Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
1.10
Những người viết sử viết về Sài Gòn/TP.HCM nên đặc biệt quan tâm đến mốc thời gian này. Nó là ngày mốc không chỉ trong thực tế mà hằn sâu vào tình cảm, tinh thần con người, sau hơn 1 năm đối phó với dịch thế kỷ. Đầy nước mắt, bi thương, tuyệt vọng.
Ngày 1.10 – một ngày lịch sử với Sài Gòn, mà không chép chữ nào, họa chỉ có là gỗ đá mới dửng dưng.
Chính quyền Sài Gòn nới lỏng sự phong tỏa từ 0 giờ hôm nay. Lại bắt đầu cuộc chạy trốn dịch và trốn đói quy mô lần 2 của người lao động nhập cư. Từ nửa đêm, dòng người và xe máy xe đạp đã ken đặc các cửa ngõ ra khỏi thành phố. Nhiều tỉnh thành tuyên bố không đón người trở về. Theo báo Vietnamnet hôm 1.10, Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trả lời báo chí cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó “An Giang sẽ không tiếp nhận những trường hợp người dân ở các tỉnh thành tự phát trở về địa phương”. Ngay cả Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cũng khẳng định trong cuộc họp hôm ấy “An Giang không có chủ trương tiếp nhận người dân từ các tỉnh thành tự phát trở về địa phương”. Dân của tỉnh họ mà họ cũng không thương thì đừng nói gì đến yêu nước thương nòi.
Về vụ chạy trốn di tản nhân đạo này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Diện viết: “Họ làm ra của cải cho TP.HCM. Họ góp phần quan trọng để tổng thu nhập của TP.HCM dẫn đầu cả nước. Vậy nhưng TP đã không cho họ niềm tin. Mất niềm tin là mất hết”.
1.10
Ở tỉnh Quảng Ngãi, người dân chứng kiến và chụp lại được trên trời vệt sáng đỏ rực, dài và lớn, xuất hiện gần một phút mới tan. Như sao chổi. Trước đó, hôm 28.9 cũng có vệt như vậy, cũng ở Quảng Ngãi. Chả ai biết đó là thứ gì. Ông giám đốc đài khí tượng bảo lần đầu có hiện tượng này. Không ít người lên mạng bày tỏ lo lắng. Thời xưa, người ta nói với nhau cứ có sao chổi là có họa. Nay đã dịch rồi, còn gì nữa đây.
Rất nhiều người lên tiếng thể hiện sự thất vọng về cách chỉ đạo nhũng nhẵng nửa dơi nửa chuột của chính quyền, nhất là sau tuyên bố của tay phó chủ tịch Võ Văn Hoan rằng việc đi lại sẽ bình thường nhưng sẽ phạt những ai ra đường không có lý do chính đáng.
Ông hàng xóm nhà tôi cáu kỉnh chửi tục “thằng” Hoan (không tiện biên cụ thể ra đây). Tôi bảo ông không được nói bậy, thằng Hoan chỉ là đứa đầu sai, giơ đầu chịu báng, chứ không phải cá nhân nó dám quyết. Đau mắt là tại hướng đình/cả làng đều thế phải mình chi em. Nếu mắng, phải mắng cả đám chúng nó, thậm chí trên chúng nó. Hỏng từ nóc, sao lại chỉ kết án cái cột cái kèo.
Cách nay chưa lâu, dân chúng nghĩ Sài Gòn sẽ thay đổi khi có những nhân vật cai trị mới nhưng tới nay có nhẽ họ đã nhầm. Chẳng đổi thay gì. Đến ngay việc trả cái lư hương về cho Đức Thánh Trần, việc dễ thế, được lòng dân thế, mà còn không làm được, mong gì những việc trọng như Thủ Thiêm, Thanh Đa (vùng Thanh Đa bị quy hoạch treo đã gần nửa thế kỷ), xóa bỏ nhếch nhác lòng lề đường… Sài Gòn vẫn duy trì một bộ máy cầm quyền vô dụng, vô tích sự, hại dân kiểu Lê Thanh Hải, Nguyễn Thiện Nhân không có Nhân, Hải. Loại như Nguyễn Thành Phong, Võ Văn Hoan mà cầm đầu thành phố này thì chúng chỉ gây lụn bại.
Thằng con tôi vừa ra ngoài phố về, bảo sự tự do nửa vời hôm nay chỉ béo mấy ông cắt tóc, sửa xe. Đông nườm nượp. Thợ làm không ngơi tay. Nó chờ không được lại mò về. Tôi bảo nó: Xe thì thiếu điện bình/Người lại thừa râu tóc.
Người Sài Gòn kiểu nào cũng vất vả, ngay cả khi sắp được… sướng.
2.10
Khi dòng người lao động tha hương lũ lượt kéo nhau về quê để tìm đường sống sau mấy tháng bị cấm đoán, giam lỏng bởi chính sách chống dịch cực đoan của chính quyền, đã không biết thông cảm với dân, chia sẻ nỗi đau khốn cùng của họ, thì nhiều tờ báo, nhiều nhà báo mậu dịch quốc doanh lại về hùa với nhà cai trị, lên tiếng kết tội, chê trách bà con, nào là “tự ý về quê gây ùn tắc giao thông”, “tự phát vô ý thức rời TP.HCM gây khó cho chính quyền”, nào là tạo “nguy cơ đem dịch bệnh về quê”, “đã về quê tự phát, lại còn chống đối người thi hành công vụ”, v.v.. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (ghi)
———–
Hoàng Phan
Hôm trước nó bảo chống dịch như chống giặc . Hôm sau nó lại bẩu sống chung với giặc . Mấy chục ngàn sinh mạng chết chả ai nhận thành tích này .
Đặng Chiến Thắng
Hơn 4 vạn dân SG bị chết , vong hồn của họ nhất định sẽ không tha tội cho thằng đã ký chỉ thị 15 và 16.
Blue Techker Nice post. I learn something totally new and challenging on websites