Suy Ngẫm (2) – Cầm đèn chạy trước ô-tô

2
75
Lễ dâng hoa tưởng niệm các liệt sỹ gạc Ma ngày 14.03.2015 bị cản phá bởi các thanh niên mặc áo có màu đỏ.

Tho Nguyen

Thành ngữ “Cầm đèn chạy trước ô tô” mới xuất hiện trong Việt ngữ hiện đại. Nó tả hành động của những kẻ láu táu, háu đá, cầm một cái đèn tay, lạch bạch chạy trước một cái ô tô đèn pha sáng quắc, tốc độ hơn cả chục con ngựa, có tay lái servo, có chỉ đường GPS. Hơn thế nữa, thằng cầm đèn còn cản đường chiếc xe được điều khiển bằng bác tài thông minh sáng suốt. 

Không còn có gì ngớ ngẩn hơn. 

Trong thực tế, mọi việc lại không như vậy. Những ý kiến trái chiều nhiều khi đi trước thời đại.

Ông Kim Ngọc, nguyên bí thư thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, đã hiểu được nỗi cơ cực của nông dân trong cái tròng „hợp tác xã“ nên chủ trương khoán ruộng cho nông dân từ 1965. Nông dân có quyền tự chủ, no bụng hơn, còn ông thất sủng, bị ép phải làm bản kiểm và từ chức. Năm 1988 nông dân cả nước hân hoan chào mừng nghị quyết của đảng về khoán nông nghiệp. Mất hơn 20 năm để hiểu một việc xưa như kinh phật.

Ông Võ Văn Kiệt lúc còn làm bí thư thành ủy TPHCM đã khuyến khích những người như bà Ba Thi chủ động về miền Tây thu mua lúa gạo của dân, bất chấp chính sách ngăn sông cấm chợ lúc bấy giờ để cứu đói ba triệu dân Sài Gòn. Rồi ông thử nghiệm một số cơ sở kinh tế „bán tư nhân“, đưa các nhà quản lý tư bản trước 1975 vào các vị trí then chốt ở đó. Ông phải „lén lút“ mở cửa với tư bản Hồng Kông, Đài-Loan để các công ty kiểu Cholimex nhập linh kiện điện tử về lắp máy Radio, TV… Lúc đó mọi việc bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ. May mà uy tín và công lao của ông trong chiến tranh đã giúp cho những việc làm ngược với đường lối kinh tế XHCN khi đó không bị khép vào tội phá hoại. Về sau người ta thấy ông làm đúng.

Trước đây, dâng hoa tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma hay ở Vỵ Xuyên hàng năm là có bọn đến phá, có người bị chặn ngay trước cửa nhà. Năm nay Thủ tướng cũng dâng hoa như vậy mà không có anh Quang Lùn nào dám phá. Lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn bị cất trộm đi mấy năm. Mục đích là để mấy ông „bất đồng“ rách việc không còn cửa „tụ tập đông người“ vào những dịp 19.1 (Hải chiến Hoàng Sa 1974) 17.2 (Chiến tranh biên giới 1979) hay 14.3 (Gạc Ma). Nay bỗng thấy Lư hương được đùng đùng mang về chỗ cũ, kiên quyết và âm thầm như lúc cất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tưởng niệm các liệt sỹ Gạc Ma năm nay. https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-pham-minh…/777786.vnp

Hồi 2009-2011, nhà văn Trang Hạ chỉ đội mũ có chữ HS-TS nên gặp rắc rối. Nhà thơ Lý Đợi thấy Sài Gòn có đường Trường Sa, vác máy ảnh ra chụp cái biển tên đường, định để khoe. Thế là có mấy tay xe máy đuổi theo định giật máy ảnh.

Nay áo phông mang chữ Hoàng Sa, Trường Sa mặc thoải mái. Ở phường không còn ai bị tổ dân phố rỉ tai bảo rằng„Thằng ấy thuộc bọn Hoàng Sa Trường Sa đấy“. 

Ngày xưa người nào đem nỗi oan Thủ Thiêm của mình ra kể là bị chụp cái mũ „Phản Động“. Mười mấy năm sau hóa ra các tội ác ở Thủ Thiêm là có thật và mấy ông vẫn vu người khác là phản động lại phải ra tòa.

„Bọn bất đồng chính kiến“ làm cái gì cũng bị đánh bầm dập, bị bắt vào đồn, về nhà bị phường đấu tố, xui bà con xa lánh. Rồi nhiều thứ chúng làm về sau được nhà nước thực hiện. Ngay cả thái độ đối với lịch sử cũng vậy. Giờ đây nhà báo chí chính thống đã bắt đầu nhìn nhận VNCH từng là một nhà nước của Việt Nam từ vỹ tuyến 17 trở vào. Trước đây ý kiến này bị coi là bóp méo lịch sử. Tôi tin là sẽ đến lúc, nhà nước sẽ tri ân các chiến sỹ hải quân VNCH trong hải chiến Hoàng Sa 1974 hoặc ít ra thì cũng lên tiếng về việc đó. Nhiều người đã bị bắt, bị đánh vì đòi hỏi việc này từ lâu.

Ngày nay chính quyền đã nhìn nhận Internet, mạng xã hội là một lực lượng xã hội không thể coi thường. Người ta coi đó là chiếc „phong vũ biểu“ để nghe, xem phản ứng của dân. Tuy không dại gì nói ra, nhưng một vài quyết định sau đó đã được sửa chữa để phù hợp các phản ứng này. Tuy việc này còn ít, nhưng cũng đã là một bước tiến đáng công nhận.

Vậy thì chớ bao giờ nghĩ rằng: Biểu lộ ý kiến chẳng ăn thua gì. Xã hội văn minh hay lạc hậu được quyết định bởi tỷ lệ những người thấy không đồng ý thì nói ra (dại dột) so với đám người thích nấp đằng sau chờ mọi người nói, lúc nào cũng sợ thiệt thân (khôn lỏi). Ở ta, bọn khôn áp đảo bọn dại dột.

Nhà văn Võ Thị Hảo từng tâm sự: Đó là tính tham lam của người Việt mình anh ạ. Họ tham sống, tham sự an thân nên đẩy cái chết hay những thiệt thòi vì mở miệng cho người khác.

Thì ra tham và hèn có cùng nguồn gốc. Khôn lỏi có lẽ cũng vậy. Đó là những căn bệnh dễ lây.

Việt Nam 2022 đã khác xa 1990, khi nguồn viện trợ của Liên Xô và Đông Âu bỗng biến mất. Kinh tế tư nhân và CNTB (hay gọi là „Kinh tế thị trường đinh hướng XHCN“ cũng được, nghe êm tai hơn), đã đem lại cho đất nước diện mạo mới. Điện và internet đã đến với mọi bản làng xa xôi. Đường cao tốc đang lan ra dần. Tôi về Cao Quảng, một xã nghèo của tỉnh Quảng Bình năm bên sườn phía đông Trường Sơn mà vẫn thấy lác đác những chiếc ô-tô của tư nhân. Còn ở thị xã Đồng Hới thì tỷ lệ gia đình có xe con có lẽ cao hơn cả ở Sài Gòn. Những người bạn tôi ở Cao Quảng nghèo lắm, nhưng họ ở nhà ngói, có điện, có smartphone. Và quan trọng là con cái được đi học. Tuy đôi khi khó chịu với những bất cập trong điều hành của xã, huyện, nhưng họ sẽ không bao giờ ủng hộ ai kêu gọi lật đổ chế độ.

Dân tộc này đã đổ quá nhiều máu rồi. 

Đó là tâm trạng của đa số người dân. Vậy thì lo sợ bị lật đổ quả là vô căn cứ.

Phát triển về tư tưởng đòi hỏi cả một quá trình lâu dài. Nhân lọai cần hàng ngàn năm để từ chỗ coi con người là nô lệ đến mức coi quyền con người là đương nhiên cho từng đứa trẻ từ khi mới sinh ra. 

Phát triển về thể chế cũng vậy. Đông Âu đã chuyển sang chế độ dân chủ từ hơn 30 năm nay, nhưng nhiều nước vẫn bị coi là „nền dân chủ khiếm khuyết“, là chế độ tham nhũng. Vậy nên nhiều người Việt không mong có ngay một bản hiến pháp tiến bộ theo kịp thời đại. Ngay cả một số vị lãnh đạo cũng nhìn nhậnđiều này, khi nêu ra các bất cập về luật đất đai, về vai trò của quốc hội.

Nhưng giả sử bản hiến pháp hiện hành được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh 100% thì VIệt Nam ta đã đi một bước khá xa so với hiện nay. Khi đó sẽ không có ai bị đi tù vì tội tàng trữ và tặng văn bản hiến pháp 2013 cho người dân. Khi đó quốc hội (có cho dù là 95% đảng viên) sẽ có vai trò kiểm soát hoạt động của chính phủ tốt hơn. Cho dù không công nhận quyền sở hữu đất đai của dân, nhưng nếu vai trò nhà nước „thống nhất quản lý“ không bị lợi dụng để giúp các tập đoàn tư bản chia chác tài nguyên quốc gia thì đã không có các vụ xung đột đất đai đổ máu.. Nhiều lắm, kể không hết.

Cho dù các mâu thuẫn xã hội ở Việt Nam ngày càng sâu sắc, nhưng nguy cơ lật đổ là 0 %.? Ai đã sống ở Việt Nam đều nhìn thấy vấn đề này. 

Vậy thì đẩy những người khác ý kiến, những người phê phán đường lối của nhà cầm quyền sang phía „bất đồng chính kiến“ là tối kiến. Những ý kiến chối tai vẫn chứa đựng những điều có ích cho việc kiến tạo chính sách. 

Vậy hãy để mọi ý kiến tồn tại, nghe hay không là việc khác. Khi đó sẽ không có „bất đồng chính kiến“. 

Còn như coi đó là „bất đồng chính kiến“, là „cầm đèn chạy trước ô-tô“ thì chỉ khiến cho quá trình canh tân đất nước bị trì hoãn, khiến nhiều cơ hội tốt bị bỏ rơi.

Nhưng gì thì gì, bác tài có đạo đức không bao giờ đè chết người cầm đèn chạy trước xe.

2 COMMENTS

  1. Hi Neat post Theres an issue together with your web site in internet explorer may test this IE still is the marketplace chief and a good component of people will pass over your fantastic writing due to this problem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here