Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
17.10
Thiên hạ quá rảnh. Đang căng thẳng về chuyện dịch Covid, nay sống mai chết không biết thế nào, nhưng lại rất chú tâm, tò mò về những trò nhố nhăng. Chẳng hạn trên một số tờ báo và mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng chủ khu du lịch Đại Nam, người đang thu hút sự chú ý bằng những livestream, tố một loạt nghệ sĩ ông hoàng bà chúa lừa đảo. Hôm qua, bả còn tố bị đánh ngay tại trụ sở công an khi công an mời lên làm việc. Phía công an thì bảo không có chuyện ấy. Bà Hằng đáp trả có. Cứ sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Thiên hạ bàn luận, con mẹ Hằng có ăn gan trời cũng không dám bịa chuyện. Nhiều người nói vụ này giải quyết dễ ợt. Trụ sở công an nào chả lắp máy quay (camera) giám sát, thậm chí vài ba chiếc, nhà dân thường còn có, huống hồ nơi cảnh sát làm việc. Sao không lôi mấy thứ đó ra làm bằng chứng, lại cứ cãi qua cãi lại, chả ra làm sao.
18.10
Báo Lao Động có bài về chống dịch ở TP.HCM, dẫn lời ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội. Ổng khẳng định trong cuộc họp HĐND TP, “cho đến lúc này, toàn thành phố chưa có ai thiếu ăn thiếu mặc, khốn khó bởi dịch”. Dư luận ì xèo, bảo thằng cha làm tới quan sở mà nói vui phết. Tới chiều cùng ngày, trên vài báo điện tử, ông Tấn lên giãi bày, phân trần rằng tôi không nói thế, báo viết như vậy là sai. Báo Lao Động phản hồi, nếu ông yêu cầu, chúng tôi sẽ công bố băng ghi âm. Chờ mãi tới tối, không thấy đương sự giám đốc Tấn lên tiếng lại. Dư luận bàn rằng, nếu báo sai, cần xử phạt thật nặng về tội vu khống bịa đặt. Nếu ông Tấn sai, cách chức, chứ quan lại vớ vẩn thế thì để làm gì cho ô uế bộ máy đã quá nhiều ô uế.
20.10
Cụ sư, đại lão hòa thượng, đệ tam pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ viên tịch (đứa cháu tôi hỏi viên tịch là gì, tôi bảo nghĩa là chết, từ trần). Ông bạn tôi ngoài Hà thành đã từng gặp hầu chuyện cụ nhiều lần, mắng tôi, mày phải nói là cụ dứt tuổi hạc về trời, về cõi phật, chứ đừng nói là chết. Cụ thọ 103 tuổi, bằng tuổi Võ đại tướng.
Tôi hồi bé từng thấy cụ Phổ Tuệ, khi đó mới chỉ sư ông, tu ở chùa Trà làng tôi, sau chuyển sang chùa Kim Đới, người thế chỗ cụ Tuệ ở chùa Trà là cụ sư Mẫn (Thích Quảng Mẫn). Trước khi mất, cụ Phổ Tuệ có di ngôn, dặn dò các đệ tử rằng “sau khi tôi theo hầu Phật tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ phải hết sức đơn giản, đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không nêu tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và công sức của tăng ni, phật tử”. Cụ còn dặn đang dịch dã như vầy càng cần phải giản dị, tiết kiệm. Chính hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN trưa nay cũng nhắc lại di ngôn này. Nhưng trên mạng xã hội thì lộ ra chiếc quan tài gỗ quý nguyên khối thấy bảo trị giá khoảng 8 tỉ đồng, rồi nhà chùa và giáo hội đã chuẩn bị đủ thứ rềnh rang lòe loẹt để làm trái di ngôn của cụ. Một người rành thế sự cho biết cái quan tài ấy người ta tự ý làm, giấu không cho cụ hay, chứ cụ không dính dáng gì. Ông hàng xóm nhà tôi nhận xét, cái giáo hội ấy lâu nay nó làm đủ thứ hủ bại, trong đó có cả việc tổn hai thanh danh của những người như cụ Tuệ.
9.11
Nhân chuyện ông bộ trưởng Tô Lâm đang nức tiếng khắp nước trong nước ngoài vụ xơi thịt bò dát vàng bên Anh, đang lúc dịch vẫn còn căng, lại thấy người ta kỷ niệm ngày sinh của ông tổ cộng sản Các Mác, nhà thơ Nguyễn Duy viết bài “Thịt bò và thần tượng”, đọc cảm nhận sâu xa và chua chát lắm. Bác Duy viết:
Ngài bộ trưởng xơi miếng thịt bò dát vàng
Thấm tháp gì đâu mà ầm ĩ thế
Món thịt bò dát vàng như muối rắc bể
Nếu đem so món thần tượng dát vàng
Thịt bò dát vàng trả bằng tiền suông
Thần tượng dát vàng trả bằng xương máu.
Nguyễn Thông (ghi)