Tập có thể sửa điều lệ Đảng để củng cố quyền lực như thế nào?

0
41

Kim Phụng 20/09/2022

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi prepares to wave magic wand for more power,”Nikkei Asia, 15/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Những thay đổi sắp tới trong điều lệ đảng sẽ là tiền đề cho những thay đổi lớn hơn vào mùa xuân năm sau. 

Trong cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 09/09 – ngày mà người cha lập quốc Mao Trạch Đông qua đời cách đây 46 năm – các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí về việc sửa đổi điều lệ Đảng Cộng sản tại đại hội toàn quốc, dự kiến bắt đầu từ ngày 16/10.

Đối với Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình, điều lệ đảng là chiếc đũa thần mà ông có thể sử dụng để biến mọi điều ước thành hiện thực. Bộ quy tắc ràng buộc hơn 96 triệu đảng viên được xem là bản hướng dẫn điều hành nhà nước Trung Quốc. Nguyên tắc cơ bản là đảng luôn đứng đầu.

Nếu có bất kỳ thay đổi quan trọng nào đối với điều lệ đảng, thì nó sẽ dẫn tới việc sửa đổi hiến pháp quốc gia – như đã xảy ra tại đại hội Đảng toàn quốc năm 2017.

Năm năm trước, hệ tư tưởng mang tên Tập – “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” – đã lần đầu tiên được ghi nhận trong điều lệ Đảng tại đại hội toàn quốc tháng 10/2017. Đó là điều mà hai người tiền nhiệm của Tập, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, không thể đạt được.

Sau đó, tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, diễn ra vào tháng 03/2018, hiến pháp quốc gia đã được viết lại để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước Trung Quốc. Thay vì phải từ chức sau hai nhiệm kỳ 5 năm, về mặt kỹ thuật, chủ tịch nước có thể nắm quyền trọn đời.

Ngày 11/03/2018, Tập Cận Bình đã bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. (Ảnh của Kosaku Mimura)

Năm nay, những thay đổi nào đã được đề xuất cho điều lệ đảng vẫn chưa được công bố rộng rãi.

Nhưng với việc các “trung tâm nghiên cứu” tư tưởng mang tên Tập lần lượt được khánh thành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính sách đối ngoại, pháp quyền, đến văn minh sinh thái và kinh tế, chắc chắn sẽ có một bước đột phá nào đó trên mặt trận tư tưởng.

Và nếu vậy, những thay đổi nào sẽ được thực hiện đối với hiến pháp quốc gia vào tháng 3 tới? Một khả năng là cái tên dài “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” sẽ được rút ngắn thành “Tư tưởng Tập Cận Bình.”

Một câu hỏi khác là liệu Tập có được gọi là lãnh tụ đảng, một chức danh gợi nhớ đến Mao.

Câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm lớn kể từ tháng 4, sau khi Đại hội Đảng bộ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây đưa ra thông cáo cam kết sẽ trung thành với Tập – vị lãnh đạo hạt nhân của đảng, đồng thời sẽ “mãi mãi ủng hộ lãnh tụ, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ.”

Phần mở đầu của hiến pháp Trung Quốc hiện nay đang gọi Mao Trạch Đông, người từng giữ chức chủ tịch đảng, là lãnh tụ của đảng .

Phần mở đầu của hiến pháp Trung Quốc hiện nay gọi người cha lập quốc Mao Trạch Đông là lãnh tụ đảng. Phải chăng Tập sẽ được đối xử tương tự?

Hiến pháp hiện nay cũng đề cập đến hệ tư tưởng mang tên Tập, được đưa ra sau “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình.”

Nếu địa vị của Tập được nâng lên thành lãnh tụ, và hệ tư tưởng của ông cũng được viết tắt là “Tư tưởng Tập Cận Bình,” thì đó sẽ là lý do để sửa đổi hiến pháp quốc gia một lần nữa.

Một thay đổi rõ ràng hơn sẽ là nâng cấp địa vị của Tập lên thành chủ tịch đảng, một chức danh do Mao nắm giữ cho đến khi ông qua đời. Nếu Tập được nhận danh hiệu này, thì quyền lực được củng cố của ông sẽ phải được thể hiện trong hiến pháp Trung Quốc.

Trong khi đó, nếu chức danh chủ tịch đảng được khôi phục, nó sẽ dẫn đến một số thay đổi trong bộ máy. Vị trí cao nhất hiện tại là tổng bí thư sẽ trở thành vị trí thấp hơn so với chủ tịch đảng, nghĩa là vị tân tổng bí thư sẽ giám sát nhiều công việc hành chính dưới quyền chủ tịch đảng.

Trong trường hợp này, bản sửa đổi hiến pháp quốc gia năm 2018, trong đó loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, sẽ chỉ còn là một vấn đề nhỏ.

Tỷ lệ phiếu chênh lệch áp đảo trong cuộc bỏ phiếu tháng 03/2018 được trình chiếu trên một màn hình. (Ảnh của Kosaku Mimura)

Mục đích của việc sửa đổi là để tích hợp ba chức vụ chủ chốt mà Tập đang nắm giữ – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Việc hạ cấp chức vụ tổng bí thư sẽ làm sụp đổ tiền đề này.

Mặc dù vấn đề có thể được giải quyết nếu Tập đồng thời làm Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng việc tập trung quyền lực quá mức như vậy sẽ đi ngược lại với làn sóng đang ngày càng dâng cao trong nội bộ đảng, yêu cầu ông bồi dưỡng các nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo.

Nếu Tập Cận Bình thực sự quan tâm đến ý kiến của các đảng viên, ông có thể cân nhắc từ bỏ chức vụ Chủ tịch nước Trung Quốc vào khoảng sau năm 2023.

Và nếu một người có cấp bậc thấp hơn đảm nhận vị trí Chủ tịch nước, việc đảo ngược sửa đổi hiến pháp năm 2018 và tái áp dụng giới hạn hai nhiệm kỳ có thể là điều hợp lý.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là tư tưởng của Tập, đặc biệt là về kinh tế, còn chưa được rõ ràng.

Từ tháng 9 năm ngoái, các trường tiểu học trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu giảng dạy hệ tư tưởng mang tên Tập. Nhưng tư tưởng của Tập còn khá mơ hồ so với tư tưởng của Mao, người đã viết nhiều sách và bài báo, hoặc của Đặng, người nổi tiếng với câu nói “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột,” phép so sánh trong cuộc tranh luận về nền kinh tế kế hoạch và nền kinh tế thị trường.

Trên thực tế, nhiều trung tâm nghiên cứu về Tư tưởng Tập Cận Bình đang bị buộc phải “tìm ra” nội dung của nó do áp lực từ cấp trên.

Những người gặp khó khăn nhất có lẽ là các trung tâm nghiên cứu về hệ tư tưởng kinh tế của Tập.

Một bài bình luận gần đây được đăng trên tờ Kinh tế Nhật báo, một tờ báo thuộc Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, đã ca ngợi tư tưởng kinh tế của Tập, cho rằng chính sách “thịnh vượng chung” của ông sẽ giúp thu hẹp chênh lệch thu nhập.

Tuy nhiên, bài bình luận đã thận trọng chỉ ra thịnh vượng chung sẽ không thể đạt được nhanh chóng, đồng thời nói thêm rằng nếu việc hiện thực hóa thịnh vượng chung diễn ra không đồng đều giữa các khu vực thì cũng không vấn đề gì.

Bài bình luận cũng nhấn mạnh rằng động lực của thịnh vượng chung không nên là mục tiêu theo đuổi chủ nghĩa bình quân, và phải hiểu rõ bản chất khó khăn và phức tạp của vấn đề này trong dài hạn.

Bài viết dường như đang cho thấy sự cân nhắc những lời chỉ trích từ nội bộ đảng, rằng nếu Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa bình quân, nước này có thể rơi vào tình trạng “đói nghèo chung.”

Bài viết cũng không sử dụng cụm từ “ngăn chặn sự bành trướng tư bản vô trật tự,” vốn từng là một trụ cột trong các ưu tiên kinh tế của Tập.

Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 10/09, được trang hoàng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. © Bộ Ngoại giao Uzbekistan / Reuters

Một cách để bù đắp những yếu kém của chính sách kinh tế là chính sách đối ngoại. Vào thứ Tư này, Tập sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi COVID-19 lan rộng ở Vũ Hán, hơn hai năm rưỡi trước.

Mục đích của chuyến đi là để chứng minh những thành tựu ngoại giao đã đạt được kể từ khi kỷ nguyên mới của ông bắt đầu cách đây 10 năm, nhằm tạo thêm động lực cho sự chuẩn bị của ông cho đại hội Đảng sắp tới.

Điểm dừng chân đầu tiên của Tập là Kazakhstan. Ông lần đầu tiên trình bày ý tưởng về khu kinh tế Con đường Tơ lụa mới tại đó trong một bài phát biểu vào tháng 09/2013. Ý tưởng này đã dẫn đến Sáng kiến Vành đai và Con đường, kêu gọi tạo ra một khu vực kinh tế lớn, nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển.

Sau Kazakhstan, Tập sẽ đến thăm Uzbekistan để dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ông dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Uzbekistan.

Liệu Tập có thể đạt được danh hiệu lãnh tụ bằng cách thể hiện tư tưởng của riêng mình một cách rõ ràng? Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cách ông sử dụng chiếc đũa thần của mình.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here