10 tháng 1 2019
Fb Nguyen Tin
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và chồng (giữa) tại nơi từng là căn nhà mới xây của vợ chồng bà ở Vườn rau Lộc Hưng
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với BBC rằng bà “không biết dẫn con gái đi về đâu khi Tết sắp đến” trong lúc căn nhà mới xây của vợ chồng bà vừa bị giật sập tại Vườn rau Lộc Hưng.
Nhưng bà nói thêm: “Tôi là người Công giáo nên có niềm tin rằng có thể Chúa thấy những tai ương giáng xuống cuộc đời tôi chưa đủ nên muốn thử thách tôi thêm, lần này và có thể những lần sau nữa.”
Blogger, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, tác giả của cuốn Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, từng chịu 4 năm tù, 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự trong một phiên tòa hồi năm 2010.
Chồng bà, cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú mãn án 14 năm tù hồi năm 2013.
Sau khi kết hôn, cuối năm 2015, vợ chồng bà dọn vào Sài Gòn và sống tại Vườn rau Lộc Hưng.
Sau một thời gian ở trọ tại nơi này, vợ chồng bà quyết định dành tiền tích cóp và vay mượn thêm mua một mảnh đất 42m2 để xây nhà.
Căn nhà vừa xây xong sau Giáng sinh 2018. Vợ chồng bà kịp ngủ lại một đêm trước khi căn nhà nằm trong số những nhà cuối cùng ở Vườn rau Lộc Hưng bị giật sập hôm 8/1.
‘Mảnh đất của lòng tốt’
Hôm 9/1, bà Phạm Thanh Nghiên nói với BBC: “Khi mua đất cất nhà ở đây, vợ chồng tôi đã dự liệu được sớm muộn Vườn rau Lộc Hưng cũng bị chính quyền cho phá dỡ, dù theo như tôi hiểu, đây là đất có quyền sử dụng hợp pháp của người dân từ năm 1954.”
“Nhưng tôi nghĩ rằng chuyên đó ít ra cũng phải hai, ba năm nữa mới xảy đến, và trong thời gian đó, đứa con gái mới 13 tháng tuổi của chúng tôi ít nhất sẽ có nhà mới đón Tết, rồi có dịp đi xe đạp trong sân nhà.”
“Còn bây giờ, căn nhà đã bị giật sập. Tôi không biết dẫn con gái đi về đâu khi Tết sắp đến, trong lúc nó bị bệnh hen suyễn và mấy đêm nay đã phải đi ngủ nhờ nhà người quen.”
“Chúng tôi chọn dựng nhà ở Vườn rau Lộc Hưng vì đây là mảnh đất của lòng tốt.”
“Là người có hoạt động đấu tranh đến nay là năm thứ 13 và nhiều lần bị sách nhiễu khi còn ở miền Bắc, tôi cảm nhận được sự ấm áp, bình an, được che chở khi dọn vào Sài Gòn, sống cùng những người dân Lộc Hưng, phần đông trong số họ là người Bắc 1954 và theo đạo Công giáo.”
“Có thể nói, Vườn rau Lộc Hưng là một phần ký ức đẹp của những người từng sống ở đây.”
“Mọi người dù làm nghề trồng rau hay cho thuê nhà trọ, lao động chân tay nhưng đều có niềm tin Tôn giáo, sống đùm bọc nhau.”
“Khi nhìn những gương mặt thất thần sau biến cố hôm 8/1 và những ngày cưỡng chế trước đó, bỗng dưng tôi liên tưởng được nỗi đau của người dân miền Nam hôm 30/4/1975.”
“Dù việc mất nhà là cú sốc quá nặng đối với vợ chồng tôi, tôi vẫn hy vọng những gì mình đã phải chịu đựng là chịu thay cho con gái mình về sau.”
“Tôi là người Công giáo nên có niềm tin rằng có thể Chúa thấy những tai ương giáng xuống cuộc đời tôi chưa đủ nên muốn thử thách tôi thêm, lần này và có thể những lần sau nữa.”
Từ nhà hoạt động thành ‘dân oan’
Trong cuộc trò chuyện với BBC, bà Phạm Thanh Nghiên cũng cho biết thêm: “Lâu nay người ta chỉ thấy những người thoạt đầu là dân oan mất đất, đi khiếu kiện, đấu tranh rồi bị cầm tù, như trường hợp của bà Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng.”
“Còn trường hợp của vợ chồng tôi bây giờ sao “ngược” quá: từ cựu tù lương tâm trở lại làm dân oan.”
“Căn nhà đó với chúng tôi là tài sản quá lớn, vì đã phải tích cóp cả chục năm rồi phải mượn nợ.”
“Nhất là trong bối cảnh một nhà hoạt động ở Việt Nam luôn gặp thử thách về chuyện mưu sinh do bị làm khó dễ.”
“Bản thân tôi dù rất cố gắng, muốn sống cuộc sống bình thường như bao phụ nữ khác cũng khó, thậm chí dù làm việc chân tay cũng bị ngăn cản.”
“Do vậy, tôi quyết định dành toàn thời gian cho việc tranh đấu, viết blog, viết sách.”
“Thật ra, trong những năm đầu khi mới bước vào con đường hoạt động, có lúc tôi cũng nghĩ, hay là mình chọn cuộc sống bớt nghĩ về nhân quyền, chính trị thì sẽ yên ổn hơn.”
“Nhưng rồi sau đó, tìm hiểu những người chung quanh, tôi nhận ra trong xã hội này, bất cứ người dân nào muốn yên thân cũng khó.”
“Rồi sẽ đến lúc họ nhận ra những việc xảy đến với họ đều có yếu tố chính trị.”
“Trong giờ phút này, có thể nói mong muốn lớn nhất của tôi là con gái mình được lớn lên trong một môi trường có tự do, quyền con người được đảm bảo và phẩm giá của nó được tôn trọng.”
“Và cũng trong tai ương mất nhà, tôi càng thương chồng tôi hơn bao giờ hết. Anh ấy đã trải qua phần lớn cuộc đời sống lưu vong ở Campuchia, Thái Lan, tù đày ở Việt Nam và bây giờ sống lưu vong trên chính quê hương mình, không nhà cửa và giấy tờ tùy thân…”