VNTB – Trung Quốc là giặc hay bạn vàng?

0
109
Các tờ báo của Việt Nam ở một sạp báo tại Hà Nội hôm 28/2/2019 AP

Minh Châu

Đây là thắc mắc đặt ra trong buổi cà phê sáng bên bờ sông Hậu miệt Đồng Tháp của một vài biên tập viên ‘báo Đảng địa phương’, với nhóm báo chí thân hữu đến từ Sài Gòn.

Không Trung Quốc (!?)

“Giở các tờ báo giấy như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ trong những ngày này, đố ai tìm được tin tức nào về bãi Tư Chính. Tất cả vẫn còn là vùng cấm ngay trên cả báo điện tử địa phương!”. Biên tập viên P.T.H.N nhận xét.

“Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh…” là câu như một ‘slogan’ nằm phía dưới tên của tờ báo in, lẫn báo điện tử. Phải chăng “Đảng bộ” các địa phương ở miền Tây không thể ‘cùng tiếng nói’ với những “Đảng bộ”/ hội đoàn ở Hà Nội, TP.HCM?

“Nhiều khi phải thông cảm vì đầu ra nông sản xứ mình vẫn phụ thuộc bạn hàng Trung Quốc!”. Biên tập viên M.L cho biết vừa rồi trong gặp gỡ với đoàn doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã nói với ‘bạn vàng’ rằng Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên bình diện tổng thể, và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, năm 2018 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt vượt mốc trên 1 tỷ USD, chủ yếu từ hàng hoá nông, thuỷ sản. Trong đó, thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất của tỉnh.

“Hằng năm, hạn ngạch nhập khẩu gạo vào Trung Quốc là 5,32 triệu tấn trong đó nhập từ Việt Nam đến 45%. Chính điều này nên ‘tiếng nói của Đảng bộ’ chúng tôi là thôi, cứ để chuyện lên án hay kết án gì đó về Trung Quốc gây hấn cho các đồng nghiệp ngoài Trung ương hay trên Sài Gòn”. Biên tập viên P.T.H.N nói.

Vẫn dè dặt chuyện Mỹ

Đồng nghiệp đến từ Sài Gòn góp chuyện là thật khó hiểu khi doanh nghiệp miền Tây nỗ lực để tìm kiếm khách hàng phương Tây, đặc biệt là thị trường Mỹ, song tin tức liên quan về Mỹ trên báo chí ở địa phương lại rất nhỏ giọt, chủ yếu là đăng lại từ báo chí ở Sài Gòn.

“Chúng tôi phải tuân thủ quy định là trong bài dịch, chỉ được lấy từ Thông Tấn Xã hoặc từ các tờ báo lớn trong nước. Không tự ý dịch từ các nguồn như CNN, Reuters, BBC New…

Ngay cả trong chuyện lấy bài để đăng lại từ các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên thì cũng phải biết lựa, dạng bài như “Việt Nam chắc thắng nếu khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông” của báo Thanh Niên, hay “Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, chọc giận Trung Quốc” của Tuổi Trẻ, chúng tôi cũng không dám đăng, mặc dù rất muốn vì đây là tuyến tin tức nóng, người miền Tây cần phải biết…”. Biên tập viên quốc tế Đ.D.Đ chua chát nói.

Đồng nghiệp báo Kiên Giang kể rằng mặc dù đây là quê hương của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, song chẳng rõ vì sao mãi cho tới nay trong lãnh vực thông tin truyền thông, Kiên Giang thua kém gần như khắp làng báo miền Đông lẫn Tây Nam bộ. Đến nay, vẫn chưa có báo điện tử Kiên Giang.

Báo giấy Kiên Giang được bao cấp nên giá chỉ 2.000 đồng/ tờ, nhưng thử duyệt qua các số báo gần đây, tuyệt nhiên không hề có một tin tức thời sự nào liên quan vụ bãi Tư Chính cũng như về sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Mách có chứng, đồng nghiệp Kiên Giang giở mấy số báo gần đây, cụ thể các chuyên trang về Quốc phòng – An ninh, Thời sự trong nước và quốc tế, đúng là mọi chuyện đã có ‘Đảng và Nhà nước lo’.

Định hướng tuyên truyền biển đảo của báo ‘Đảng địa phương’?

Đồng nghiệp báo ‘Đảng địa phương’ cho biết họ luôn phải nằm lòng mẫu câu được nhấn mạnh trong một văn bản lưu hành nội bộ có tên “Kế hoạch công tác tuyên truyền biển và hải đảo năm 2019”, ban hành hồi tháng 4-2019, trong đó có yêu cầu “Kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân đưa tin sai lệch về chủ trương, chính sách, lập trường của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông”.

“Tôi nghĩ rằng có lẽ lập trường của Đảng và Nhà nước ta trong chuyện bãi Tư Chính không giống nhau ở các địa phương. Các tờ báo dám đăng bài viết mạnh mẽ lên án Trung Quốc, chắc phía ‘Đảng và Nhà nước’ của mấy tờ này có lập trường khác với ‘Đảng và Nhà nước’ ở tỉnh của tụi tôi! Bởi nếu không phải vậy, chẳng lẽ tại dân trí miền Tây thấp và… hèn, nên thôi hay để mọi chuyện cho cấp Đảng và Nhà nước trên Trung ương lo?”. Biên tập viên P.T.H.N mai mỉa nhận xét.

Có lẽ cùng duyệt qua các trang báo giấy Kiên Giang số gần đây, sẽ hiểu thêm về nỗi lòng của những người làm báo miền Tây lâu nay.