Diệu Hằng
Hôm qua, 12/1/2019, tập đoàn công nghệ Huawei đã phát đi tuyên bố nói rằng họ đã sa thải một nhân viên vừa bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp.
AP đưa tin, cơ quan mật vụ Ba Lan ngày 8/1/2019 đã tiến hành bắt giữ một quản lý cao cấp tại Huawei Ba Lan, cùng một cựu điệp viên người Ba Lan. Hai người này bị cáo buộc làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.
Wang Weijing (hay còn gọi là Stanislaw Wang), giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan, chi nhánh phụ trách khu vực Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu. Ông này cũng được cho là đã từng làm việc tại lãnh sự quán Trung Quốc. Wang bị bắt giữ cùng một công dân Ba Lan là Piotr D., cựu quan chức cấp cao thuộc cơ quan an ninh nội địa Ba Lan. Ông Piotr D. làm việc tại Orange – công ty hợp tác với Huawei để triển khai mạng di động 5G tại Ba Lan.
Đài truyền hình TVP Ba Lan nói rằng cả quản lý Huawei và cựu điệp viên Ba Lan đều không nhận tội và từ chối cung cấp lời chứng trong vụ án này.
AP dẫn lời Phó giám đốc cơ quan mật vụ Ba Lan Maciej Wasik cho biết hai người đàn ông vừa bị bắt giữ “đã thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại Ba Lan” và chiến dịch bắt giữ họ đã được tiến hành một thời gian dài. Nếu bị kết án, hai nghi phạm này có thể chịu án lên tới 10 năm tù giam.
Huawei đã phát đi tuyên bố “Huawei tuân thủ tất các các luật và quy định hiện hành tại các quốc gia mà chúng tôi đang hoạt động và chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên phải tuân thủ luật và quy định tại các quốc gia mà họ đang làm việc”. Huawei cho biết đã chấm dứt hợp đồng với nhân viên nói trên, đồng thời nhấn mạnh việc người này bị bắt giữ là bởi lý do cá nhân, nhưng cũng gây tổn hại danh tiếng của Huawei trên toàn cầu.
XU HƯỚNG TẨY CHAY HUAWEI VÌ BẪY GIÁN ĐIỆP
Sau vụ bắt giữ Wang Weijing và một cựu điện viên người Ba Lan, Bộ trưởng nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) và NATO làm việc trong một lập trường chung về việc liệu có loại bỏ Huawei khỏi thị trường Châu Âu hay không.
Cuối năm ngoái, sau Mỹ, đã có hàng loạt quốc gia nối gót Hoa Kỳ tuyên bố tẩy chay sản phẩm công nghệ của Huawei vì lý do lo ngại an ninh quốc gia. Kế hoạch triển khai công nghệ 5G của Huawei ở các quốc gia Châu Âu và Châu Á liên tục bị phá sản.
Pháp, Đức, Anh, Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, New Zealand, và mới đây nhất là Nauy và CH Czech cũng đã ngăn chặn các nhà mạng viễn thông của họ sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G mới vì các quốc gia này quan ngại về việc chính phủ Trung Quốc có khả năng tham gia vào cơ sở hạ tầng thông tin của họ. Và bây giờ là Ba Lan. Các quốc gia này không những ngăn chặn Huawei mà còn ngăn chặn cả ZTE, cả hai đều là tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Vụ việc Giám đốc Tài chính của Huawei là Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ tháng trước, cơ quan chức năng Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu lừa đảo ngân hàng quốc tế để tiến hành giao dịch thanh toán với Iran, thông qua 2 công ty con của Huawei là Skycom và Canicula. Mạnh Vãn Châu cho biết 2 công ty này là hoàn toàn tách biệt không liên quan tới Huawei, nhưng thực tế là Huawei kiểm soát.
Các hồ sơ công ty và các tài liệu khác được Reuters phát hiện ở Iran và Syria cho thấy Huawei – nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, có mối liên hệ mật thiết với hai công ty trên. Những tài liệu này cho thấy, quản lý cấp cao của Huawei được bổ nhiệm làm giám đốc của Skycom tại Iran. Tài liệu còn cho thấy, ít nhất có 3 người Trung Quốc tại Iran có quyền ký vào tài khoản ngân hàng của Huawei và Skycom. Reuters còn phát hiện, một vị Luật sư tại Trung Đông nói, Huawei thông qua công ty Canicula để triển khai nghiệp vụ tại Sirya.
Vụ bê bối của Mạnh Vãn Châu vẫn còn mới tinh thì nay lại đến Ba Lan phát hiện Huawei làm gián điệp.
Huawei (và cả ZTE) sẽ tơi tả vì bị mất thị trường ở các quốc gia lớn nhất thế giới.
January 13, 2019