THÁNG GIÊNG NÀY KHÔNG CÓ TIẾNG HÁT

    0
    64
    Tấm ảnh cưới này đã hơn 30 năm, trong ảnh là thầy Phạm Vĩnh Cư, các bạn văn Cao Bằng cùng "quan lang" Y Phương (người đứng cạnh chú rể) đại diện cho họ nhà trai đến "xin dâu".
       

    Lao Ta 

    (Thương tiếc nhà thơ Y Phương)

    Năm 1990, lần đầu tôi lên Cao Bằng, việc chính là ra mắt gia đình nhà vợ tôi bây giờ. Ngày đó từ Hà Nội lên Cao Bằng, giống như đi sang một nước khác. Hơn 20 tiếng (tính cả thời gian chờ) ngồi xe thư báo vượt 300 cây số, qua dăm bảy cái đèo lớn nhỏ, nôn ra mật xanh mật vàng, tôi gần như mất hết cảm giác khi bước xuống xe. Tuy thế, chỉ hôm sau là tôi không còn chút mệt mỏi nào, nhờ vào những người bạn văn vô cùng mến khách.

    Ngay buổi tối hôm sau, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Trần Hùng đã đưa tôi đến trình “Huynh trưởng” Y Phương, khi đó còn ở trong ngôi nhà nứa lụp xụp ở tiểu khu Tân An. Khi chúng tôi đến, Y Phương vẫn đang lúi húi với mẻ rượu nấu dở. Nấu rượu và nuôi lợn cho ông thu nhập chính để nuôi gia đình bốn miệng ăn thời đó. Dù đã biết nhau sơ sơ ở Hà Nội (khi ông vào kí túc xá trường viết văn thăm chúng tôi), nhưng nhìn thấy tôi, Y Phương vẫn cảm thấy bất ngờ. Rồi ông reo lên: “Thằng em, ái dà, định cuỗm con gái Cao Bằng về xuôi thật à?” Ông nhìn tôi trìu mến, thân thiết, như bảo tôi rằng đã vượt  ngần ấy đèo dốc thì chả cần nói thêm gì nữa. 

    Ngay lập tức chúng tôi là anh em.

    Từ đó, mỗi lần lên Cao Bằng, tôi đều mặc nhiên là thượng khách của Hội văn nghệ, do Y Phương làm chủ tịch. Làm gì hay đi đâu cũng nhất định phải ăn với ông một bữa cơm, không là ông giận. Ông gọi tôi là “thằng em rể người Kinh” còn tôi luôn tôn kính gọi ông là “Ông Trùm”, là “Tày Ké” (ông già người Tày). Mỗi lần nghe tôi gọi thế ông lại cười chất ngất đầy sảng khoái.

    Những ai đã một lần gặp Y Phương, sẽ không thể quên được ánh mắt, nụ cười của ông. Nó vừa hiền từ, bao dung, vừa đầy thấu hiểu và luôn lấp ló trong đó một nụ cười ấm áp.

    Khi nghe tin ông mất, chợt giật mình nhớ ra lần đầu đến nhà ông cũng vào cữ tháng Giêng. Lẽ nào tháng Giêng này lại không còn tiếng hát? Nhưng với tôi, đó là sự thật phũ phàng.

    Thôi, thằng em rể người Kinh xin kính tiễn Tày Ké về nơi tháng Giêng nào cũng đẹp và ngập tràn ánh sáng. Lời dặn của huynh người Tày đã mời rượu là mời cả chum, mời quả là mời cả cây, đệ xin ghi nhớ. 

    __________________

    Tấm ảnh cưới này đã hơn 30 năm, trong ảnh là thầy Phạm Vĩnh Cư, các bạn văn Cao Bằng cùng “quan lang” Y Phương (người đứng cạnh chú rể) đại diện cho họ nhà trai đến “xin dâu”.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here