BBC
Tháng trước Hà Nội đưa thẳng tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần từ nhà tù ra phi trường, trục xuất đi Mỹ. Một năm trước đó, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cũng đã bị trục xuất như thế.
Một người từng là công an, một là cựu bộ đội, họ là những tiếng nói tiêu biểu phản kháng các chính sách của Hà Nội về đất đai và tự do tôn giáo, về quan chức tham nhũng và quan hệ Việt-Trung.
Vì tham gia tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc lấn biển và đòi hỏi một nền tự do báo chí cho Việt Nam, họ đã bị giam tù nhiều năm.
Đi lưu vong vì chính trị như Điếu Cày và Tạ Phong Tần là ra đi với một niềm tin và quyết tâm đấu tranh cho một quê hương có tự do, nhân quyền.
Cùng lý tưởng đó, trước họ có Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thuỷ, Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm là những tên tuổi người Việt lưu vong được biết đến nhiều ở Mỹ; bên Nga có Nguyễn Minh Cần, Pháp có Bùi Tín.
Tất cả đều mong muốn quê hương có thay đổi chính trị để họ trở về.
Nhưng đi lưu vong vì đối kháng với chế độ cộng sản thường không có cơ hội quay về để tiếp tục đóng vai trò đối lập với nhà nước đương quyền, như đã thấy qua một số người Việt lưu vong từ hơn nửa thế kỷ qua.
Dưới chế độ độc tài, nhưng không phải độc tài cộng sản, thì người dân phải sống lưu vong có nhiều cơ hội hơn để trở về nguyên quán tiếp tục đường đấu tranh.
Từng sống lưu vong
Cựu Thượng Nghị sĩ Benigno Aquino Jr. của Philippines sau ba năm lưu vong ở Mỹ đã về nước năm 1983 khi tình hình chính trị tại quốc gia này có nhiều biến động.
Tuy biết trước những đe doạ từ chính phủ độc tài của Tổng thống Ferdinand Marcos, ông Aquino vẫn quyết định quay về để rồi bị ám sát chết ngay tại phi trường Manila.
Cựu dân biểu và từng là ứng viên tổng thống Nam Hàn Kim Dae-jung sau những năm sống lưu vong ở Nhật và ở Mỹ đã trở về nước tiếp tục tranh đấu chống độc tài quân phiệt cho đến ngày Nam Hàn được dân chủ hoá. Năm 1998 ông đã được bầu chọn làm tổng thống.
Thời Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều tướng tá như Nguyễn Khánh, Nguyễn Chánh Thi, Dương Văn Minh, Lâm Văn Phát, Vương Văn Đông phải sống lưu vong.
Một tướng lưu vong đã trở về và trở thành nhân tố trong chính trường miền Nam là Tướng Dương Văn Minh.
Đảo chánh 1/11/1963 thành công, Tướng Minh lên nắm quyền không được bao lâu rồi bị các tướng khác truất phế. Sau đó ông phải sống lưu vong nhiều năm ở Thái Lan.
Năm 1971, ông trở về và được những người ủng hộ đề cử ra tranh chức tổng thống, đối đầu với Tổng thống đương nhiệm Nguyễn Văn Thiệu tranh cử nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên Tướng Minh đã rút lui vào giờ chót vì cho rằng chính quyền hiện hành sẽ gian lận bầu cử để ông Thiệu tiếp tục làm lãnh đạo.
Tháng 4/1975 Tướng Minh được trao quyền lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa. Hai ngày sau ông ra lệnh cho miền Nam đầu hàng.
Ngoài tướng Minh, trong lịch sử chính trị hơn nửa thế kỷ qua tại Việt Nam, chưa một ai phải đi lưu vong đã được trở về tham gia chính trường và làm thay đổi cục diện chính trị đất nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Minh Cần năm 1962 được gửi qua Moscow học trường đảng cao cấp, nhưng vì có liên quan đến vụ án xét lại nên ông chọn ở lại Nga và sống lưu vong từ đó đến nay.
Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan thuộc phe thân Trung Quốc nên khi hai nước có xung đột ở biên giới phía bắc, ông đã đào thoát sang Bắc Kinh năm 1979 và sống ở đó cho đến ngày qua đời.
Đại tá Bùi Tín, đại diện phe Tướng Võ Nguyên Giáp, hiện sống lưu vong ở Pháp từ đầu thập niên 1990 đến nay.
Nước Pháp cũng đã là nơi cư trú của cựu bộ trưởng tư pháp Trương Như Tảng, một người vượt biển định cư ở đó từ đầu thập niên 1980.
Khi mới đi lưu vong, ông Tảng đã du hành qua nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, để vận động một giải pháp chính trị cho Việt Nam nhưng không thành công.
Hơn 30 năm trước có Tướng Hoàng Cơ Minh từ Mỹ, Võ Đại Tôn từ Úc, Trần Văn Bá từ Pháp và những người cùng chung chí hướng đã trở về Việt Nam bằng đường rừng với hy vọng đem lại thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.
Nhưng tất cả đều thất bại, kẻ bị giết chết, người bị tử hình, kẻ bị bắt giam tù nhiều năm.
Trong hai thập niên qua, một lớp người Việt trẻ cũng đã trở về với lý tưởng đấu tranh cho dân chủ tự do như Đỗ Thành Công, Nguyễn Quốc Quân, Phạm Minh Hoàng nhưng cũng đã bị phát hiện và bắt giam.
Cách đây một thập niên, một tướng Việt Nam Cộng hoà đã trở về là Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Rời Việt Nam trong cuộc di tản năm 1975, qua Mỹ ông hô hào đấu tranh chống cộng sản Hà Nội, tuyên bố giữ quốc tịch Việt Nam, không nhập tịch Mỹ, để tương lai có thể lãnh đạo đất nước.
Năm 2005 ông về nước, không trong vai trò đối lập mà là một người môi giới thương mại.
Năm 2011 Tướng Kỳ qua đời tại Malaysia.
Tại Trung Quốc, sau biến cố Thiên An Môn năm 1989, nhiều lãnh đạo phong trào dân chủ của giới sinh viên như Chai Linh, Vương Đan và Wu’er Kaixi đã phải sống lưu vong đến nay.
Trong khi đó, người tị nạn hay di dân đến Mỹ từ các quốc gia như Campuchia, Iraq và Đài Loan trong những năm qua đã được tham gia vào các sinh hoạt chính trị, vào các cuộc bầu cử tổ chức trong nước.
Ngày đó bao giờ đến?
Nhiều người Việt khi bị buộc rời khỏi quê hương đều mong muốn đất nước có cải cách chính trị đưa đến tự do dân chủ để họ có thể trở về tham gia.
Tuy có nhiều nỗ lực tranh đấu từ hơn nửa thế kỷ qua, ngày đó đã không đến với nhiều người trong đời họ.
Cuối năm ngoái, khi Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vừa đặt chân đến phi trường Los Angeles ở California ông đã phát biểu rằng: “Tôi sang đây đấu tranh là để cho ngày trở về, không phải cho riêng tôi mà cho tất cả đồng bào ở đây.”
Câu nói của Điếu Cày hàm ý một ngày nào đó có tự do, dân chủ trên quê hương Việt Nam – theo như lý tưởng đấu tranh ông đang theo đuổi – thì ông sẽ trở về, cùng với nhiều người Việt khác đang sống tha hương ở xứ người.
Hai từ “trở về” đối với nhiều người Việt sống ở nước ngoài không mang nặng tính chính trị như ý muốn trở về của Điếu Cày, vì rất nhiều người, từ khi rời bỏ quê hương ra đi, vượt qua bao gian nguy và sau khi đã chọn xứ người làm quê hương thứ hai, có cuộc sống ổn định thì nhiều người đã trở về nguyên quán ít ra một lần.
Trở về để thấy lại xóm làng, thăm anh em bà con, bạn bè rồi lại quay về nơi đang sinh sống. Với nhiều người, cuộc sống không còn nặng tính lưu vong, tuy luôn mong cho đất Việt có tự do dân chủ, nhưng không phải lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê hương cũ mà lo âu thường xuyên hơn là về cuộc sống hiện tại nơi quê hương mới.
Ngày về của Điếu Cày cũng như của nhiều người Việt lưu vong khác là khi nào và trong điều kiện ra sao thì khó biết trước được. Cho đến khi có những biến động chính trị tại Việt Nam.
Với xu thế dân chủ thời đại và trào lưu hội nhập cùng thế giới, hy vọng ngày đó không còn xa.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, một nhà giáo hiện dạy đại học cộng đồng tại vùng Vịnh San Francisco, California