David Hutt/Asia Times
Lê Quốc Tuấn dịch Việt ngữ
Cái chết của chủ tịch Trần Đại Quang sẽ mở rộng sự cạnh tranh giữa các phe đối lập bên trong Đảng Cộng sản cầm quyền trước một quá trình chuyển đổi lãnh đạo ngày càng không chắc chắn.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang vừa qua đời vào sáng thứ Sáu sau nhiều tháng có đồn đoán công khai về sức khỏe yếu kém của ông, tạo ra một khoảng trống quyền lực trong cơ cấu lãnh đạo tam đầu chế của đất nước cộng sản.
Với tư cách là cựu lãnh đạo Bộ Công an đáng sợ, Quang được biết đến như một nhân vật cứng rắn trong Đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng kể từ năm ngoái, ông cũng được xem là một đối thủ vừa chớm nở với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,chính trị gia hàng đầu của đất nước.
Nguyên nhân cái chết của Quang đã không được công bố ngay nhưng theo các báo chí, phương tiện truyền thông địa phương trích dẫn một quan chức y tế cao cấp cho biết, ông bị một căn bệnh hiểm nghèo. Ông Quang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân sự ở Hà Nội khi ông qua đời sau 10 giờ sáng sáng nay.
Là thành viên của Bộ Chính trị từ năm 1997 và lực lượng thống trị trong Bộ Công an suốt 15 năm, Quang đã phục vụ như là người đứng đầu nghi lễ của chính phủ từ khi trở thành chủ tịch nước tại Đại hội Đảng tháng 1 năm 2016, một sự kiện mỗi năm năm.
Tuy nhiên, không dấu diếm, Quang thường xuyên đối đầu với Trọng, người chủ trương đưa Đảng trở lại với nguồn gốc tư tưởng của nó từ Đại hội đảng.
Trong khi không một quan chức đưa ra bất kỳ bình luận nào về những bất đồng của họ, sự cạnh tranh đối đầu đã là một nguồn đồn đại phong phú trong năm qua.
Một số người nghĩ rằng Quang sẽ phải bị ra chầu rìa tại hội nghị Uỷ ban Trung ương Đảng vào tháng Năm, nhưng điều này không xảy ra. Một suy đoán tương tự cũng đã phát sinh khi Quang không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần vào tháng Tám năm ngoái.
Rõ ràng là ông đã vắng mặt tại một số sự kiện nghi lễ quan trọng, trong đó có lễ kỷ niệm đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Việt Nam, mà chủ tịch nước thường chủ tọa. Ông cũng là một người không thường xuyên hiện diện trong các cuộc hội kiến chức sắc quan trọng nước ngoài.
Mặc dù chưa bao giờ có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng những điều đó đã làm dấy lên suy đoán rằng Quang đã bị Trọng lật đổ. Những người khác cho rằng sự vắng mặt của Quang là do sức khỏe kém, giờ đây có vẻ hợp lý, mặc dù một số nhà bình luận còn nghĩ rằng có thể ông đã bị đầu độc trong chuyến thăm nhà nước tới Trung Quốc.
Sau đó, từ sự vắng mặt của mình, Quang lại tái hiện trước sự tò mò của nhiều người. Trong những tháng gần đây, ông thực hiện nhiều chuyến thăm cấp nhà nước đến các quốc gia nước ngoài và tổ chức gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao toàn cầu. Nhưng ông được cho là đã không thể đứng được khi không có người dìu hôm Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm Hà Nội hồi đầu tháng này. Hôm thứ Tư, ông đã chủ trì cuộc họp với chánh án TAND tối cao Trung Quốc và đó là lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông.
Một số tranh cãi bao quanh Quang sau khi các cuộc biểu tình chống lại đầu tư của Trung Quốc và luật đàn áp mạng mà Quang là người khởi xướng nổ trên toàn quốc vào tháng 6. Sau các cuộc biểu tình, ông bị cáo buộc đã nói với một tờ báo nhà nước, Tuổi Trẻ Online, rằng ông nghĩ Việt Nam cần phải có một bộ luật biểu tình để các công dân có thể phản đối một cách hòa bình và tự do.
Trong vòng vài ngày sau khi tờ báo xuất bản lời bình của ông, Bộ Thông tin ra lệnh thay đổi tiêu đề của bài báo và loại bỏ những lời tuyên bố của Quang, mà Bộ nói là “sai”. Sau đó tờ báo bị phạt và phải bị đóng cửa trong vài tháng vì bị cho là trích dẫn sai lời của chủ tịch nước.
Một số nhà phân tích cho rằng điều này xảy ra vì tuyên bố của Quang trực tiếp mâu thuẫn với thông điệp của Trọng và đi ngược lại đường lối của đảng. Cuộc đàn áp tờ Tuổi Trẻ đã kiểm duyệt được Quang một cách hiệu quả từ mệnh lệnh của Trọng, một động thái cho thấy rạn nứt ở cấp cao nhất của Đảng.
Tuy nhiên Quang cũng sẽ không bị lãng quên bởi các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và các nhóm tranh đấu nhân quyền.
“Di sản của chủ tịch Quang là cuộc đàn áp nhiều năm trời về quyền con người và đưa thêm nhiều tù chính trị vào nhà tù ở Việt Nam hơn bất cứ thời gian nào gần đây”, Phil Robertson, phó giám đốc châu Á Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một nhóm tranh đấu nhân quyền nói.
“Hơn bất cứ ai khác, ông ta chịu trách nhiệm về việc mở rộng Bộ Công an vào mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày ở Việt Nam, mang theo tất cả hình thức nhũng lạm, tham nhũng và tống tiền đi kèm với sự hiện diện gia tăng của công an cảnh sát … Ông khó có thể là một nhân vật vì dân và người Việt Nam bình thường sẽ khó mà nhớ ông ấy nhiều.”
Vai trò Chủ tịch nước hiện nay sẽ được Phó Chủ tịch đương nhiệm Đặng Thị Ngọc Thịnh đảm nhận, lần đầu tiên có hai phụ nữ ở bốn vị trí quan trọng nhất của chính phủ. (người thứ hai là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.)
Tuy nhiên, bà Thịnh không có khả năng nắm giữ vị trí này lâu, vì Quốc hội dự kiến sẽ triệu tập trong những tháng tới để bỏ phiếu bầu một chủ tịch nước mới. Khi các nhà phân tích suy đoán về tình trạng có thể bị cho ra rìa của Quang trong hơn một năm, đã có thông tin chi tiết về việc ai có thể giành được vai trò này.
Một ứng cử viên tiềm năng là Nguyễn Thiện Nhân, bí thư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, cựu lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức bảo trợ kiểm soát các nhóm xã hội dân sự được Đảng bảo trợ. Nhân không được xem là một nhân vật đặc biệt trong Đảng và cũng không phải là một nhà kỹ trị giỏi với ấn tượng lâu dài về sự yếu kém của ông khi là bộ trưởng bộ giáo dục trong những năm 2000.
Nhưng với nhiệm vụ chủ yếu là nghi lễ, một nhân vật không xuất chúng lại có thể là những gì Trọng mong muốn sau khi đã đụng đầu với Quang. Một khả năng khác là Trần Quốc Vượng, người đứng đầu Uỷ ban Thanh tra Trung ương.
Với Đại hội Đảng tiếp theo vào đầu năm 2021, khi lãnh đạo đảng hiện tại dự kiến sẽ thay đổi hàng loạt, bất cứ ai thay cho vị trí của Quang có thể sẽ được xem như là một điểm dừng cho đến khi toàn bộ ban bệ của Đảng quyết định về sự chuyển đổi lãnh đạo.
Các vị trí cấp cao trong Đảng và chính phủ có xu hướng phân chia theo địa lý và các bộ để bảo đảm có đại diện ngang nhau về cán bộ và ngăn chặn bất kỳ phe phái hoặc nhóm địa lý nào giành được quá nhiều quyền lực. Với cái chết của Quang, một sự cân bằng mới sẽ cần phải được thực hiện và do đó có thể tạo nên nhiều rạn nứt hơn trong nội bộ. Quang phục vụ như là thứ trưởng bộ an ninh từ năm 2006 đến năm 2011, và sau đó làm bộ trưởng cho đến khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch nước vào tháng 4 năm 2016. Trong vai trò này, ông bảo đảm quyền lực của bộ an ninh được duy trì trong đảng.
Trên thực tế, chỉ vài tháng sau kỳ Đại hội Đảng cuối cùng, Carlyle Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam, đã dự đoán chính xác: “sự gia tăng đại diện của các quan chức an ninh công cộng hiện tại và trước đây trong Uỷ ban Trung ương và Bộ Chính trị có thể dẫn đến việc tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng cũng như đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.”
Có nhiều đồn đoán rộng rãi cho rằng ông Quang sẵn sàng để đảm nhận chức tổng bí thư Đảng tại Đại hội Đảng tiếp theo, khi Trọng, 74 tuổi, dự kiến sẽ từ chức sau hai nhiệm kỳ đầy quyền lực nhất khi đến tuổi nghỉ hưu thông thường của Đảng. Với cái chết không đúng lúc của Quang, một khoảng trống lãnh đạo quan trọng đã mở ra.
https://www.atimes.com/article/quang-dies-and-a-vacuum-opens-in-vietnam/