Thảo luận mùa hè 2022 (11):

0
50
nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên

Nguyễn Phú Yên – Người cầm bút hoặc từ bỏ nghiệp dĩ hoặc dũng cảm có mặt trên trường văn trận bút để chứng tỏ sự hiện diện thiết yếu của nhà văn và cùng với đó là sự tồn tại vĩnh cửu của một nền văn chương có thế giá, xứng đáng với lịch sử đầy bi tráng của dân tộc

Thảo luận 15 Tháng Chín, 2022

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

Xin giới thiệu bài của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, với tư cách là một độc giả,

VĂN VIỆT

NGUYEN PHU YEN

Tôi không phải là nhà văn, vậy nên chỉ xin có ý kiến với tư cách là người đọc.

Khi con người còn tiếng nói, còn tình cảm và tư duy thì văn chương vẫn còn tồn tại mãi mãi. Văn chương thiết yếu cho nhà văn và cho cả người đọc. Văn chương Việt Nam kéo dài cả ngàn năm, từ khi ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm và sau này chữ quốc ngữ, thời đại nào cũng có những tao nhân mặc khách, những văn tài chói sáng trong lịch sử dân tộc.

Đến thế kỷ 20, văn chương Việt Nam đã phong phú với nhiều khuynh hướng khác nhau, nhiều phong cách khác nhau và đã có nhiều thời đại văn học rực rỡ trong quá khứ. Khi bắt đầu chịu ảnh hưởng các trào lưu văn học phương Tây, văn chương Việt Nam đã tạo một biến chuyển xã hội, đã tác động đến nhân quần và tao được một giá trị thực tế, nói khác đi văn chương đã tạo được một thế giá cho người cầm bút.

Trước cả Tự Lực Văn Đoàn, tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách (1925, đã được dịch sang tiếng Pháp) khiến xã hội bấy giờ ngạc nhiên trước những vụ tự tử của thanh niên do ảnh hưởng của tác phẩm này. Chẳng khác nào hệ quả của tiểu thuyết dưới dạng thư Nỗi đau của chàng Werther trước đó (1774) của J.W. Goethe, hoặc sau đó của bài hát Sombre Dimanche (1933) của chàng nhạc sĩ Hungaria Rezso Seress; cả hai tác phẩm cũng từng gây nên nhiều cái chết ở tận phương trời Tây.

Tiếp đó với sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hiện diện như một trường phái làm văn chương và sống được với văn chương, đã tạo nên làn gió cách tân, đổi mới trong nội dung tác phẩm và ngôn ngữ biểu hiện; văn phong của nhóm trong sáng hơn trước. Họ có chung điều tâm niệm, cùng một hướng đi cho con đường văn chương, song song những công tác xã hội của nhóm nhằm tác động lên xã hội, cải cách xã hội. Cùng với phong trào Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn đã làm nên một thời đại rực rỡ trong lich sử văn chương Việt Nam thời cận đại.

Lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đã tạo cơ hội cho các nhà văn trẻ tuổi lăn vào cuộc chiến đấu để rồi từ đó hình thành một dòng văn học chiến đấu nêu bật tình tự dân tộc, tình yêu nước thương nòi của mọi con dân nước Việt. Từ trong thực tế chiến đấu rực sáng đó, những ngòi bút với những áng thơ ca oai hùng, lẫm liệt với nguồn cảm hứng bất tận để lại nhũng giá trị đáng tự hào trong văn chương của chúng ta. Thời tiền chiến đã xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ xuất sắc trong văn chương. Song song với sáng tác, bộ môn phê bình văn học cũng xuất hiện làm phong phú thêm cho văn đàn.

Song đến thời điểm chia cắt đất nước, văn chương trải qua một bước ngoặt mới. Ở miền Bắc là một nền văn chương chỉ huy, minh họa. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng một thời tiếp tục dấn mình trong hoàn cảnh mới vô tình đã bị thay đổi, đã biến hình, đã hóa thân thành những con người mới, không còn lưu dấu được những tâm hồn đẹp đẽ như xưa. Nếu dùng theo một từ của thời hiện sinh, họ đã bị “vong thân”.

Trong khi ở miền Nam nền văn chương với tự do sáng tạo, đầy tính nhân bản và khai phóng không chịu một quy định, một áp lực nào và có quyền ở bên ngoài chính trị. Không thể nghĩ được rằng chỉ trong thập niên 1960 tại Huế, một thành phố nhỏ bé, trong thời điểm chiến tranh lên cao đồng thời xuất hiện các tập thơ do các tác giả tự xuất bản. Đó là các nhà thơ trẻ tuổi với rất nhiều giọng điệu, từ linh cảm phận người đến tâm thức phản chiến: Ngô Kha với Hoa cô độc, Thái Luân với Vùng tủi nhục, Sương Biên Thùy với Nỗi buồn nhược tiểu và Chu Sơn với Quê nhà… Họ hòa mình trong mọi sinh hoạt văn chương của miền Nam ngày mỗi rực rỡ với nhiều tài năng mới, nhiều nhà văn nữ nổi tiếng xuất hiện.

Tuy nhiên, dù đắm mình trong mấy chục năm chiến tranh đầy bi kịch, vậy mà cả đất nước vẫn chưa xuất hiện những tác phẩm đồ sộ, xứng đáng sánh với những bộ tiểu thuyết lớn của thế giới. Thử nhìn lại, chỉ cần thực tế chiến tranh đất nước trong 30 năm từ 1945-1975 đã đủ chất liệu để làm nên một bộ như Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, hay ít nhất như bộ Tấn trò đời của Honoré de Balzac…

Sự quan tâm ở trên đưa ta trở lại vấn đề người đọc kỳ vọng gì ở các nhà văn. Đúng như thế, người đọc chờ đợi rất nhiều điều để từ đó người cầm bút thao thức, trăn trở, tự dằn vặt, tự tra vấn về vai trò/nhiệm vụ của mình để đem đến tri thức cho xã hội; họ phải có cái nhìn của trí thức để xứng đáng là lương tâm của xã hội.

Nói khác đi, nhà văn không chỉ viết cho chính mình mà còn viết để gửi tới nhân quần, xã hội về mọi mặt của đời sống. Nhà văn không chỉ mô tả hiện thực mà còn phải dự phóng cho tương lai. Liệu nhà văn có đủ tài năng, đủ ý thức về sứ mệnh văn nghệ mà mình sẽ đảm đương như Albert Camus đã từng đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại của ông trong diễn từ khi nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1957 tại Thụy Điển?

Không đơn giản văn chương chỉ là một thứ duy mỹ như thời cổ điển đã từng thỏa mãn khi ngâm vịnh phong hoa tuyết nguyệt. Văn chương thời nay phải hệ tại ở tư tưởng, không có tư tưởng thì không có văn chương trong thời đại mới, nhất là tư tưởng nhân văn.

Đặng Thai Mai đã từng nói: “Không có đặc sắc nội dung thì không có văn học; và nếu như rời tư tưởng ra, nếu không có tư tưởng thì văn chương chỉ có nghĩa là du dương, lòe loẹt, phù phiếm và vô dụng mà thôi” (Văn học khái luận, Sài Gòn, 1950, tr. 171).

Nhà văn Mario Vargas Llosa thì khẳng định: “Nếu văn học bị hoàn toàn mất liên lạc với những gì đang diễn ra trong đời thực thì nó sẽ trở thành bèo bọt, hời hợt. Những tác phẩm văn học vĩ đại bao giờ cũng khắc họa được những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, những vấn đề chủ yếu của nó và những mong đợi của con người” (Đăng Bảy lược dịch từ Izvestina.ru).

Một nền văn chương có giá trị bao giờ cũng bày tỏ được thái độ và ý thức của người làm văn chương trước xã hội của hắn. Do đó văn chương được coi như dấu tích của hành động bằng tư tưởng, dấu tích ký thác cho đời, giao ước với người. Nhà thơ T.S.Eliot còn quan niệm nhà thơ có một nhiệm vụ xã hội mà họ buộc phải có.

Tác phẩm như vậy phải được xem như một sứ điệp gửi tới xã hội, không những thế còn phải đi vào hậu thế. Văn chương là di sản mà xã hội là kẻ thừa tự những gì nhà văn để lại cho đời. Di sản đó có thể xem như đôi dép của nhà hiền triết Empédocle để lại bên bờ miệng núi lửa Etna trước khi ông lao mình vào cuộc phiêu lưu cuối cùng của cuộc đời.

Bao nhiêu sinh mạng của thế giới đã bị hủy diệt vì một nền văn chương bạo động từng xiển dương bạo lực bằng những danh nghĩa, những mỹ từ đao to búa lớn. Chúng tôi vẫn tin rằng văn chương phải có ích, lại càng phải cấp thiết hơn nữa, nếu văn chương ấy biết giúp đời, cứu người.

Văn chương phải cứu vớt được xã hội, rộng hơn, cả nhân loại; nhà văn có thể thay đổi được số phận một con người, rộng hơn, số phận của nhân loại. Chúng tôi không cho rằng đó chỉ là ảo tưởng mà là một niềm tin mãnh liệt, không phải chỉ của một người mà có thể là của cả xã hội, cả đất nước. Chúng tôi kỳ vọng người cầm bút phải là người tự mang lấy trách nhiệm với lịch sử vì mục đích cao cả ấy.

Văn chương phải có sứ mệnh dấn thân, tiên phong hành động để giải cứu nhân loại. Thứ văn chương ấy mới chính là thứ văn chương đáng kể, đáng mong chờ.

Niềm tin ấy bất ngờ được củng cố khi chúng tôi đọc lại bài diễn văn của nhà văn Mario Vargas Llosa, người Peru, đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 2010. Ông nói: “Sartre dạy tôi rằng ngôn từ là hành động, rằng một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch hay một tiểu luận, trong những giai đoạn nhất định và với những điều kiện thuận lợi, có thể làm thay đổi cả cục diện của lịch sử… Văn chương không còn là trò chơi nữa. Nó đã trở thành phương tiện nhằm chống lại nghịch cảnh, phương tiện phản kháng, bạo loạn, phương tiện giúp tôi chạy trốn khỏi những điều không thể chịu đựng nổi, trở thành ý nghĩa của cuộc đời… Văn chương không chỉ là giải trí, không chỉ là bài tập của trí não, nhằm mài sắc cảm giác và đánh thức tinh thần phê phán. Nó là thành tố tuyệt đối cần thiết cho chính sự tồn tại của nền văn minh…” (Phạm Nguyên Trường dịch).

Vấn đề còn lại là liệu nhà văn có đủ tài năng để nhận lãnh nhiệm vụ nặng nề trước kỳ vọng lớn lao của người đọc?

Đúng là rất nhiều khó khăn cho người cầm bút trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Không nói ra thì ai cũng biết khó khăn đó là gì.

Tuy nhiên vì là sứ mệnh phải chu toàn, người cầm bút hoặc từ bỏ nghiệp dĩ hoặc dũng cảm có mặt trên trường văn trận bút để chứng tỏ sự hiện diện thiết yếu của nhà văn và cùng với đó là sự tồn tại vĩnh cửu của một nền văn chương có thế giá, xứng đáng với lịch sử đầy bi tráng của dân tộc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here