QUAN ĐIỂM THẾ GIỚI NGÀY CÀNG BẤT LỢI CHO TRUNG QUỐC

0
163
   

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu mới nhất của Trung tâm Pew Research, dư luận xã hội đã chuyển sang bất lợi cho Trung Quốc tại hầu hết các quốc gia phương Tây và Châu Á-Thái Bình Dương. Trung tâm nghiên cứu Pew là một nhóm chuyên gia tư duy phi đảng phái có trụ sở tại Washington, D.C., cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận xã hội và xu hướng nhân khẩu học định hình Hoa Kỳ và thế giới.

Kết quả cuộc khảo sát công bố hôm thứ Hai 30 tháng 9 vừa qua cho thấy người dân Hoa Kỳ và Canada đã phản ánh sự thay đổi lớn nhất khi nói đến Trung Quốc. Có đến 60% người dân ở Hoa Kỳ và 70% ở Canada có quan điểm tiêu cực (negative view) khi nhắc đến Trung Quốc. Ở cả hai quốc gia, đây là ý kiến bất lợi cao nhất trong lịch sử thống kê thăm dò của trung tâm nghiên cứu Pew.

Biếm họa của Craig Stephens

Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã kín đáo tạo ra một công việc mới: phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng đặc trách về Trung Quốc. Công việc mới sẽ đóng vai trò cố vấn chính cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tất cả mọi thứ của Trung Quốc và sẽ là trung tâm duy nhất để phát triển chính sách và chiến lược, giám sát, đánh giá về Trung Quốc.

Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng, tiếng Anh là “Deputy assistant secretaries of defense” (DASD) phục vụ như các chuyên gia dân sự, theo truyền thống đứng hàng thứ ba xếp theo vị trí quyền lực của Lầu năm góc. Trước đây, Bộ Quốc phòng chỉ có 3 DASD, nay tách riêng Trung Quốc ra khỏi DASD đặc trách về Đông Á (trước kia bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc và Mongolia) thành ra là 4 DASD.

Trở lại kết quả thăm dò của Pew Research Center.

Trong các quốc gia Tây Âu, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc dao động từ 53% ở Tây Ban Nha đến 70% ở Thụy Điển, có nghĩa là trong 10 người Thụy Điển, hiện có 7 người với quan điểm bất lợi cho Trung Quốc. Tỷ lệ những người đánh giá tích cực trước kia về Trung Quốc cũng đã tụt giảm gần một nửa số quốc gia Tây Âu được khảo sát, bao gồm Thụy Điển (giảm 17 điểm phần trăm), Hà Lan (-11) và Anh (-11).

Thụy Điển công bố một bản chiến lược đối phó với Trung Quốc hôm thứ Tư 2 tháng 10, cho thấy mối quan tâm của chính phủ Thụy Điển về sự gia tăng quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva. Văn bản đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận lập trường phổ biến và rõ ràng để quản lý những thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho tham vọng địa chính trị ở châu Âu. Quan hệ của Thụy Điển với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong số tất cả các quốc gia thành viên EU.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, dư luận cũng trở nên tiêu cực giữa các quốc gia gần gũi trước kia với Trung Quốc. Pew Research cho biết: “Trung Quốc nhận được những dấu ấn bất lợi từ hầu hết các nước láng giềng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Tại Đài Loan, đảng cầm quyền Tiến bộ Dân chủ (DPP) đã thông qua một nghị quyết trong Đại hội toàn quốc 2019 hôm tuần qua, khẳng định lại lập trường chống lại công thức “một quốc gia, hai hệ thống” của Trung Quốc. Nghị quyết này sẽ được sử dụng như một hướng dẫn trong các chiến dịch vận động bầu cử tổng thống và lập pháp sắp sửa tới đây.

Tại Nhật Bản, tiêu cực nhất trong số tất cả các quốc gia được khảo sát, có đến 85% cho biết họ có ý kiến không thuận lợi về Trung Quốc. Có đến 63% người dân ở Hàn Quốc cũng nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực. Ở Úc, con số này là 57% và ở Philippines là 54%.

Một điềm xấu tệ hại cho Bắc Kinh ghi nhận bởi Pew, người dân Indonesia vào năm 2002 đã từng có đến 73% với quan điểm rất thuận lợi cho Trung Quốc; đến nay 2019, đã tụt xuống còn 36% mà thôi.

Dựa trên những con số đó, Trung tâm Pew Research kết luận rằng dư luận hiện đang “lơ lửng tại hoặc gần mức thấp lịch sử ở mỗi quốc gia được khảo sát” ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Những hành động của Trung Quốc đàn áp dân chủ tại Hồng Kông, mưu đồ diệt chủng và tàn phá văn hóa người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, phong tỏa ngoại giao Đài Loan và xâm phạm hải phận kinh tế của Việt Nam và các quốc gia trên biển Đông, chỉ khiến cho dư luận thế giới ngày càng thấy rõ bộ mặt Chinazi của tập đoàn cộng sản Bắc Kinh.

Chinazi là thảm họa chung của nhân loại, không phải riêng của người Việt Nam.

Fb Người Đà Lạt Xưa
October 3, 2019
.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here