Những tháng ngày đen tối (kỳ 18)

0
4
Từ nửa đêm, dòng người và xe máy xe đạp đã ken đặc các cửa ngõ ra khỏi thành phố. Nhiều tỉnh thành tuyên bố không đón người trở về.
Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
2.10
Kể từ hôm 30.9, khi Sài Gòn dỡ phong tỏa, bắt đầu làn sóng người làm thuê ở các khu công nghiệp bỏ chạy về quê. Họ hết chịu nổi sau 4 tháng sống như bị cầm tù, mất việc, hết tiền, nợ nần, đói kém, bệnh tật, căng thẳng. Khắp các cửa ngõ Sài Gòn, ngược ra bắc, xuôi về miền Tây, hàng đoàn người, vợ chồng con cái và đồ đạc nghèo nàn chất lên chiếc xe máy chạy trốn, trốn cái đói, trốn sự cùng quẫn. Nhiều người làm thuê suốt bao năm không sắm nổi xe máy đành phải đạp xe đạp. Thương nhất là những người đi bộ tay xách nách mang. Tài sản chả có gì, đem về cả chiếc quạt nát, chục móc nhôm phơi quần áo, cả mấy con chó con mèo. Có cô công nhân thất nghiệp ở Bình Dương còn rao bán chiếc ghế nhựa Duy Tân đã hơi cũ chỉ đáng hai ba chục nghìn bởi đã cạn túi, không còn tiền ăn đường. Không khác gì chị Dậu khi xưa bán chó bán con. Về quê, đường gần cũng vài trăm cây, đường xa tới hai nghìn cây số, liều cái thân ra đi chứ biết làm thế nào.

Hôm trước nó bảo chống dịch như chống giặc . Hôm sau nó lại bẩu sống chung với giặc . Mấy chục ngàn sinh mạng chết chả ai nhận thành tích này
Chính quyền lấy lý do phòng chống dịch tổ chức chốt chặn ở những cửa ngõ, những vùng giáp ranh, chăng dây thép gai, dựng hàng rào, ngăn dân di tản lại không cho qua. Ở Bình Chánh (Sài Gòn) và vùng giáp Long An đã có xung đột với cảnh sát. Nhiều người xếp hàng thắp hương quỳ lạy nhà chức việc. Có mấy bà bầu đẻ ngay trên đường về. Báo đăng đã có mấy vụ chết người do đi quá lâu quá mệt, yếu sức bị đụng xe. Rất thảm.
12.10
Tại cuộc họp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, ông Vương Đình Huệ chủ tịch Quốc hội trấn an “tiền trong dân còn khá nhiều, đừng lo, vấn đề là phải biết cách huy động”. Có nhẽ ông Huệ nhắc lại điều ấy để trấn an dư luận bởi mấy hôm trước, ông Phớc bộ trưởng tài chính rất lo lắng khi thông báo “ngân sách đã gần như cạn kiệt”.
Thực ra, việc luôn nghĩ rằng dân đang giàu ngầm, “tiềm năng thế mạnh” là túi tiền dân, vàng trong dân còn nhiều – ít nhất cũng tới 500 tấn… từng được nhiều cán bộ to bày tỏ trong những cuộc họp, nên suy nghĩ của ông Huệ chả phải mới mẻ gì. Chỉ có điều ông ta đang làm chủ tịch Quốc hội, ngôi tứ trụ, mà ăn nói thế trong lúc dân đang sống dở chết dở bởi dịch Vũ Hán, nghe cứ sường sượng, giống như ăn phải củ khoai hà khoai sùng đắng ngắt, nuốt không nổi.
Cao gọi điện bảo, mày ạ, nhiều đứa làm chính trị, bất tài vô hạnh, nhạt như nước ốc, có khi cả đời không được ai nhắc đến hoặc nhớ tới, nhưng nó chỉ cần một lần ngó vào túi dân là được dậy sóng ngay, thu hút ngay. Cao còn nhận xét, có khi đó là chiêu là mánh của chúng để nổi tiếng, giống như xưa kia ở La Mã có thằng Herostratus đốt đền thờ nữ thần Artemis, biết là điều điều cực kỳ tệ hại nhưng được người ta nhớ tới tên.
13.10
Mấy hôm trước, trên nhiều báo mậu dịch có hình ảnh ông thủ tướng Chính đi nơi này nơi khác kiểm tra tình hình phòng chống dịch, mặc chiếc áo sơ mi kaki đẫm mồ hôi. Đất phương nam nóng như thế, đẫm là chuyện không tránh khỏi. Hôm nay một số báo lại đăng câu nói của bà Thái Hương tại cuộc đại diện chính phủ gặp gỡ các nhà doanh nghiệp bàn cách phục hồi kinh tế. Bà Hương là chủ hãng sữa TH khá nổi tiếng, có chân trong nhiều ngân hàng, công ty… Đạt được ngôi vị thế là ổn rồi, cần quái gì phải nịnh nọt thêm. Bà Hương nịnh: “Hình ảnh áo sơ mi thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến”. Quả là căn bệnh nan y, khó chữa.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh viết: “Trong khi dân tả tơi/Thì quan nung núc thịt/Thậm chí mùi mồ hôi/Cũng có người yêu thích”. Công nhân thơ của y (Vinh) khiếp thật, chỉ vài câu mà nặng hơn bài đặc chữ nghìn trang giấy.
Số liệu do nhà nước công bố trên báo chí mậu dịch quốc doanh: Trong thời gian qua, số người từ các tỉnh thành phía nam (nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) bỏ về quê để trốn dịch trốn đói là: Nghệ An 87.000 người, Sóc Trăng 50.000, các tỉnh An Giang, Thừa Thiên-Huế, Kiên Giang mỗi tỉnh 40.000, Đồng Tháp 26.000, Cà Mau 20.000… Dân xứ Nghệ bỏ quê đi làm thuê đông nhất. Hàng chục vạn người đã thực hiện cuộc di tản khổng lồ, có lẽ chỉ kém 2 lần di tản trước vào năm 1954-1955 và sau 1975. Hai cuộc trước liên quan tới cộng sản, cuộc này thì do dịch.
Nguyễn Thông (ghi)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here