Quang Dũng, người lính và nhà thơ. Chỉ vậy thôi, nhưng đã khiến tôi, ngồi thừ hàng giờ trước màn hình vi tính, vì bởi, không biết phải bắt đầu từ đâu, phải bắt đầu như thế nào, khi viết về ông.
Tôi nghĩ trong đầu, viết về Quang Dũng là viết về một tượng đài.
Tượng đài người lính. Tượng đài của những chiến binh quả cảm, dũng cảm, ra đi, cầm súng, bảo vệ quê hương, giữ gìn non sông gấm vóc.
Dù máu đổ, dù đầu rơi, dù phơi thây ngoài sa trường, dù không hy vọng ngày trở về gặp lại mẹ già, con thơ, vợ dại, vẫn đi.
Vẫn quyết chí ra đi. Tổ Quốc Việt Nam là trên hết. Đất nước Việt Nam là trên hết. Còn Tổ Quốc, mới còn gia đình. Còn đất nước, thì mới còn ta.
******
Quang Dũng không chỉ là người lính. Như nhiều tài hoa khác, ông dạy học, làm thơ, và vẽ. Ngoài ra, ông cũng viết bút ký, hồi ký.
Thơ ông viết, hàng trăm bài. Những bài ấy, đến nay, ngót nghét tám mươi năm có, vẫn sừng sững, một chốn riêng, khó thể xếp vào đâu, chung chiếu cùng mâm với ai, mặc dù.
Mặc dù, những người biết về ông, đều nói rằng, ông chẳng tha thiết gì về cái gọi là danh tiếng, vị trí xã hội, ở hay không ở trong lòng người.
Ông lặng lẽ sau biến cố Tây Tiến. Ông thu mình, rong chơi, vẽ vời, và im lặng, không trải bày, không kể lể, không ăn mày quá khứ.
Những bài thơ ông làm, được nhắc tới nhiều nhất vẫn là: Đôi Bờ, Mắt Người Sơn Tây và Tây Tiến.
ĐÔI BỜ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
(1948)
Tôi biết bài hát Đôi Mắt Người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, trước khi đọc bài thơ Đôi Bờ và Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng. Nhất là khi bài hát ấy được cất lên từ giọng của danh ca Thái Thanh.
Trời ơi là não nùng. Lòng như đang bị ai vặn xoắn. Giữa bốn bề là rừng núi cô liêu. Sông thì xa, lớp lớp mưa dài. Sông hay mắt em mà quá đỗi quá chừng cô quạnh, trong một chớm thu về buổi sớm mai.
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự / Kinh thành em có nhớ bên tê? / Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến / Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề. Vẫn là một nỗi u hoài ấy, vẹn nguyên, chiếm lấy hồn người binh sĩ. Làm sao mà vui cho đặng khi chốn kinh thành kia, ở đó, vẫn còn người em dấu yêu, người nắm giữ trái tim của chàng trai đang ngoài trận tuyến. Mà trời thì mưa hoài. Mà sông thì lạnh mãi. Lấy gì sưởi ấm nỗi yêu xa.
Chỉ có bốn khổ thơ thôi mà đã hết ba khổ, Quang Dũng nhắc về sông, về dòng sông. Sông thì chảy xuôi, đã trôi là trôi mãi, chẳng về. Hình ảnh dòng sông trong thơ, bao giờ cũng là điềm ly biệt, bao giờ cũng là nỗi cô đơn, bao giờ cũng là niềm trơ trọi khi dòng hoài mải miết dần xa.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Những đêm không ngủ được, anh ra sông. Khói thuốc trên tay dẫn anh về chuyện cũ. Chiếc ly anh cầm, sóng sánh nước, đáy ly, dường, bóng dáng em, dường, mái tóc em, dường, mắt biếc em, và đôi môi nữa, cùng anh trò chuyện, thâu canh.
Nhưng tất cả chỉ là mơ thôi. Giờ đây, đôi ta, hai đầu xa tít. Em có buồn anh không? Có trách anh, có giận anh, bỏ em lại một mình. Có tủi hờn, khi giờ đây, không còn anh bên cạnh: Xa quá rồi em người mỗi ngả / Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau / Em đi áo mỏng buông hờn tủi / Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Đôi Bờ là một bài thơ đẹp. Không chỉ đẹp chữ, đẹp ý, đẹp tình mà còn đẹp ở cả người được nhắc đến trong thơ. Đẹp, là bởi vì nó thật. Nó thật ở lứa tuổi hai mươi, chập chững bước vào đời với bao ước vọng, mộng mơ, chập chững biết buồn, biết đau lòng vì những chia xa và cách biệt.
MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta
(1949)
Mắt Người Sơn Tây, đến nay, có rất nhiều dị bản. Ngay chính cả tác giả, khi chép tay lại, các bản cũng khác nhau. Sách in ra, mỗi lần, cũng khác nhau. Kể cả những câu chuyện, những đồn thổi về lý do ra đời bài thơ này, cũng vô số.
Tôi tạm dùng bản của Thi Viện. Và tất cả những gì tôi viết ở đây, đều chỉ là cảm nhận của tôi.
Của riêng tôi mà thôi.
Quang Dũng viết bài này để tặng cho người tình của ông. Hay là, người con gái trong bài, chỉ là một bóng hình qua, từng qua, trong cuộc đời ông. Thì, điều đó, liệu có dẫn đến cách nhìn, cách nghĩ khác nhau về bài thơ không?
Tôi nghĩ là không.
Thay vì cứ mải miết đi tìm, mắt người Sơn Tây kia là ai, thì tôi chọn việc đọc bài thơ và cảm nó theo những gì tôi đọc được.
Tôi và em, hai nhân vật chính ở trong bài. Một người thì từ Tây Sơn, chạy giặc, một người thì lên đường đánh giặc, và, họ gặp nhau.
Người con gái mà ông tình cờ gặp đó, có đôi mắt rất đẹp, giống người Tây Phương. Sơn Tây nằm ở phía Tây của kinh thành Thăng Long, còn một tên gọi khác nữa là xứ Đoài.
Ngắm đôi mắt ấy, tác giả mường tượng về một xứ Đoài đầy mây trắng, và ông hỏi thầm, em có bao giờ em nhớ thương?
Nhớ thương ai? Nhớ thương xứ sở mình hay nhớ thương về một người yêu đương còn xa vắng. Thơ là như thế. Thơ chính là như thế, thơ buông lơi, thơ lững lờ, để bạn đọc được tha hồ mà phiêu du, tha hồ mà phiêu bồng trong vẽ ra của mình, trong tưởng ra của mình.
Thơ là như thế. Thơ bất khả giải. Thơ là chỗ nhòe của những lằn ranh.
Đương từ chỗ hỏi, em có bao giờ em nhớ thương, và cũng chẳng đợi em trả lời, tác giả lại hỏi tiếp, dồn dập: Mẹ tôi em có gặp đâu không / Những xác già nua ngập cánh đồng / Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông.
Xa nhà, đi chinh chiến, những cánh thư, nếu có, thì cũng nổi trôi, như số mệnh quê hương, như thân phận con người trong cuộc chiến. Tin tức quê nhà bằn bặt. Lo lại chồng thêm lo. May mà còn có em đây, cho anh nguôi ngoai được phần nào nỗi nhớ. Anh nhìn em, ôi:
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Nếu nói không ai tả “chiều” hay bằng Hồ Dzếnh, với hai câu để đời: có phải sầu vạn cổ / chất trong hồn chiều nay? Thì.
Thì ba câu: Đôi mắt người Sơn Tây / U uẩn chiều lưu lạc / Buồn viễn xứ khôn khuây, theo tôi, được xem là, không ai tả nỗi buồn lưu lạc hay bằng Quang Dũng.
Và, tác giả nhờ cậy: Tôi gửi niềm nhớ thương / Em mang giùm tôi nhé / Ngày trở lại quê hương / Khúc hoàn ca rớm lệ.
Dẫu gì, thì cũng phải hy vọng thôi. Chỉ có hy vọng, mới cho mình thêm tinh thần chiến đấu. Chỉ có hy vọng, thì nỗi chờ đợi kia, chờ đợi một ngày đoàn viên, sum họp, mới không cào cấu, cắn xé tim ta.
Mang trách nhiệm người trai trong thời chiến, việc nước xong rồi mới nghĩ đến việc riêng: Bao giờ tôi gặp em lần nữa / Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca / Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ / Em có bao giờ em nhớ ta.
Tôi thiệt là thương cái câu hỏi, tưởng nhẹ nhàng mà hóa ra rất nặng nề, rất khó để trả lời, vì biết bao dâu bể, vì biết bao đổi thay, khi đất nước còn loạn lạc, khi non sông còn bóng thù: em có bao giờ em nhớ ta.
Nhớ, thì hẳn là nhớ rồi. Nhưng mong manh quá, khói lửa còn kia, xác người còn chất. Thôi thì, cứ hy vọng vậy, hy vọng sẽ còn gặp lại khi quê hương thanh bình, khi non sông tan mùa chinh chiến.
******
Không chỉ là một kiệt tác của riêng ông, Tây Tiến của Quang Dũng, còn được xem như là một thi phẩm xuất sắc nhất trong nền văn học thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp của nước nhà.
TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát, hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc.
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
(Phù Lưu Chanh, 1948)
Tây Tiến là tên của trung đoàn năm mươi hai, được thành lập vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, phối hợp với quân đội Lào, không chỉ bảo vệ vùng biên giới chung Việt – Lào mà còn có nhiệm vụ làm tiêu hao giặc Pháp.
Lính Tây Tiến, hầu hết là học sinh, sinh viên Hà Nội. Mười bảy, mười tám tuổi, cái tuổi mà nằm giữa trưởng thành và ăn chưa no, lo chưa tới.
Đất nước lâm nguy, phận làm trai không thể bỏ mặc, làm ngơ, nên rời nhà, giã biệt gia đình, tòng quân, lên đường diệt giặc.
Hành lý mang theo, ngoài quân phục, ngoài súng ống, là tình thương, là nỗi nhớ, cả nỗi buồn nữa. Nỗi buồn của biệt ly. Nỗi buồn của sự mất còn. Giữa đầu tên mũi đạn, ai nói trước được chuyện gì.
Địa phận Việt Nam xa dần. Giờ đây, nhiệm vụ của trung đoàn là bảo vệ những vùng đất có những cái tên, lần đầu, được biết, được nghe: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! / Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi. / Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, / Mường Lát, hoa về trong đêm hơi.
Ở những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi mà Quang Dũng tài hoa quá. Chữ trong ông không chỉ nhiều mà cái cách ông viết ra, cũng rất mượt. Những đảo chữ, những đảo từ được ông sử dụng rất nhuyễn: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, / Mường Lát, hoa về trong đêm hơi.
Cực khổ trăm bề mà vẫn nhận ra được cái đẹp của thiên nhiên, của núi rừng, của biên giới. Việt Nam hay Lào thì cũng như nhau, cũng sương ấy lấp tràn đường, cũng mùi hoa ấy khi đêm về, chơi vơi nỗi nhớ.
Cầm súng chỉ đơn thuần là nhiệm vụ. Súng không là tâm hồn, không bao giờ đại diện cho tâm hồn, không bao giờ trở thành tính cách của những chàng trai trẻ, hiền lành, thậm chí, còn nguyên nét mới mẻ, non nớt, ngây thơ. Chính vì thế, các cậu trai trẻ và tác giả mới cảm được, mới nhận ra: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, / Heo hút cồn mây, súng ngửi trời. / Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống, / Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Dụng chữ hay như Quang Dũng, thú thực, khen thôi, vẫn chẳng cảm thấy xứng. Đúng hơn, phải nói là cảm phục, nể nang. Cao thì không còn gì cao hơn, ngỡ đã chạm trời. Thấp thì cũng thấp tương xứng, thăm thẳm vực sâu. Rồi thì khúc khuỷu. Rồi thì heo hút. Xa tít mờ xa, nơi Pha Luông xứ người, mưa rắc nhà ai.
Buồn, ơi là buồn. Lạnh, cũng ơi là lạnh. Lạnh thời tiết, lạnh khí hậu, lạnh còn vì vắng bóng người, chung quanh, chỉ toàn hùm beo, cọp dữ: Anh bạn dãi dầu không bước nữa, / Gục lên súng mũ bỏ quên đời! / Chiều chiều oai linh thác gầm thét, / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Chiến tranh, không chỉ mất mát bởi hòn tên mũi đạn. Chiến binh có thể gục xuống bất ngờ, nửa chừng vì muôn vàn lý do, mệt mỏi, bệnh tật, thiếu thuốc thiếu ăn, thậm chí, vết thương không cầm máu được. Mới hôm qua, còn anh anh tôi tôi, nay bạn đã hồn về chín suối. Nhìn đồng đội ra đi, lòng sao không xót xa, lòng sao không đau đớn.
Và, làm sao không cám cảnh nghĩ tới lúc, mình.
Nhưng rồi cũng phải gắng quên mà tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Ôi những chàng trai trẻ thời chiến, càng buồn càng thiết tha mong sống, càng đau càng da diết nhớ nhà, ăn xôi nếp xứ người mà nhớ quá chừng khói bếp nhà quê: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói, / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Buồn đó nhưng cũng nhanh vui đó. Nhớ đó rồi cũng có những lúc, chuyện này chuyện kia, nỗi nhớ cũng nhẹ vơi. Thường tình mà. Sống với hoàn cảnh nào thì phải thích hợp với hoàn cảnh đó. Huống hồ, đời quân ngũ, thiếu thốn đủ thứ, từ tinh thần đến vật chất, gặp phút vui, làm sao có thể chối từ: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa, / Kìa em xiêm áo tự bao giờ. / Khèn lên man điệu nàng e ấp, / Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ.
Huống hồ, tác giả lại là nhà thơ.
Đọc đoạn này, tôi cũng chợt nghe hồn mình lâng lâng theo, tưởng như đang sống trong cái lung linh, mờ ảo của sừng sững núi rừng, của những ngọn tháp lạnh lùng huyền bí, cùng với những điệu múa hút hồn người, những tiếng trống man dại, những ngọn lửa bập bùng, những hồn thiêng núi sông ngàn năm tụ hợp.
Đang vui, thì lại nhớ về đồng đội. Nhớ những người bạn đã bỏ thân lại hôm qua, hôm kia, và cả những hôm trước nữa: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy, / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ? / Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Không chỉ bài thơ này, Tây Tiến, mà hầu hết thơ của Quang Dũng, đều đẹp. Cái vui đẹp đã đành, mà đến cái buồn, cả sự chết nữa, cũng thơ mộng, cũng ngát hương.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc.
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Nếu cần chọn ra khổ thơ hay nhất trong bài thơ Tây Tiến, thì tôi sẽ chọn khổ thơ này.
Vì sao ư? Vì nó đẹp quá, nó hào hùng quá, nó làm tôi hãnh diện quá, và cả làm tôi, muốn bật khóc, vì xót xa, thương cảm.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc. Làm sao mà mọc được. Nước đâu mà gội. Xà phòng đâu mà làm sạch. Rụng thôi.
Ăn không đủ chất, uống không đủ sạch, ngủ không đủ bữa. Không được tắm gội thường xuyên. Rụng thôi.
Và, những cơn sốt rét rừng. Trọc đầu thôi, đoàn binh Tây Tiến.
Vậy mà vẫn: Quân xanh màu lá dữ oai hùm. / Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Mộng mị gì ở đây, khi mà đôi mắt cứ mở trừng trừng, để gác canh, canh gác cho đường biên giới, vượt xa hơn biên giới nữa, tít bên kia, nước bạn.
Thế cho nên, mới có những lúc, gật xuống, ngủ quên, và trong những phút hiếm hoi, khẽ chợp, thoáng chợp ấy, là: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Và, Quang Dũng, chỉ vì một câu thơ này, chỉ vì nói thật lòng mình, nói thật lòng hộ cho các chàng trai, hôm qua, còn là những cậu học sinh, sinh viên, trí thức, yêu đời, ham học, mà ông đã bị đánh giá là có tính cách tiểu tư sản, có tư tưởng ủy mị, đua đòi, hư hỏng.
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Mơ thôi mà. Chỉ là những giấc mộng ngắn và không thể kiểm soát được thôi mà. Tội lỗi gì ở đây chớ? Sống, ai không mơ. Sống, ai không ước mộng. Nếu không mơ rằng, một ngày mai, khải hoàn, trở về bên gia đình, trở về bên người tình, nhấp chén rượu đoàn viên, lả lơi, buông thả trong giây phút mừng vui, thì còn nhuệ khí đâu mà quyết đấu, sống mái nơi sa trường.
Nếu chỉ mải cấm đoán, nếu chỉ chăm chăm triệt tiêu các ý thức tự do, thì làm sao, thì làm sao mà có được những câu thơ bi tráng ngút trời như thế này chứ:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tuổi xanh, đời xanh, người ta còn không tiếc. Bó vào mảnh áo, vùi thây vệ đường, người ta còn không thối lui. Biết ra trận là độc hành, có đi mà chẳng về, người ta còn không thối chí. Thì hà cớ gì, chỉ một chớp mơ, một thoáng mơ, mà cũng kẹp kìm, mà cũng lăm lăm không cho phép?
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Buồn ngút ngút luôn bạn ơi. Bạn có như tôi không, lúc này, khi đọc xong đoạn cuối của bài Tây Tiến.
Hẹn ước sao được mà hẹn ước. Đã gia nhập quân đội thời chiến là biết mình phải đối diện với tử sinh, biết chỉ duy nhất một chia phôi, vĩnh biệt. Thậm chí, xác bỏ lại chiến trường, người thân có muốn tìm cũng không tìm được. Thế nên, hồn chẳng về nhà, hồn chẳng được về xuôi, hồn về Sầm Nứa, nước người ta.
******
Bài Đôi Bờ và Mắt Người Sơn Tây được nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hợp phổ thành Đôi Mắt Người Sơn Tây.
Tây Tiến được Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên.
Thế hệ ba má tôi thích Quang Dũng lắm. Đến thế hệ tôi, đọc thơ ông, cũng ngút ngàn cảm xúc và bội phục muôn phần.
Tôi yêu thích và mến mộ thơ Quang Dũng, đặc biệt là bài Tây Tiến, bởi do, ông là một người làm thơ chân thật, không xạo, không tô hồng, không mị người đọc, không vì ai mà cũng không vì tổ chức nào.
Ông yêu đất nước mình và lên đường cầm súng là để bảo vệ quê hương, Tổ Quốc. Ông có anh hùng chủ nghĩa, anh hùng cá nhân không? Thưa có – Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Đất nước nhờ có những cá nhân hào hùng, lẫm liệt như vậy, đất nước mới trường tồn.
Nếu hỏi tôi, thơ ai là tiêu biểu cho thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kiểu như vừa hỏi về văn học vừa hỏi về lịch sử nước nhà ấy mà, tôi sẽ bật ra một cách hết sức tự nhiên – Quang Dũng.
Thơ ông hay quá. Giả như bây giờ có ai đó cứ buộc tôi, phải tìm cho bằng được một giọng thơ, từa tựa ông, để xếp chung vào một hàng, như người ta hay xếp Xuân Diệu, Nguyễn Bính, đại loại vậy, kề nhau. Thú thiệt, chịu chết, không thể tìm ra.
Quang Dũng ấy mà, ông đứng mình ông, một cõi. Riêng biệt. Tình cảm. Lãng mạn. Trong veo. Hào hùng. Khí phách. Quả cảm. Buồn thương.
Sài Gòn 16.12.2023
Phạm Hiền Mây
Nice post. I learn something totally new and challenging on websites