Mạc Văn Trang
23-3-2022
Vào đầu những năm 1980, các nước XHCN theo Liên Xô, đều truyền bá cuốn sách của nữ Giáo sư Nga Sorokhova về “Đạo đức, Lối sống xã hội chủ nghĩa”. (Rất tiếc, nay không tìm thấy cuốn sách, xin nói theo trí nhớ). Ở Việt Nam tất nhiên cuốn sách đó được coi như “cẩm nang” để vận dụng vào giáo dục đạo đức, lối sống cho đảng viên, đoàn viên, sinh viên, học sinh…
Trong cuốn sách đó có lập Bảng so sánh Lối sống XHCN và TBCN, đại thể:
LỐI SỐNG XHCN– Có lý tưởng cao đẹp– Có niềm tin vào tương lai– Chủ nghĩa tập thể– Mình vì mọi người– Bình đẳng, hợp tác, tương trợ– Phát triển toàn diện, phong phú– Nếp sống kỷ luật– Lao động là vinh quang– Sống có kế hoạch, mục đích– Sinh hoạt lành mạnh– … | LỐI SỐNG TBCN– Không lý tưởng– Không niềm tin vào tương lai– Chủ nghĩa cá nhân– Ích kỷ, chỉ vì mình– Cạnh tranh, cá lớn nuốt cá bé– Phiến diện, thực dụng– Tự do buông thả– Là phương tiện kiếm sống– Không mục đích, kế hoạch– Chạy theo bản năng |
Còn nhiều điều nữa. Nhưng từng này cũng đủ thấy Lối sống XHCN mà người ta mong muốn xây dựng, khác về bản chất với lối sống TBCN.
Làm sao hình thành được đạo đức, lối sống XHCN? Làm theo công thức của K. Marx: Hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mức con người tạo ra hoàn cảnh.
Như vậy phải đưa tất cả mọi người vào tổ chức, học tập, sinh hoạt trong “hoàn cảnh” với các tiêu chuẩn XHCN; đồng thời tất cả phải tham gia vào các phong trào thi đua XHCN, xây dựng đời sống mới và đập tan, xoá bỏ tàn dư của lối sống phong kiến, TBCN. Đó là quá trình “con người tạo ra hoàn cảnh”; hai quá trình đó tác động qua lại biện chứng hình thành đạo đức, lối sống XHCN và bài trừ lối sống TBCN… (cắt quần loe, tóc dài, bắt đi học tập, lao động cải tạo …).
Ông Tố Hữu rất tự tin nói: Mỹ có tên lửa 3 tầng, ta có tên lửa 4 tầng, đó là quá trình đào luyện nên con người XHCN vô địch. Bốn tầng đó là: Nhi đồng – Thiếu niên – Thanh niên – Đảng viên, được giáo dục, rèn luyện trong khuôn khổ nhất quán để hun đúc nên con người mới XHCN vô địch…
Ông Lê Duẩn càng tin rằng, bằng phương thức đó ta sẽ đào luyện nên những con người mới XHCN, làm chủ tập thể, có năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên…
Cái công thức của Marx và phương thức hình thành con người XHCN như nói trên, quả thực có tác dụng khi con người sống trong chế độ bao cấp, bị kiểm soát từ tư tưởng đến mọi mặt của đời sống. Con người trong hoàn cảnh đó, y như những con thú làm xiếc trong môi trường bị ép buộc. Thoát ra khỏi hoàn cảnh đó, tất cả các hành vi bị ép buộc liền bị rũ bỏ hết.
Cho nên ta thấy khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, con người đã sống trong hỗn loạn các giá trị và hành vi đạo đức. Các tệ nạn xã hội tràn lan; con người giành giật cướp bóc lẫn nhau bằng bạo lực… Đặc biệt là một số có cơ hội làm giàu thì đua nhau ăn chơi xa hoa đến các ngôi sao phương Tây phải kinh hãi.
Ở các nước XHCN tuy đổi mới kinh tế, nhưng vẫn giữ chế độ độc tài, theo kiểu XHCN thì đạo đức, lối sống cũng bung bét, tham nhũng tràn lan; kẻ giàu ăn chơi sa đoạ, lãng phí; người nghèo sống bất cần đời; bạo lực, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút, đĩ điếm … tràn lan.
Vào những năm đầu 1990, xã hội Ba Lan từ XHCN chuyển sang chế độ tư bản, tình trạng xã hội cũng như vậy.
Nhưng chỉ sau 30 năm xây dựng chế độ Dân chủ, xã hội Ba Lan ngày nay đã hình thành nên đạo đức, lối sống của con người, của xã hội, đáng ngưỡng mộ. Dưới đây chỉ là một góc nhìn.
***
Phan Châu Thành:
“Bạn có biết?
Đã có khoảng 2.100.000 người tị nạn Ucraina nhập cảnh vào Ba Lan trong 24 ngày qua, đa số vẫn đang ở lại tại Ba Lan, nhưng Ba Lan vẫn chưa phải lập bất kỳ một trại tị nạn tạm nào cho người tị nạn cả.
Không có lều tạm, không có sự bẩn thỉu, không có nguy hiểm về an ninh, y tế rình rập. Tình trạng tội phạm không tăng lên.
Đại đa số những người tị nạn đến ở cùng trong các gia đình ở Ba Lan, tiếp tục cuộc sống bình thường, 70.000 trẻ con đã được nhập học miễn phí hoàn toàn – dù không biết tiếng, bao gồm cả tiền ăn tại trường và sách vở. Con số đó trong thời gian tới sẽ tăng lên tới khoảng 400.000 trẻ. Ngoài ra, mỗi trẻ em Ucraina sẽ được nhận gần 120 USD trợ cấp hàng tháng.
Không có ai phải ngủ trên đường, không có ai phải đi ăn xin. Hàng hóa, thực phẩm trong các cửa hàng đều đầy đủ, thậm chí nhiều quán ăn có chính sách giảm giá tới 100% cho người Ucraina. Tất cả đều được sử dụng bảo hiểm y tế và các phương tiện công cộng miễn phí.
Riêng thủ đô Warszawa nhận gần 200.000 người.
Nhìn họ và tự hỏi: làm sao có thể làm được như vậy?”
***
Có một điều rõ ràng, tất cả những khẩu hiệu, những lời răn dạy về đạo đức, lối sống XHCN được tô vẽ, ảo tưởng, duy ý chí, áp đặt từ bên ngoài vào tâm trí mỗi cá nhân, đều rơi rụng đi hết. Chỉ những giá trị phổ quát của loài người: lòng trung thực, từ bi, bác ái, thương người như thể thương thân… được khơi gợi, nuôi dưỡng từ bên trong mỗi con người, mới làm nên nền tảng đạo đức, lối sống xã hội tự nhiên và bền vững.