VNTB-Nguyễn Hiền
(VNTB) – Sự kiện Bãi Tư Chính đã dẫn đến một câu hỏi lớn, liệu Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế? Báo Thanh Niên trong ngày 23.7 đăng tải bài viết với tiêu đề, “Cơ sở pháp lý cho khả năng Việt Nam khởi kiện”, trong đó dẫn lời Tiến sĩ luật Trần Thăng Long (Trường đại học Luật TP.HCM), người đã cho rằng: “Trong bối cảnh leo thang phức tạp như hiện nay, giải pháp khởi kiện nhằm áp dụng luật biển quốc tế cần được xem xét đến”.
Trang tin điện tử Motthegioi mạnh bạo hơn, khi khẳng định “Việt Nam chắc thắng nếu khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông ” trong bài viết ngày 24.7, dẫn lời nhiều chuyên gia có liên quan, trong đó có Giáo sư James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ), “Việt Nam nên nộp đơn kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII (của UNCLOS – NV) và sẽ thắng”.
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc sẽ chịu thực thi phán quyết, trong trường hợp Việt Nam thắng kiện? Tác giả Đỗ Thiện, trong bài viết trên Pháp luật Tp. HCM ngay 23.7 cho biết, sẽ có nhiều cách buộc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết tòa án quốc tế, trong đó bao gồm, hình thành các liên minh pháp lý tiếp tục khởi kiện TQ khi thích hợp.
Cân nhắc vai trò pháp lý trong giải quyết tình hình Biển Đông là điều mới, nhất là khi quan điểm này được bàn tán xôi nổi trên các mặt báo chính thống như hiện nay. Thế nhưng, liệu Việt Nam có thể thực hiện?
Trong bài viết liên quan đến “Chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông” của Giáo sư Carlyle A. Thayer trên Eastasiaforum, ông đã lý giải vì sao Việt Nam không chú tâm vào đòn bẩy pháp lý.
Một là, Việt Nam đang theo đuổi chiến lược “hợp tác và đấu tranh” với Trung Quốc. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các hành động tăng cường các yêu sách của mình ở Biển Đông, như xây dựng và trang bị cho lực lượng hải quân và không quân để cho thấy sự răn đe quân sự đáng tin cậy đối với Trung Quốc.
Chẳng hạn, năm 2016, Việt Nam đã mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn để tăng cường khả năng trinh sát hàng hải. Đáng kể hơn, Việt Nam đã triển khai các bệ phóng cho Tên lửa pháo binh tầm xa do Israel sản xuất. Và theo các nguồn tin của Trung Quốc, những người lính ếch (đặc công) Việt Nam hoạt động ở gần đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Việt Nam cũng đã đẩy mạnh các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông hợp tác với các công ty dầu khí của Mỹ, Tây Ban Nha và Ấn Độ.
Thứ hai, Việt Nam đã lôi kéo Trung Quốc vào Biển Đông ở cấp độ nhóm làm việc, cấp chính thức và trong các cuộc họp song phương cấp cao. Đồng thời, Việt Nam đã thẳng thắn hơn trong việc đưa ra các phản ứng ngoại giao và tuyên bố công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Thứ ba, Việt Nam đã tích cực trong ASEAN trong việc cố gắng tạo ra một mặt trận thống nhất về tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đồng thuận của ASEAN đã dẫn đến những tuyên bố xuống nước. Ví dụ, tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của ASEAN tại Manila vào tháng 4.2017, phần Biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN đã giảm từ 8 xuống chỉ còn 2 đoạn. Tuyên bố lưu ý, “chúng tôi đã lưu ý các mối quan tâm của một số nhà lãnh đạo về những phát triển gần đây trong khu vực” chứ không phải là “mối quan tâm nghiêm trọng” như trong năm trước.
Người viết lưu ý rằng, Hà Nội vẫn được cho là đang thúc giục các quốc gia Đông Nam Á khác có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan đến hình thành COC, trong bối cảnh Philippines và Campuchia, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhận viện trợ từ Trung Quốc, đang cố gắng xóa bỏ điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý trong COC.
Thứ tư, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã tìm kiếm và nhận được các tuyên bố hỗ trợ từ Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ trên Biển Đông. Những tuyên bố này luôn luôn ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, cũng như giải quyết tranh chấp hòa bình mà không đe dọa sử dụng vũ lực, theo luật pháp quốc tế, bao gồm sự tôn trọng hoàn toàn các quy trình ngoại giao và pháp lý.
Trở lại với vấn đề liên quan đến khả năng kiện. Bản thân Washington, quốc gia có tiếng nói trong duy trì an ninh và hòa bình tại Biển Đông cũng có nhiều tuyên bố kêu gọi các bên thực thi nghĩa vụ pháp lý, kiềm chế hành động có nguy cơ làm leo thang tình hình và dẫn đến xung đột quân sự. Dĩ nhiên, trong nhóm nghĩa vụ pháp lý có thể bao gồm cả khả năng tiến hành kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Manila đã từng tiến hành. Tuy nhiên, so với các liệu pháp khác mà Việt Nam theo đuổi, thì khả năng kiện là không cao.
Ông Carlyle A. Thayer cũng nhận định rằng, “Trung Quốc và Việt Nam đang theo đuổi ngoại giao song phương và đa phương, bao gồm cả thông qua các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc (COC).” Và với tinh thần của bộ quy tắc ứng xử này, nó sẽ làm giảm nhiệt giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông, nơi phán quyết của Toà án không thể thực hiện được (vì thái độ của Trung Quốc).
Những nhận định nêu trên có vẻ phù hợp với diễn biến gần đây, khi Mỹ lên án hành vi bắt nạt và khiêu khích của Trung Quốc, thì ngay lập tức sau đó, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo thường nhật hôm 22.7 tại Bắc Kinh, theo Reuters.
“Đây là một sự vu khống nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] cũng như xử lý phù hợp các khác biệt”.
Điều đó cho thấy rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng sự “thân thiện” đối với Bộ quy tắc ứng xử mới, và tăng cường các cuộc hội đàm ngoại giao để tiến tới rút tàu thăm dò địa chấn theo kế hoạch nhằm tránh một cuộc xung đột vượt quá giới hạn mà Bắc Kinh đề ra. Đưa Việt-Trung trở lại vào quy trình “pháp lý và ngoại giao”.
Đây là giải pháp “vừa đánh vừa đàm” mà Bắc Kinh có thể tiến hành, và đối với Hà Nội, đây cũng là cách thức mà Hà Nội có thể theo nhằm giải nhiệt tình hình. Bởi, dù Bộ quy tắc ứng xử cũng chỉ là bộ “hướng dẫn hành vi của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải ở Biển Đông” hơn là “công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ”, tuy nhiên, nếu Bộ quy tắc này có cam kết không quân sự hóa trong vùng Biển Đông thì đó cũng là hướng đi mang tính chế tài, đảm bảo giám sát và kiểm soát được tình hình bồi lấp đảo như hiện tại.
Tuy nhiên, các cuộc xung đột vẫn sẽ tái diễn trong tương lai, và mang tính lâu dài, chừng nào tham vọng Biển Đông hóa vẫn nằm trong tư duy lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng gầy dựng sức mạnh cường quốc từ biển của Tập Cận Bình.
Hà Nội vẫn trong thế khó xử, khi Bắc Kinh giàu-mạnh và đòi quyền “siêu cường’. Một nghịch lý giữa hai quốc gia cộng sản.