Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Munich đoàn Mỹ rối như canh hẹ và không có chiến lược rõ ràng.

0
24
Nguyen Tien Trung
Hôm nay, thứ ba, 18.2.2025, tại Riyadh, Ả Rập Saudi, phái đoàn Nga – Mỹ đã gặp nhau và thông báo là sẽ mở lại đại sứ quán ở hai nước, tạo các đoàn cấp cao để đàm phán về chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine, và tìm cách siết chặt quan hệ và hợp tác kinh tế. Tóm lại là triển vọng về việc chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine vẫn mù mờ và phía Mỹ không có giải pháp.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Munich từ ngày 14 tới 16.02, đoàn Mỹ cũng đã thể hiện rất yếu kém khi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã nhượng bộ Nga ngay từ đầu khi tuyên bố Nga có thể giữ các vùng đất đã chiếm đóng phi pháp của Ukraine và Ukraine sẽ không là thành viên NATO. Đặc phái viên Kellogg thì tuyên bố Mỹ và Nga đàm phán về hòa bình Ukraine mà không cần tới châu Âu. Phó Tổng thống Vance thì có một màn nói chuyện gây kinh ngạc, lạc đề, và không có một tiếng vỗ tay nào. (Tôi sẽ dịch một bài bình luận riêng về bài nói chuyện gây kinh ngạc của Phó Tổng thống Vance). Tổng thống Trump thì đòi Ukraine phải cho Mỹ hưởng lợi từ khoáng sản mà không đưa ra đảm bảo an ninh nào tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Cuối cùng, Bộ trưởng Ngoại giao Rubio, người có kinh nghiệm nhất trong chính trị và quan hệ quốc tế, phải nói ngược lại hết tất cả những quan chức kể trên và cho rằng mọi thứ đều có thể và châu Âu sẽ được ngồi vào bàn đàm phán.
Người gỡ gạc thể diện cho đoàn Mỹ nhiều nhất là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham khi ông tuyên bố với Tổng thống Ukraine Zelenskyy: “Tôi muốn nói với ngài và dân tộc của ngài, các bạn là đồng minh mà tôi đã mơ ước suốt đời. Các bán đã cầm lấy vũ khí của chúng tôi, và các bạn đã đá đít chúng (Nga). Tôi rất tự hào vì có các bạn là đồng minh.”
Kể sơ như vậy để thấy đoàn Mỹ rối như canh hẹ và không có chiến lược rõ ràng.
Thứ nhất, chính Mỹ đã kí vào Bản ghi nhớ Budapest ngày 5.12.1994 là Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine để đối lại việc Ukraine sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới của mình. Việc Mỹ viện trợ vũ khí và viện trợ nhân đạo cho Ukraine hiện tại là việc Mỹ phải thực hiện lời hứa với Ukraine. Đó không thể gọi là “cho vay tiền” vì nếu như vậy thì chữ kí của Tổng thống Mỹ có giá trị gì? Chắc chắn bội ước không thể làm nước Mỹ vĩ đại.
Nếu Ukraine vẫn còn kho vũ khí hạt nhân mà họ đã từ bỏ vì tin tưởng Mỹ thì thách Putin dám bước nửa bước chân vào Ukraine.
Thứ hai, việc lợi dụng lúc Ukraine đang khó khăn phải chống quân xâm lược mạnh hơn nhiều lần thì chính quyền Mỹ chỉ chăm chăm đòi quyền khai thác khoáng sản ở Ukraine để “xiết nợ”. Tôi chợt nhớ tới các băng nhóm xã hội đen cho vay nặng lãi những người nghèo khó, sa cơ lỡ vận. Tôi cũng liên tưởng tới các chế độ thực dân trong quá khứ như thực dân Pháp từng đô hộ Việt Nam chỉ để chăm chăm khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam (nhưng miệng vẫn nói là đang “khai hóa” Việt Nam).
Từ khi nào mà một nước Mỹ vĩ đại lại trở thành một nước đế quốc khi đòi sáp nhập Canada, Greenland, Panama, Gaza, và trở thành một nước thực dân khi đòi đặc quyền khai thác khoáng sản ở Ukraine? Đó là sự “vĩ đại” của thực dân đế quốc?
Thứ ba, hãy nhớ lại việc Mỹ đi đêm với Trung Cộng để bỏ rơi VNCH, làm ngơ để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của VN. Nếu Mỹ đòi các quân dân cán chính VNCH còn sống sót và con cháu của họ phải “trả nợ” cho Mỹ vì Mỹ đã chi rất nhiều tiền cho VNCH thì chúng ta nghĩ gì? Mỹ đã phản bội VNCH và còn “xiết nợ” con cháu VNCH thì đó là loại lương tâm gì?
Năm 1975, Mỹ bỏ rơi đồng minh VNCH. 2019, Mỹ bỏ rơi đồng minh người Kurd. 2021, Mỹ bỏ rơi đồng minh Afghanistan. Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại là phải chấm dứt chuyện phản bội đồng minh đó. Nên nhớ, Mỹ bỏ rơi đồng minh Kurd và Afghanistan đã tạo nên làn sóng tị nạn đè nặng lên đồng minh của Mỹ là châu Âu.
Cuối cùng, Nga và Bắc Triều Tiên đã kí hiệp ước đồng minh và Bắc Triều Tiên đã gửi vũ khí và quân đội tới giúp Nga. Nga và Bắc Triều Tiên không cần sự đồng ý của Mỹ để kí hiệp ước đồng minh. Vậy tại sao Mỹ lại sợ Nga khi nói thẳng là không dám kết nạp đồng minh Ukraine vào NATO? Điều đó cho thấy Tổng thống Trump mạnh hay tên độc tài tàn bạo Putin mạnh? Có lẽ ai cũng có câu trả lời.
Năm 1938, châu Âu đã đồng ý làm ngơ cho Hitler chiếm Tiệp Khắc với hi vọng tránh chiến tranh. Hitler thắng quá dễ dàng nên đã tiếp tục gây thế chiến 2. Và rồi cả châu Âu trở thành chiến trường đẫm máu. Xe tăng Tiệp Khắc lại cùng xe tăng Đức chống lại quân Đồng Minh. Thử tưởng tượng Ukraine thua trận và đoàn quân Ukraine thiện chiến dưới sự chỉ huy của Nga lại phải quay sang xâm lược châu Âu?
Bài học rút ra là xoa dịu một tên độc tài hiếu chiến như Hitler thì chỉ khiến hắn nghĩ rằng chúng ta đang sợ và hắn sẽ tiếp tục chiến tranh. Lịch sử đầy rẫy những bài học như thế. Nước Mỹ muốn đứng ngoài cuộc chiến cũng không được khi phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Đừng ảo tưởng là nước Mỹ ở xa chiến trường châu Âu và châu Á! Lãnh đạo chính trị phải có tầm nhìn xa chứ không phải nhìn vào vài đồng bạc trước mắt.
Để kết bài, tôi muốn nhắc lại lời của Thủ tướng Anh Winston Churchill sau khi Anh, Pháp đồng ý cho Đức sáp nhập Tiệp Khắc trong Hòa ước Munich năm 1938: “Bạn được lựa chọn giữa Chiến Tranh và Ô Nhục. Bạn chọn Ô Nhục, và rồi bạn sẽ có cả Chiến Tranh”. (“You were given the choice between war and dishonour. You chose dishonour and you will have war.”)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here