1. Từ mấy tuần nay, cả nước hướng về miền Nam – Nhất là với những gia đình có người thân sinh sống và làm việc ở trong đó như nhà mình. Mà nói chung người ngoài miền Bắc, miền Trung có mấy gia đình là không có người thân trong đó, không định cư hẳn thì tha hương vào mảnh đất hào hiệp và trượng nghĩa ấy kiếm ăn độ nhật. Bởi vậy, cho dù mỗi người có thể có những góc nhìn khác nhau nhưng cái tình cái nghĩa bộc lộ trong cụm từ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” là không thể phủ nhận. Điều đáng nói ở đây là vì cố chấp hoặc không để ý đến cảm xúc của người khác nên mới có những “cơn bão mạng” không đáng có trong lúc đồng bào mình gặp hiểm nghèo như câu chuyện vừa rồi xảy ra với các cháu sinh viên trường Y Hải Dương.
2. Nhìn bức ảnh các y bác sĩ, các cháu sinh viên mặc quần áo bịt bùng giữa cái nóng hầm hập hoặc chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau “ Nam tiến” chi viện cho “khúc ruột” miền Nam mà ứa nước mắt. Họ là những ai? Chúng ta không thấy mặt, không biết danh tính. Chỉ thấy thái độ nhẫn nại, chấp nhận gian khổ một cách lặng lẽ của họ. Chị Trần Mai Hường đã bình luận về họ rất trúng, rằng, có thể họ không biết làm thơ, có thể họ hát chưa chuẩn một bài hát, có thể họ chưa được dạy những câu xã giao và rất có thể trong số họ có người còn nói ngọng, nhưng họ có cái giá trị căn bản nhất của người Việt chúng ta là đức hy sinh, xả thân vì người khác vào lúc người khác cần đến mình nhất. Điều này đáng trân quý hơn gấp vạn lần “những anh hùng” bàn phím ngồi đó mà chế nhạc, khoe ảnh hay tụ bạ bạn bè rồi phán xét này kia nọ ấy. Hoặc khốn nạn hơn là những kẻ thừa cơ “đục nước béo cò”, tăng giá hàng hoá nhu yếu phẩm, giá xăng dầu… trong lúc muôn dân khốn khổ lao đao.
3. Không cần đao to búa lớn rao giảng về đạo đức, chỉ biết rằng, những tấm lòng đồng bào tương thân tương ái sẻ chia trong hoạn nạn mãi mãi là những viên kim cương lấp lánh tình người, là minh chứng hùng hồn cho cái lẽ đời ấm áp “lá lành đùm lá rách” thậm chí “lá rách ít đùm là rách nhiều”. Chỉ một ngôi trường sư phạm nghèo như trường mình, phần đa các thầy cô “ba cọc ba đồng”, vậy mà khi dịch đến, chẳng ai bảo ai, chỉ trong mấy ngày của đợt 1, Thầy Trò Nhà trường đã quyên góp được hai trăm triệu đồng ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch cúm Tàu. Khắp cả nước còn có biết bao ngôi trường như trường mình, có biết bao nhiêu cơ quan, công ti… có biết bao nhiêu tấm lòng thảo thơm đã “nhường cơm xẻ áo” đúng nghĩa của từ này cho đồng bào mình trong dịch giã, thiên tai.
4. Không thể phủ nhận nỗ lực của Nhà nước khi tạo ra các khu cách li tập trung nhằm bảo vệ những người còn lại khỏi bị lây nhiễm Tàu (mình rất không thích cái cụm từ vòng vo “virus corona”, “covid -19”). Nhà nước, từ đầu mùa dịch đến nay đã phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho những người sống cách li. Chúng ta đã nhìn thấy các chiến sĩ và nhân viên y tế nằm bờ ngủ bụi để canh gác khu cách li, nhằm bảo vệ bình yên cho xã hội. Đây là điều đáng ghi nhận đối với chủ trương chống dịch của nhà nước. Tuy nhiên, cụm từ “cách li tập trung” đã bị những người thực thi hiểu sai và lạm dụng. Họ đã gây ra những tai hại khôn lường khiến số ca lây nhiễm tăng lên chóng mặt mà chủ yếu từ những trại cách li này. Những người nghi nhiễm (F1) bị ở chung với nhau trong những căn phòng kín gió, sử dụng chung không gian ở và vệ sinh tối tăm chật hẹp. Đây là môi trường lí tưởng cho con virus phát tán và lây chéo. Lẽ ra mỗi cá nhân phải ở trong các căn phòng biệt lập, hoàn toàn cách li với nhau. Sự lây chéo đã thể hiện rõ bắt đầu từ các trận dịch ở Hải Dương và sau này là Bắc Giang, Bắc Ninh. Các công nhân đã sống cùng nhau trong những nơi cách li sai chuẩn và con số 69% F1 chuyển thành F0 trở thành con số lịch sử của ngành dịch tễ học. Nhiều bác sĩ và những người có trách nhiệm đã lên tiếng về lây nhiễm chéo, nhưng không ai dám quyết để thay đổi. Chỉ đến khi Sài Gòn bùng phát F1, nhiều nhân viên y tế bị hốt đi cách li một cách vô lí, những hình ảnh clip về nơi cách li rất tồi tệ bị phát tán ra khắp mạng xã hội, những bài phân tích như những lời khẩn cầu được đưa ra và chia sẻ thì các nhà quản lí dịch mới chấp nhận cho F1 cách li tại nhà. Bộ Y tế mấy đời bộ trưởng liên tục bộc lộ những yếu kém của mình. Tệ hại nhất là họ đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với người được cách li tại nhà như thể quản lí tội phạm hình sự.
5. Và bây giờ thì hậu quả đã nhỡn tiền, họ buộc phải “cởi trói” như bao nhiêu lần cởi trói khác. Có bác sĩ đã chỉ ra rằng, quyết định cho F1 được cách li tại nhà là do hậu quả của giải pháp cách li tập trung gây lây nhiễm chéo và do điều kiện cách li không đáp ứng nổi với số lượng F1 tăng cao vì không có chuẩn định nghĩa về F1. Trả F1 về với gia đình là một sửa sai về giải pháp. Thậm chí cách đây vài ngày còn có chủ trương cho cả F0 cách li tại nhà sau 10 ngày với hai lần xét nghiệm âm tính. Điều này hoàn toàn khác với lập luận của những “chuyên gia” hù doạ rằng, con số F1 bùng nổ là điều báo động đáng sợ của dịch bệnh, rằng con số F0 sẽ tăng, rằng sự chết chóc sẽ lan tràn… Những lời đó có ý đồ riêng, không cần bàn ở đây.
6. Cách hành xử của những người thực thi công vụ trong đại dịch cũng còn nhiều điều đáng nói. Đọc trên trang Vinh Râu và bình luận của bạn Trần Dũng Tiến về chuyện cấm lò sản xuất và cấm bán bánh mì ở Sài gòn mới thấy cái cách quản trị xã hội theo kiểu “không quản được thì cấm” nó vô cảm cỡ nào. Chả lẽ, ổ bánh mì là ổ dịch hay sao, mua một ổ bánh mì rồi đi là lây truyền virus Tàu à, có thấu cho người già, trẻ nhỏ của hàng trăm ngàn gia đình người Sài Gòn đã qua hàng tuần không có bánh mì để mua, để ăn không? Có vì dịch bệnh cấm kinh doanh mua bán, thì chừa nguồn cung cấp bánh mì, chỗ bán bánh mì ra, rồi sắp xếp sao cho dân dễ mua như cái cách người Miến Điện tổ chức ấy. Rồi còn biết bao nhiêu gia đình phải chạy ăn từng bữa. Nếu không có phương cách tiếp tế cho họ mà cứ cấm túc họ thì họ sẽ sống sao đây. Mỗi khi người dân phải ra đường thì các ông chấp pháp nên nhớ đấy là họ cực chẳng đã mà phải ra thôi. Chả lẽ dịch giã bùng phát dữ dội như vậy mà họ ra đường để “dung dăng dung dẻ” hay sao? Vì sao có nơi còn khoán tiền phạt dân?
7. Nhắc các ông chuyện chữ nghĩa, rằng phải “khoan thư sức dân” hay cần lựa lửa để mà “rút củi đáy nồi” (phủ để trừu tân) cũng bằng thừa. Nhưng các ông các bà chấp pháp mỗi lần phạt tiền ai đó nên nhớ: hai triệu đồng với các ông có thể chả là gì nhưng với người dân chúng tôi lớn lắm. Cả mấy ông bà điện lực nữa, các ông bà độc quyền bao nhiêu năm nay “ăn” thế cũng lòi dom lòi tĩ rồi. Với toàn dân thì chúng tôi chả dám mơ, nhưng ít nhất ở những vùng đang áp dụng chỉ thị 16, đây là lúc các ông bà thể hiện chút tình người bằng cách giảm chút tiền điện hàng tháng cho dân thường (chứ không phải chỉ cho các cơ sở lưu trú du lịch hay các cơ sở phòng, chống dịch như các ông bà đã giảm để “mị”). Lúc này mà các ông vẫn luỹ tiến theo kiểu “sống chết mặc bay” như vậy thì dân nào sống nổi! Còn nữa, vì sao trong khi cứ “đè” dân ra phạt tiền mỗi khi họ ra đường không cần biết lí do thì các ông bà lại nhốt F1 chung một phòng? Tại sao cấm dân ra đường lại lùa dân vào siêu thị? Rồi trước đó, khi dịch đã bùng phát ở Ấn Độ (mà nguyên nhân chủ yếu là tụ tập đông người trong các dịp lễ hội), các ông bà vẫn “thả cửa” cho dân du lịch hội hè dịp 30/4 và 1/5. Có liên hệ gì không giữa cảnh bãi biển Vũng Tàu ken đặc người trong dịp này với việc dịch bùng phát ở Sài Gòn sau đó không lâu? (dân du lịch Vũng Tàu chủ yếu là từ Sài Gòn). Cũng còn đại phúc là khí hậu miền Nam nắng nóng chứ như ở các xứ hàn thì không biết tốc độ lây lan của con virus Tàu sẽ kinh khủng cỡ nào?… Tại sao? và Vì sao?
Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng này cứ nhìn cái cách người dân Sài Gòn ứng xử với nhau và người dân cả nước hướng về những vùng tâm dịch là học được bài học về LÒNG DÂN. Bởi vì không có sức mạnh nào “lật thuyền” bằng lòng dân và không có thứ luật nào thượng tôn bằng TÌNH NGƯỜI…