GỌI TÊN VÀ ĐỊA DANH CÁC NƯỚC

0
GỌI TÊN VÀ ĐỊA DANH CÁC NƯỚC

Nguyen Huu Nghia

Nghĩ vụn bên cốc cà phê sáng

. nhn

Nếu người Việt không phải lang thang hay lưu trú trên khắp mặt địa cầu thì không có vấn đề này. Người Việt học qua trung học VN, từng sống ở VN, đủ chữ nghĩa để hiểu, sẽ chỉ gọi tên và địa danh các nước theo cách mà cơ quan thông tin của chính phủ cùng báo chí trong nước gọi.

Người trong Nam không hề bỡ ngỡ, lọng cọng khi đọc tới hay nghe nói về Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại, Nữu Ước hay Hoa Thịnh Đốn. Người ngoài Bắc thì cứ Ôxtrâylia, Niu-Di-lơn, Ca-na-đa. Niu-Óc hay Hoa-sinh-tơn mà đả, chẳng ai thắc mắc, nghĩ ngợi gì.

Thế nhưng cái sự phiền hà bắt đầu xảy ra khi trăm con bắt đầu nói tiếng trăm giòng và xa dần với chữ cha, tiếng mẹ. Người ở các nước nói tiếng Anh thắc mắc: Tại sao không gọi thẳng, thí dụ như “nước Russia” mà nói là “Nga”, qua trung gian tiếng Tàu 俄羅斯 rồi đọc theo âm hán việt, Nga La Tư, hay gọn hơn: “Nga”?

Người Việt ở Đức, nếu chỉ biết hai thứ tiếng Việt và Đức, sẽ phản đối: “Gớm, đừng tưởng ở Mỹ rồi cứ nghĩ là American first, ai cũng phải biết phải nói tiếng Anh; ở đây chúng tôi gọi nước Nga là “Russland”. Người Na-uy đồng ý ngay: “Đúng rồi, chúng tôi cũng gọi nước Nga là Russland!” Người ở Pháp nghe vậy cười xòa: “Lại còn Russia với lại Russland, quái thế? Ở đây chúng gọi nước Nga là “Russie”! Người Việt ở Nga cười ha hả: “Lắm chuyện! Nước của chúng tôi là Россия thì cứ như thế mà gọi, chả phải mượn qua trung gian bất cứ tiếng nào, Tây Tàu gì cũng vậy!

Quả thật là nhức đầu! Chỉ một nước Nga trong cả trăm nước trên thế giới mà đã lôi thôi. Cả trăm nước khác gọi nước Nga bằng cả trăm tên gọi khác nhau. Nhưng, có một điều hiển nhiên là người Việt dù sống ở bất cứ nước nào, nói tiếng gì, đều hiểu nước “Nga” là gì, ở đâu. Đó là điểm thống nhất của tiếng Việt, dù qua trung gian hán việt nhưng nó đã trở thành tiếng Việt, chỉ người Việt hiểu, người Tàu ngơ ngác, mặc họ. Thế nên, đừng vội giễu cợt hay chỉ trích gay gắt, tại sao không gọi tên nước Nga bằng ngôn ngữ của nơi mà bạn đang sống, thay vì chỉ đơn giản gọi đó là nước “Nga” bằng tiếng Việt.

Nhưng, lại nhưng, chúng ta chỉ có khoảng hơn một chục tiếng thông dụng để gọi tên các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Úc, Nhật, Trung hoa, Đài Loan,.. Nhìn kỹ lại, các tiếng đó hoặc mượn qua trung gian hán việt hay dùng ngay chính nguyên ngữ, đọc qua âm hán việt.

“Anh” chính là tên tắt của Anh Cát Lợi, “Pháp” là tên tắt của Pháp Lang Sa, Mỹ là tên tắt của Á-Mỹ-Lợi-Gia, “Ý” là tên tắt của Ý Đại Lợi, Úc là tên tắt của “Úc Đại Lợi”, “Nhật” là tên tắt của “Nhật Bản”, .. còn Trung hoa, Đài Loan, chúng ta đọc nguyên ngữ theo âm hán việt.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều tên khác, chỉ có những vị học qua trung học ở VNCH trước 1975 mới biết: Mễ Tây Cơ (Mexico), Ba Tây (Brazil), Á Căn Dình (Argentina), Chí Lợi (Chile), Tô Cách Lan (Scotland), Bỉ (tức Bỉ Lợi Thì, Belgium), Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Hòa Lan (Netherland), Lục Xâm Bảo (Luxembourg), Phi (hay Phi Luật Tân, Philippines),.. Các chữ trong ngoặc là tên các nước đó viết bằng tiếng Anh, xin lỗi quí bạn sống ở cả trăm nước khác, có thể không hiểu.

Và đây là các thành phố lớn, theo âm hán việt qua trung gian chữ Tàu: Nữu Ước (New York), Hoa Thịnh Đốn (Washington), Cựu Kim Sơn (San Francisco), Luân Đôn (London). Tên các thành phố lớn đọc nguyên ngữ theo âm hán việt: Bắc Kinh (Beijing), Thượng hải (Shanghai), Hương Cảng (Hongkong), Đông Kinh (Tokyo), Đài Bắc (Tapei),..

Cuối cùng, tôi nghĩ gì, đề nghị gì ở đây?

Thứ nhất, đối với các tên đã thông dụng mà người Việt ở hai miền đất nước hay sinh sống trên khắp mặt địa cầu đều hiểu, thì cứ thế mà dùng trong đời của chúng ta: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Na-uy, Phần Lan, Đan mạch, Thụy điển, Áo, Thụy sĩ,.. Những tên đã có một thời thông dụng nhưng sau này ít dùng thì bỏ luôn, cứ dùng tên theo tiếng nơi mình đang sống; hoặc dùng tên theo âm hán việt và chú thích ngay bên cạnh bằng ngôn ngữ bản xứ. Thí dụ: Na-uy (Norway) nếu đang ở nước nói tiếng Anh; hay Na-uy (Norvège) nếu đang ở Pháp hay Na-uy (Norge) nếu đang ở… Na-uy!

Thứ hai, các tên ít dùng quá, nên bỏ luôn tên hán việt. Thí dụ Ô Khắc Lan (Ukraine), Nhất Đán (Jordan),..

Thứ ba, ở trong nước, nếu ngại độc giả không đọc được các tên nước “lạ”, thì cứ viết theo tên người ta xưng và phiên âm cách đọc bên cạnh. Thí dụ: Austria (Ôxtria) nếu không muốn dùng chữ nước Áo, đừng khơi khơi gọi tên nước người ta bằng tên Ôxtria. Đó chỉ là chữ phiên âm, không phải tên nước.

Thứ tư, riêng tên người, tôi nghĩ nên viết theo nguyên ngữ latinh, không nên đọc theo âm hán việt. Thí dụ Montesquieu thay vì Mạnh Đức Tư Cưu; Rousseau thay vì Lư Thoa. Nếu tên gốc là Hoa văn thì nên đọc theo âm hán việt, thí dụ Tập Cận Bình, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch,..

Sau hết, có một điều, tôi không dám tỏ ý chế giễu hay khinh thị khi thấy người ta dùng chữ khác mình, nói khác mình. Tôi hiểu rằng, ngoài bầu trời nầy còn có nhiều bầu trời khác; hay ít nhất, có một bầu trời cao rộng, nếu tôi leo lên khỏi đáy giếng!