Trà My
Thông tin nội bộ cho biết, trong cuộc họp kín của Bộ Chính trị, Phan Đình Trạc quyết nhảy ra tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an mà Tô Lâm để lại. Trong khi đó, Tô Lâm thì muốn đưa Lương Tam Quang hoặc Nguyễn Duy Ngọc lên thay. Cả 2 ông này đều đang là thứ trưởng và mang hàm Thượng tướng.
Ghế Bộ trưởng Bộ Công an là chiếc ghế có thể khiến các đối thủ khác phải sợ, và là chiếc ghế có khả năng tự bảo vệ chính mình rất cao. Tuy nhiên, ghế này cũng là chiếc ghế gây thù chuốc oán với các đồng chí trong Đảng nhiều nhất. Các quan chức Cộng sản có khả năng tranh phần, cứ đấu nhau mà tranh, còn hậu quả về sau thì họ không quan tâm. Người Cộng sản vốn không bao giờ nghĩ đến cái hậu, cho nên họ rất ác.
Âm mưu của Tô Lâm là ngồi vào Tứ trụ, đồng thời cũng nắm Bộ Công an thông qua đàn em, để tự tay khuynh đảo chính trường, làm chủ cuộc chơi. Chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã dùng công thức: Vô hiệu hoá tất cả những kẻ phản đối + Tứ trụ + kiểm soát Bộ Công an. Nhờ vậy mà ông làm chủ cuộc chơi bao nhiêu năm qua. Cho nên, Tô Lâm cũng đã copy công thức này, và hành động loại Võ Văn Thưởng, để bản thân vào Tứ trụ, cũng là thực hiện dã tâm đấy.
Tô Lâm mà vào được Tứ trụ, lại vừa nắm Bộ Công an, thì 3 trụ còn lại, gồm, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ, hẳn phải lo sốt vó. Việc chặn đứng dã tâm của Tô Lâm là điều cần thiết đối với cả 3 trụ còn lại. Điều đáng nói là ông Nguyễn Phú Trọng và Vương Đình Huệ đang cùng một phe, nên rất khó để Tô Lâm có thể thực hiện trót lọt dã tâm của mình.
Nhóm Nghệ An là nhóm lợi ích chính trị mạnh nhất ở Trung ương, với 3 uỷ viên Bộ Chính trị, gồm Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, và Nguyễn Xuân Thắng. Ngoài ra còn có đến 10 uỷ viên Trung ương Đảng và 1 Ủy viên dự khuyết. Hơn nữa, nhóm Nghệ An được ông Nguyễn Phú Trọng ưu ái, đặc biệt là 3 uỷ viên Bộ Chính trị. Do đó, Khi Tô Lâm bộc lộ dã tâm, thì nhóm Nghệ An không để yên. Bởi nếu để Tô Lâm làm chủ cuộc chơi, thì có khả năng sẽ xảy ra “thanh trừng” mạnh, để đưa người Hưng Yên vào thay thế.
Nay Bộ Chính trị chỉ còn lại 15 người, trong đó, phe Nghệ An chiếm đến 3 ghế, đồng thời, còn có sự ủng hộ của ông Nguyễn Phú Trọng, và cả những người phe ông Trọng, trong đó có bà Trương Thị Mai và một số nhân vật khác. Cho nên, ý đồ của Tô Lâm dễ dàng bị chặn ở Bộ Chính trị, bởi đây không phải là sân chơi của Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc – hai thuộc hạ thân tín của Tô Lâm.
Còn nếu Phan Đình Trạc nắm ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì điều đó không có nghĩa là Tô Lâm mất đi sự ảnh hưởng ở Bộ này. Bởi còn đó 2 thứ trưởng gốc Hưng Yên là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc.
Việc Phan Đình Trạc nhảy vào ghế Bộ trưởng Công an chỉ là giải pháp kìm hãm dã tâm của Tô Lâm, chứ chưa thể triệt hạ được Tô Lâm. Tuy nhiên, có Phan Đình Trạc nhảy vào, thì Vương Đình Huệ và Nguyễn Phú Trọng mới an tâm.
Cuộc chiến cung đình vẫn đang vào hồi gay cấn. Tô Lâm hiện như con thú dữ, đang vùng vẫy đủ cách để chiếm cho bằng được chiếc ghế Tổng Bí thư. Mà một khi Tô Lâm đạt được mưu đồ, thì ông ta sẽ dùng “bạo lực Cách mạng” đối với chính các đồng chí của mình.
Về phần Phan Đình Trạc, ông này bị đánh giá là có dã tâm không thua gì Tô Lâm. Nhiều năm qua, Phan Đình Trạc khép mình làm thuộc hạ dễ bảo cho Nguyễn Phú Trọng, như Tô Lâm đã từng làm. Nếu nắm được Bộ Công an, cơ hội tranh hùng tranh bá sẽ đến, và lúc đó, Phan Đình Trạc cũng sẽ không “hiền” như trước, bởi Phan Đình Trạc từng là Giám đốc Công an Nghệ An, cũng là dân trong ngành.
Nếu Phan Đình Trạc nhảy vào, lấy được ghế Bộ trưởng Bộ Công an, lúc đó, ông Trần Quốc Tỏ có thể có cơ hội hơn hiện nay, bởi Trạc cần liên minh với thế lực trong bộ này để cân bằng quyền lực với nhóm Hưng Yên.