Giá xăng Việt Nam quá đắt nếu tính theo GDP

0
8
Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội AFP

RFA

Vào ngày 21/2/2022, Liên Bộ Tài chính-Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lên trên 26.000 đồng/lít. Đây là lần xăng tăng giá thứ tư trong gần hai tháng, vượt ngưỡng lịch sử năm 2014. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá bán là 25.531 đồng/lít; giá xăng RON 95 giá bán là 26.285 đồng/lít.

Giá xăng tăng ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân? Một người dân ở Củ Chi không muốn nêu tên cho biết khi xăng tăng giá thì đời sống rất khó khăn:

“Xăng dầu lên thì tất cả những vật giá sẽ lên, từ thức ăn thức uống đến những hàng hoá có lên theo ngay. Hàng hoá vận chuyển, xăng dầu nó quyết định tất cả. Mà xăng dầu nó lên thì tất cả hàng hoá sẽ lên, thành ra dân sống sẽ gặp khó khăn hơn nữa.”

Trả lời RFA TV mới đây, một tài xế xe taxi tại TPHCM cho biết đã khó khăn vì dịch bệnh nay lại càng khó khăn hơn vì xăng tăng giá:

“Khách vùng ven giờ ít lắm, chủ yếu là khách trung tâm… trong khí giờ xăng mắc… Hồi trước ví dụ xăng chiếm mười mấy hai mươi phần trăm… Bây giờ xăng phải 33%… có nghĩa chạy một triệu phải đổ xăng ba trăm mấy… có khi khoảng 400 luôn.”

Trong việc chấp nhận đầu tư nước ngoài trước đây, phía PVN đã có những cam kết không thuận lợi cho PVN nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung… đẩy Việt Nam vào thế bị động.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, khi trả lời RFA liên quan vấn đề giá xăng cho rằng, hiện nay thị trường xăng dầu của Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự, vì còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Theo ông Long, trong luật cạnh tranh mà có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì buộc mặt hàng xăng dầu Nhà nước phải định giá. Ông nói tiếp:

“Nhà nước định giá ở đây không phải là chạy theo cơ chế cũ, cơ chế bao cấp mà Nhà nước vẫn phải định theo quy luật của thị trường. Có nghĩa là làm sao phản ảnh đúng giá của thị trường, bù đắp đủ chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp đó một mức lãi hợp lý thì doanh nghiệp mới tồn tại. Vì Nhà nước là người đại diện cho quyền lợi của mọi đối tượng, mọi thành phần, có thể đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa tốt nhất, công bằng nhất với các đối tượng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.”

Khi trả lời cử tri Hà Nội mới đây về đề nghị điều chỉnh thuế phí để giảm giá xăng dầu, giúp dân bớt khó khăn… Bộ Tài chính đã cho rằng giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực.

Bộ này dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022 cho biết, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Trong khi tại Việt Nam hôm 7/2, giá xăng E5 RON92 là 23.590 đồng/lít và xăng RON95 là 24.360 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới là 28.062 đồng/lít.

Đồng quan điểm với Bộ Tài chính, Chuyên gia kinh tế – Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 22/2 cho rằng giá xăng hiện nay tại Việt Nam có giá thấp so với các nước:

“Cách tính giá xăng của Việt Nam tương đồng cách tính của các nước trong khu vực và trên thế giới. Và giá xăng của Việt Nam hiện nay thấp hơn giá trung bình của 160 quốc gia trên thế giới, thấp hơn Lào, Campuchia, Philippines, Trung Quốc và đương nhiên thấp hơn Singapore, Đài Loan hay Hong Kong…”

Theo Global Petro Prices ngày 25/10/2021, giá xăng Việt Nam thấp hơn 12% so với giá trung bình thế giới, xếp thứ 64. Trong khi hồi tháng 4/2020, Global Petro Prices từng cung cấp dữ liệu cho thấy giá xăng của Việt Nam thấp thứ 20 trên thế giới. Như vậy sau một năm rưỡi, giá xăng của Việt Nam đã tăng cao, đẩy xếp hạng xuống 40 bậc.

Còn nếu tính theo cách tính GDP/người/ngày của Bloomberg thì giá xăng của Việt Nam lại nằm trong nhóm đắt nhất thế giới.

Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê nói dân số Việt Nam vào năm 2021 có khoảng 98,51 triệu người, và thu nhập bình quân một người đạt khoảng 4,2 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 140.000 đồng, và giá một lít xăng 95 hiện nay tương ứng với khoảng 18,80% mức thu nhập này. Trong khi đó theo Bloomberg, con số này ở Thái Lan là 15,83%; Malaysia 5,02%; Trung Quốc 12,24%; Nga 8,62%; Mỹ 1,40%…

Không chỉ giá xăng tăng cao tại Việt Nam hiện nay, nguồn cung xăng dầu tại Việt Nam những ngày qua cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng khi hàng loạt các cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành đóng cửa, treo biển hết xăng, tạm ngừng bán với lý do khó nhập hàng và mức chiết khấu giảm…

Những người đàm phán và chấp thuận đầu tư dự án Nghi Sơn đã có sai sót quá mức, từ đó gây thiệt hại không chỉ cho PVN mà còn cho cả kinh tế Việt Nam.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh

Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, nhận định:

“Việc phân bổ xăng dầu trong nước trước đây cũng tương đối ổn định, tuy nhiên do COVID-19 bùng phát và có một khoảng thời gian dài không có hoạt động kinh tế một cách đầy đủ, nên tiêu thụ xăng dầu giảm. Mặc dù VN đã tự túc hơn 70% tiêu dùng xăng dầu trong nước, nhưng do vừa qua Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính, nên đã thông báo dừng hoặc giảm sản lượng. Dù PVN đã đạt thỏa thuận với nhà máy để từng bước tái cấu trúc, nhưng sản lượng chưa khôi phục được ngay.”

Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, một trong những nguyên nhân thiếu xăng được nhắc đến trong thời gian qua là việc nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam là Nghi Sơn phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu tiền. Với vai trò đảm bảo nguồn cung dầu thô cho quốc gia, song thực tế gần 75% vốn góp thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Chỉ trong vài năm vận hành, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lỗ đến hàng tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương – Đỗ Thắng Hải, nhà máy Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30 – 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động đến thị trường xăng dầu.

Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đã có nhiều sai sót khi đàm pháp đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn:

“Trong việc chấp nhận đầu tư nước ngoài trước đây, phía PVN đã có những cam kết không thuận lợi cho PVN nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung… đẩy Việt Nam vào thế bị động. Tất nhiên những người đàm phán và chấp thuận đầu tư dự án Nghi Sơn đã có sai sót quá mức, từ đó gây thiệt hại không chỉ cho PVN mà còn cho cả kinh tế Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đang xem xét đàm phán lại.”

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, PVN chỉ có 25% vốn góp tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, mà phải chịu một trách nhiệm quá nặng nề và quá lớn về nguồn cung xăng dầu quốc gia… thì rõ ràng là không tương xứng.

—————————————