Ông Tạ, đất khởi nguồn rạch Nhiêu Lộc – phần 2

    0
    52
    Bản đồ Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học cho thấy rạch Nhiêu Lộc đi qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, khúc gần ngã tư Bảy Hiền dẫn vào một vùng đầm lầy hay bàu gì đó

    Cù Mai Công

    (Nhân 150 năm thất thủ Đại đồn Chí Hòa, 1861-2021)

    THỬ “LÀM RÕ” BA CHUYỆN LỊCH SỬ- ĐỊA LÝ TỪ ĐẦU NGUỒN RẠCH NHIÊU LỘC KHU ÔNG TẠ XƯA

    Khu Ông Tạ xưa hầu như nhà nào cũng có giếng. Giếng nào cũng ăm ắp nước. Nhà tôi ở khu xóm Đại Lợi, thuộc vùng đất cao khu Ông Tạ, không bao giờ ngập, cũng có một cái trước nhà. Nước lên gần sát mặt giếng. Nhà nào khu Tân Chí Linh, Vinh Sơn, An Lạc… sát bên rạch trước và sau 1975 một chút đều biết hàng chục giếng nước nơi đây tự phun trào lên mặt đất suốt ngày đêm. Càng gần rạch Nhiêu Lộc, nước trào càng mạnh. 

    Đến đầu thập niên 1970, tôi học lớp Ba trường Chúa Cứu Thế trong ngõ Tân Chí Linh (nay là hẻm 107 Phạm Văn Hai, Tân Bình), xung quanh trường tôi thấy có mấy giếng như vậy. Mùa mưa, nước từ các giếng trào lên ồ ạt, ngập cả xung quanh; trong vắt và rất ngọt. Đám học trò chúng tôi đi học, về học hay ghé qua rửa mặt, rửa chân và uống thẳng nước giếng ấy, tỉnh cả người. Chả đứa nào đau bụng, ngộ độc… gì sất.

    ĐẤT ÔNG TẠ XƯA HẦU HẾT LÀ VÙNG THẤP TRŨNG, RUỘNG NƯỚC, ĐẦM LẦY… 

    Rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 1945, thời điểm còn nhiều cây xanh và chưa có nhà lấn rạch – Ảnh tư liệu

    Và đây là câu trả lời cho thắc mắc của không ít người: nước đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc từ đâu ra. 

    Sau khi chiếm đóng và tạm ổn định vùng đất Sài Gòn – Gia Định, chính quyền  thực dân tổ chức khảo sát kỹ hơn về tình trạng đất đai. Năm 1900, một bộ bản đồ “Environs de Saïgon 1900” (vùng phụ cận/ngoại ô Sài Gòn) cỡ lớn về sông ngòi, kinh rạch, đường sá, khu dân cư…  Sài Gòn – Gia Định  gồm năm tấm ghép khổ lớn đã được Sở Địa lý Đông Dương (Géographic de l’Indo-Chine) thực hiện. 

    Bản đồ Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học cho thấy rạch Nhiêu Lộc đi qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, khúc gần ngã tư Bảy Hiền dẫn vào một vùng đầm lầy hay bàu gì đó

    Tấm thứ ba của bộ bản đồ này ghi nhận khá cận cảnh ngoại ô của hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn; đầy đủ kinh rạch, sông ngòi, ruộng rẫy… Theo đó, đến 1900 toàn bộ khu vực bên phải đường Cách Mạng Tháng Tám, từ Lý Chính Thắng hiện nay xuống, qua ngã tư Bảy Hiền 2/3 đoạn đường đến Bà Quẹo hầu hết là ruộng ngập nước (bên trái nay là cư xá Bắc Hải, đường Bành Văn Trân, xóm dệt Quảng Nam – Tân Bình, Hòa Hưng… thế đất cao hơn). 

    1900-Environs de Saïgon 1900 – (Sheet 3_5) cho thấy một số đoạn tường đại đồn Chí Hòa và hào nước đã bị san lấp ở khu Ông Tạ hiện nay (Thạnh Hòa). Bên kia khu Bảy Hiền vẫn còn một số đoạn.

    Riêng khu vực Ông Tạ, từ ngã ba Ông Tạ, theo đường Phạm Văn Hai đến Hoàng Văn Thụ hiện nay hầu như là ruộng ngập nước quanh năm, trừ một khoảnh/khu vực khá cao sau này, trước 1985 là xóm Đại Lợi, khu nghĩa địa trước rạp hát Đại Lợi của tôi (hiện nay là chợ Phạm Văn Hai, trung tâm hội nghị tiệc cưới đối diện chợ).

    (Có một bất ngờ: nhiều bản đồ trước và sau thế kỷ 20 đều ghi nhận ở khoảnh đất này xưa có một nhà thờ Công giáo, ghi rõ: Église. Không rõ nhà thờ hay nhà nguyện, đền thánh nào). 

    Rạch Nhiêu Lộc rộng, sâu; xung quanh là đầm lầy… Có lẽ đây là một trong những lý do quan trọng khiến đội quân viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha khi tấn công đại đồn Chí Hòa 1861 đã không chọn hướng (bắc đại đồn) này mà chọn mặt bên kia: hướng nam, khu Phú Thọ hiện nay và đánh vòng lên Bà Quẹo, tấn công hậu cứ đại đồn. Hướng Phú Thọ, Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo…  này thế đất cao ráo, khô; đặc biệt khi  cuộc tấn công diễn ra  vào hai ngày 24, 25-2-1861: thời gian bước vào cao điểm tháng mùa khô của miền Nam cũng như Sài Gòn – Gia Định.

    NGOÀI RẠCH NHIÊU LỘC, BA CẠNH CÒN LẠI CỦA ĐẠI ĐỒN CHÍ HÒA ĐỀU CÓ HÀO NƯỚC NHÂN TẠO

    Rạch Nhiêu Lộc chảy giữa vùng ruộng nước, đầm lầy ấy. Tuy vậy, trong bản đồ “Environs de Saïgon 1900”, nó chỉ mấp mé qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay một chút và bẻ sang trái cũng một chút.

    Không chỉ tấm này, các tấm bản đồ thời Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tôi có đều như vậy. Trước đó, năm 1882, 21 năm sau khi đại đồn Chí Hòa (rộng một km, dài ba km với khu vực cổng đại đồn nằm ngay ngã ba Ông Tạ) thất thủ (1861), một tấm bản đồ địa hình (plan topographic) “20eme arrondissement et ses environs” vùng Sài Gòn – Gia Định tỉ lệ 1:20.000 rất lớn đã được thực hiện. 

    Có ý kiến cho rằng đại đồn đã bị san bằng sau khi Pháp chiếm năm 1861. Nhưng hàng chục bản đồ Pháp vẽ và in sau đó 30, 40 năm cho thấy nó vẫn còn đó; thậm chí trở thành một đồn trại của Pháp với một tháp canh cao nằm đúng vị trí của trường Tân Bình hiện nay, ngay ngã ba Ông Tạ. 

    Trong bản đồ xuất bản năm 1882 này cho thấy chạy dài theo cạnh bắc đại đồn ba km là rạch Nhiêu Lộc vẫn còn đó với một bất ngờ: cùng với một cạnh là rạch Nhiêu Lộc, ba cạnh còn lại, kể cả khu cổng đại đồn phức tạp nhiều đường ngang ngõ tắt đều có hào nước (đến đầu thế kỷ 20, một số bản đồ thời Pháp vẫn vẽ đại đồn và hào nước, tức đến lúc đó, cả hai vẫn chưa bị san lấp hoàn toàn). 

    Hào nước bao quanh vốn là cách phòng thủ không thể thiếu ở hầu hết các thành lũy xưa trên thế giới, kể cả thành Gia Định thất thủ năm 1859.

    Ít ai chú ý, trong “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam kỳ” (tác giả là trung úy hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tổng hành dinh đề đốc chỉ huy Leonard Charner; bản thân ông cũng tham gia trận đánh này vào buổi thứ hai của nó, 25-2-1861, đánh chiếm đại đồn Chí Hòa) cũng có một đoạn ghi chép về hào nước khu vực quanh tường đại đồn. 

    Theo Léopold Pallu, tường đại đồn cao 3,5m, dày 2m. Ông viết: “Có một mô đất duy nhất trong cánh đồng, cách tuyến địch độ 150m. (..,) Tại vị trí mô đất quân lính bắt đầu nhận ra các hầm chông đầu tiên cách đó 50m, tức là cách bờ thành 100m. Các chướng ngại phòng thủ thứ yếu như hầm chông được phân bố hết sức tinh xảo. Sáu hàng hầm chông có các rào cản ngăn cách, tức là có bảy hàng cọc nhọn tất cả; tiếp theo là HAI HÀO SÂU SÁT TƯỜNG THÀNH có đóng chông tre vạt nhọn, nước và bùn ngập khoảng ba chân”. 

    Mỗi “chân” bằng 0, 3248m; “ba chân” tức gần một mét; trong tháng hai là tháng mùa khô, nước không nhiều. Tấm bản đồ vẽ tay, khổ lớn “Mansucript map of Saigon and Cholon 1902” ghi nhận rất chi tiết các đường nước xung quanh đại đồn Chí Hòa (vẫn còn tồn tại hơn 40 năm sau khi đại đồn thất thủ 1861).

    Và ngay trong tấm bản đồ 1882, rạch Nhiêu Lộc vẫn chỉ “quanh quẩn” khu ngã tư Bảy Hiền, áp sát đường Hoàng Văn Thụ hiện nay.  

    Cạnh hào nước dưới của đại đồn chạy qua khu Bàu Cát hiện nay, chắc chắn không thuộc rạch Nhiêu Lộc. 

    Cạnh trên của hào nước ăn từ đoạn rạch đầu nguồn này lên tới gần Bà Quẹo, chạy thẳng tắp. Khó nói con rạch Nhiêu Lộc vốn cong quẹo lại có thể tự dưng chạy một mạch như vậy tới gần Bà Quẹo, nếu không có bàn tay tác động của con người.

    “Mansucript map of Saigon and Cholon”, một bản đồ vẽ tay năm 1902 cũng ghi nhận rạch Nhiêu Lộc lúc ấy chỉ chớm qua ngã tư Bảy Hiền hiện nay. Tấm bản đồ này “lộ” ra một chứng cứ: tường bao của Đại đồn Chí Hòa đoạn ngã tư Bảy Hiền hiện nay “chừa” ra đoạn rạch Nhiêu Lộc, thay bằng hào nước. Và đây là một chứng minh rạch Nhiêu Lộc không chạy sâu lên Bà Quẹo như một số ý kiến xưa nay.

    Trước đó gần nửa thế kỷ, năm 1815, võ tướng Nhà Nguyễn và là người Việt đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn – Gia Định xưa theo phương pháp phương Tây là Trần Văn Học. Trong tấm bản đồ của mình, ông đã vẽ rạch Nhiêu Lộc dài qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, chạy lên phía Bà Quẹo. Ông Học là dân Sài Gòn – Gia Định gốc. Có lẽ đó là một trong những cơ sở nhà văn, nhà nghiên cứu Sài Gòn – Gia Định xưa nổi tiếng Sơn Nam viết trong “Bến Nghé xưa”: “Kênh Nhiêu Lộc bắt nguồn từ khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình”.

    Tuy nhiên, nếu lấy khu vực Bàu Cát hiện nay nằm bên trái đường Trường Chinh (tính từ ngã tư Bảy Hiền lên Bà Quẹo) thì có thể nhà văn  Sơn Nam nhầm với hào nước mặt tây do quân dân Nhà Nguyễn đào để phòng thủ đại đồn vẫn còn ở đó mấy chục năm sau? Vì thực tế rạch Nhiêu Lộc trong bản đồ Trần Văn Học 1815 nằm bên phải đường Trường Chinh hiện nay, bắt đầu bằng một cái bàu/ao rộng vài chục, dài cả trăm mét.

    Con rạch Nhiêu Lộc đoạn này khi ấy nếu có, có lẽ cũng cạn, ngắn và đứt đoạn nên quân dân Nhà Nguyễn khi xây dựng đại đồn đã khơi dòng, nối dài nó đi THẲNG TẮP (chứ không quanh quẹo như rạch tự nhiên) dọc theo tường đại đồn, tới gần Bà Quẹo. Các bản đồ Pháp nhất loạt vẽ chi tiết hình ảnh “thẳng tắp” này. Ở các bản đồ vẽ cuối thế kỷ 19 đều ghi nhận rạch Nhiêu Lộc chỉ nhích qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay một chút, đâu khoảng trên dưới 100m và bẻ hướng sang trái (về phía đường Trường Chinh hiện nay – sát khu vực trước 1983 là nghĩa trang Quân đội Pháp, nay là Trung tâm Triển lãm và hội chợ Tân Bình).

    Chính đường bẻ hướng này tạo điều kiện cho sau này người ta nối dài một đoạn rạch sang khu ruộng (nay là khu Tân Việt, Tân Thành – phường 12, 13, Tân Bình) và khu rừng cao su (từ giữa thập niên 1960, rừng cao su nơi đây bị đốn bỏ; hình thành là khu xóm dệt Quảng Nam hiện nay) bên kia đường Trường Chinh để “dẫn thủy nhập điền” hay thoát nước gì đó khu vực này.

    Cái bàu/ao rộng vài chục, dài cả trăm mét chảy ra rạch Nhiêu Lộc trước 1975 là trại Sư đoàn Nhảy dù Hoàng Hoa Thám (hiện là đường và chợ Hoàng Hoa Thám). Ai dân Tân Việt, Tân Thành hẳn còn nhớ nhiều khu vực trong trại này mỗi lần mưa là ngập lõng bõng nước vì không thoát ra rạch Nhiêu Lộc được. Và giữa thập niên 1950, hàng ngàn lính Pháp tử trận khắp nơi trong cuộc chiến Đông Dương được cải táng, chôn cất ở cạnh bên con rạch này, lập nên nghĩa trang Quân đội Pháp (năm 1983 giải tỏa). Xung quanh nghĩa trang có các hào thoát nước theo hướng rạch Nhiêu Lộc. 

    Nói thêm: ở bản đồ bản đồ “Environs de Saïgon 1900” (Ngoại vi/ngoại ô Sài Gòn 1900) vẽ ghi rõ hệ thống rào gai và hào nước quanh đại đồn đã thành “ligne de défense” (tuyến phòng thủ) của người Pháp. Nhưng một số đoạn đã bị san bằng, dỡ bỏ. Có lẽ khi ấy, đội quân xâm lược đã tạm làm chủ an ninh Sài Gòn – Gia Định, trong đó có khu vực này.

    NHIÊU LỘC TỪNG LÀ RẠCH THOÁT NƯỚC CHO MỘT NỬA PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHỨT

    Một số bà con Ông Tạ cứ ngỡ rạch Nhiêu Lộc tự nhiên chạy tới Tân Sơn Nhứt bởi nếu khi lội ngược dòng rạch, đúng là nó chạy tuốt tới sát cạnh dài chu vi sân bay, phía nam. Thật ra dòng chính của rạch hiện nay đã bị lấp thành đường Lê Bình. 

    Đoạn “rạch” dẫn sang khu Hoàng Việt (phường 4, Tân Bình)  nay cũng bị lấp, chuyển thành cống hộp dưới đường Út Tịch trước khi đến phi trường thật ra là một con kênh đào sau năm 1954. Có lẽ để thoát nước cạnh nam phi trường cho ra rạch Nhiêu Lộc (cạnh bắc phi trường cũng có một hệ thống kênh, nhưng thoát theo hướng khác).

    Các bản đồ Sài Gòn trước 1954 không hề có đoạn kinh này. Nó chính thức xuất hiện trong tấm bản đồ chi tiết in năm 1958 của Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, dựa theo không ảnh 1953 và điều chỉnh năm 1956, “bổ túc trắc họa Đô thành năm 1957”. Tỉ lệ 1:15.000 – một tỉ lệ lớn cho toàn khu vực Sài Gòn – Gia Định.

    Sau đó, tấm bản đồ năm 1962 của Sở Đồ bản Quân đội Hoa Kỳ ở Viễn Đông – USAMSFE vẽ chi tiết hơn theo không ảnh lúc ấy cho thấy đoạn này, bản đồ ghi rõ là canal – kinh. Đường đi của đoạn kinh này nay là đường Út Tịch, từ đoạn đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc hiện nay ở phường 3, 5, Tân Bình đi lên hướng chệch bắc, qua Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), sát cơ xưởng sản xuất xe Puch của một doanh nhân lớn khu  Ông Tạ: Đặng Đình Đáng (nay là trụ sở Công an quận Tân Bình). Đoạn chạy qua đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) qua một cống ngầm lớn (culvert) đổ vào “đầu nguồn” rạch Nhiêu Lộc hiện nay, chỗ giao thủy rạch Nhiêu Lộc – Lê Bình – Út Tịch.

    Nước từ sân bay (lúc ấy chưa có dân) đổ về chỉ là nước mưa tự nhiên. Và đó là lý do trước 1975 và tận thập niên 1980, dù lúc ấy rạch Nhiêu Lộc đã ô nhiễm lắm rồi, nhưng khi mưa, nước rạch vẫn khá trong. Con nít Ông Tạ vẫn vô tư tắm mưa, lội rạch và tranh thủ bắt cá trôi về từ khu vực phi trường.

    Qua khỏi đường Võ Tánh chừng 500m là vô phạm vi phi trường, đoạn kinh/mương này tách ra làm đôi: nhánh phải sang khu nghĩa trang Bắc Việt trên đường Phổ Quang hiện nay, nhánh trái tiếp tục đi sâu, bẻ góc 90 độ mấy lần trước khi thành một đoạn kinh mặt nam phi trường.

    Năm 1976, một bản đồ của Liên Xô đã in lại từ bản đồ quân sự của Mỹ trước 1975 cho thấy đoạn rạch Nhiêu Lộc nay là đường Lê Bình đã thu hẹp lại rất nhỏ sau khi khu Chăn nuôi hình thành từ 1971. Nhưng nó vẫn ăn qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay để thoát nước cho khu nghĩa trang Quân đội Pháp. Còn đoạn kinh đào thoát nước khu vực sân bay vẫn còn nguyên vẹn, kể cả con đường Út Tịch hiện nay.

    Bây giờ thì cả nhánh rạch đầu nguồn Nhiêu Lộc ở Bảy Hiền lẫn nhánh kinh vô phi trường đều không còn; hoặc thành cống hộp gì đó. Và thế là đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc bị “di dời”, lọt thỏm giữa khu trung tâm Ông Tạ, gần cầu số 1 như chúng ta biết hiện nay. 

    NÓI THÊM VỀ CON KINH RẤT DÀI, RẤT LỚN TỪNG “ĂN” NƯỚC NHIÊU LỘC

    Sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè ai cũng rõ là tuyến giao thông, giao thương quan trọng bậc nhất của đất Sài Gòn – Gia Định xưa, thuở đường bộ chưa phát triển và đầm lầy, rừng rậm còn giăng mắc khắp vùng. 

    Không chỉ vậy, ba tuyến đường thủy này còn là một hào thành tự nhiên bao bọc ba phía Sài Gòn xưa. Sông Sài Gòn hướng đông, rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè hướng bắc, rạch Bến Nghé hướng nam, chỉ “hở” một hướng phía tây: khu vực Ông Tạ, Phú Thọ, Bình Thới… hiện nay.

    Trước khi Pháp vô cả thế kỷ, năm 1772, tướng của chúa Nguyễn là Nguyễn Cửu Đàm đã dựng lũy Bán Bích chặn hướng tây này để phòng thủ quân Xiêm. Lũy dài 15 dặm (hơn 8,5 km) bao quanh đồn dinh; nối hai đầu rạch Bến Nghé và Nhiêu Lộc – Thị Nghè; tạo nên một Sài Gòn như một “hòn đảo” rộng khoảng 50 km2. 

    90 năm sau, năm 1862 (có tư liệu cho là năm 1875), “hòn đảo” Sài Gòn này càng rõ hơn sau khi người Pháp sau khi chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh: đào ngay con kinh rất dài, rất rộng phía bắc và tây Sài Gòn, suýt soát vị trí lũy Bán Bích 1772. Con kênh này lấy từ dự án “Thành phố Sài Gòn 500 ngàn dân”, “nằm trong bốn đường nước ” 1861 của trung tá công binh Coffyn. 

    Trên bản đồ hiện nay, con kinh này bắt đầu từ đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) thẳng qua giữa rạch Thị Nghè, cắt ngang đầu rạch Thị Nghè, qua đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), vòng ra sau lưng sân Phú Thọ (Q.11), đâm xuống và nối với kinh Lò Gốm, chạy sát sau lưng đồn Cây Mai (góc Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ hiện nay). Người Pháp gọi đó là kinh Ceinture (canal de Ceinture – kinh Thắt Lưng), còn dân Sài Gòn hồi thập niên 1960 vẫn gọi là kinh Vòng Thành hoặc kinh Bao Ngạn; dài tương đương rạch Nhiêu Lộc. 

    Dù các bản đồ từ thời Pháp đến 1975 luôn có hình ảnh kinh Bao Ngạn nhưng ít ai nhớ hoặc có kỷ niệm gì với nó. Vì thực tế ghe thuyền chưa đi lại được do bùn đất lên quá nhanh, quân kháng chiến Việt quấy phá nên theo học giả Vương Hồng Sển, con kinh này theo kế hoạch “bề ngang 20 thước, bề sâu sáu thước (…). Nhưng công việc dở dang thất bại, và đô đốc Bonard đành bỏ nửa chừng công tác ấy”.

    Đầu thập niên 1990 thế kỷ trước, từ đường Cách Mạng Tháng Tám vô, bà con Ông Tạ đều biết nhiều đoạn kinh này dọc đường Bắc Hải vẫn còn bên dãy tường sát công viên Lê Thị Riêng – quận 10, nhưng chỉ nhỏ như mương nước; riêng vài đoạn trong khu cư xá Bắc Hải rộng hơn, mọc đầy rau muống (hiện nay đã bị lấp, thay vào đó là những dãy nhà).

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here