Putin xâm lược Ukraine: Con đường nào phía trước cho Nga và châu Âu?

0
111

NCQT24/02/2022

Nguồn: “Putin goes to war in Ukraine”, The Economist, 24/2/2022.

Biên dịch: Phan Nguyên

Một cuộc xung đột mà nhiều người nghĩ rằng khó có thể xảy ra đã được bắt đầu. Nó sẽ định hình lại an ninh châu Âu.

Khi Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968 để lật đổ một chế độ ương ngạnh đã tuột khỏi quỹ đạo của Điện Kremlin, họ lo lắng về việc binh sĩ “bắn nhầm”. Cả hai quốc gia đều sử dụng các thiết bị quân sự giống nhau, khiến chúng khó có thể phân biệt được là của bên này hay bên kia trong bối cảnh chiến trường khốc liệt. Cách mà Liên Xô sử dụng là vẽ một sọc sơn màu trắng phủ lên xe tăng Liên Xô từ trước ra sau, để phân biệt đồng đội với quân thù.

Do đó, một điềm xấu đã xuất hiện khi các phương tiện quân sự của Nga xung quanh Belgorod – nằm đối diện thành phố Kharkiv của Ukraine ngay bên kia biên giới – được nhìn thấy với các ký hiệu hình chữ “Z” ở bên hông cách đây khoảng một tuần. Vào ngày 24 tháng 2, sau nhiều ngày có dấu hiệu đáng lo ngại, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên chiến với Ukraine vào lúc 5:40 sáng theo giờ Moscow, nói rằng ông đã quyết định phát động một “chiến dịch quân sự đặc biệt” với mục đích phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” Ukraine. Trong vòng vài phút sau, các vụ nổ đã được nghe thấy gần sân bay Kyiv, nơi có các khu vực quân sự và dân sự, và xung quanh thành phố Kharkiv.

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng là vào năm 2014, khi diễn ra một cuộc nổi dậy của những người ủng hộ châu Âu nhằm lật đổ Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraine lúc bấy giờ, người đã ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu nhưng sau đó đã hủy bỏ nó dưới áp lực từ Nga. Vladimir Putin, tổng thống Nga, đã phản ứng lại trong cùng năm đó bằng cách sáp nhập Crimea và xâm lược miền đông Ukraine, nơi ông đã thành lập hai khu vực “ủy nhiệm” của Nga – các nước “cộng hòa” Donetsk và Luhansk – trong khu vực Donbas. Trong tám năm sau đó, khi chính phủ Ukraine quay sang phương Tây để tìm kiếm hậu thuẫn chính trị và quân sự, Putin ngày càng trở nên thù địch hơn.

Mùa hè năm ngoái, Putin đã xuất bản một bài viết đặt dấu hỏi về chủ quyền của Ukraine. Vào tháng 11, ông đã khởi xướng một đợt tập trung lực lượng quân sự bất thường. Khi động thái này lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 2, khi phần lớn lực lượng chiến đấu của Nga đã nằm trong khoảng cách tấn công Ukraine, Điện Kremlin bắt đầu tuyên bố rằng Ukraine đã thực hiện hành vi “diệt chủng” ở vùng Donbas và sắp chiếm lại nó bằng vũ lực. Sau đó là một loạt các vụ khiêu khích – các vụ nổ ở Donbas, pháo kích, và các cuộc tấn công được cho là của quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga. Các chính phủ phương Tây cho rằng những việc này là do Nga dàn dựng để tạo cớ gây chiến.

Vào ngày 21 tháng 2, Putin đã tổ chức một cuộc họp bất thường với các quan chức cấp cao của mình, nơi ông yêu cầu từng người trong số họ ủng hộ việc công nhận hai nước cộng hòa trên truyền hình trực tiếp. Tối hôm đó, Putin đã có một bài phát biểu sôi sục, đặt ra khả năng tiến hành chiến tranh. Binh lính Nga, được miêu tả là những binh sĩ gìn giữ hòa bình, đã hành quân vào các nước cộng hòa tự xưng vào tối hôm đó (mặc dù một số đã hiện diện bán công khai trong nhiều năm). Một ngày sau, Putin nói rõ rằng ông công nhận các nước cộng hòa tự xưng trong phạm vi đầy đủ của biên giới mà họ tuyên bố chủ quyền, bao gồm toàn bộ các đơn vị hành chính Donetsk và Luhansk, vốn hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Lãnh thổ đó bao gồm cả cảng Mariupol, một thành phố gần nửa triệu dân. Vào đêm trước cuộc xâm lược, Volodymyr Zelensky, đã đăng một video nói với người Nga: “Chúng tôi không cần chiến tranh. Không chiến tranh lạnh, không chiến tranh nóng, cũng không chiến tranh hỗn hợp”. Ông cho biết đã cố gắng gọi điện cho Putin, nhưng Putin đã im lặng. Vài giờ sau, tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres đã hối thúc Nga: “Tổng thống Putin, hãy ngăn chặn quân đội của ông tấn công Ukraine. Hãy cho hòa bình một cơ hội.” Tất cả đều vô ích. Khi hội đồng tranh luận, Putin đã đăng video của riêng mình, phàn nàn rằng: “Trên vùng đất lịch sử của chúng tôi, một nhà nước thù địch với Nga đang được tạo ra.”

Giờ đây, khi chiến sự đang bùng phát, câu hỏi trước mắt là Nga sẽ sẵn sàng khuất phục nước láng giềng của mình đến đâu. Một khả năng là Nga sẽ nhắm đến việc chiếm tất cả lãnh thổ mà các nước cộng hòa tự xưng tuyên bố chủ quyền. Một cuộc chiến tranh giành vùng Donbas sẽ đủ tồi tệ. Tuy nhiên, kể từ tháng 1, các quan chức an ninh phương Tây đã cảnh báo rằng Putin đang thực hiện một cuộc xâm lược thậm chí còn rộng hơn nhằm lật đổ chính phủ Ukraine. Joe Biden, tổng thống Mỹ, và Boris Johnson, thủ tướng Anh, đều nói rằng Nga có thể sẽ nhắm đến Kyiv, thủ đô của Ukraine. Các quan chức NATO cũng đồng tình với những đánh giá đó của Anh và Mỹ. Các lực lượng quân sự Nga ở miền nam Belarus đã tiến sát biên giới trong những tuần gần đây, với nhiều lực lượng được tổ chức theo đội hình chiến thuật, có thể cho phép tấn công nhanh chóng xuống Kyiv, nếu Putin ra lệnh.

Ý kiến này có vẻ kỳ lạ; ngay cả các chính trị gia phương Tây quen thuộc với thông tin tình báo dường như cũng không tin vào những gì họ đang nghe. Xét cho cùng, dân số của Ukraine là hơn 44 triệu người, gần gấp đôi so với Afghanistan và Iraq, nơi Mỹ và các đồng minh đã chiếm đóng lần lượt vào các năm 2001 và 2003, nhưng phải vật lộn để kiểm soát khi đối mặt với các cuộc nổi dậy đẫm máu. Mặc dù vậy, lực lượng xâm lược Nga và những lực lượng có thể theo sau đó, chẳng hạn như các đơn vị vệ binh quốc gia, “có vẻ đông hơn so với số lượng cần thiết cho việc chiếm đóng các khu vực phía đông Ukraine ”, theo lời Michael Kofman, một chuyên gia về lực lượng vũ trang Nga làm việc tại viện nghiên cứu CNA.

Kofman lưu ý rằng các khu vực phía đông của Ukraine cộng với Kyiv có 18 triệu dân, với khu vực bờ biển phía nam chiếm 3 triệu. Điều đó mang lại cho Nga một tỷ lệ mật độ binh sĩ trên dân số tương đương mật độ lính Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, Nga sẽ được hưởng một số lợi thế mà Mỹ không có. Họ biết ngôn ngữ, hiểu địa hình, và sẽ “tàn nhẫn hơn nhiều khi áp dụng vũ lực”, theo lời Jack Watling thuộc Viện RUSI, một viện nghiên cứu khác.

Nga cũng có thể tin rằng ít nhất một số người Ukraine sẽ chào đón họ như bạn bè, nếu không phải là những người giải phóng. “Các quan chức an ninh Ukraine thừa nhận rằng nhiều đồng nghiệp của họ ở đó — thậm chí có một số người ở vị trí khá cao — đang làm việc cho, hoặc có thiện cảm với Nga”, Watling và đồng nghiệp Nick Reynolds đã lập luận như vậy trong một báo cáo do RUSI công bố vào ngày 15 tháng Hai, dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu rộng với các quan chức quân đội và tình báo Ukraine vào đầu tháng đó. Báo cáo tuyên bố rằng các cơ quan tình báo Nga đã mở rộng đáng kể hoạt động của họ ở Ukraine trong năm qua, xác định những người dân địa phương nào có thể đóng vai trò là cộng tác viên trong một cuộc chiếm đóng — cũng như những người có thể lãnh đạo phong trào kháng chiến.

Câu hỏi thứ hai là Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ phản ứng như thế nào đối với cuộc xâm lược. Trong những tuần gần đây, Mỹ đã gửi thêm hàng nghìn quân đến Đức, Ba Lan và Romania. Anh cũng đã tăng gấp đôi quy mô quân đội của mình ở Estonia, trong khi Đức tăng cường cho Litva. Giờ đây, NATO sẽ phải tăng cường lực lượng hơn nữa dọc sườn phía bắc và phía nam của mình – trên các vùng biển Baltic và Biển Đen, theo lời Jamie Shea, một cựu quan chức cấp cao của NATO. NATO có thể kích hoạt Lực lượng Ứng phó NATO (NRF), một đơn vị gồm 40.000 quân có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, hiện có một lữ đoàn do Pháp dẫn đầu đóng vai trò hạt nhân. Lực lượng này chưa từng được sử dụng trước đây, và việc kích hoạt nó sẽ cần sự nhất trí của tất cả 30 đồng minh.

Ông Shea lưu ý rằng mặc dù NATO sẽ ở trong “chế độ quản lý khủng hoảng thường trực” trong một thời gian tới, nhưng họ cũng sẽ có những vấn đề dài hạn cần xem xét. Các nhà lãnh đạo của liên minh, những người đã có kế hoạch gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng 6, có thể sẽ gặp nhau sớm hơn. Các quan chức NATO đang soạn thảo một “khái niệm chiến lược” mới, một kế hoạch cho các ưu tiên của liên minh trong những năm tới. Người Mỹ cũng đang soạn thảo một chiến lược an ninh quốc gia và một bản đánh giá lại tư thế hạt nhân của Mỹ. Một cuộc chiến ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến tất cả những nỗ lực đó; một số sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, tính đến mối đe dọa ngày càng cao từ Nga.

Trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2, Putin đã nêu ra một phiên bản lịch sử, trong đó, đế chế Nga đã bị những người Bolshevik chia cắt sai lầm thành các vùng lãnh thổ mà sau này trở thành các quốc gia độc lập riêng biệt sau Chiến tranh Lạnh. Mặc dù mục đích rõ ràng của Putin là làm suy yếu tính chính danh của Ukraine, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác sẽ phải lo ngại về tư tưởng phục hồi lãnh thổ của Putin – bao gồm các thành viên NATO như Estonia, Latvia và Litva, và các nước không thuộc NATO như Phần Lan, một quốc gia từng bị Nga chiếm đóng. Vào ngày 22 tháng 2, Ngoại trưởng Phần Lan cảnh báo rằng hành động của Putin “dựa trên một số ý niệm về việc … phục hồi lại Liên Xô”.

Tất cả những điều đó diễn ra trong bối cảnh Nga hầu như đã “hấp thụ” trên thực tế Belarus, đồng thời triển khai hỏa lực đáng kể trên biên giới với Ba Lan và Litva. Điều đó sẽ làm cho Suwalki — một dải đất mỏng nằm giữa vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga và Belarus, nối Ba Lan với các nước Baltic — thậm chí còn khó bảo vệ hơn nếu chiến tranh xảy ra. Stephen Hadley, người từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ năm 2005 đến năm 2009, cảnh báo rằng “Nếu Putin thành công ở Ukraine, ông ta có thể quyết định rằng mình cần một hành lang trên bộ nối Kaliningrad với Belarus và Nga, chạy qua Litva hoặc Ba Lan. Điều đó có nghĩa là sẽ diễn ra một cuộc chiến giữa Nga và NATO ”.

Các động thái quân sự của Nga và phản ứng của phương Tây sẽ tạo ra một tình huống nguy hiểm hơn. “Cả Nga và NATO đều không muốn cuộc khủng hoảng này leo thang thành xung đột Nga-NATO”, theo lời Samuel Charap thuộc RAND Corporation, một viện nghiên cứu. “Nhưng với số lượng khổng lồ các lực lượng Nga đang tiến hành các hoạt động tác chiến quy mô lớn ngay trước thềm nhà NATO, rất dễ hình dung mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát một cách nhanh chóng như thế nào”. Máy bay chiến đấu, máy bay giám sát và tàu chiến của Nga và NATO sẽ ở gần nhau và liên tục. Đó là mối quan ngại đặc biệt ở Biển Đen, nơi Nga hồi năm ngoái đã bắn cảnh cáo sát một tàu chiến Anh vốn đi vào lãnh hải Crimea. Để tránh tình huống hiểu lầm, Charap nói rằng NATO sẽ cần phải nói rõ với Nga rằng những động thái như vậy nhằm củng cố lực lượng của NATO ở Đông Âu không phải là màn dạo đầu cho sự can thiệp quân sự của NATO vào Ukraine – một điều mà NATO không có hứng thú tiến hành.

Nếu các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề, như họ đã nói trước đó, Nga có thể sẽ đáp trả theo những cách làm tăng nhiệt độ hơn nữa. Một mối quan tâm đặc biệt là nguy cơ bị tấn công mạng, dù cố tình hay vô ý. Một mối lo là các mã độc nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng quốc gia trọng yếu của Ukraine có thể tràn ra ngoài biên giới của quốc gia đó. Vào năm 2017, cuộc tấn công mạng “NotPetya” của Nga nhắm vào Ukraine, trong đó dữ liệu bị mã hóa không thể khôi phục được trên máy tính, đã gây thiệt hại ước tính 10 tỷ đô la trên khắp thế giới.

Một mối lo ngại liên quan là Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào các mục tiêu phương Tây, với mục đích răn đe phương Tây không được tiến hành trừng phạt kinh tế hơn nữa. Vào ngày 12 tháng 2, Cơ quan An ninh mạng, Cơ sở hạ tầng và An ninh Hoa Kỳ (CISA) đã đưa ra cảnh báo cho các tổ chức của Mỹ, nói rằng Nga có thể leo thang “theo những cách có thể tác động đến những chủ thể khác bên ngoài Ukraine”. Một số nhà phân tích đã cho rằng các quốc gia phương Tây với năng lực mạng mạnh mẽ sau đó có thể tấn công lại các mục tiêu của Nga, dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn, có thể gây ra những tác động tàn phá đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của thế giới. Nga và Mỹ đã thăm dò cơ sở hạ tầng của nhau trong nhiều năm, bao gồm các lĩnh vực nhạy cảm, như nguồn cung cấp điện và nước.

Theo các nhân vật cấp cao của Mỹ, có nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm. Tuy nhiên, trên thực tế, những rủi ro này có thể kiểm soát được, theo Ciaran Martin, một cựu lãnh đạo Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh, bộ phận phòng thủ của cơ quan tình báo tín hiệu Anh. Ông nói rằng mục đích của Nga là ngăn NATO tham gia vào một cuộc chiến tranh ở Ukraine, thay vì kéo NATO vào cuộc, vì vậy “Điện Kremlin có khả năng coi việc leo thang qua mạng giống như việc leo thang qua các phương tiện khác”. Ngoài ra, còn có những hạn chế đáng kể đối với việc phương Tây sử dụng các cuộc tấn công mạng. “Loại hoạt động mạng nào chống lại Nga sẽ thực sự răn đe được nước này?” ông Martin đặt câu hỏi. “Ví dụ, việc đánh sập các phương tiện truyền thông Nga có ích gì không? Và liệu chúng ta có nghiêm túc đi xa đến mức làm những việc có thể khiến dân thường Nga bị tổn hại hay không? ”

Hậu quả kinh tế có thể lớn hơn. Tác động trực tiếp của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế của châu Âu sẽ rất hạn chế. Nga nghèo hơn so với phần còn lại của lục địa. Các nhà xuất khẩu của họ phụ thuộc vào nhu cầu của châu Âu chứ không phải ngược lại. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng tổn thất thương mại do nhu cầu của Nga giảm 10% sẽ khiến khu vực đồng Euro chỉ mất khoảng 0,1% GDP, và đối với Anh, tổn thất chỉ khoảng một nửa con số đó. Vấn đề là, một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga là nguyên liệu đầu vào quan trọng và khan hiếm cho hoạt động sản xuất của Châu Âu.

Trong những lúc bình thường, Nga cung cấp khoảng 30 đến 40% khí đốt của châu Âu. Mặc dù thị phần đó đã giảm trong những tháng gần đây khi châu Âu tăng cường nhập khẩu LNG, nhưng việc siết chặt nguồn cung bổ sung — do các lệnh trừng phạt hoặc để trả đũa — có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất công nghiệp của châu Âu. Giá năng lượng cao hơn sẽ gây ra đau đớn cho người tiêu dùng, những người có thể cắt giảm chi tiêu ở những mặt hàng khác. Và nếu các thị trường tài chính lo sợ về sự gia tăng của cuộc khủng hoảng, thì điều đó sẽ gây ra thiệt hại kinh tế do giảm đầu tư.

Thiệt hại đối với các nhà xuất khẩu châu Âu sẽ không đồng đều giữa các quốc gia. Nga là một trong hai thị trường xuất khẩu hàng đầu cho hàng hóa Litva và Latvia. Nga cũng là một thị trường bên ngoài đáng kể đối với Phần Lan, Hy Lạp và Bulgaria. Những nơi này sẽ chịu tác động lớn hơn mức trung bình do sự sụp đổ thương mại. Tuy nhiên, an ninh của Phần Lan và Bulgaria cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn trước tư thế hung hăng của Nga, vì vậy cả hai nước này có thể sẵn sàng trả giá đắt để tăng cường khả năng răn đe.

Sau đó là chi phí con người. Ở Syria, nơi Nga can thiệp vào năm 2015, cách thức tiến hành chiến tranh của Điện Kremlin thường liên quan đến vũ lực bừa bãi nhắm vào các khu vực đông dân cư, bao gồm cả việc đánh bom các bệnh viện. Thương vong của dân thường ở Ukraine được cho là sẽ rất đáng kể. Vào ngày 21 tháng 2, Putin đã hứa, một cách đáng ngại, rằng “tất cả những kẻ phạm tội chống lại người Nga” sẽ bị trừng phạt.

Những người khác sẽ rời đi. Ở Đông Âu, các nước láng giềng của Ukraine đang chuẩn bị tinh thần cho một làn sóng người tị nạn. Vào tháng Giêng, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh lớn sẽ gây ra “sự xuất hiện đột ngột của khoảng 3 đến 5 triệu người tị nạn Ukraine”. Vào ngày 8 tháng 2, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan cho biết “có tới một triệu người” có thể tràn vào Ba Lan trong trường hợp xấu nhất. Chính phủ Romania sẽ phải vật lộn để tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn với khả năng hiện có. Việc xây dựng các trại tị nạn lớn ở các nước này, và ở Hungary, có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa Đông và Tây Âu, đồng thời thúc đẩy các phong trào dân túy cánh hữu. Như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói hôm 22 tháng 2, “thế giới có thể chứng kiên quy mô và mức độ nghiêm trọng của sự thiếu thốn chưa từng thấy trong nhiều năm qua.”

Nga không bị NATO hay Ukraine đe dọa. Cuộc xâm lược của họ đối với một quốc gia láng giềng có chủ quyền là một cuộc chiến do Nga lựa chọn, được Putin tạo ra từ hư không. Lịch sử sẽ phán xét ông ta một cách nghiêm khắc. Nếu, sau khi đạt được những bước tiến nhanh chóng, Nga bị kéo vào một cuộc chiến dai dẳng, thì người dân Nga cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here