(Nhà văn Tạ Duy Anh)
TRƯỚC HẾT TÔI THỐNG THIẾT CHIA BUỒN VỚI THÂN NHÂN CỦA BA CHIẾN SỸ CẢNH SÁT BỊ THIỆT MẠNG TRONG CUỘC TẤN CÔNG VÀO THÔN HOÀNH RẠNG SÁNG NGÀY MỒNG 9-1. TÔI VÔ CÙNG ĐAU BUỒN VỀ CÁI CHẾT CỦA CÁC ANH.
Sau ba lần thay đổi về lý do đoàn quân bách chiến bách thắng “tiến vào thôn Hoành” chỉ trong chưa đầy 5 ngày của Bộ Công an, tôi biết rằng sự thật của câu chuyện Đồng Tâm từ đây MÃI MÃI thuộc về mỗi cá nhân. Nghĩa là muốn biết sự thật, bạn phải tự đi tìm nó.
Nhưng tôi đang nói về một vấn đề khác.
Khi sự việc đau lòng và vô cùng đáng xấu hổ xảy ra, hy vọng lớn nhất của tôi là có một sự lục đục, bất đồng nào đó từ cấp thượng tầng, để còn có thứ bám vào mà cố dối lòng rằng nền chính trị chưa đến mức “đen cả nải”. Giờ thì hy vọng đó coi như đã tắt. Qua phát biểu của Thủ tướng, qua hành động nhanh như điện của Chủ tịch nước kí truy tặng Huân chương cho ba cán bộ công an bị chết-những đồng bào hoàn toàn xứng đáng được tưởng nhớ và thương xót- cho thấy dường như là có một sự nhất trí rất cao với cách giải quyết vấn đề Đồng Tâm.
Thế là chỉ còn lại bóng tối, sự vô vọng và những nỗi buồn dằng dặc.
Giờ đây truyền thông chính thống đang tận dụng ưu thế độc quyền (độc quyền luôn cả sự vụng về) tìm mọi cách để chứng minh hành động của hàng ngàn chiến sỹ tinh nhuệ là đúng đắn, việc hạ sát “tội nhân” Lê Đình Kình là hành động cần thiết? Rất nhiều người tin vào những tuyên truyền đó. Rất nhiều người kiên quyết không tin. Rất nhiều người hả hê. Rất nhiều người phẫn nộ hay phì cười… Nhưng bất chấp tất cả những tình cảm ấy, việc tuyên truyền đó giờ đây là hoàn toàn vô ích, vô nghĩa khi cái chết của người nông dân 84 tuổi Lê Đình Kình không còn là chuyện cái chết của một kẻ ngoan cố chống lại chính quyền, mà đã nhanh chóng trở thành cái chết huyền thoại của một lãnh tụ nông dân. Tôi tin rằng những gì phía chính quyền quy kết cho cụ Lê Đình Kình không hoàn toàn vô căn cứ. Có thể cụ đã yêu cầu con cháu chuẩn bị một vài vũ khí thô sơ để phòng thân và khi chúng được người khác sử dụng trong tình thế bức bách đã dẫn đến mất kiểm soát. Có thể cụ từng lớn tiếng úy lạo những người nông dân Đồng Tâm thà chết không để mất đất, khiến gây ra một vài hành động hoặc tuyên bố cực đoan? Điều đó có nghĩa, nếu bị đưa ra xét xử công khai trong một phiên tòa văn minh, cụ Lê Đình Kình rất có thể phải chịu một mức hình phạt nào đó.
Suốt hơn hai năm qua, có cả một ngàn cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong hòa bình, trong tình đồng bào. Nhưng chính quyền đã lựa chọn giải pháp dùng sức mạnh của công cụ chuyên chính. Họ chỉ không tính được rằng, sau cú hạ sát kẻ cầm đầu, thì chính kẻ đó từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu, hàng triệu người. Với một lực lượng hùng hậu, thì việc xóa sổ một thôn như thôn Hoành quá dễ. Giết chết một cụ già gần đất xa trời còn dễ gấp bội. Nhưng không có một sức mạnh quyền lực nào trên thế gian này xóa được kí ức nhân dân.
Đáng lẽ là một “tội phạm”, người nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành một biểu tượng của chống lại áp bức, một nhân vật bi kịch, một nhân vật lịch sử, một nhân vật văn học đẹp lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn, có khả năng biến toàn bộ những nhân vật khác liên quan đến ông ta thành thứ dây buộc giày. Tôi không biết người viết trẻ tuổi nào sẽ lãnh nhận sứ mệnh này. Điều tôi biết trước là nhiều thế hệ nữa sẽ tiếp tục suy tư về con người ấy. Những bí ẩn về cái chết của ông ta, sẽ còn là đề tài của hàng ngàn giả thuyết, ngốn theo hàng vạn trang giấy.
Điều không ai mong muốn là xã hội chúng ta, kể từ sau cái chết của lão nông Lê Đình Kình, cũng bắt đầu một cuộc phân hóa, chia rẽ trầm trọng và rõ ràng là cực kỳ nguy hiểm.
Tất cả chỉ bằng đúng một phát súng.PHÁT SÚNG LỊCH SỬ
(Nhà văn Tạ Duy Anh)