Sự Khép/Mở Ngưỡng Cửa vào Đại Học bên Hoa Kỳ

    0
    52

    Posted on November 27, 2021 by VTMP

    Dưới đây là một bài tổng hợp nhiều nguồn tin chính xác về các dự luật được nói đến trong khỏang thời gian gần đây (dự luật #209 và dự luật #16) hầu giải tỏa phần nào những hoang mang về những “lý giải” mâu thuẫn, không trung thực và thiếu thiện ý liên quan đến việc chọn lựa học sinh vào các trường Đại Học (ĐH) bên Hoa Kỳ (HK) mà không dùng đến điểm số đạt được trong các bài khảo sát SAT/ACT.

    Xin được giải thích cho rõ hai vấn đề sau:

    1) SAT/ACT: Việc dùng điểm số từ hai bài thi này không còn là điều kiện tất yếu tại nhiều trường đại học, trong đó gồm có hệ thống UC. Thực ra, chuyện dùng số điểm thấp cao trong hai bài thi SAT/ACT để tuyển học sinh, hoàn toàn tùy vào từng đại học, nên nếu các đại học danh tiếng muốn dùng số điểm SAT/ACT để tuyển lựa học sinh, thì vẫn có thể tiếp tục chọn lọc học sinh như đã có từ trước đến giờ. 

    Lý do cho những trường ĐH (trong đó có Hệ thống ĐH công, UC/CSU, của California, nơi có nhiều người dân da màu) không dùng SAT/ACT nữa là vì những bài thi này có nhiều câu hỏi thiên về văn hóa Âu Mỹ, mang lợi điểm cho học sinh da trắng. Thêm vào đó, rất nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy số điểm của bài thi SAT và ACT không có giá trị bằng số điểm trung bình đạt được khi còn học trong bốn năm trung học trong việc ước lượng sự thành công và tỷ lệ ra trường của sinh viên ĐH. Một nghiên cứu rất chặt chẽ, tại ĐH Chicago với hằng mấy chục ngàn học sinh, trải qua nhiều năm, từ nhiều trường ĐH khác nhau, (để so sánh kết quả, thành tích đạt được của sinh viên trong hơn một thập niên) cũng đã đưa đến kết luận trên. 

    Một điều không ai có thể phủ nhận được là rất nhiều học sinh người da trắng, hoặc gốc Á Châu, có điều kiện kinh tế dồi dào, có cơ hội học luyện thi dễ dàng, được cha mẹ trả tiền cho học kèm, ngay từ lúc còn ở tiểu học. Nhờ lợi thế đó, những học sinh nhà giàu thuờng có cơ hội được nhận vào các trường có tiếng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng thông minh xuất chúng, hay có khả năng, tài giỏi thực sự hơn những đứa trẻ con nhà nghèo, phải làm lụng giúp cha mẹ sau giờ học, và chưa từng có cơ hội đến những lớp học kèm, dù các học sinh nghèo vẫn có thừa khả năng tiếp thu, và cống hiến cho xã hội một cách tích cực nếu được vào ĐH. 

    Nói tóm lại, hai bài thi SAT, ACT không đủ để nói lên khả năng tiềm ẩn của từng học sinh và tài ứng biến, xoay sở trong những hoàn cảnh khắc nghiệt trong đời! Cái đó mới chính là điều quan trọng: sự diễn đạt, khả năng đáp ứng, uyển chuyển khi cần có trong đời sống  hằng ngày! 

    2) Những người da trắng đưa ra dự luật #209, #16 v.v.. và muốn chống lại những phương cách nhận học sinh mà không dùng SAT/ACT vì họ cho rằng điều đó khiến cho các trường ĐH thu nhiều học sinh gốc Mễ và người da đen hơn, đã cố tình không nói đến thống kê cho thấy là chuyện đó mang đến lợi lộc không phải cho người da vàng, mà cho người da trắng, nhất là những người có tiền, có bằng đại học. Điều khôi hài, mai mỉa, trớ trêu và đáng tiếc, đáng trách là nhiều người gốc Á, nhất là người Tàu, đã đồng thanh hưởng ứng những dự luật bất nhân này. 

    Nếu họ chịu để ý, nhìn thấu đáo, sẽ thấy được rằng cơ hội được nhận vào trường giỏi đối với học sinh người da đen hay gốc Mễ (mà không thi, hoặc không nộp kết quả thi SAT/ACT) tại các ĐH có tiếng vẫn đang dùng điểm số SAT/ACT trong việc tuyển chọn học sinh sẽ bị giới hạn hơn, đưa đến tình trạng “dư chỗ”. Và những  “chỗ” đó được dành cho “chính sách di sản” (Legacy policy), với sự thiên vị rõ ràng cho học sinh nhà giàu, có cha mẹ ra trường ĐH,  và là người da trắng tại nhiều ĐH, trong đó gồm các đại học danh tiếng như Dartmouth, Yale, Princeton, Harvard v.v… Đây là một cách “chọn lựa”, ưu tiên cho con của những cựu học sinh được vào trường một cách dễ dàng, dù không có điểm cao như các học sinh khác! Một bài phân tích ” Why do colleges use legacy admissions? 5 questions answered” đã cho thấy là tại Princeton, vào năm 2019, trong khi  số học sinh người da màu đã chiếm hơn 50%, nhưng số học sinh người da màu, gồm cả học sinh gốc Á, được nhận vào trường với chính sách “di sản” chỉ có một con số rất khiêm nhường là 27%! 

    Chuyện được chọn vào các ĐH danh tiếng tại nhiều trường cho thấy sự thiên vị rõ rệt khi các ĐH nhận học sinh theo chính sách “di sản”: Phần lớn các học sinh  được chọn vào theo chương trình “Di sản” (Legacy Policy) là người da trắng, ngay cả khi tỷ lệ học sinh da trắng tại các trường này ít hơn nhiều! Nói cách khác là việc lựa chọn mà không dùng số điểm SAT/ACT không hề khiến cho người Á châu “mất chỗ” bởi các học sinh người Mễ, hay người da đen, mà là để lại chỗ trống cho con cháu của những người giàu, người da trắng từng học tại các ĐH danh tiếng đó.

    Thế cho nên:

    Người VN chúng ta nên thành thật mà công nhận rằng: So với các cộng đồng người da vàng khác như người Tàu, người Nhật, người Đại Hàn, Ấn Độ, v.v…thì nói chung, trên giấy tờ, người VN tương đối nghèo hơn hết, và tỷ lệ có bằng cấp ĐH tương đối ít hơn nhiều so với các cộng đồng người Mỹ gốc Á khác. Đa số những thành phố có đông người VN, (ví dụ như Westminster, CA  chẳng hạn) thường không phải là thành phố sang giàu! Và theo census của HK bao năm nay thì số người gốc Việt, có cha mẹ từng học ĐH tại các tường ĐH danh tiếng, so với các người Mỹ gốc Á khác như tàu, Ấn Độ, Nhật Bản vẫn còn rất khiêm nhường…

    Chuyện thổi phồng khả năng học tập của “tất cả“ học sinh gốc Á cũng là một trong những cách “chia để trị”, qua sự so sánh nặng óc kỳ thị của người da trắng đối với các sắc dân da màu! Người da vàng, trong đó có VN, đã bị rơi vào cái bẫy “Model Minority” này khi cố tình tự xem là mình giỏi, thông minh hơn những người da đen, hay Mễ vì có máu da vàng! Chính điều này đã khiến chúng ta tự trói buộc, tự làm nô lệ cho một hệ thống giáo dục với những phương cách chọn lọc không hoàn toàn tương xứng, công bằng và hạn hẹp trong việc thẩm định tài năng của học sinh một cách trung thực. 

    Từng dạy các lớp AP (Advanced Placement, trình độ đại học) cho học sinh giỏi tại các trường trung học , tôi  đã nhìn thấy khả năng lĩnh hội siêu việt của nhiều học sinh người Mễ, người da đen, dù rất nghèo, ngay cả khi phải lang thang trên đường vì gia đình bị chủ nhà đuổi, hay mẹ cha bị trục xuất! Cùng lúc, không phải học sinh nào người da vàng, nhất là người VN, cũng có khả năng “thấm thấu” và lập luận, lý giải một cách dễ dàng,  hay có điều kiện đi học luyện thi để có được số điểm SAT/ACT cao. Rất nhiều gia đình VN không có điều kiện để cho con đi học thêm như các cộng đồng người Á châu khác, và vì thế, đã có nhiều gia đình VN lâm vào cảnh bi đát khi con họ xuống tinh thần, mang mặc cảm trầm trọng, có đứa bỏ cuộc, bỏ học,  hoặc quyên sinh vì không vào được trường giỏi! 

    Cá nhân tôi đã từng được dạy rất nhiều học sinh nghèo, đa số là người Mễ, không có được cha mẹ giúp làm bài tập ở nhà, hay được học kèm. Có đứa còn phải đi làm thêm đủ thứ việc sau giờ học (như chùi nhà, giữ em, chạy bàn, buôn bán vặt vãnh v.v…)  để phụ giúp gia đình.  Khi vào đến ĐH, sự trì chí cố gắng đó thường giúp cho các em vượt qua nhiều khó khăn, vì đã quen vất vả… Tôi đã thấy được sự thành công của rất nhiều cựu học sinh người Mễ, người Việt nghèo, dù không có điểm SAT cao. Sau khi được vào các trường ĐH giỏi, các em vẫn ra trường, và rất thành công trong đời nhờ có tiềm năng, ý chí,  phấn đấu mạnh mẽ, cùng sự thông cảm mến thương của gia đình, bè bạn….

    Trong vài năm gần đây, Trung Cộng (TC) đã có những chương trình chọn lọc, và đưa cho học sinh bậc TH bên đó sang Mỹ học vài tháng mỗi năm, để tìm hiểu về hệ thống giáo dục nhân bản của HK, nhất là ở tiểu bang CA. Vì TC hiểu rõ rằng muốn cạnh tranh với HK, vươn lên, phải có những thay đổi trong chương trình giáo dục…Không những vậy, chuyện “đậu” qua các kỳ thi tuyển vào ĐH bên TC rất khó khăn, và đưa đến chuyện đút lót, ăn gian, “con ông cháu cha” cứ có tiền là mua cái gì cũng được, không khác bên VN! Từ hơn hai thập niên qua, số sinh viên đến HK từ TC cũng gia tăng với lý do giản dị là chuyện thi cử, được đậu vào  các ĐH bên TC quá khó khăn, luôn thiên vị người giàu, nhất là những người có quyền lực, làm trong chính phủ!

    Chương trình giáo dục Hoa Kỳ tuy không hoàn hảo, nhất là về các ngành nhân văn, phim ảnh, cũng có sự thiên vị người da trắng, và cũng có bất công trong sự lựa chọn sinh viên vào ĐH theo “Legacy Policy” để giữ hoài địa vị ăn trên ngồi trước của họ, nhưng nói chung vẫn hơn hẳn bên TC, hay VN, nơi mà chuyện thi cử bị khai thác tận cùng, trở thành công cụ làm tiền của những người có thẩm quyền chọn lựa, sinh ra bao nhiêu điều bất công, nghịch lý, không phát huy được hết tiềm năng của học sinh một cách thích đáng… Đó không phải là điều chúng ta muốn có ở bất cứ nơi nào trên thế giới!

    California vẫn đang và sẽ luôn là tiểu bang đứng đầu về những chương trình giáo dục xuất sắc, tiên phong trên nhiều lĩnh vực ( khoa học, xã hội và nhân văn v.v…) nhất là trong ngành khoa học bảo vệ môi trường cho toàn quốc, toàn cầu!

    Nói tóm lại, các trường ĐH bên HK vẫn có rất nhiều cách để tuyển chọn học sinh ưu tú qua những chương trình và bài thi trong các lớp Advanced Placement hoặc chương trình International Baccalaureate (IB)! Những môn học, và bài thi cuối năm của những chương trình này có thể thẩm định một cách công bằng, tinh tế, chính xác hơn khả năng, tiềm lực và những tài nghệ thiên bẩm khác của từng học sinh. Và thành tích, cùng sự cố gắng trau dồi kiến thức trong bốn năm trung học là chìa khóa tất yếu cho sự thành công trong ĐH. 

    Minh Phượng 

    Tài liệu nghiên cứu:

    The University of Chicago Law Review Online: Fifteen Questions About Prop. 16 and Prop. 209

    University of Chicago: Test scores don’t stack up to GPAs in predicting college success

    Grades vs. SAT scores: Which is a better predictor of college success?

    The Learning Policy Institute: The California Way: The Golden State’s Quest to Build an Equitable and Excellent Education System

    Debunking the Model Minority Myth (USC Pacific Asia)

    The Phoenix (Swathmore College): The Actual Mistake in the Admissions Process: The Legacy Policy

    Why do colleges use legacy admissions? 5 questions answered

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here