
Lê Nguyễn
Nhà nghiên cứu văn học Bằng Giang là một cựu kháng chiến, bạn của một số nhân vật được nhắc đến nhiều trong kháng chiến chống Pháp hay sinh hoạt học thuật tại miền Nam những năm 1940. Sau 1975, cụ là người có công lớn trong việc vực nền văn học miền Nam ra khỏi bóng tối của sự lãng quên, kỳ thị và thiên vị. Tác phẩm tiêu biểu của cụ là “Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ 1865-1930”, làm sống lại những công trình tim óc của các cây bút miền Nam trong hơn nửa thế kỷ mà không có bao nhiêu người đọc biết đến. Riêng “Sài Côn Cố Sự”, tác phẩm vừa được công ty sách Dân Trí tái bản với sự chăm chút hiếm có, là ký ức của một người Sài Gòn thế hệ trước về một miền đất luôn gợi lên nhiều ấn tượng khó quên. Trong tác phẩm gần 300 trang này, cụ Bằng Giang đã dành 85 trang viết về một tờ báo từng là niềm hãnh diện của làng báo miền Nam, mà hiện nay, chắc không mấy bạn trẻ biết nhiều về nó. Đó là tờ Phụ Nữ Tân Văn mà chủ báo là một trong ba nhà báo có cùng cái tên Nguyễn Đức Nhuận. Bên cạnh đó, tác giả viết một cách khá đầy đủ và khách quan về những người Sài Gòn từng tham gia công cuộc kháng Pháp hoặc có những đóng góp đáng kể vào sinh hoạt văn học-lịch sử thời kỳ trước 1954: Kha Vạng Cân, Thiếu Sơn Lê Sỹ Quý, Lê Thọ Xuân, Khuông Việt, Ung Ngọc Ky, Sơn Vương …
Riêng tác giả bài viết này đã tình cờ có được chút duyên gặp gỡ với cụ Bằng Giang qua tác phẩm Sài Côn Cố Sự, nay nhân dịp này xin được nhắc cùng các bạn những kỷ niệm đáng nhớ về một tấm lòng, một nhân cách đáng trân trọng:
MẤY KỶ NIỆM VỀ TÁC GIẢ “SÀI CÔN CỐ SỰ”
Có một thời, và cho đến bây giờ, yếu tố vùng miền, quan điểm chính trị vẫn còn chi phối không ít tác phẩm viết về văn học, nhất văn học miền Nam thời Pháp thuộc. Vì thế, khi đọc quyển “Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ 1865-1930” của cụ Bằng Giang, tôi rất ngưỡng phục cụ ở cái tâm, ở sự hiểu biết rộng rãi về một nền văn học thường bị vô tình hay cố tình bỏ quên. Ngày nọ, tôi cầm trong tay quyển “Sài Côn Cố Sự” của cụ (NXB Văn học – 1999), đọc lướt qua và bất ngờ tìm thấy một sai sót nhỏ liên quan đến tờ Gia Định Báo. Ở trang 274, cụ viết: ”Còn năm đình bản của nó? Long Điền trong Giai phẩm Bách Khoa (phát hành tháng 10.1974, trang 74) cho biết Gia Định báo đình bản từ ngày 1.1.1910 do nghị định ngày 21.9.1909 của Thống Đốc Nam kỳ…” (hết trích). Hóa ra lúc viện dẫn tờ giai phẩm Bách Khoa, cụ tưởng nhầm bài góp ý của tôi với ông Phạm Long Điền là bài của ông Phạm Long Điền! Vì quý cụ và muốn khi tái bản quyển Sài Côn Cố Sự, cụ kịp sửa chữa sai sót trên, tôi gọi điện thoại ra chi nhánh NXB Văn Học tại miền Nam, xin số điện thoại của cụ. Người thỏa mãn yêu cầu của tôi là nhà văn Nhật Tuấn đã ân cần dặn tôi là cụ đang yếu mệt, đừng nói chuyện với cụ lâu quá. Thế là qua vài cuộc gọi, sách tặng nhau qua lại, chúng tôi thân nhau từ hồi nào chẳng biết. Mặc dù biết tôi đã có quyển Sài Côn Cố Sự, tháng 10.1999, cụ Bằng Giang cũng đích thân gửi qua đường bưu điện cho tôi quyển này, ở trang 274, cụ tự tay sửa bằng bút mực chi tiết sai sót về ngày tháng đình bản của tờ Gia Định Báo, mặc dù kèm theo sách, cụ đã cho in bản đính chánh dài 4 trang có cập nhật về sai sót này. Trong thư viết tay cụ gửi cho tôi đề ngày 2.10.1999, kèm theo cuốn sách tặng, ở đoạn cuối cụ viết: “Tay tôi hơi run chớ không phải viết tháo. Chúc anh sức khỏe để có mặt đều đặn trên các báo”. Với một kẻ hậu sinh như tôi mà cụ còn cẩn thận như thế!
Sau những lần đến thăm và hầu chuyện cụ, tôi học được ở cụ nhân cách của một con người hiểu biết rộng, khiêm tốn và tốt bụng (cụ có rất nhiều sách và thường tặng sách quý cho nhiều người làm công việc nghiên cứu văn học). Từng là một người kháng chiến chống Pháp, quen thân với nhiều nhân vật nổi tiếng cùng thời như nhà văn Thiếu Sơn Lê Sỹ Quý, ông Ung Ngọc Ky, nhà báo Khuông Việt …, song không như một số người vào thời cụ, khi nói chuyện với một kẻ hậu sinh thưa thớt như tôi, cụ luôn giữ thái độ khiêm cung, không ưa lồng ghép chuyện chính trị vào lãnh vực thuần túy văn học. Tôi rất kính trọng cụ ở thái độ đúng mực này. Một ngày nọ, cụ gọi điện thoại hỏi tôi đã có quyển Tiếng Việt Phong Phú của cụ chưa, tôi thưa rằng chưa. Cụ hứa sẽ gửi tặng tôi tác phẩm này. Không lâu sau, được tin cụ bị bệnh nhiều, nhà nghiên cứu An Chi, nhà thơ Phan Hoàng và tôi rủ nhau đến thăm cụ. Vì biết nhau nhiều qua các bài viết trên báo chí, nhất là trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, gặp anh An Chi lần đầu, cụ Bằng Giang rất vui. Tuy bệnh hoạn, gầy yếu lắm, nhưng cụ cũng dành nhiều thì giờ vui vẻ kể chuyện cho chúng tôi nghe. Nửa chừng câu chuyện, cụ nói với người nhà lấy một quyển sách tặng cho anh An Chi mà không nhớ gì đến quyển Tiếng Việt Phong Phú đã hứa tặng tôi. Tôi không tiện nhắc, nghĩ bụng là cụ già yếu, quên một việc như thế là chuyện thường. Không ngờ khoảng 7-8 ngày sau khi đến thăm cụ, tôi nhận được qua đường bưu điện tác phẩm Tiếng Việt Phong Phú cụ đã hứa tặng tôi. Trong bức thư kèm theo, cụ viết đại ý là hôm chúng tôi đến thăm cụ, cụ chưa kịp sửa hết các lỗi in ấn trong sách nên chưa tiện đưa cho tôi, giờ đã sửa xong nên cụ gửi cho tôi qua đường bưu điện. Tôi cầm quyển sách, nhìn những nét chữ màu mực đỏ sửa chi chít các lỗi in ấn mà sự cảm kích, xúc động khiến cho nước mắt rưng rưng. Cụ Bằng Giang là người như thế đó.
Tôi quen biết chỉ riêng cụ, nên ngày cụ mất (sau mới biết là ngày 7.9.2000), tôi không hay tin kịp, khi biết tin thì cụ đã được hỏa táng rồi. Tôi hụt hẩng như vừa mất đi một trong những người thân kính nhất trong đời. Tôi gọi điện cho anh Lê Khắc Cường, thư ký tòa soạn tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, ngỏ ý muốn viết một bài tưởng niệm cụ, anh Cường đồng ý. Bài viết xuất hiện trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 366 ngày 10.10.2000. Mấy ngày sau, tôi đến nhà cụ Bằng Giang, thắp nén hương muộn màng cho cụ, kính cẩn đặt lên bàn thờ cụ tờ Kiến Thức Ngày Nay có bài viết nói lên niềm tiếc thương sâu sắc một con người đáng kính đã vĩnh viễn rời xa thế giới đầy những nhiễu nhương này…
Cụ Bằng Giang là người đã góp phần to lớn trong việc đưa nền văn học miền Nam suốt hơn 60 năm ra khỏi bóng tối mịt mùng của những định kiến chính trị, những tự thị vùng miền. Trong một xã hội mà nhiều giá trị ảo được người đời xúm nhau nịnh hót, tôn xưng nhau, nào là nhà …học này, nhà … học kia, giáo sư này, quốc sư nọ, thì những con người chính trực âm thầm làm việc, khiêm tốn đem những hiểu biết của mình truyền lại cho đời xứng đáng để chúng ta tiếc thương và cúi đầu ngưỡng phục.
Lê Nguyễn
11.3.2015 – 3.5.2018