất nghiệp thì không có bao nhiêu .

    Ảnh hưởng kinh tế

    Theo một cuộc khảo sát gần đây của UCLA và Liên hiệp ngành làm móng lành mạnh California, cô Phạm nằm trong 91% những người làm móng đã đệ đơn xin bảo hiểm thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Nghiên cứu cũng cho thấy hơn 40% người lao động trên cần được giúp đỡ làm đơn do rào cản ngôn ngữ, thiếu nhận thức cùng các trở ngại khác.

    Kathy Phạm

    Liên hiệp ngành móng lành mạnh California cung cấp các hỗ trợ nói trên. Ngoài việc giúp người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, họ còn góp phần phân phối thiết bị bảo hộ, quay các video bằng tiếng Việt về huấn luyện an toàn, các nguyên tắc để mở tiệm lại và cách quản lý quỹ chăm sóc ứng phó COVID-19. Theo điều phối viên Vũ Nguyễn, kể từ tháng 5, tổ chức này đã trao những khoản tài trợ 250 đô la cho hơn 250 thợ làm móng, trong đó phụ nữ Việt Nam chiếm tới 90%.

    Cô Phạm hy vọng mình có thể đi làm trở lại sớm, nhưng nguy cơ bị lây nhiễm cũng làm cô lo lắng. Cô trải lòng: “Tôi thực sự sợ khi phải trở lại làm việc. Tôi muốn có tiền để trả các khoản nợ, tiền thuê nhà, nhu yếu phẩm, mọi thứ. Tôi muốn quay trở lại làm việc. Nhưng thực sự tôi rất lo.”

    Winnie Kao, cố vấn chung tại Asian Law Caucus, cho biết sức khỏe và an toàn là mối bận tâm lớn với những người làm móng. Sự e ngại của họ phần lớn bắt nguồn từ việc liệu có thể tin tưởng công chúng sẽ giữ an toàn cho họ hay không, đặc biệt là những trường hợp khách hàng từ chối đeo khẩu trang. Trong một email, Kao viết: “Thật không may, có những người nghĩ rằng sự thoải mái và quyền được làm móng của họ quan trọng hơn cả sự an toàn của người lao động, chủ tiệm và những khách hàng khác trong tiệm.”

    Số đông nhân viên nói họ muốn quay trở lại làm việc. Nhưng với một cộng đồng dễ bị tổn thương trước cả đại dịch, có đến 78 phần trăm lao động nằm ở ngưỡng thu nhập thấp (gấp đôi tỉ lệ quốc gia giữa các ngành công nghiệp), nhiều người nghĩ rằng họ không có nhiều lựa chọn.

    Theo nghiên cứu của UCLA và Liên hiệp ngành móng lành mạnh California, đại dịch đã cho chúng ta thấy rõ sự bức thiết cho một hệ thống hỗ trợ tốt hơn cũng như cải thiện an toàn lao động. 3 trên 4 thợ làm móng kiếm được dưới 600 đô một tuần, trước thềm đại dịch – thấp hơn mức lương thất nghiệp theo Đạo luật CARES cũ. Kao cho biết, những người lao động không có giấy tờ hợp pháp sẽ không đủ điều kiện để tham gia các chương trình này và sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Cô Phạm lo rằng những kỹ năng và kiến thức của cô sẽ bị mai một và không còn tốt như trước được nữa. Và theo ông Nguyễn, người quản lý của tiệm Nail It và tiệm Advanced Beauty College, nỗi sợ ấy không phải là không có căn cứ. Người ta ước tính có khoảng từ 30 cho đến 50 phần trăm tiệm làm móng đóng cửa trong đại dịch sẽ không mở cửa lại.

    “Ngành công nghiệp này sẽ không giống như trước đây nữa,” cô Phạm nói, và thêm rằng bản thân cũng không chắc có thể kiếm sống bằng nghề nào khác. “Tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường. Thế là đủ rồi.”

    Người dịch: Hà Vi Nguyễn & Dương Nguyễn

    Biên tập: Paul Nguyễn

    Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/tho-lam-mong-nguoi-viet-gap-nhieu-kho-khan

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here