Cù Tuấn
– Cù Tuấn dịch từ Wall Street Journal.
Tóm tắt: Hóa ra thế hệ trẻ không tồi tệ hơn người già. Theo một nghiên cứu mới, những người già chỉ thích nghĩ rằng người trẻ là kém cỏi mà thôi.
Kể từ thời Hy Lạp cổ đại, mọi người đều đã phàn nàn rằng thế hệ tiếp theo là một sự thất vọng. Ngày nay, những người thuộc thế hệ 7x-8x đang phải chiến đấu với thế hệ 200x mà thường gây khó chịu khi say sưa nhắn tin bằng biểu tượng cảm xúc và có các biểu cảm thái quá. Cảm giác bọn trẻ kém cỏi hơn mình thì rất là khoái – nhưng nó có thể là một ảo giác. Suy cho cùng thì những người già hay phán xét cũng đã từng là những người trẻ phải nhận những lời phàn nàn tương tự. Vào những năm 1960, cha mẹ của thế hệ 6x đã chửi con cái mình là những đứa trẻ hippie để tóc dài, mặc quần loe và sống vô trách nhiệm. Vậy có phải con người thực sự đang kém đi một cách đều đặn kể từ thời cổ đại?
Trong một bài báo mới trên tạp chí Science Advances, John Protzko và Jonathan Schooler của Đại học California ở Santa Barbara gọi cảm giác này là hiệu ứng “bọn trẻ bây giờ”. Và nghiên cứu của họ cho thấy rằng nó có liên quan nhiều đến cách chúng ta nghĩ về bản thân cũng như liên quan đến những đứa trẻ đáng yêu đó.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một tập hợp các mẫu gồm 1.824 người, được chọn làm đại diện cho dân số Hoa Kỳ. Họ hỏi những người tham gia về thế hệ tiếp theo so với thế hệ trước như thế nào—đặc biệt là liệu thế hệ trẻ có tỏ ra tôn trọng người lớn tuổi, thông minh và đọc sách nhiều hay không. Nhìn chung, mọi người xếp hạng giới trẻ thấp kém hơn, phù hợp với hiệu ứng “bọn trẻ bây giờ/bọn trẻ ngày nay”.
Nhưng điều thú vị là mọi người phản ứng theo các cách khác nhau tùy thuộc vào bản thân họ. Những người quan tâm nhất đến sự tôn trọng rất có thể nói rằng thế hệ tiếp theo tỏ ra thiếu tôn trọng người lớn. Những người đạt điểm cao nhất trong bài kiểm tra IQ có nhiều khả năng nói rằng thế hệ tiếp theo là kém thông minh hơn. Và những người có điểm số tốt nhất trong bài kiểm tra nhận diện các tác giả/nhà văn nổi tiếng hầu như đều nói rằng thế hệ tiếp theo không thích đọc sách. Có vẻ như những người lớn tuổi không có được sự thật khách quan về giới trẻ; thay vào đó, họ đưa ra những so sánh chủ quan theo các tiêu chí mà bản thân họ có thể hiện tốt nhất.
Đáng chú ý nhất, Tiến sĩ Protzko và Tiến sĩ Schooler đã chỉ ra rằng khi cách nhìn của mọi người về bản thân thay đổi, thì cách nhìn của họ về thế hệ tiếp theo cũng vậy. Trong một phần của thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nói với những người tham gia rằng họ đã đạt điểm rất cao hoặc rất kém trong bài kiểm tra nhận dạng tác giả và sau đó yêu cầu họ đưa ra đánh giá về khả năng đọc của những người trẻ tuổi. Khi mọi người tin rằng bản thân họ là những người đọc sách ít hơn, họ cũng ít có khả năng nghĩ xấu về khả năng đọc sách của thế hệ tiếp theo.
Tiến sĩ Protzko và Tiến sĩ Schooler nghĩ rằng ảo giác “bọn trẻ bây giờ” hoạt động như vậy. Những người lớn tuổi nổi trội về một đặc điểm nào đó sẽ quan sát những người trẻ tuổi hơn và thấy rằng, về trung bình, “bọn trẻ” tỏ ra kém hiểu biết, kém tôn trọng hoặc kém thông minh hơn chính bản thân mình. Sau đó, những người lớn tuổi sẽ so sánh những người trẻ đó với ký ức của chính họ về những gì họ đã từng đạt được ở cùng độ tuổi.
Nhưng những ký ức trên là không đáng tin cậy. Các nghiên cứu của nhà tâm lý học Stanford Lee Ross đã chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng điều chỉnh cách nhìn về bản thân trong quá khứ để phù hợp với hiện tại. Ví dụ, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng quan điểm chính trị trong quá khứ của chúng ta gần gũi với quan điểm chúng ta đang có, trong khi thực tế không hẳn là vậy.
Ngoài việc đánh giá quá khứ là giống với hiện tại đến mức sai lệch, những người xuất sắc trong một đặc điểm cụ thể nào đó quên rằng họ không phải là điển hình của thế hệ của họ. Họ có thể khái quát hóa câu nói “Tôi đọc sách nhiều khi còn trẻ” để kết luận “và những người khác độ tuổi tôi cũng vậy.” Khi chúng ta phàn nàn về thế hệ tiếp theo, thực ra chúng ta đang so sánh họ với một phiên bản lý tưởng hóa của quá khứ của chính chúng ta, với một ký ức sai lệch tâng bốc cái tôi của chúng ta lên tận mây xanh.
https://www.facebook.com/tuan.cu.5/videos/584543883551742/
https://www.wsj.com/articles/why-we-look-down-on-todays-kids-11575561273