Mai Sơn
ANH THỬ BẤM SỐ CỦA THỦY, và thật bất ngờ, sau khoảng 30 giây có tiếng chuông reo. Anh cứ đinh ninh điện thoại của con gái đã bị tịch thu.
Anh nói lớn:
Thủy hả con? Con đang ở đâu?
Thủy, đúng là giọng Thủy, trả lời anh: Con cũng không biết con đang ở đâu. Chắc một chỗ nào đó trong thành phố mình. Người ta chở con đi lòng vòng mất một tiếng.
Con thử hỏi ai đó đứng gần con xem?
Một người đàn ông trẻ đứng gần con đang nghe hai cha con mình nói chuyện và anh ta lắc đầu, ba à.
Con có thể nhắn tin cho ba không?
Không, anh ta lại lắc đầu.
Người ta không tịch thu điện thoại của con chứ? Anh ta nói “không”.
Vậy thì sao không thể nhắn tin?
Con không biết.
Con muốn ba giúp gì không?
Hiện giờ thì chưa. Thôi ba đừng quan tâm nhiều về con quá.
Tại sao con bị bắt?
Vì con đi biểu tình.
Nhiều người đi biểu tình mà đâu có phải ai cũng bị bắt như con?
Vì con hô to các khẩu hiệu và chống lại một người trấn áp con.
Con có bị đánh đập gì không?
Con bị xô đẩy lên xe, bị bẻ ngoặt tay, và có ai đó kéo tóc con.
Hiện giờ con có đau đớn chỗ nào không?
Có vẻ như không. Chắc chỉ khi nào nằm xuống thì mới biết.
Con đang ngồi?
Dạ.
Con xin nằm một chút được không?
Không sao, ba. Con chưa có nhu cầu đó.
Con đang mặc quần áo gì? – Anh bất giác hỏi, và sau này anh nhận ra đó là lần đầu tiên anh để ý đến chuyện ăn mặc của con gái.
Quần jeans và áo pull trắng.
Con hỏi anh an ninh ba có thể đem thêm quần áo đến cho con không?
Im lặng hồi lâu. Tự nhiên anh sợ điện thoại của con hết pin.
Người ta nói không ba à.
Sao như vậy được? Con là phụ nữ mà.
Ngừng một chút, anh nói:
Điện thoại của con sẽ hết pin… Con có cục sạc pin không?
Nghe như Thủy cười trong điện thoại: Con ít khi mang theo cái đó lắm ba.
Vậy thì sao? Ba sẽ không liên lạc được với con nữa sao?
Ba để con tính. Nhưng ba đừng lo cho con nữa. Để con tự lo. Ba sẽ cố chạy cho con ra sớm.
Ba à, có người đang đứng gần nghe cha con mình nói chuyện. Càng tốt. Con có muốn nhắn gì với Nam không?
Đột ngột lặng im.
ĐỂ COI BÂY GIỜ PHẢI LÀM GÌ. Anh tự nhủ phải cố gắng giữ bình tĩnh, vạch ra trong đầu vài ý sơ khởi theo thứ tự: tối nay báo cho công an phường; sáng mai đến trường đại học nơi nó đang học năm cuối – nghĩ đến đây anh khựng lại, tự hỏi đến đó để báo cái tin động trời này liệu có ích gì hay lại chuốc thêm bất lợi cho nó sau này? Rồi anh nghĩ dứt khoát: dù gì cũng phải đến, biết đâu họ sẽ giúp đỡ anh. Cứ thử xem may rủi thế nào. Sau khi xong hai thủ tục này, anh sẽ bắt đầu công việc nhờ vả. Vụ này sẽ hết sức rắc rối. Đây là một vụ chạy chữa. Vậy thì bắt đầu tiếp cận với từng người hay cùng lúc mọi người? Như vậy có làm lộ thông tin? Anh không biết bắt đầu từ đâu.
Thủy mồ côi mẹ từ lâu, và anh thì không gần gũi hoặc không biết cách gần gũi nó, nên nó đã tự đào luyện mình thành một cô gái cứng rắn từ lâu, nhưng nó làm sao đủ cứng rắn để chịu đựng sự hung bạo khét tiếng của bộ máy an ninh của chế độ này. Theo như anh biết mấy chục năm qua không ai thắng được sự hung bạo này, ý chí mạnh mẽ nào cũng bị nó bẻ gãy, nguồn lực tinh thần nào cũng bị nó làm cho cạn kiệt hay ô uế. Có một điển hình cho sự tàn phá này mà nhiều người biết và truyền tai nhau. Đó là một nhà văn danh tiếng và tài năng hàng đầu của Sài Gòn đã gần như mất hết sức sáng tạo của mình sau mười lăm năm ngồi tù. Sau khi mãn hạn tù, người ta hy vọng, để bù đắp cho những mất mát chịu đựng của tù ngục, ông ta sẽ có những trang viết để đời kể lại những trải nghiệm như Alexandre Solzhenitsyn của Liên Xô viết về trại tù Gulag ở Siberia dưới thời Stalin. Nhưng không, không có dòng chữ nào. Sau khi được trả “tự do” về với gia đình ông im lặng tuyệt đối, không muốn gặp ai nữa. Người ta có tẩy não ông không? Không ai biết, vì ông không nói đến chuyện này. Nhưng làm nhục ông vượt quá sức chịu đựng của một con người bình thường thì chắc chắn là họ đã làm. Và chỉ như vậy thôi, họ đã giết chết con người tinh thần của ông.
Không ai có thể đàn hát, diễn kịch, làm thơ, viết văn được nữa khi mình đã bị giày xéo như giun dế, và bùn đất tràn ngập tâm hồn. Nói như Adorno, “Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là man rợ”; và tương tự, sau trại cải tạo Việt Nam, nghệ thuật là man rợ. Người ta không biết rõ về những hoàn cảnh khủng khiếp phi nhân mà ông đã trải qua, nhưng sự im lặng của ông đã nói lên tất cả. Và ông im lặng cho đến chết.
Họ đã giết được ông trên cả hai tư cách: một kẻ sáng tạo và một con người bình thường.
Ai cũng phải khuất phục.
Cái chết ư? Nó là một thất bại thường tình trước bộ máy sắt thép đó.
Khi nghĩ đến Thủy, anh bỗng lo sợ. Tính khí của nó có thể mạnh mẽ, nhưng thể chất và tâm hồn phụ nữ của nó chỉ là một thứ gì đó rất dễ vỡ.
ANH CHẠY VỀ NHÀ. Sau mấy tiếng đồng hồ không liên lạc được với con gái, anh thuê người thợ khóa đến mở cửa phòng con và tất cả cửa tủ, ngăn bàn trong phòng.
Khi mở tủ quần áo của con, nước mắt anh bất chợt ứa ra. Không có nhiều màu sắc sặc sỡ đập vào mắt anh. Không có cái áo nào có hoa hay các mẫu pattern mỹ thuật nào. Tất cả đều trơn tuyền, màu lạnh, màu dịu.
Tính cách nó có giống anh không? Có hay không một dòng máu nóng phản kháng về các vấn đề xã hội chảy trong huyết thống của anh, truyền xuống cho con? Và cha anh, ông có cái gì gần giống như vậy không? Có thể. Và ấn tượng mạnh nhất là sự vắng mặt của ông vào một buổi chiều chạng vạng ngày 2/11/1963, một ngày sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tối hôm đó cả nhà không thấy ông đâu cả. Đến khuya anh nghe mơ hồ mẹ òa khóc nói ông bị bắt rồi. Lúc ấy ông đang là một viên chức nhỏ ở một huyện miền trung. Bị đuổi ra khỏi khu nhà tập thể sau lưng cơ quan, mẹ anh đưa năm người con lên một chiếc đò nhỏ vượt qua sông để vào thị xã. Chiếc cầu bắc qua sông đã gãy. Nhưng theo trí nhớ mơ hồ của anh, những ngày ấy không có chiến tranh, không có xung đột trên đường phố, không nghe thấy bom đạn ầm ào như những năm về sau. Nhưng vì sao chiếc cầu gãy để mẹ con anh phải đi đò ngang thì anh không rõ.
Người chèo đò nói chuyện gì đó với mẹ anh về cuộc cách mạng lật đổ gia đình ông Diệm. Mẹ anh im lặng.
Bà còn phải nghĩ tới việc xin một chỗ tá túc trong thị xã. Đó là ngôi nhà ba tầng nằm gần chợ của một người Hoa, hình như là bạn chơi cờ tướng của cha anh.
Anh buồn vì xa ngôi nhà cũ lợp tôn, có cây dừa nằm giữa nhà và một miếng tôn phải cắt ra một lỗ tròn để cây dừa vượt lên. Cha anh một lần trượt té khi đang tắm bên giếng cạnh khu nhà đó. Buồn vì xa ngôi trường tiểu học mà sau mỗi buổi tan trường anh còn nán lại đọc truyện tranh ma trên hành lang vắng ngắt, chỉ khi nào có chi tiết truyện làm lạnh buốt sống lưng anh mới giật mình chạy về nhà.
Và những ngôi nhà tranh màu xanh ma quái những đêm khuya khoắt anh và lũ bạn đi chơi về nhìn thấy hoặc chỉ do tưởng tượng ra. Nhưng cái màu xanh đó thỉnh thoảng vẫn hiện về.
Cha anh có thể di truyền dòng máu phản kháng nổi loạn cho anh không? Anh chưa bao giờ đặt ra câu hỏi đó. Anh càng không bao giờ đặt ra câu hỏi: Anh có thể di truyền dòng máu phản kháng, nổi loạn kiểu gì đó cho con gái anh không? Những ngày xưa ấy, gần bốn chục năm trước, khi còn đang là học sinh trung học, anh từng tham gia những cuộc biểu tình của Phật giáo, tham gia ủy lạo đồng bào vùng chiến sự với các anh chị sinh viên từ trong Sài Gòn ra để rồi có lúc lạnh người vì tận mắt chứng kiến sau khi đã phát hết gạo trên xe cho dân chúng, các anh chị dùng loa phóng thanh mạt sát chính quyền từ trung ương đến địa phương bằng những lời lẽ đanh thép nhất. Những lúc như vậy anh chỉ có một mình, không có bạn học nào bên cạnh, kể cả đứa thân nhất. Anh lặng lẽ hòa vào đám đông, thấy ai làm gì anh làm theo: ném gạch đá vào xe Mỹ, vào cảnh sát dã chiến đang kềm chế đoàn biểu tình.
Có những buổi sáng đi bộ đến trường, anh dừng lại bên đường để nhìn đoàn xe bọc thép M113 chạy ngược chiều, hướng về quận MD, ĐP, những khu vực giao tranh ác liệt, liên miên giữa hai bên quốc gia – việt cộng. Những khối thép di chuyển nặng nề trên bánh xe và xích sắt. Một lần khi cha anh đang chở anh trên xe đạp đến trường, thấy đoàn xe này ông đạp chậm lại nói thì thầm với anh: “Hai anh em cụ Ngô đã bị thảm sát trong một chiếc xe như thế này.”
Và thỉnh thoảng có những buổi sáng, khi đi qua bót cảnh sát, anh phải đi thật nhanh vì một hay vài xác cán binh việt cộng bị bắn chết đêm qua được đem phơi trên đường.
Anh từng chạy mất dép đúng nghĩa đen vì mê xem đá banh. Chiều đó anh đến sân vận động đón xem một trận đá banh. Trước trận đấu có màn biểu diễn Thái cực đạo của các võ sư Đại Hàn. Mọi người đang nín thở theo dõi một pha người võ sư dùng tay không chẻ nát chồng gạch, sau đó anh ta chạy đà bay lên đá nát một tấm gỗ do hai người cầm đưa lên trên cao, thì một tiếng nổ long trời vang lên, khói bụi mù mịt. Anh chạy như điên dại cùng đám đông, cố trốn thoát khỏi sân vận động.
(Còn nữa)
I was recommended this website by my cousin I am not sure whether this post is written by him as nobody else know such detailed about my trouble You are amazing Thanks
Wonderful beat I wish to apprentice while you amend your web site how could i subscribe for a blog web site The account aided me a acceptable deal I had been a little bit acquainted of this your broadcast provided bright clear idea