‘Putin, xin lỗi, anh chỉ là gã bán xăng’

0
38
Biểu tình phản đối Putin tại Frankfurt, Đức, 13 tháng Ba.

Nguyễn Hùng

Cuộc chiến tàn bạo mà Vladimir Putin gây ra hiện nay ở Ukraine đang ngày càng bế tắc và nó khiến vị tổng thống Nga chỉ còn là gã bán xăng dầu trên thế giới.

Với diện tích lớn nhất thế giới, trên 17 triệu km2, và cái nôi của những tên tuổi như Chekhov, Shostokovich, Tchaikovsky và Tolstoy bên cạnh gần 20 giải Nobel các loại đã đạt được (trong đó có nhiều giải từ thời Liên Xô), nước Nga có tiềm năng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới.

Nhưng dưới sự dẫn dắt của Putin trong hơn 20 năm qua, ngày nay Nga thậm chí không có trong danh sách 10 nền kinh tế hàng đầu mà theo thứ tự là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Ấn Độ, Pháp, Ý, Canada và Nam Hàn.

Nga đứng ngay sau Nam Hàn ở vị trí thứ 11. Thậm chí Indonesia trong khối ASEAN mà Việt Nam là thành viên cũng đã đứng thứ 16.

Trong thời mạnh vì gạo, bạo vì tiền, độ lớn của một nền kinh tế nói lên rất nhiều thứ.

Sự ghẻ lạnh nước Nga của Putin từ phương Tây thể hiện qua cấm vận khiến gã bán xăng và bán các loại nguyên liệu thô đang ngã về vòng tay của Bắc Kinh. Nhưng trong khi nền kinh tế Trung Quốc giờ lớn cỡ gần 15.000 tỷ đô la mỗi năm thì kinh tế Nga chỉ ở mức gần 1.500 tỷ, tức bằng 1/10 kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Với tương quan kinh tế đó, các nhà bình luận cho rằng cuộc chiến mà Putin gây ra nhằm lấy lại hào quang đã mất của Liên Xô vô hình chung lại biến Nga thành quốc gia lép vế và phụ thuộc càng nhiều vào Trung Quốc.

Một vài tiếng nói trong chính quyền Putin cũng đã lên tiếng về khả năng Moscow quốc hữu hoá tài sản của các hãng xưởng phương Tây rời bỏ Nga kể từ sau khi Putin xua quân vào Ukraine. Tuy nhiên tỷ phú Nga Vladimir Potanin cảnh báo điều đó có thể kéo nước Nga lại thời cuộc cách mạng của phe Bolshevik hồi năm 1917 vì lòng tin của nhà đầu tư vào Nga sẽ về con số không.

Nhưng đó là nhìn từ bên ngoài.

Đối với những người Nga lấy thông tin chủ yếu từ truyền hình nhà nước, mọi chuyện lại không phải như vậy vì họ sống trong một hành tinh thông tin khác.

Báo Independent của Anh có bài về anh con trai Misha Katsurin đang sống ở Kyiv gọi điện cho bố ở thành phố Nizhny Novgorod của Nga để kể chuyện quân đội Nga ném bom vào thường dân nhưng ông bố không tin. Ông nói với anh con trai rằng Nga đang cứu Ukraine khỏi những kẻ phát xít.

Anh Katsurin nói: “Bố tôi là người tốt bụng. Ông phản đối giết người khác… Giống như chúng ta là nạn nhân của sự gây hấn của Nga, họ là nạn nhân của sự tuyên truyền của Nga.”

Anh đã lập ra trang mạng chỉ cho mọi người ở Ukraine cách lan toả sự thật tới trên 10 triệu người Nga có họ hàng ở Ukraine.

Và không chỉ bố không tin con trai.

BBC đưa tin một bà mẹ Nga sống ở Moscow cũng không tin khi con gái gọi từ Ukraine về kể chuyện thành phố Kharkiv của cô bị Nga ném bom. Mẹ cô nói quân đội Nga không bao giờ nhắm vào thường dân, có chăng là Ukraine tự nhắm vào dân mình.

Cây viết chuyên về chuyện nước Nga của tạp chí The New Yorker, Masha Gessen, mới đây nói trong một cuộc phỏng vấn rằng không thể biết được người dân trong một xã hội toàn trị nghĩ gì vì “không phải là ta không thể biết họ nghĩ gì [mà] vì người ta không thể thực sự nghĩ gì”. Chính quyền đã biến họ thành những người máy mà sự suy nghĩ đã bị chính quyền đánh cắp.

Hàng chục ngàn người Nga còn biết suy nghĩ độc lập đã quyết định rời bỏ trạm xăng hàng đầu thế giới cùng gã chủ trạm để tìm tới những mảnh đất dễ thở hơn. Không loại trừ một số người sẽ tìm tới Việt Nam, dù không phải là nơi dễ thở hơn, nhưng lại là chỗ họ vẫn có thể thoả sức sắm hàng hiệu nếu đủ tiền trong bối cảnh vô vàn các nhãn hiệu quốc tế đã rời bỏ nước Nga.

Vladimir Putin lớn lên tại Leningrad, thành phố đã bị Phát xít Đức vây hãm gần 900 ngày và người anh của Putin, Viktor, chết khi mới hơn một tuổi hồi năm 1942khi vòng vây phát xít còn đang thắt chặt. Ngày nay chính Putin lại đang dùng cách vây hãm của phát xít tại một số nơi ở Ukraine, đất nước mà chính gã đã chọn làm nơi hưởng tuần trăng mật cách đây nhiều chục năm. BBC nói trong số những nơi Putin tới sau khi kết hôn hồi năm 1983 có Crimea, Lviv và Kyiv.

Lần này gã bán xăng muốn trở lại Kyiv trong vài trò ông chủ nhưng xem ra không ai sẵn sàng làm đầy tớ cho một kẻ độc tài đang sa lầy trong cuộc chiến có thể sẽ kết thúc sự nghiệp của chính hắn.

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here