Sau hai năm đưa năng suất nông nghiệp lên gấp 3, gấp 5 lần bằng thí điểm khoán hộ, năm 1968, ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã phải kiểm điểm vì đốt cháy giai đoạn, vì vượt rào, vì vi phạm nghiêm trọng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đến tận 20 năm sau, thí điểm “Khooán hộ” của Bí thư Kim Ngọc mới chính thức trở thành chủ trương của Đảng với tên gọi “Khoán 10”. Và, Khoán 10 đã cứu Việt Nam ra khỏi những trận đói trường kỳ, thậm chí có gạo để xuất khẩu.
Ý tưởng tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng ấy là “phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”.
Khoảng cách 20 năm từ một hành động xé rào cho đến sự công nhận bằng chính sách cho thấy, ở đất nước này, mọi sự đổi mới, dù đã mang lại thành quả tốt đẹp cũng sẽ bị vùi dập, cho đến khi lâm vào bế tắc, cho đến khi bước đến đường cùng thì người ta mới buộc phải thừa nhận.
Và nay, 32 năm sau khi thừa nhận tự chủ đổi mới sản xuất trong nông nghiệp, người ta lại đang thực hiện một cuộc đấu tố mới liên quan đến việc tự chủ, đổi mới giáo dục đại học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng.
52 năm trước, Bí thư Kim Ngọc – một cá nhân với tầm nhìn đi trước thời đại bị cáo buộc vì đã dám xé rào.
52 năm sau, ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng – một cá nhân dám nghĩ, dám làm, bước qua những tàn tích của chế độ kiểm soát tập trung trong giáo dục đại học cũng đang bị vùi dập.
Bất chấp cả hai cuộc xé rào đều là tất yếu, đều là những xu thế không thể đảo ngược, thì mọi thứ vẫn cứ lặp lại như số mệnh của dân tộc này, như bi kịch của đất nước này.
Giống như năm xưa, đất đai phải trả về cho nông dân tự chủ, thì nay, giáo dục đang cần một cuộc xé rào tương tự, đó là giảng viên được thực sự làm chủ giảng đường.
Ông Lê Vinh Danh là người đã khai mở và thực hiện tự chủ đại học trong nhiều năm qua, giữa bối cảnh các trường đại học vẫn lay lắt trong một khuôn thước cũ mèm đã trì trệ và lạc hậu, trong một mô hình đã rệu rã và không ngừng kìm hãm sự phát triển.
Để giảng viên thực sự làm chủ giảng đường, ông Lê Vinh Danh và trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự chủ tài chính, tự chủ trong đào tạo những gì xã hội cần, tự xây dựng tiêu chuẩn học thuật và giảng dạy, tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nghiên cứu, tự chủ tuyển dụng chuyên gia không biên giới, tự chủ trong việc phong giáo sư với tiêu chí được tham vấn và đánh giá bởi các chuyên gia nước ngoài.
Trường đại học tự phong giáo sư được nhìn nhận như nông dân tự sản xuất trong Khoán 10. Xé rào ở đây là đòi lại quyền phong giáo sư về cho trường đại học, đưa “giáo sư” về đúng bản chất là một chức vụ công việc gắn với một trường đại học, thay vì để nhà nước ôm như hợp tác xã giáo dục và giáo sư là học hàm học vị, là sự vinh danh gắn với quyền lợi được thụ hưởng suốt đời.
Tự chủ mọi mặt đã được thực hiện ở trường Tôn Đức Thắng trước năm 2015 và được chính thức bằng Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 cho đến nay vẫn đang tiếp tục.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng có được như ngày nay là nhờ quá trình tự chủ đó.
Không kể vị trí trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế, thì đội ngũ giảng viên chất lượng cao, cơ sở vật chất giảng dạy và nghiên cứu ngang tầm quốc tế đã đủ để minh chứng cho hiệu quả của tự chủ đại học ở trường.
Ông Hoàng Minh Sơn, người vừa từ vị trí Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí còn được kì vọng sẽ trở thành Bộ trưởng trong tương lai, đã từng nói rằng, nếu không có tư chủ đại học thì các trường đại học sẽ giống như doanh nghiệp nhà nước,hoạt động trì trệ, kém hiệu quả. Nếu không tự chủ đại học thì đất nước sẽ mất cơ hội phát triển giáo dục, giống như nông nghiệp mấy chục năm trước khi thực hiện Khoán 10.
Tự chủ giáo dục giống như Khoán 10 trong nông nghiệp. Vậy thì, người khai mở cho con đường tự chủ đại học chính là một Kim Ngọc trong giáo dục. Với vai trò đó, lẽ ra ông Lê Vinh Danh phải được cổ vũ, phải được tạo điều kiện, phải được khuyến khích. Lẽ ra phải vinh danh những Lê Vinh Danh, thay vì kỉ luật và lăm le cách chức thay người.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người kí quyết định cho phép trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện thí điểm tự chủ, đối mới, cũng từng nói tự chủ là con đường duy nhất, là con đường không thể quay lại.
Vậy lẽ nào ông Đam để cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vin vào cái mác chủ quản để kỉ luật một cá nhân đã có nhiều đóng góp, một cá nhân là linh hồn của ngôi trường đã đưa giáo dục Việt Nam bước chân vào bản đồ giáo dục thế giới, một cá nhân làm giáo dục hiếm hoi có lý tưởng phụng sự quốc gia, canh tân đất nước.
Kỉ luật, cách chức người dẫn dắt đổi mới bằng cách áp đặt tàn tích tư tưởng kiểm soát tập trung trong giáo dục đại học và nghiên cứu – hành vi ấy có khác nào chống lại đổi mới?
Không thèm nhìn vào kết quả, không đếm xỉa đến thành tựu, không quan tâm đến các đóng góp, cũng chẳng mảy may nghĩ cho tương lai… việc kỉ luật một Kim Ngọc trong giáo dục sẽ triệt tiêu mọi động lực đổi mới, sáng tạo.
Và, rồi đây, ai sẽ dám đi tiếp con đường đổi mới giáo dục này khi biết trước sẽ có ngày trở thành nạn nhân như ông Lê Vinh Danh?
Và nếu cứ để những tổ chức không có một gram hiểu biết nào về giáo dục kiểm soát trường đại học, nếu cứ để tầng lớp tinh hoa bị lãnh đạo bởi những cá nhân chỉ quen mặc đồng phục đoàn hội, quen mở miệng hô hào phong trào rỗng tuếch, thì giáo dục – gốc rễ của quốc gia sẽ đi về đâu? Và đất nước này sẽ phải tuyệt vọng đến bao giờ?
Câu trả lời xin để lại cho thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và phó thủ tướng Vũ Đức Đam.