Quyền tự bảo vệ mình – nhìn tự vụ án Phương Nga

0
40
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga ra toà Ảnh : internet

04.07.2017

(kontumtv.vn) – Thực tế từ nhiều vụ án oan thời gian qua, đa phần người dân chưa thực sự hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vướng phải vòng lao lý.

Vụ án Trương Hồ Phương Nga bị tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định trả hồ sơ để điều tra lại vụ án đồng thời cho phép bị cáo được tại ngoại.

Đánh giá về kết quả bước đầu của vụ án, luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận xét, phán quyết này thuộc thẩm quyền của tòa án thông qua hoạt động xét xử và thu thập chứng cứ trực tiếp tại tòa. Việc HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho thấy họ đã thực hiện thẩm quyền đúng theo luật tố tụng hình sự.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, kết quả bước đầu của phiên tòa xét xử vụ án Trương Hồ Phương Nga là điều hiếm thấy. Có thể nói, HĐXX ở phiên tòa này đã có cách nhìn nhận khách quan và nhiều chiều sau một thời gian thẩm vấn và lắng nghe. HĐXX rõ ràng đã nhận thấy việc giam giữ đối với các bị cáo là không còn cần thiết nên đã thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Bị cáo vận dụng tốt quyền im lặng là “chuyện hiếm”

Không bàn tới kết quả phiên tòa, một điểm đặc biệt ở phiên tòa xét xử Trương Hồ Phương Nga khiến giới chuyên môn đánh giá là “chuyện hiếm” đó là bị cáo hiểu rất rõ về pháp luật và vận dụng quyền của mình để chứng minh mình vô tội.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga ra toà Ảnh : internet

Trước khi được đưa ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm lần đầu vào ngày 21/9/2016, được biết trong suốt quá trình điều tra Phương Nga đều giữ im lặng. Sự im lặng khi đó của Phương Nga đã khiến dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) lúc đó từng đánh giá cao sự hiểu biết về pháp luật của cô này và cho rằng sự im lặng của Nga cho thấy cô đã vận dụng tốt quyền của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố. Việc Phương Nga thực hiện quyền trả lời công khai tại tòa đã giúp cô bảo vệ được những lời khai của mình khi có sự giám sát của dư luận, vì vụ án có thể có nhiều điều khuất tất mà bị cáo không thể trả lời khi lấy cung.

Ở phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 vừa kết thúc hôm 29/6, có thể thấy rõ sự im lặng cần thiết và những lời khai đúng lúc của Nga đã phần nào giúp cô dần tìm thấy ánh sáng trên con đường chứng minh mình vô tội. Tuy nhiên, việc Phương Nga vận dụng thành công quyền im lặng, theo luật sư Vũ Ngọc Chi còn cần nói đến sự hợp tác rất tốt giữa cô này và các luật sư bào chữa cho cô. Cô thuyết phục được các luật sư tin tưởng mình và cũng tin tưởng vào các luật sư, cương quyết nghe và làm theo các luật sư bằng sự tin tưởng đó đã khiến cho sự phối hợp giữa các luật sư và bị cáo trở nên hiệu quả.

Qua việc vận dụng quyền im lặng của Phương Nga còn cho thấy im lặng không phải là sự bất hợp tác hay ngoan cố. “Về lý thuyết, việc chứng minh bị can, bị cáo là có tội hay vô tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, việc hợp tác hay không và hợp tác ở mức độ nào là do bị can, bị cáo quyết định. Việc chống đối hay không hợp tác không phải là tình tiết tăng nặng”, luật sư Vũ Ngọc Chi phân tích.

Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, việc thực hiện tốt quyền im lặng không bị coi là cản trở mà còn giúp cơ quan điều tra không bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình. Như vậy, quyền im lặng đã mang lại lợi ích kép cho cả hai phía chứ không riêng gì bị can, bị cáo. Tuy nhiên, luật sư Quynh cũng nhấn mạnh, quyền im lặng chỉ có giá trị với người bị oan, còn nếu hành vi phạm tội thực sự thì vẫn bị kết tội bình thường.

Phần lớn người dân không hiểu được quyền của mình khi vướng lao lý

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều luật sư, thực tế từ nhiều vụ án oan gây chấn động thời gian qua như vụ án của ông Huỳnh Văn Nén hay Nguyễn Thanh Chấn… có thể thấy rằng phần lớn người dân chưa thực sự hiểu pháp luật cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vướng phải vòng lao lý.

Theo luật sư Hà Đăng, trong nhiều vụ án, đa số các bị can khi bị khởi tố, bắt giam phần đông là người lao động, khả năng cập nhật và hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế nên họ không thể hiểu và biết được quyền của mình. Khi bị can, bị cáo thực hiện được tốt nhất quyền của mình, cơ quan điều tra hay cá nhân cán bộ tố tụng sẽ phải thực hiện đầy đủ quy định của BLTTHS, thực hiện trách nhiệm phải thu thập các chứng cứ khách quan để xem xét, đánh giá một hành vi là có tội hay không. Quá trình theo dõi vụ án Phương Nga và nhiều vụ án oan, luật sư Hà Đăng cho rằng các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa được đầy đủ, khách quan do vậy khi ra tới tòa mới bộc lộ vấn đề phải điều tra bổ sung.

Để tránh tạo nên những xung đột giữa người bị truy xét và cá nhân người làm công tác tố tụng khiến vụ án trở nên thiếu khách quan, luật sư Hà Đăng cho rằng cần cụ thể hóa các quyền của bị can, bị cáo, người liên quan trong BLTTHS như vậy chắc chắn sự hiểu biết, vận dụng của từng cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật hay trở thành bị can trong các vụ án hình sự mới có thể được thực hiện một cách đầy đủ. Quyền im lặng ở đây là quyền của cá nhân, quyền của người bị tình nghi, của bị can. Họ khai báo hay không khai báo, im lặng hay trình bày là quyền của họ, họ có quyền thực hiện quyền đó bởi lẽ trách nhiệm chứng minh là của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh mình vô tội./.

An Minh/VOV.VN

—————

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here