Ông Abe và di huấn của Saigo

0
53

Lê Huyền Ái Mỹ

Tin về vụ cố sát cựu thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe khiến thế giới bàng hoàng. Trong đó, nhiều người Việt thảng thốt. Bởi, ở một chính trường mà người đứng đầu chính phủ từ nhậm chức tới từ chức có khi chưa đầy 1 năm (như ông Yoshihide Suga), thì người đạt kỷ lục tại vị dài nhất trong lịch sử nước Nhật đủ minh chứng cho sự thành công bằng “con đường đúng đắn ” – như di huấn thứ nhất của Saigo Takamori – samurai chân chính bậc nhất thời Minh Trị. 

Hơn nữa, người Việt đón nhận cái cách ông Abe từ chức như một “phép lạ”, năm 2007, ông từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng, năm 2012 ông trở lại chính trường và tái đắc cử thủ tướng. Năm 2020, căn bệnh tái phát, ông lại từ chức, rời bỏ chính trường. Ông nói “Tôi không muốn mắc sai lầm trong các quyết định chính trị quan trọng khi đang điều trị. Tôi đã quyết định không nên tiếp tục ngồi ở ghế này chừng nào tôi không thể tự tin đáp lại sự ủy thác của mọi người”. 

Một nước Nhật hầu như đã giải giáp, một quốc gia được dựng trên nền của thiên tai và mối nguy thảm họa, một tập tính xem “tự nhiên vĩnh cửu, đời người phù du” được kiến giải trọn vẹn trong vẻ đẹp của xúc cảm mononoaware – thương cảm sự phù du thì ngay giữa trời trưa, ngay trong nhóm người hiện diện cho quyền dân chủ, bình đẳng, tự do, một phát súng đã xé toang tất cả. 

Một trong những di-sản-không-toàn-vẹn của Abe là mong muốn sửa đổi 2 ý trong Điều 9, Hiến pháp 1947 đã bất thành: “Người dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của đất nước cũng như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như những phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”, “Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”. 

Như lịch sử của xứ sở Mặt trời mọc này đã từng đi qua 250 năm không có mùi thuốc súng, tức từ cuối thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, khi những chiếc “tàu đen” của phó đề đốc hải quân Mỹ, Perry tiến vào vịnh Tokyo năm 1854. 

Thời đại rực rỡ của ba vĩ nhân Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu vừa nhìn thấy sức mạnh của thuốc súng nhưng ngay khi thiết lập quyền lực kiểm soát vũ khí (vào tay chính phủ) thì đồng thời nước Nhật cũng rút khỏi thứ quyền năng hiện đại ấy. 

Bởi, dòng máu võ sĩ đạo luôn đề cao kiếm thuật – nơi người Nhật tin rằng đó là sự hòa hợp của sức mạnh tự nhiên và nỗ lực cơ bắp, rèn luyện vốn xuất phát từ tinh thần Phật giáo thiền tông lấy sự trung thực và coi thường khó khăn vật chất làm pháp tu dưỡng; nó lớn hơn sức thống trị bằng năng lượng hóa học thuốc súng. 

Súng ống cũng bị người Nhật nhìn nhận đi kèm với nạn xâm nhập ngoại lai, là mở đường cho những cuộc xâm lăng. Và càng về sau này, súng là tác nhân gây bất ổn xã hội. 

Mà trưa ngày 8.7.2022, ngay giữa lòng nước Nhật, lời của Cervantes trong tác phẩm Don Quixote đã được nhắc lại: “một phát minh – (tức súng) – cho phép một kẻ thấp hèn cướp đi sinh mạng của một hiệp sĩ can trường”. 

Chưa biết động cơ của kẻ ra tay sát hại ông Abe. Nhưng dù là gì thì, xả súng vào một người đang không có khả năng tự vệ, lại đang trên đường bảo vệ cho chính đảng Dân chủ tự do thì phàm đó là kẻ tà đạo – ngược với tinh thần chính đạo của Saigo. 

Chỉ tin rằng, như triết lý của hoa anh đào, sự sống chỉ tồn sinh trong khoảng 3-4 ngày, mùa hoa nở lại thường trùng vào mùa gió bão. Nhưng ngay trong thời khắc đang rơi, cánh của hoa vẫn vẹn nguyên, như mang theo cả sự tàn phai lộng lẫy. 

Shinzo Abe, hậu sinh của Saigo – một samurai chân chính bậc nhất, người để lại di huấn thứ 13: “bỏ thuế để làm giàu đời sống dân chúng chính là nuôi dưỡng sức mạnh quốc gia…Vì vậy, cho dù quốc gia có nhiều sự việc đáng lo, tài chính thiếu thốn đi chăng nữa vẫn phải gìn giữ chế độ thuế đã định ra, giai cấp thượng tầng phải chấp nhận tổn thất để hỗ trợ những người ở giai cấp hạ tầng…”. 

Nhớ, “tước đi sự giàu có từ dân chúng là sụp đổ”, lời Saigo không chỉ dành cho hậu thế Nhật Bổn. Nó cảnh tỉnh bốn phương. Mới đây thôi, 2 hôm trước, Quốc hội Việt Nam đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng xuống 1.000 đồng/lít cơ đấy!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here